Skip to main content

Xuất khẩu tiến sĩ ư - ‘lãng mạn’ quá !

tiensi1Xuất khẩu tiến sĩ, xin cứ tự nhiên. Chỉ sợ không xuất được. Người giỏi sẽ tự tìm việc làm, không chỉ trong nước mà khắp thế giới.


Gần đây, dư luận râm ran việc xuất khẩu tiến sĩ. Chuyện rất bình thường ở các nước, nhưng với Việt Nam, nghe có vẻ ‘lãng mạn"quá.

tiensi2
Không hiểu khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, vị tiến sĩ này sẽ có ích gì cho xã hội ?- Ảnh chụp màn hình Facebook

Trước hết là bằng cấp giáo dục Việt Nam chưa được quốc tế công nhận, ngoại trừ Lào và Campuchia nhưng chưa chắc gì họ đã chịu mua, dù rẻ. Kể cả khá nhiều tiến sĩ, dù có bằng nước ngoài cấp hẳn hoi nhưng toàn "tiến sĩ tốc hành", "tiến sĩ giấy", "tiến sĩ chạy"ngay Việt Nam còn chê nữa là nước ngoài.

Việt Nam hiện có gần 25.000 tiến sĩ và hơn 110.000 thạc sĩ. Tiến sĩ Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số lượng và xếp cuối bảng về chất lượng. Số bài báo công bố quốc tế và phát minh khoa học của gần 25.000 tiến sĩ Việt Nam, chưa bằng một trường đại học ở Thái Lan. Chỉ khoảng 40% tiến sĩ đang tham gia giảng dạy ; còn lại là viên chức nhà nước, đoàn thể. Số thành viên chính phủ Việt Nam có bằng tiến sĩ hơn gấp đôi Mỹ, gấp 5 Nhật. Còn Úc thì không có thành viên nào. Số lãnh đạo các tỉnh thành Việt Nam có bằng tiến sĩ càng áp đảo thế giới.
Bác sĩ Ng. khá nổi tiếng, bạn vong niên của tôi, từng tâm sự, nhiều bạn bè thắc mắc vì thấy anh chỉ là bác sĩ bình thường. Có người đề nghị "Sao không làm một cái ?". Khi anh trả lời là mình lớn tuổi, cũng không có thời gian thì được đảm bảo là sẽ có người đi học và thi thay, miễn là chịu chi tiền. Bây giờ vào bệnh viện, tiến sĩ-bác sĩ đông như quân Nguyên, bác sĩ trơn như anh là hàng hiếm, dù rằng trong số họ, nhiều người chưa thể là học trò của anh. Tôi cũng từng được bạn bè mời và nhờ giới thiệu người đi học tiến sĩ và thạc sĩ, đảm bảo đậu và có chi hoa hồng. Có trường đại học, mỗi năm "sản xuất" hơn 5.000 thạc sĩ. Số lượng tiến sĩ và thạc sĩ mỗi năm đều tăng rất ấn tượng, trên 10%.

Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất xám thực sự. Doanh nghiệp nào cũng thiếu nhân lực chủ chốt. Nhiều doanh nghiệp còn phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao gấp mấy lần. Bài toán nan giải về nhân lực hiện vẫn chưa thể giải quyết thì việc hàng ngàn tiến sĩ và thạc sĩ thất nghiệp là chuyện như đùa. Nó cũng cho thấy rõ rằng những học hàm, học vị kia thực chất không ai muốn "rinh về" để làm cảnh cả. Cái họ cần là người có năng lực thực sự, có khả năng thực hiện hiệu quả công việc chuyên môn, chứ không phải cái mác tiến sĩ hay giáo sư. Cũng vì thế, trong các doanh nghiệp tư nhân nghiêm túc và các liên doanh, người giỏi không sợ thất nghiệp, thậm chí doanh nghiệp còn phải tìm mọi cách o bế để giữ nhân tài.

