Skip to main content

“Tự” ứng cử

TS Nguyễn Quang A
TS Nguyễn Quang A
Lẽ ra việc Tiến sĩ Nguyễn Quang A ứng cử Đại biểu quốc hội là rất bình thường. Vì Hiến Pháp của đảng cộng sản Việt Nam đã được Quốc hội (cũng của đảng cộng sản Việt Nam) biểu quyết, không cấm. Nhưng ở Việt Nam là một vấn đề còn mới và lạ. Cái “mới” và “lạ” nằm ở chữ “Tự”. “Tự” ứng cử! Điều nầy cho thấy việc ứng cử phải được “ai đó” cho phép chứ không thể “Tự”. “Ai đó” ở đây là Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức đang do một Uỷ viên Bộ Chính trị đảm trách! Như vậy thì chỉ có đảng CSVN có quyền quyết định tối hậu ai là người được quyền ứng cử!
Vì thế đang có tranh luận sôi nổi.
Một bên cho là chính đảng CSVN đã vi phạm Hiến Pháp của họ, do đó “tự” nộp đơn xin ứng cử là chấp nhận chế độ cộng sản hợp pháp, chấp nhận việc vi hiến của đảng CSVN. Là đồng lõa với sai trái. Là đi ngược với chủ trương tranh đấu chống độc tài, đảng trị.
Bên khác, như giải thích của chính Tiến sĩ Nguyễn Quang A là, “thờ ơ, thụ động là ngầm ủng hộ cái hiện trạng phi dân chủ”! Do đó “tự” ứng cử “là tạo ra phong trào để người dân biết bầu cử là thế nào, dân chủ là ra sao”. Là dấn thân hoạt động giúp người dân hiểu biết cụ thể về Dân chủ. Việc tham gia điều hành đất nước là quyền công dân chứ không phải là riêng của đảng CSVN. Do đó “tự” ứng cử thì “chỉ có thắng, không có thua”!
Một bên chủ trương tẩy chay bầu cử, bất tuân dân sự. Một bên chủ trương ngược lại, là trực tiếp tham gia ứng cử, bầu cử, công khai chương trình hành động, để đánh thức não trạng thờ ơ của xã hội.
Cả hai phương pháp rõ ràng đều mang tính tích cực.
Yếu tố tích cực đầu tiên là đang có tranh luận công khai. Lập trường minh bạch. Điều nầy trái ngược hoàn toàn với những người được đảng cử về ứng cử tại một địa phương nào đó mà đôi lúc người địa phương không hề biết mặt, không hề có chủ trương riêng, vì mục đích của ứng viên đó chỉ là thi hành lệnh của đảng.
Với hành động “bất tuân dân sự” không có kết quả như mong đợi trên 40 năm qua nên đất nước đang bị tụt hậu rất xa so với láng giềng. Hậu quả trước mắt là mỗi người Việt Nam, kể cả trẻ thơ chào đời, đều cõng trên lưng món nợ hơn 1000 đô la Mỹ và chắc chắn sẽ tăng lên rất nhanh (!) trong lúc cán bộ quan chức thì tiền của không giấu đâu cho hết! Con cháu họ thì được đào tạo tại phương Tây, đồng thời tìm cách tẩu tán tài sản, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Như vậy thì phương pháp “bất tuân dân sự” coi như thất bại nên việc đảng cử dân bầu cứ đến hẹn lại lên! Chế độ biết rõ như thế nhưng yên lặng, vì có lợi cho họ, nên họ chấp nhận việc chỉ cần một người trong gia đình bầu thay cho tất cả, và đại đa số đã chọn cách đi bầu, vì họ không muốn bị địa phương theo dõi làm khó dễ!
Bây giờ, theo sự khởi xướng của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, “tự” ứng cử, công khai cương lĩnh hành động (theo kiểu tranh cử ở phương Tây) và kêu gọi “tự” ra ứng cử, bầu cử. Chắc chắn ông, cũng như mọi người, chẳng mấy ai tin là sẽ được đề cử, còn nói gì đến trúng cử (!)
Nhưng rõ ràng đây là một cách tiếp cận mới để cố gắng giải quyết nan đề vô cảm của xã hội với chính trị! Thành hay bại chưa thể biết, nhưng phương pháp tranh đấu cũ (bất tuân dân sự) đã không hề làm thay đổi được sự ngoan cố của chế độ cộng sản thì tại sao không thay đổi phương pháp hành động?
