Skip to main content

Saigon 68 Và Ông Sáu Lèo

image002A








Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.

Hình ảnh Sàigòn, ngày 1-2-1968:

image001A
Gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn, cả nhà 10 người, bị đặc công cộng sản thảm sát trong một trại gia binh. Khi quân VNCH tới, chỉ một em bé còn sống sót.



image001
Cùng ngày, Thượng Úy đặc công khủng bố VC Nguyễn Văn Lém tự Bảy Lốp bị bắt tại mặt trận.  Đi cạnh là Trung tá Ng.V.Đ, tiểu đoàn trưởng TĐ2/TQLC.



Tấm ảnh oan nghiệt của Eddie Adams: Tướng Loan bắn Bảy Lốp.


image002
Nhiếp ảnh gia Trương Tấn Bảo của Tổng Nha Cảnh Sát, người sau đó cũng bị  VC hạ sát.


captovan
Tác giả Captovan trong phim tài liệu Saigon 68.


***


Khoảng trung tuần Tháng 6/2017, cựu Đại Úy Nguyễn Quang... chánh văn phòng Thiếu Tướng Tư Lệnh Binh Chủng TQLC/VN gọi điện thoại cho tôi báo cho biết có toán  truyền hình người Mỹ muốn tìm hiểu thêm về việc Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công VC Bảy Lốp vào dịp Tết Mậu Thân 1968 tại Chợ Lớn, anh nói:

-Trường đạị học Mỹ ở Texas (Briscoe Historical - University of Texas) tài trợ cho Mr Douglas Sloan cùng một toán chuyên viên truyền hình để quay cuốn phim “Saigòn 68,” họ đang tìm những TQLCVN đã tham dự trận đánh ở Chợ Lớn trong Tết Mậu Thân 1968, để hỏi về vụ Tướng Loan bắn tên VC Bảy Lốp, vậy anh có muốn “đóng phim” không?

-Lại truyền thông Mỹ! Khi còn sống Ông Tướng đã bị truyền thông và phản chiến Mỹ phê bình và phản ứng gay gắt về bức hình này rồi, nay ông đã mất, họ cần gì nữa, hay lại muốn đóng thêm cái đinh vào quan tài của ông?

-Không phải đâu, họ muốn tìm hiểu thêm sự thật để trả lại công bằng cho Ông. Tôi nghĩ anh nên tham gia, ít nhất cũng cần một vài tiếng nói của chúng ta, những TQLCVN đã chứng kiến hoặc biết ít nhiều về vụ này. Tôi sẽ giới thiệu anh với cô Thúy Lan, một người trong toán quay phim và cũng là thông dịch viên, nếu anh muốn.

Chuyện Ông Sáu Lèo bắn tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém (tự Bảy Lốp) bị phóng viên Adams chụp hình đã qua nửa thế kỷ rồi (1968-2017), truyền thông và phản chiến Mỹ đã làm Ông Sáu Lèo “lao đao” khi còn sống, lúc Ông Sáu qua đời, ông Adams gởi vòng hoa phúng điếu đến cho gia đình Thiếu Tướng Loan, với lời xin lỗi chân tình:

“Tôi xin lỗi ông. Nước mắt đang dâng tràn trong mắt tôi”.

Khi còn sống Ông Sáu giữ im lặng trước làn sóng phê bình chỉ trích, ngày nay Ông đang ở trên chốn bình yên, một lời xin lỗi hay trăm lời khen chê, “một nửa sự thật”, chẳng ý nghĩa gì đối với Ông, nhưng “một nửa sự thật” còn lại rất cần thiết để làm sáng tỏ thêm chính nghĩa, tính nhân bản trong công cuộc chống cộng của đồng đội ông và Quân Đội VNCH nói chung.

Nghĩ vậy tôi đồng ý với đề nghị của Quang để nói với toán quay phim Saigon 68 những gì chúng tôi nhìn tận mắt, nghe tận tai, tay sờ vào sự thật. Tôi nói với Quang:

-Nếu thế thì được, bạn nói cô Thúy Lan liên lạc với tôi và cho biết qua sự việc...