Thử kiểm tra trình độ ngoại ngữ của tất cả tiến sĩ và thạc sĩ Việt Nam xem sao ? Tôi e rằng hơn một nửa chưa đạt yêu cầu, cá biệt nhiều trường hợp mù ngoại ngữ. Vậy thì khi được xuất khẩu, họ sẽ làm việc thế nào, chả lẽ lại phải kèm thêm một phiên dịch ?

Xuất khẩu tiến sĩ, xin cứ tự nhiên. Chỉ sợ không xuất được. Người giỏi sẽ tự tìm việc làm, không chỉ trong nước mà khắp thế giới. Chỉ cần vào mạng, tiếp cận thông tin, chọn và gởi hồ sơ, chờ phỏng vấn là lên đường. Việc này, nhiều lao động bình thường, có ngoại ngữ, đang làm khá tốt. Dọc đường du lịch, tôi đã gặp nhiều bạn trẻ Việt Nam tìm được việc làm qua phỏng vấn trên mạng.
Nhà nước, nếu có tham gia, chỉ là tạo điều kiện chứ không thể làm thay, gom tiến sĩ rồi rao bán. Không chừng, lợi bất cập hại vì lòi ra toàn tiến sĩ dỏm, không ai dám mua, cho không chưa chắc đã dám nhận. Làm rạng danh Việt Nam đâu chưa thấy, coi chừng thiên hạ xem khinh tiến sĩ Việt Nam thì nhục. Ngay cả số tiến sĩ, thạc sĩ của Lào và Campuchia được đào tạo tại Việt Nam, trình độ cũng ăn đứt. Bởi sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam, họ thường tiếp tục tu nghiệp ở các nước phát triển.

Đã gọi là xuất khẩu thì hàng phải chất lượng. Tiến sĩ xuất khẩu lại càng phải nghiêm ngặt. Nhà nước và cả dư luận không ai cấm đoán hay làm khó dễ. Bởi đó là xu thế chung của thế giới hội nhập.

Chung Dung

Theo Thanh Niên Online, 16/09/2015

Tác giả là một doanh nhân ngành du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

*************************

Đọc thêm :

Vật vờ nghiên cứu khoa học  
(Đăng Nguyên - Hà Ánh)

Nhiều năm qua, mỗi năm nhà nước chi 2% ngân sách (khoảng 13.000 tỉ đồng) cho nghiên cứu khoa học - tỷ lệ này không thấp so với một số quốc gia có nền khoa học phát triển. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nghiên cứu khoa học của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư đó.

Yếu và thiếu
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Trường Đại học New South Wales (Úc), dựa trên bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO) Việt Nam đứng hạng 76 trên 141 nước về khả năng sáng tạo và cách tân. Thứ hạng của Malaysia là 65, Thái Lan là 57, và Singapore 3. Theo báo cáo của UNESCO giai đoạn 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam đăng ký được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế, có năm không có bằng sáng chế nào.
Các chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước trong vùng. Cũng theo báo cáo của UNESCO năm 2011, Việt Nam đứng hạng 106 trên 145 về kinh tế tri thức. So với năm 1995, thứ hạng của Việt Nam tăng 14 bậc. Song so với các nước tương đương trong vùng, kinh tế tri thức của Việt Nam thấp nhất (Indonesia hạng 103, Philippines hạng 89, Thái Lan 63, Malaysia 48 và Singapore hạng 19). Việt Nam thậm chí còn ở thứ hạng thấp hơn cả Fiji (hạng 86). Đấy là chưa kể chúng ta chưa có Đại học nào nằm trong danh sách Đại học hàng đầu thế giới. Trong khi, riêng khối ASEAN, 11 trường thuộc 5 nước : Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore có tên trong danh sách "Top 400".

tiensi3
Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ nghiên cứu khoa học - Ảnh : Hà Ánh

Tính trên việc nghiên cứu khoa học ở tầm quốc gia, các đề tài còn rất thiếu. Báo cáo của Bộ Khoa học - Công nghệ cho thấy tuy ngân sách nhà nước dành 2% tổng chi cho nghiên cứu khoa học nhưng tiền luôn nằm trong kho bạc và thường không sử dụng được hết nên đành phải trả lại.