Qua câu nói của Tổng Bí thư mới tái đắc cử, Nguyễn Phú Trọng, là “dân chủ đến thế là cùng” đã cho thấy tính chất bất di bất dịch trong não trạng của lãnh đạo cộng sản! Dám nói như thế thì rõ ràng họ không còn là con người bình thường! Vì nếu là con người bình thường, có chút liêm sỉ, chắc chắn không một ai đủ can đảm nói như thế cả!
Do đó dùng phương pháp đấu tranh bình thường (bất tuân dân sự) chỉ có tác dụng với các thể chế bình thường, còn đối với chế độ cộng sản thì vô phương. Như đã thất bại từ 40 năm qua!
Vì thế tại sao không thử cùng nhau áp dụng phương pháp mới? Cùng nhau “tự” ứng cử, tự đưa ra cương lĩnh hành động, tranh cử công khai, để giúp thay đổi não trạng thờ ơ với chính trị mà đảng cộng sản đã và đang vừa hăm dọa, vừa đầu độc trong xã hội?
Vấn đề còn lại là, nếu một số người nào đó thoát qua cửa ải sàng lọc của Mặt trận Tổ quốc (dĩ nhiên với một âm mưu nào đó của đảng) và đắc cử thì những Tân Đại biểu Quốc hội đó sẽ làm được gì với cương lĩnh hành động đã công bố khi ra tranh cử (?) khi phải đối đầu với 80 hay 90 % các đại biểu đảng viên?
Chắc chắn sẽ chẳng thực hiện được gì (!) trong lúc đó thì chế độ cộng sản có cơ hội tuyên truyền là Việt Nam đã có một Quốc Hội được ứng cử bầu cử “thực sự” Dân chủ Tự do! Vì họ “tôn trọng Hiến pháp”, “hoàn toàn” không cấm việc ứng cử của các ứng viên độc lập!
Đến lúc đó thì các Tân Đại biểu “tự” ứng cử sẽ phản ứng ra sao?
Có thể là:
- hoặc, Quốc hội Việt Nam sẽ tạo ra đủ mọi chứng cớ (có thể có được) để áp dụng đúng “Hiến pháp, theo điều a, b, c, d…” để bãi nhiệm chức Đại biểu, như đã xảy ra vài trường hợp.
- hoặc, các Tân Đại biểu “tự” ứng cử thấy vô phương tranh đấu tại Diễn đàn Quốc hội nên Từ Chức Tập Thể để phản đối!
Và nếu Từ Chức Tập Thể như thế thì Quốc hội Việt Nam sẽ chẳng có gì thay đổi. Vẫn như cũ. Vẫn “bình chưn như vại”!
Có điều, về mặt phản ứng của xã hội lúc đó cũng như của thế giới phải khác! Vì chắc chắn xã hội đã thức tỉnh tốt hơn và sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn. Nhưng kết quả như thế nào thì rất khó có thể tiên đoán.
Và biết đâu, tại sao không hy vọng là “Tức nước ắt vỡ bờ”?
Do đó nên “tự” tham gia ứng cử, bầu cử. Vì, “chỉ có thắng, không có thua”?
(Feb 15th, 2016)
© Kông Kông
© Đàn Chim Việt


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG KHI TRÚNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ 14.
Họ và tên : NGUYỄN THUÝ HẠNH
Ngày sinh : 25 – 5 -1963
Địa chỉ: Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
(Sơ yếu lý lịch kèm theo )
Kính thưa các quý vị cử tri, tôi xin đưa ra chương trình hành động khi trúng cử đại biểu quốc hội như sau :
A. BẢO VỆ CHỦ QUYỀN
Nhận thấy rằng đất nước đang trong tình trạng chủ quyền bị đe dọa và xâm phạm nghiêm trọng. Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, họ công khai đưa ra đường lưỡi bò để âm mưu chiếm đoạt toàn bộ biển Đông, liên tục xâm phạm chủ quyền biển đảo VN bằng cách đưa giàn khoan vào vùng lãnh hải VN, đâm chìm tàu cá và đàn áp ngư dân VN, xây dựng các căn cứ quân sự trái phép trên các đảo mà chúng chiếm đóng, thường xuyên cho máy bay xâm phạm vào vùng trời của VN.
Nếu được trúng cử, tôi nguyện sẽ dành công sức và tâm huyết để:
1/ Đề nghị quốc hội thống nhất và giao cho Chính phủ trình và ký Hồ sơ Kiện Trung Quốc ra toà án Quốc tế về việc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 1/1974. Theo luật Quốc tế thì chỉ còn thời hạn 8 năm cho VN kiện đòi Hoàng Sa.