Vài ngày sau tôi nhận được email của cô Thúy Lan:
                                               

ThuyLan Phan <phanthuylanXXX@gmail.com>

To: CAP TO

Jul 20 at 9:24 PM

Kinh goi bac To Van Cap,

Ten cua phan dau cuon phim la Saigon -68. Co the de ten nay, hay co the thay doi.

website: www.Saigon68.com

This is the first part of the film:https://vimeo.xxx

Password: xxx

- Đây la ve ong Douglas Sloan: https://xxx

- Funding, tai tro cho cuon phim tu:

1. Sundance

2. Briscoe Historical - University of Texas.

Cuon phim nay de noi len su that ve Tuong Nguyen Ngoc Loan.

Xin hen gap bac tai...

Cam ơn bac

Thuy Lan

. . .


Sau vài lần trao đổi thêm tin tức, tôi và anh KCC đồng ý gặp Cô Thúy Lan, ông Douglas Sloan và toán chuyên viên quay phim tại văn phòng của người “nổi tiếng” Võ Đức Văn. Trong buổi tiếp xúc sơ khởi này ông Douglas và cô Thúy Lan xác định mục đích... và trao đổi với chúng tôi những công việc làm cho buổi quay phim chính thức. Ông Douglas cũng yêu cầu chúng tôi giới thiệu cho gặp thêm những Thủy Quân Lục Chiến có liên quan... nhất là  “người trong hình” (tức là Tr/Tá TĐT/TĐ2/TQLC có mặt trong tấm hình khi Tướng Loan bắn Bảy Lốp)

Sau khi được biết mục đích của cuốn phim là tìm hiểu sự thật để trả lại công bằng cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan thì chúng tôi nhận lời sẽ tham dự buổi phỏng vấn quay phim. Còn việc Thúy Lan và Douglas muốn gặp “người trong hình”, tức Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC thì hơi khó, bởi vì ông đang tu tại gia.

Những TQLC có thể cung cấp thêm sự thật về bức hình và Tướng Loan gồm có:

-Tr/Tá NVĐ...Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC, (người trong hình bên phải, đội nón sắt). Hiện nay ông ở San Jose’, nhưng sau khi hiền thê qua đời, ông đã tu tại gia, không tiếp xúc với ai cả.

-Th/Úy KCC... Đại Đội 4/TĐ2, người bắt được Bảy Lốp từ trong chùa Ấn Quang chạy ra.

-Tôi, Đại đội trưởng Đại Đội 1/TĐ2, được biệt phái đi theo Tướng Loan.

-Th/ÚyHVQ... ĐĐ1/TĐ2. Nhưng Q. đang bị bệnh, nói năng khó khăn không tham dự được.

(Xin mở ngoặc ở đây: Khi biết HVQ... bị bệnh, ông Douglas, cô Thúy Lan cùng đi với cựu Đại Tá Trần Minh Công đã đến thăm Q... tại nhà. Một nghĩa cử đẹp của phái đoàn khiến tôi thấy cần nói thay cho Q..., vì Q... là trung đội trưởng của tôi).

 Trong ngày quay phim tại chùa BQ, tôi được bỉết có thêm Ông B.. một phi công đã từng bay ra Bắc... với Tướng Loan, và  Anh Sáu Trần Minh Công (cựu Đại Tá Cảnh Sát, một cộng sự viên đắc lực và luôn đi sát với Tướng Loan).

Mặc dầu buổi quay phim chỉ có 3 “diễn viên” nhưng chuyên viên thì gần 10 người, máy quay quá nhiều, họ làm việc hết sức cẩn thận, điều chính từng chi tiết về âm thanh, ánh sáng, cho đến cả thế ngồi và động tác của “diễn viên”. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được người đẹp (Cô Thúy Lan) đánh phấn tô son gương mặt sao coi cho được trước ống kính khiến tôi ngượng chín người.

Buổi quay phim kéo dài trong nhiều giờ, từng người riêng biệt nên tôi không rõ Ông B, Anh Sáu Công nói những gì và bằng ngôn ngữ nào, nhưng với tôi, vốn liếng tiếng Mỹ đong không đầy bàn tay, chỉ đủ giao tiếp hằng ngày, còn trình bày vấn đề quan trọng này thì tôi xin nói bằng tiếng Việt và cô Thúy Lan dịch lại cho Mr Douglas nghe.