Giảng viên thờ ơ
nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc của giảng viên. Tuy nhiên, công việc này của giảng viên hiện đang ở mức báo động.
Theo số liệu tổng hợp từ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 512 giảng viên của trường thì chỉ có 173 người đạt định mức lao động nghiên cứu khoa học. Điều đáng nói, trong số 339 giảng viên không đạt định mức thì có tới 306 người số giờ nghiên cứu khoa học bằng 0, tức không tham gia hoạt động nghiên cứu nào.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đình Nghiệm, Trưởng phòng Quản lý khoa học - dự án Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết : "Việc nghiên cứu khoa học trong giảng viên hiện nay chưa đều, với giảng viên là giáo sư, phó giáo sư thì năm nào cũng có công trình. Ngược lại, cũng có nhiều giảng viên chưa dành thời gian cho nghiên cứu khoa học". Tiến sĩ Ung Thị Minh Lệ, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho hay : "Trong số khoảng 600 giảng viên cơ hữu của trường mỗi năm có khoảng 2/3 giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và đáp ứng định mức thời gian theo quy định". Giáo sư Tiến sĩ Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, khẳng định : "Hiện tại trường chỉ có khoảng 5% trong tổng số giảng viên thực sự dành thời gian cho nghiên cứu khoa học và mang lại những hiệu quả cụ thể". 

Chạy theo phong trào
Chính vì thực trạng này mà theo báo cáo của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo qua số liệu từ 40 trường Đại học trong cả nước tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ trong tổng nguồn tài chính của các trường là 3,92%. So với Nghị quyết của Chính phủ mới chỉ bằng 26% mục tiêu đề ra. Trong nguồn thu này, các trường thuộc khối kỹ thuật công nghệ chiếm tới 77,28%, tiếp đến là khối các Đại học, còn các khối khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, đặc biệt khối trường kinh tế chưa có nguồn thu từ hoạt động triển khai, chuyển giao công nghệ và bán sản phẩm. Đối với các trường Đại học địa phương, ngoài doanh thu từ hoạt động triển khai và chuyển giao kết quả nghiên cứu bằng không, đóng góp trực tiếp vào ngân sách nhà nước của các trường này cũng bằng không.
Một tổng hợp khác từ báo cáo của 34 trường Đại học giai đoạn 2006 - 2009 cho thấy, các trường chỉ có 248 đề tài cấp nhà nước ; 1.823 đề tài cấp bộ ; 5.505 đề tài cấp trường. Nghĩa là trong một năm, trung bình một trường chỉ thực hiện được khoảng 2 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ và 54 đề tài cấp trường. Đó là chưa kể trong số này còn có nhiều đề tài "cắt dán", thiếu tầm vóc. Hiệu trưởng một trường Đại học lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, từng là giám khảo nhiều cuộc thi có liên quan đến nghiên cứu khoa học, thẳng thắn : "Hiện nay rất nhiều trường Đại học tuyên bố đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, rất nhiều trường trong số đó chỉ làm theo phong trào, chạy theo số lượng chứ không hẳn là chất lượng".