2/ Đề nghị Quốc tế hoá vấn đề chủ quyền, bẻ gãy ý chí “song phương” mà Trung Quốc ép chúng ta. Sử dụng các diễn đàn học thuật, kinh tế, đa phương, để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế đối với chính nghĩa của VN trong vấn đề chủ quyền.
3/ Xã hội hoá, để mỗi người dân trên đất nước có trách nhiệm và quyền lợi được đóng góp cụ thể vào việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và khích lệ lòng yêu nước. Thúc đẩy QH nhanh chóng ra luật biểu tình để người dân được quyền bày tỏ tình cảm và nguyện vọng của mình trước các vấn đề xã hội và chính trị quan trọng.
4/ Công khai hoá vấn đề chủ quyền, để mỗi người dân hiểu rõ thực trạng và tình hình chủ quyền của VN trên biển và trên đất liền đã bị xâm phạm như thế nào, không giấu giếm các vấn đề về chủ quyền (trong phạm vi không phải là bí mật quốc gia).
5/ Phi nhạy cảm hoá. Xoá bỏ việc cấm kỵ khi nhắc đến vấn đề chủ quyền. Báo chí không bị nhắc nhở gọi “tầu lạ”, “người lạ”… Đưa vào chương trình sách giáo khoa cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 2/1979, Hoàng Sa 19/1/1974, và Gạc Ma 14/3/1988, tổ chức kỷ niệm những sự kiện này, tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống khi chiến đấu giữ gìn biển đảo và biên cương.
6/ Đề nghị quốc hội đẩy mạnh lộ trình thoát ra khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực kinh tế bằng các biện pháp: Giảm lệ thuộc vào nhà thầu TQ, giảm nhập siêu đặc biệt là nguyên phụ liệu, và máy móc lỗi thời từ TQ, xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh, có các chính sách công bằng giữa các khối doanh nghiệp…
Giải quyết vấn đề lao động thủ công Trung Quốc tràn ngập tại Việt Nam gây mất ổn định an ninh và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam. Giải quyết vấn đề hàng hóa tiêu dùng độc hại của Trung Quốc đang hàng ngày hủy hoại sức khỏe và tính mạng của người dân Việt Nam.
B. BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ.
Tại Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới chưa được xem trọng, nạn bạo hành gia đình mà phụ nữ là nạn nhân vẫn còn phổ biến, nạn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài không được đẩy lùi. Do xã hội xuống cấp và đời sống khó khăn, nhiều phụ nữ phải chấp nhận phó thác cuộc đời cho những rủi ro lấy chồng ngoại qua những trung tâm môi giới phi pháp. Nhiều phụ nữ khác phải ra nước ngoài hành nghề mại dâm.
Để bảo vệ người phụ nữ, tôi sẽ đề nghị quốc hội lập ra những điều luật nghiêm khắc ngăn chặn nạn bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội mà phụ nữ là nạn nhân. Xử lý triệt để các tổ chức buôn bán và môi giới phi pháp phụ nữ và trẻ em. Tạo ra nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ. Thúc đẩy các chính sách giáo dục, văn hoá để nâng cao ý thức tôn trọng phẩm giá của người phụ nữ, giúp phụ nữ ý thức được giá trị bản thân. Lập các trung tâm tư vấn pháp lý đầy đủ cho những người phụ nữ muốn lấy chồng ngoại.
Trên đây là các vấn đề tôi quan tâm. Nếu trúng cử đại biểu quốc hội khóa 14, tôi xin đảm bảo rằng, dù khó khăn như thế nào thì đây cũng là những nhiệm vụ hàng đầu của tôi trong kỳ quốc hội khoá 14 này.
Mong được mọi người ủng hộ.
Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các vị cử tri.
NGUYỄN THUÝ HẠNH

TUYÊN BỐ CỦA CÔNG DÂN NGUYỄN TƯỜNG THỤY VỀ VIỆC TỰ ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA 14
Tôi: Nguyễn Tường Thụy;
Sinh năm 1952 (năm sinh theo hồ sơ về hưu là 1950 do cơ quan tôi công tác làm. Tôi phải ghi chú điều này vì nó mâu thuẫn với bằng đại học của tôi)
(Có hình kèm theo)
Số nhà 11 Tổ Quỳnh Lân, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội;
Điện thoại: 0983485952;
Cựu chiến binh (đã rời khỏi Hội Cựu chiến binh Việt Nam);
Cử nhân kinh tế;
Công việc hiện nay: Làm thơ, viết văn, viết báo tự do;
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A tuyên bố ra ứng cử vào Quốc hội khóa 14, ngay sau đó, ngày 5/2/2016, tôi cũng đã bày tỏ ý định của mình trên mạng internet sẽ ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Nay tôi chính thức tuyên bố về việc tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14 như sau:
1. Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Nhìn vào tâm huyết và khả năng của nhiều đại biểu quốc hội trong 13 khóa qua, tôi thấy mình cần phải vào Quốc hội để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tôi biết việc công dân tự ứng cử, khả năng trúng cử là rất thấp, tỉ lệ từ 0,2 đến 0,8%. Những con số đó khác không (0) và như vậy, khả năng trúng cử của người tự ứng cử vẫn có và tôi hy vọng sẽ trúng cử.