Đã từ lâu tôi muốn kể chuyện “Mậu Thân và Ông Sáu Lèo”, kể từ đầu tới đuôi, nhưng chưa có cơ hội, nay nhân dịp truyền thông Mỹ, Ông Douglas muốn biết thì bao nhiêu chất chứa bấy lâu nay như tự động tuôn ra, không cần suy nghĩ không cần đắn đo. Tôi nói như đang nhìn thấy khói lửa mịt mù Mậu Thân 68 ở khu vực chùa Ấn  Quang Chợ Lớn, như nhìn thấy Ông Sáu Lèo và Bảy Lốp, tai như đang nghe đạn nổ đì dùng. Nhiều lúc cao hứng, tôi vừa nói vừa vung tay khiến Ông Douglas Sloan ngơ ngác vì cô Thúy Lan phiên dịch không kịp, nên Ông Douglas thường ra dấu cho tôi “Stop talking” để ông đặt câu hỏi.

Vì quay phim nên mọi động tác phải phù hợp với chuyên môn và thời gian nên họ stop tôi là đúng, nhưng đối với tôi thì đây lại là một trở ngại lớn khiến tôi không nói được hết những điều cần phải nói, thôi thì tôi đành phải viết ra giấy kể đầu đuôi để tường trình cùng độc giả và may ra góp thêm được chi tiết nào có thể trả lại sự công bằng cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.

                                                *

Trước tin, xin trở lại chuyện của 50 năm trước. Đêm giao thừa Tết Nguyên Đán Mậu Thân 1968, VC vi phạm lệnh hưu chiến, tung quân tấn công nhiều thành phố miền Nam VN, trong đó có Sài Gòn!

Sáng Mồng Một Tết, Tiểu đoàn 2 TQLC được trực thăng Chinook bốc từ Cai Lậy rồi đổ quân xuống ngay sân cờ của Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM). Sau một ngày, một đêm giải tỏa xong các toán đặc công VC xâm nhập vào BTTM, Tiểu đoàn 2 TQLC được tăng cường cho Tổng Nha Cảnh Sát, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan để thanh toán VC đang chiếm khu vực chùa Ấn Quang.

Khi chúng tôi đến nơi thì thấy súng nổ giữa Cảnh Sát Dã Chiến và VC, khói lửa ngút trời, đồng bào đang tìm cách thoát ra khỏi vùng lửa đạn. Trong tình trạng hoảng loạn, họ mang theo bất cứ thứ gì có thể cầm tay như manh chiếu, cái chổi, cái nồi... Trong khi ấy thì tài sản quý nhất của đồng bào là mạng sống con người thì đã bị VC cướp mất. Đó đây, những xác người nằm bên vũng máu!

Đại Đội 1 của tôi và Đại Đội 4 của Đại Úy Vũ Đoàn Dzoan được lệnh bao quanh khu vực các con đường Bà Hạt, Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn, Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương v.v.. để xiết chặt vòng vây quanh chùa Ấn Quang, nơi VC cố thủ.

Vì khu vực đông cư dân nên chúng tôi không được phép dùng pháo binh hay không quân mà chỉ có vũ khí cá nhân để tiến vào nơi địch đang cố thủ trong những căn nhà kiên cố nên đành “chấp nhận thương đau”, vài đồng đội đã nằm xuống! Sau nhiều giờ kiên trì kêu gọi địch đầu hàng và dùng lựu đạn cay, lựu đạn khói (không sát thương, nhưng cay mắt, khó thở) khiến toán VC trong chùa Ấn Quang buộc phải nhảy qua tường bỏ trốn.

 Trung Đội 41/ĐĐ4 của Th/Úy KCC đã bắt được vài tên, trong đó có một tên mang súng lục K54 (loại súng của cấp chỉ huy), trong người hắn còn dấu bản đồ có vẽ những vị trí quan trọng trong thành phố Saigon cần phải đánh. Biết đây là tên chỉ huy nguy hiểm, từng gây nhiều chết chóc khu vực chùa Ấn Quang và sẽ còn những nơi khác nữa nên Th/Úy KCC vội giải giao hắn lên Ban 2 Tiểu Đoàn và Tr/Tá TĐT/TĐ2 giao tên này cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, đang chỉ huy cuộc hành quân tại đây, để kịp thời điều tra ngăn chặn âm mưu đánh chiếm của chúng ở những nơi khác. Gã chỉ huy này chính là tên đặc công khủng bố Nguyễn Văn Lém, tự Bẩy Lốp. Hắn đã bị Tướng Loan bắn.