Khan hiếm bài báo khoa học quốc tế
Bài báo được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế có thể nói là kết quả cao nhất trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên. Tuy nhiên, phần lớn các trường không có vinh dự này.
Được xem là một trong những Đại học mạnh về nghiên cứu khoa học thế nhưng, trong năm 2011 cả Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 773 bài được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu, trong đó chỉ có 173 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế với 142 bài thuộc danh sách ISI (Viện Thông tin khoa học). Trong đó, chưa có bài nào về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nằm trong danh sách ISI. Trường Đại học Quốc tế có tỷ lệ cao nhất trong hệ thống các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với số bài báo khoa học quốc tế/tiến sĩ năm 2011 là 0,77. Mỗi năm, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng có trung bình khoảng 13 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.
Tại hội thảo khoa học quốc tế diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2011, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, nhận xét : "Một điều rất nghịch lý ở Việt Nam là các nghiên cứu về khoa học xã hội hiện diện trên các tạp chí trong nước rất nhiều nhưng lại xuất hiện rất ít trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ví dụ, năm 2004 có tới 8.408 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí và kỷ yếu trong nước thì có đến 4.345 bài về khoa học xã hội. Trong đó chưa tới 10 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Thống kê giai đoạn 1996 - 2005 cho thấy, trong tổng số 3.456 bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tạp chí quốc tế chỉ có 69 bài (chiếm khoảng 2%) liên quan đến khoa học xã hội".
Tách rời giảng dạy và nghiên cứu
Tại hội nghị "Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế" (diễn ra ngày 9.11, tại Đại học Quốc gia TPHCM), các đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến những thách thức lớn đối với sự phát triển của khoa học - công nghệ là sự tách rời giữa các trường Đại học và các viện nghiên cứu. Hiện nay có đến 71 viện nghiên cứu được phép đào tạo bậc thạc sĩ và cấp bằng tiến sĩ trực thuộc chính phủ và các bộ ngành khác nhau nhưng lại không có dính dáng gì với các trường Đại học.
Gần đây, nhà nước kêu gọi sự gắn kết hơn nữa giữa các trường Đại học và viện nghiên cứu nhưng do chưa có hành lang pháp lý phù hợp cũng như chưa có cơ chế khuyến khích nên việc hợp tác này cũng chỉ mới dừng lại ở việc trao đổi cán bộ thỉnh giảng. Một số ý kiến đề xuất sáp nhập các viện nghiên cứu vào các trường Đại học để nâng cao năng lực và tận dụng nguồn lực hiện có nhưng việc này không thể thực hiện được vì vấp phải sự phản ứng gay gắt của các viện. Theo Giáo sư Martin Hayden (người Úc), lãnh đạo nhóm tư vấn quốc tế cho Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam, tác động của việc thiếu mối gắn kết mạnh mẽ giữa giảng dạy với nghiên cứu dẫn đến kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam nghèo nàn so với các nước trong vùng.
 Đăng Nguyên - Hà Ánh
Theo Thanh Niên Online, 04/12/2012
***********************

Vật vờ nghiên cứu khoa học - Nhiều tiến
sĩ, ít phát minh 

(Vũ Thơ)

Hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế.

Công trình chuẩn khoa học trong nước cũng rất hiếm
Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, hiện nay cả nước có 24.300 tiến sĩ (Tiến sĩ) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó Tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết : "Số giáo sư, Tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường Đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường Đại học hàng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước gần 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng số lượng của một trường Đại học ở Thái Lan".
Thống kê của Bộ khoa học công nghệ và các chuyên gia cho thấy trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế ; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế ; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.
Tại buổi đóng góp ý kiến cho luật khoa học công nghệ sửa đổi vào tháng 10 năm nay tại Hà Nội, Tiến sĩ San nhấn mạnh : "Chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học, tức là những người lao động quên mình trong khoa học và được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học quốc tế tầm cỡ". Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Phó chủ tịch VUSTA, cũng cho rằng : "Ngay các công trình chuẩn khoa học của nước nhà cũng rất ít. Việt Nam chưa bao giờ thống kê được có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm đề tài đó được ứng dụng trong cuộc sống. Người làm đề tài ít để ý cái mình làm có bị trùng hay không. Thậm chí, người đi sau làm trùng đề tài lại được đánh giá tốt hơn…".
tiensi4
Giảng viên Ngô Thị Thanh Bình, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra "mô hình chiết rót đóng nắp chai tự động". Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường - Ảnh : Đào Ngọc Thạch