Tôi không ứng cử để chơi, để “cọ xát” mà là một việc làm nghiêm túc, với mong muốn có thêm cơ hội để cống hiến cho Đất nước, cho Dân tộc. Nếu không trúng thì cũng không thể gọi là thất bại. Nó có tác dụng đánh thức người dân vốn xưa nay bàng quan với chính trị biết được quyền và nghĩa vụ công dân, biết được thực trạng dân chủ ở Việt Nam hiện nay.
2. Với việc tự ứng cử, tôi không có ý định gây khó hay thách thức ai. Những ai cảm thấy bị gây khó hay thách thức không phải là người đàng hoàng mà là những kẻ có lòng dạ đen tối vì quyền tự ứng cử là quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp ghi nhận.
3. Việc ứng cử vào Quốc hội không có nghĩa là tôi chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CSVN (thể hiện trong điều 4 Hiến pháp) cũng như những điều khoản bất cập khác. Vì trên thực tế, mỗi khi thông qua Hiến pháp, vẫn còn những đại biểu không đồng ý điều này điều khác. Sự không đồng ý ấy không có nghĩa là những đại biểu đó phải rời khỏi Quốc hội, cũng như việc công dân không đồng ý điều này điều khác của Hiến pháp không có nghĩa là công dân ấy phải ra nước ngoài ở.
4. Thực trạng chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước lúc này rất đáng lo ngại. Tham nhũng vẫn là một vấn nạn nhức nhối, ngang nhiên thách thức nhân dân, thách thức sự phát triển xã hội. Tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch với dân không được cải thiện. Lối làm việc vô cảm, xa rời thực tế, sống xa rời dân đã phân hóa xã hội thành hai tầng lớp: kẻ thống trị và người bị trị. Việc chà đạp lên pháp luật, bao che cho nhau từ trung ương đến cơ sở, ức hiếp dân lành đã gây nên nỗi thống khổ cho biết bao người lương thiện. Hệ thống chính trị nát từ trên xuống dưới, ngôi nhà dột ngay từ nóc đã lâu. Biển đảo luôn luôn bị Trung Cộng uy hiếp, ngư dân mất ngư trường, bị bắt cóc, bị đòi tiền chuộc, bị đánh đập thậm chí bị bắn giết. Nợ công lên tới mức nguy hiểm. Nền kinh tế mục ruỗng có thể sập bất cứ lúc nào, Việt Nam đang ở vào vùng trũng của thế giới về tiêu chí tổng hợp và về mọi mặt.
Quốc hội được coi là “vật trang trí” (chữ dùng của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội khóa 7). Tỉ lệ đảng viên trong Quốc hội tới 90%, cộng với lối bầu cử theo hình thức đảng cử dân bầu nên được coi là Quốc hội của Đảng CSVN chứ không phải của dân. Hoạt động của Quốc hội nặng về hình thức, chất lượng phản biện, chất lượng chất vấn rất kém. Không chỉ quan chức, đại biểu quốc hội cũng rất xa rời dân.
Hiện thực ấy khiến tôi càng nôn nóng muốn cống hiến cho dân cho nước được nhiều hơn. Vì vậy tôi muốn làm đại biểu quốc hội có thêm cơ hội cất lên tiếng nói của dân, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và Chính phủ, góp phần khắc phục thực trạng xã hội mà tôi vừa nêu trên.
5. Luật Tổ chức Quốc hội qui định tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội như sau:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Căn cứ vào tiêu chuẩn nêu trên, tôi thấy mình hoàn toàn đáp ứng được để trở thành đại biểu quốc hội:
Về tiêu chuẩn thứ nhất: Tôi luôn luôn chấp hành pháp luật và chỉ làm những gì luật pháp không cấm, đồng thời tuyên truyền cho người khác về tinh thần này. Tuy tôi bị công an bắt hơn 10 lần trong đó có 2 lần xông vào nhà bắt, phá cửa, còn lại là do tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhưng đó là công an vi phạm pháp luật chứ không phải là tôi nên họ phải thả tôi về. Tôi đã có những việc làm cụ thể và viết bài cổ vũ cho tinh thần yêu nước, cho hòa giải hòa hợp dân tộc; chống những hành vi cản trở sự phát triển của đất nước.