Biết tôi có mặt tại chỗ khi nội vụ xảy ra, Ông Douglas hỏi tôi:

-Vì sao Ông Loan lại bắn Bảy Lốp khi hắn đã bị bắt, ông có thấy không?

Tôi hiểu ý Ông Douglas muốn tìm một sự thật rõ ràng trong vụ này để trả lại “công bằng” cho Tướng Loan nên tôi cũng phải nói thật, không vì bênh vực cho ai mà nói sai tình hình tại chỗ lúc đó.


Khi Trung Tá NVĐ, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2TQLC   giải giao Bảy Lốp cho ông Tướng,  tôi đứng trong đám đông xung quanh, đang nói chuyện với anh Trương Tấn Bảo, nhiếp ảnh gia phòng Giảo Nghiệm của Tổng Nha Cảnh Sát. Bảo là người luôn đi theo Ông Tướng để chụp hình thời sự. 

Tôi bảo Ông Douglas rằng việc dí súng dọa bắn một tù binh để khai thác tin tức là chuyện bình thường nơi chiến trường, nhưng thường thì cũng chỉ là dọa thôi. Vì vậu, khi nghe tiếng súng nổ ai nấy đều ngạc nhiên giật mình. Quay lại, mọi chuyện đã xong. Sự việc xảy ra quá nhanh, nhanh như một tai nạn. Hầu như mọi người chưa kịp hiểu diễn tiến nội vụ, nhưng chẳng bao giờ có cái vụ: “Ông Loan mời báo chí đến chứng kiến phiên tòa xử tội...” như một số cây viết tưởng tượng ra cho có vẻ lâm ly bi đát, tàn ác dã man kiểu “tòa án nhân dân”.

Sự thật chỉ là một tiếng nổ bất ngờ và một người ngã xuống như hằng chục anh em TQLC của tôi ngã xuống, như hằng trăm người dân ngã xuống giữa hai làn đạn giao tranh trong đó có nhiếp ảnh gia Trương Tấn Bảo. 

(Xin xem hình anh Bảo ngồi vespa với máy hình).

Khi VC tấn công Saigòn đợt hai, sáng 28/5/68, chúng xâm nhập vào cư xá Phú Lâm A, nơi anh chị Bảo cùng “Ngũ Long Công Chúa” cư ngụ, anh vội bảo chị và các con lánh nạn vào nhà thờ trên đường Lục Tỉnh, còn anh ở lại... Khi im tiếng súng, chị và các con trở về nhà thì thấy Anh Bảo nằm trên vũng máu, hai tay bị trói, vết đạn ở cổ họng, ở bụng, máy hình bể nát bên cạnh xác anh!)

Cùng cầm máy ảnh, nhiếp ảnh gia Adams được giải thưởng Pulitzer, được nổi tiếng vì chụp hình Ông Loan bắn gã đặc công khủng bố Bảy Lốp, còn nhiếp ảnh gia Trương Tấn Bảo chưa chụp được hình các đồng chí của Bảy Lốp, đoàn quân “Giải Phóng” thì anh bị phỏng... và “được” giải là 2 viên kẹo đồng của VC, kèm theo nước mắt cùng những tiếng nấc nghẹn của vợ con! Nỗi kinh hoàng đó nào ai hay ai biết.  Hai nhiếp ảnh gia, một vinh quang vì tấm hình. Còn một thì nằm xuống, để lại niềm đau kéo dài mãi, bám theo những người thân yêu của Anh Bảo cho tới ngày nay!

Mỗi tấm huy chương “đều có hai mặt”. Nếu nhìn phía trước tấm hình rồi hỏi: “Vì sao Ông Loan bắn Bảy Lốp” thì cũng nên lật “phía sau” tấm hình rồi hỏi: Vì sao Bảy Lốp có mặt tại Saigòn, mang K54 vào chùa ngày Tết Nguyên Đán? Hỏi vậy, sẽ thấy câu trả lời giản dị:

-Vì hắn là một tên khủng bố,  không phải là một tù binh chiến tranh.