Đề tài cũ hơn thế giới vài chục năm
Trong một diễn đàn hiến kế cho khoa học công nghệ vào tháng 10.2005, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Xuân Thi, Viện Nghiên cứu cơ khí, cho rằng : "Tuyệt đại nội dung các đề tài mà chúng ta tiến hành nghiên cứu là ứng dụng những thành tựu của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những vấn đề mà chúng ta chọn làm mục tiêu nghiên cứu đối với thế giới thường là quá cũ, có khi cũ đến hai, ba hoặc cũng có thể tới bốn chục năm. Tên đề tài thường chung chung, không có giới hạn cụ thể. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất có lẽ chỉ khoảng vài ba phần trăm. Đề cương nghiên cứu của đề tài thường "rộng", nhiều nội dung nhưng kết quả đạt được thì quá khiêm tốn, lặp đi lặp lại, bảo vệ đạt "xuất sắc" nhưng không để làm gì ngoài việc nộp cho Bộ khoa học công nghệ và gấp bỏ tủ !".
Tại hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới hoạt động khoa học công nghệ vào tháng 1.2010 tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Duy Huân, Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh, thẳng thắn nhận xét : "Các kết quả nghiên cứu của các đề tài khối ngành kinh tế đạt loại giỏi, loại xuất sắc không có tính triển khai ứng dụng, nên không được các doanh nghiệp mua, thậm chí không được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Hầu hết các đề tài nghiệm thu xong bỏ vào tủ lưu giữ trong phòng quản lý khoa học dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Điều này gây lãng phí lớn hàng chục tỉ đồng cho ngân sách nhà nước".
Lãng phí đầu tư
Bộ trưởng Bộ khoa học công nghệ Nguyễn Quân cho biết : "Chúng ta hình dung trong 2% ngân sách nhà nước (khoảng 13.000 tỉ đồng) chi cho khoa học công nghệ, thì 90% trong số này dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Tức nguồn này chủ yếu để nuôi sống bộ máy các cơ quan nghiên cứu của nhà nước (hơn 60.000 người làm nghiên cứu khoa học và 1.600 tổ chức khoa học công nghệ từ trung ương đến địa phương) và đầu tư trang thiết bị... Trong khi phần dành cho hoạt động nghiên cứu chỉ 10% thôi (của 13.000 tỉ đồng) và chi cho tất cả các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ đến cấp tỉnh, cấp cơ sở...". Ông Quân nhấn mạnh : "Kinh phí nói trên dàn trải. Nguồn ngân sách thì ít trong khi số người và số tổ chức rất lớn. Chính vì thế không có điều kiện tập trung đầu tư cho một sản phẩm nào cho đến khi trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia được".

Trường Đại học không đóng góp nhiều cho nghiên cứu khoa học
Nước ta hiện có hơn 400 trường Đại học, Cao đẳng với hơn 7.000 Tiến sĩ. Với số lượng này, giáo dục Đại học là nơi cung cấp một lực lượng lớn cán bộ trình độ cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ khoa học công nghệ thì một bộ phận không nhỏ nhân lực trình độ cao không trực tiếp làm nghiên cứu và phát triển, nhất là các Giáo sư, Phó Giáo sư và giảng viên trong các trường Đại học. Bộ trưởng Bộ khoa học công nghệ Nguyễn Quân cho rằng : "Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường Đại học". Là nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ nhưng các trường Đại học hiện nay gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước, trong khi các trường Đại học trên thế giới lại là nơi sản sinh ra các giải Nobel, sáng chế...
Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, mỗi giảng viên Đại học ngoài việc đảm bảo 900 giờ giảng dạy phải có 500 giờ dành cho nghiên cứu khoa học/năm. Đối với Giáo sư, Phó Giáo sư và giảng viên chính thì số giờ dành cho nghiên cứu khoa học từ 600 - 700 giờ/năm. Tuy nhiên, hiện nay đa số giảng viên các trường Đại học chỉ đào tạo mà không nghiên cứu khoa học. Các trường Đại học không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp. Việc nghiên cứu chỉ được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy.
Vũ Thơ
Theo Thanh Niên Online, 05/12/2012

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...