Về tiêu chuẩn thứ hai: Tôi là người cha có trách nhiện với gia đình, hết lòng thương yêu vợ con. Tôi không làm điều gì vi phạm pháp luật. Tôi đã tố cáo và viết nhiều bài báo lên án những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của những cán bộ, nhân viên cơ quan công quyền cũng như lối sống phi đạo đức khác.
Về tiêu chuẩn thứ ba: Tôi đã tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc dân. Tôi luôn luôn tự nâng cao kiến thức về các lĩnh vực khác như pháp luật, báo chí để làm việc có hiệu quả hơn. Sức khỏe vẫn đang cho phép tôi làm việc với cường độ cao. Tôi có khả năng sử dụng kiến thức pháp luật để phản biện những quyết định sai trái của cơ quan nhà nước, hướng dẫn người khác biết quyền và nghĩa vụ công dân. Một ví dụ là năm 2003, tôi đại diện cho bà con nơi tôi ở căn cứ vào các qui định của pháp luật khiếu nại từ cơ sở đến trung ương về việc chính quyền thông báo cưỡng chế không đền bù 15 mét hai bên đường, trong đó có 7 nhà bị giải tỏa hoàn toàn. Cuối cùng, chính quyền đã chấp nhận ý kiến của dân xóm tôi nên hủy bỏ kế hoạch cưỡng chế. Trong khi đó nhiều nơi trong huyện đã bị giải tỏa một cách không thương tiếc, không điều kiện, đặc biệt là đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi trên Quốc lộ số 1.
Tôi đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau: phục vụ trong quân ngũ từ khi đi bộ đội đến khi về hưu, đã từng làm việc ở các công ty thương mại, xây dựng, Đài Tiếng nói Việt Nam nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác.
Về tiêu chuẩn thứ tư: Tôi luôn bênh vực những người dân thấp cổ bé họng, nạn nhân của sự bất công bị oan ức, ăn hiếp, lên tiếng giúp họ về tinh thần, vật chất có hiệu quả.
Về tiêu chuẩn thứ năm: Tôi là cựu chiến binh đã về hưu. Mặc dù bận nhiều việc do bản thân mình đặt ra, tôi sẽ gác bớt những việc này lại để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri ủy thác.
6. Tôi yêu cầu những người liên quan đến việc tổ chức bầu cử không biến buổi lấy ý kiến cử tri tại tổ dân phố thành buổi đấu tố. Không dùng thủ đoạn để gạt những người không ưa như gợi ý cử tri, xuyên tạc về ứng cử viên, gian lận trong kiểm phiếu, đưa ứng cử viên ứng cử ở địa phương xa một cách có chủ ý, loại ứng cử viên trong các vòng hiệp thương mà không có cơ sở.
7. Về tài sản của tôi chỉ có ngôi nhà chật hẹp đang ở, xây theo giấy phép xây dựng của huyện Thanh Trì cấp, vài gian nhà cấp 4 cùng với mấy thứ vật dụng thông thường đã quá đát. Ngoài ra tôi không có tài sản gì khác. Nếu làm đại biểu quốc hội, tài sản của tôi chỉ vơi đi chứ không tăng lên. Nếu cử tri phát hiện thấy tôi giàu lên bất thường, tôi sẽ tự nguyện để nhân dân xử và tự miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của mình.
Tôi hứa sẽ không “chạy” vào Quốc hội và như vậy không cần lo thu hồi vốn.
8. Tôi nguyện trung thành với lợi ích của Nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam. Nếu lợi ích của các hội nhóm mà tôi đang sinh hoạt mẫu thuẫn với lợi ích của Đất nước, của Dân tộc, tôi sẽ rời bỏ hội nhóm ấy.
9.Tôi mong bạn bè, bà con trong nước và hải ngoại lên tiếng ủng hộ tôi tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Anh chị nào có điều kiện hãy tổ chức lấy chữ ký ủng hộ để cổ vũ cho tôi. Tôi xin cảm ơn.
Làm tại Hà Nội ngày 13/2/2016
Nguyễn Tường Thụy
Ảnh: RFA
(Nguồn: https://www.facebook.com/tuongthuy.nguyen/posts/841633812612533)

Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đương đầu với làn sóng yêu nước mới

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...