-Vì sao trong giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt đang đốt pháo, dâng hương, cúng tế tổ tiên ông bà thì súng VC nổ thay pháo, VC đốt nhà thay đốt nhang, thay vì con cháu mời tổ tiên về  thì con cháu lại xách quần áo chạy giặc?

-Vì sao 10 người trong gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn  gồm ông bà cha mẹ con cháu đang quây quần bên mâm cơm ngày Tết trong một trại gia binh thì bị đồng chí của Bẩy Lốp cắt cổ, chỉ một bé trai thoát chết? Bé trai, con ông Tuấn ngày ấy, nay đang là một quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ, đó là một nhân chứng sống cho sự thật mà Ông Douglas có thể tiếp xúc dễ dàng.

Xin mang lên bàn cân, một bên xác hàng ngàn dân vô tội và một bên Bảy Lốp rồi trả lời những câu hỏi “vì sao” ở trên thì mới chính xác và công bằng.

*

Sau khi giải tỏa xong khu vực chùa Ấn Quang và vụ Bảy Lốp, TĐ2/TQLC được lệnh biệt phái một đại đội cho Tổng Nha Cảnh Sát. Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng chỉ định tôi dẫn ĐĐ1 đi theo Ông Sáu.

 Thú thật là tôi không thích nhiệm vụ này chút nào, thà đi hành quân với tiểu đoàn còn hơn bị biệt phái. Kinh nghiệm cho biết mỗi khi bị biệt phái đến nơi nào thì nơi đó họ “hành” quân (biệt phái) chết bỏ, nay lại phải dẫn quân chạy theo Ông Tướng Cảnh Sát, Ông chạy đi đâu là TQLC phải “chầu” theo đó khiến tôi chán vô cùng! Ông chạy như con thoi, “nơi nào cần thì Ông có, nơi nào khó có Ông”. Ông mặc áo giáp phanh ngực, đầu không nón sắt, vác cây súng đúng tác phong của một chú lính “ba gai”.

Ông nhẩy lên xe jeep cùng CSDC chạy trước, 4 xe GMC chở anh em TQLC chúng tôi theo sau, chạy lung tung khắp nơi, khi Ông đến điểm nóng nào đó thì tôi phải cho quân xuống xe ngay để bố trí chuẩn bị... thế rồi vù một cái, Ông lại lên xe jeep chạy đi, nhiều khi chúng tôi theo không kịp, lại phải liên lạc tới lui khiến tôi bực mình.

Một buổi xế trưa đầu Tháng 5/1968, Ông dừng xe tại ngã ba đường Nguyễn Du và Công Chúa Huyền Trân (đường phía sau Dinh Đôc Lập), Ông gọi tôi đến đưa tay chỉ cái “biu-đinh” cao khoảng 8 tầng, đang xây dở dang, nằm ngay bên hông Dinh Độc Lập, tại góc đường Nguyễn Du và Nguyễn Trung Trực, Ông nói:

-Trong cái biu-đinh kia còn một toán VC mà CSDC của “moi” chưa thanh toán được, liệu “toi” có thể giúp “moi” giải quyết được không? Điều quan trọng nhất là làm sao bắt sống được tụi nó.

Ông là cấp Tướng chỉ huy, tôi là cấp Úy biệt phái, lệnh Ông ra là tôi phải thi hành, nhưng kết quả đạt được như thế nào còn tùy thuộc vào tình hình “địch, bạn”. Địch chưa biết, nhưng “bạn” thì có CSDC... Ông Tướng Cảnh Sát lại thân mật “toi-moi”, thay vì chỉ tay 5 ngón ra lệnh, Ông hỏi ý kiến thân tình: “Liệu toi có thể giúp moi...” nên tôi cảm thấy vui vui, cần phải nghĩ cách “giúp” Ông.

VC cố thủ trên biu-đinh cao tầng ngó vào ngay Dinh Độc Lập thì nhức nhối và nguy hiểm quá. Các anh CSDC đã cố gắng hết mình mà chưa chiếm được lại còn bị tổn thất nên Ông Tướng mới dùng TQLC giúp. Tiêu diệt thì dễ nhưng cái khó là Ông yêu cầu phải bắt sống. Bắt sống VC mà lính tôi chết thì sao đây? Nhưng vì danh dự của “Trâu Điên”, của Binh Chủng, tôi phải cố gắng. Để giảm thiểu thiệt hại tối đa, tôi trình Ông:

-Thưa Thiếu Tướng, chúng tôi sẽ cố gắng bắt sống, nếu họ muốn sống, còn nếu họ muốn chết khiến lính tôi chết theo thì đó là ngoài ý muốn. Chúng tôi đã có mặt lạ, áo giáp và khói màu rồi, xin CSDC cung cấp thêm lựu đạn cay và bao vây xung quanh..

Ông Tướng cam kết sẽ có lựu đạn cay ngay, còn bao vây thì CSDC đã xiết chặt rồi. Hơi cay và khói màu không phải vũ khí sát thương nhưng sẽ làm cay mắt, ngộp thở, vì bản năng sinh tồn, địch phải tìm cách thoát thân trừ khi chân bị xích...

Một yếu tố tâm lý hết sức quan trọng khi chúng tôi đi vào chỗ chết để bắt sống VC trước con mắt chăm chú theo dõi của Ông Tướng Cảnh Sát, của anh em CSDC và của đồng bào khiến Th/Úy HVQ... điều động trung đội tiến vào mục tiêu như đóng phim, anh em Trung Đội 14/ĐĐ1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: bắt sống 6 tên VC trong tình trạng ngơ ngác, lảo đảo say khói màu như say thuốc lào 888.

 Ngày N/7/2017 khi gặp cựu Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công tại chùa B.Q. ở Quận Cam để Mr Douglas Sloan phỏng vấn và quay phim về Thiếu Tướng Loan, tôi có nhắc lại vụ bắt sống VC này với Đại Tá Công thì Ông ngạc nhiên và thích thú nói: “Không ngờ nửa thế kỷ sau, chúng ta gặp nhau ở đây, ở Saigon Nhỏ tôi mới biết người giúp chúng tôi bắt sống toán VC ngày ấy tại Saigon Lớn lại là anh”).

VC vào thành, nhiệm vụ của CSDC và các quân binh chủng là phải hành quân giải tỏa, điều đáng chú ý ở đây là lệnh của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan: “Bắt sống tụi nó”. Điều này chứng tỏ Ông quý mạng sống của con người, dù người đó là thủ phạm gây ra bạo loạn, chiến tranh chết chóc, những người đó sẽ bắn Ông và họ đã bắn Ông!

 Ông dẫn đầu mấy xe jeeps CSDC, 4 xe GMC chở TQLC chúng tôi theo sau, đoàn xe dừng lại trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn nằm giữa hai con đường Phan Đình Phùng (có đài phát thanh) và Phan Thanh Giản (có cây cầu xi măng bắt đầu của xa lộ Saigòn-Biên Hòa), trong khi anh em TQLC chúng tôi đang xuống xe thì Ông và mấy anh CSDC đi vào con hẻm dẫn xuống xóm nhà sàn nằm dọc bên bờ kinh, vài phút sau tôi nghe mấy tiếng “cắc-bù, cắc-bù”.

Nghe “cắc-bù” là tôi biết tiếng súng của VC nên tôi vội ra lệnh cho anh em TQLC nhanh chóng dàn quân tiến vào khu nhà sàn thì cũng là lúc gặp mấy anh em CSDC khiêng Ông ra. Tôi nhìn Ông Sáu sững sờ, không thể ngờ chuyện lại xảy ra nhanh như thế đối với Ông, một vị chỉ huy cao cấp, một cấp tướng, mà ngoài chiến trường chỉ những anh em khinh binh, anh em tiền sát mới thường gặp phải.

Ông ngồi trên bốn cánh tay của hai anh CSDC đan vào nhau, máu thấm ra từ một trong hai chân thõng xuống đong đưa. Tôi biết ông bị thương vào chân, nhưng chắc không sao, bị nhẹ thôi, vì Ông không có vẻ gì là đau đớn cả.

Chúng tôi cẩn thận tiến vào và lục soát hết những căn nhà sàn dọc bờ kinh, không súng nổ, có lẽ vài tên du kích lợi dụng lúc nước con kinh dâng cao nên chúng đã lặn mất tiêu rồi, chỉ tìm thấy một tên bị thương nặng đang thoi thóp chờ chết trong một góc nhà sàn, tên này đã bị thương ở đâu đó được đồng bọn mang về đây cất giấu trước khi Ông Sáu và CSDC tiến vào lục soát.

Quân Đội VNCH đã có những vị tướng bị tử thương ngoài chiến trường khi các vị này điều động quân sĩ từ trên trực thăng, nhưng một vị tướng mà bị thương trong nhiệm vụ của một “tiền sát viên” như trường hợp của Ông Sáu Lèo thì chưa bao giờ xảy ra, một chuyện khó tin nhưng có thật.

Chính vì khó tin nên một vài bản tin của những ông ký “giả” không tận mắt chứng kiến đã tưởng tượng ra những tình khúc lâm ly bi đát, nào là một tên VC núp dưới chân cầu Saigòn dùng súng có ống nhắm bắn ông, nào là một giới chức cao cấp Mỹ (CIA) từ trên trực thăng, muốn giết Ông v.v... toàn là những chuyện tưởng tượng không một chút hợp tình hợp lý, nhưng họ đã viết như thế.

Ngoài chiến trường, thành phần bị thương, tử thương nhanh nhất và nhiều nhất chính là các anh em trong tổ tiền sát, trong các tiểu đội trung đội đại đội đi đầu. Ông Sáu Lèo là Tư Lệnh Cảnh Sát cứ phoong-phong dẫn đầu toán CSDC đến những điểm nóng có VC ẩn núp trong thành phố thì lại là chuyện khác, vì Ông Sáu không những là cấp chỉ huy mà còn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo luôn sát cánh với thuộc cấp trong mọi hoàn cảnh, đồng lao cộng khổ làm gương khiến cho thuộc cấp tâm phục khẩu phục.

 Ông Sáu Lèo là người như thế, không ai hiểu rõ tài chỉ huy và lãnh đạo của Ông Sáu bằng chính thuộc cấp của Ông. Cựu Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công nói:

-Chúng tôi biết rõ tài năng của cấp chỉ huy của chúng tôi, vì sao Ông chỉ huy như thế... chúng tôi hiểu tấm lòng của Ông nên kính nể Ông.

Ông Sáu Lèo gốc Không Quân, là Tư Lệnh Cảnh Sát, còn người viết là một TQLC đã đôi ba lần bị biệt phái làm việc dưới quyền Ông và đã hoàn thành nhiệm vụ, dù không được Ông thưởng công một lời khen hay huy chương, nhưng tôi kính phục Ông vì lối sống bình dân, thân thiện và làm gương cho thuộc cấp trong chiến đấu, nhất là luôn luôn tôn trọng tín ngưỡng, tài sản, tính mạng của người dân, kể cả mạng sống của địch quân, đó là tính nhân bản của Ông, của Quân Đội VNCH trong chiến tranh.

Tôi không ngạc nhiên khi biết chính nhiếp ảnh gia Eddie Adams, người tự nhận đã giết ông tướng bằng tấm ảnh được giải Pulitzer, sau khi hiểu ra “mặt sau” của tấm ảnh mà ông chụp, mắt cũng đã đẫm lệ khi viếng tang ông.

Gọi ông bằng biệt danh Sáu Lèo, với người lạ, có vẻ khó nghe, nhưng giữa ông tướng và các thuộc cấp của ông, đây là cái tên thân mật mà chính ông thường vui vẻ khi nghe gọi như vậy. Là một TQLC, chưa từng làm thuộc cấp trực tiếp của ông trong Không quân hay Cảnh Sát,  nhưng khi nghe tin Tướng Loan ra đi ở miền Đông, không thể tới viếng tang ông như nhiếp ảnh gia Adams,  tôi đã đứng một mình tại California và gọi “Ông Sáu Lèo.” Cùng lúc nghe tiếng gọi vang dội trong lòng, tôi thấy trên mặt mình đẫm lệ.

Cố nhiếp ảnh gia người Mỹ Eddie Adams lừng lẫy và anh lính VNCH mạt vận cựu tù lưu vong như tôi, dĩ nhiên khác nhau, nhưng hình như vẫn có chút tương đồng. Ấy là cùng kính trọng Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Không chỉ kính trọng mà còn yêu quí ông.

Captovan

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...