1/ Lời nói đầu
Đầu tiên, xin thứ lỗi với các bạn vì kế hoạch của tôi không đúng với dự định ban đầu. Do không có ai trợ giúp về mặt phân tích hoá học nên tôi đã bỏ ý định trực tiếp kiểm tra nước biển. Và theo lời khuyên của nhiều anh chị, việc làm này cũng không có nhiều ý nghĩa vì sự việc đã xảy ra cách đây hơn 3 tuần, hiện tại dòng hải lưu đã làm hoà tan, làm giảm nồng độ độc tố (nếu có) trong nước biển. Vả lại, nếu tôi có phân tích được thì kết quả đó cũng không thuyết phục được ai. Thế nên tôi quyết định đi như một người quan sát, tôi muốn tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra trên vùng đất tâm điểm của dư luận.
Trong trường hợp cụ thể như hiện tượng cá chết đã và đang diễn ra, tôi coi thường những ai thể hiện kỹ năng ngồi tra Google và nói với tôi như thể đây là hiện tượng toàn cầu, nguyên nhân rất khó xác định. Lấy hiện tượng cá chết ở nhiều nơi trên thế giới ra để giải thích về hiện tượng cá chết ở Việt Nam, cho dù là với lý do gì, đều khó có thể nói là chính đáng, nhất là ở Việt Nam đang có một kẻ tình nghi sừng sững mang tên Formosa. Nói vậy không phải tôi khẳng định về nguyên nhân cá chết là do công ty ngoại quốc trên, điều này nằm ngoài khả năng của tôi, tôi chỉ muốn nói sự dửng dưng đợi đến phút 90 mới “ăn theo” về nguyên nhân cá chết mới là hành vi hèn mạt đúng nghĩa. Chẳng thà như GS. Ngô, khi không biết nói gì, không làm được gì thì nên: “Shut up!”
Tôi có follow một anh chàng người Việt đang sống ở nước ngoài, theo tôi thấy anh chàng này kiến thức rất rộng, suy nghĩ rất tinh tế, tôi học hỏi được rất nhiều điều, và trên tường nhà mình tôi đã không ít lần share bài của anh ta. Đợt này, anh ta tỉnh táo đến mức lạnh lùng, bỗng nhiên anh ta trở thành một kẻ ngoài cuộc nhưng lại hay dùng kiến thức để vung vẩy trong sự kiện cá chết - một vấn đề quan trọng ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường sinh thái. Tôi nhớ một câu trong stt của anh ta, đại ý: “Những kẻ đẩy mạnh tinh thần dân tộc lúc này là những người có hại cho tương lai dân tộc” - tôi không biết có nhớ rõ từng chữ hay không vì anh ta đã deactivate. Đáng tiếc ngay cả anh ta cũng không đưa ra được lời giải thích cho câu nói tưởng chừng như “cao siêu” đó, vậy lấy tư cách gì để diễn giải cho người khác phục khi chính mình cũng đang mất phương hướng? Tôi đã unfollow anh chàng này. Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ unfollow một người chỉ vì trái quan điểm, nhưng quả thật tôi không thích những ai lấy kiến thức ra để tỏ vẻ tinh am, nhưng thực chất cũng chẳng giúp ích được gì cụ thể. Tôi không chịu nổi quan điểm cho rằng những người đang quan tâm đến môi trường sinh thái, đang thể hiện sự phẫn nộ trên mạng một cách chính đáng, lại bị cho là những người rỗi hơi chứ chẳng yêu nước gì. Anh chàng này là một ví dụ điển hình cho thấy việc có học chưa hẳn là tri thức, dù anh đang tận hưởng cuộc sống văn minh ở trời Tây.
Tôi hiểu biết không nhiều, tôi phải nói thẳng như vậy vì tôi không thích cách nói: “Tôi không “được” học nhiều”, bởi nghe chữ “được” giống như là một lời đổ lỗi học vấn của mình không bằng người khác là do yếu tố khách quan. Những bí ẩn cá chết trên thế giới tôi đều có đọc qua chứ không phải không, riêng trường hợp tại nước ta, tôi tự hỏi có phải việc xét nghiệm những mẫu thử nước biển và cá chết để cho dư luận một lời giải thích “sớm và hợp lý” về mặt khoa học có khó khăn đến mức cả tháng trời mà chưa đưa ra được kết luận!? Ý tôi chỉ muốn bàn về nồng độ nước biển và cái gì trong ruột khiến cho cá chết, tôi không dám nói nguyên nhân sâu xa là do công ty nào, hay thế lực siêu nhiên nào gây nên.
Một số bạn cười cợt về việc ký tên nhờ sự trợ giúp của Nhà Trắng, các bạn cho rằng làm vậy là “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường”, nên đấu tranh trực tiếp thay vì ngồi than khóc nhờ vả. Dù biết nó không hiệu quả, tôi lại cho rằng trong giai đoạn ngày càng nhiều người dân mất niềm tin vào chính quyền thì việc đặt hy vọng vào một nơi nào đó - mà nơi đó sáng hơn nơi này - không phải là chuyện xấu. Ít nhất những người ký tên đã cho thấy họ có quan tâm đến vận mệnh đất nước, hơn là bàng quan theo dõi thời cuộc rồi đưa ra những suy diễn chủ quan kiểu người có học thức, mà suy cho cùng, những con người đó cũng chẳng giúp ích được chuyện gì.
Xin khẳng định quan điểm của mình, tôi không bao giờ tin những kết quả xét nghiệm mà không có sự phối hợp của những tổ chức môi trường quốc tế, mà tôi nghĩ điều này rất cần thiết để chính quyền “tự sửa sai” và không phải là khó thực hiện. Nếu chính quyền thật sự quan tâm đến dân, thực sự khách quan thì phải cho nhân dân một lời giải thích bằng lương tâm và trách nhiệm.
Tuy rất muốn nhưng tôi sẽ không dùng những phương pháp phân tích duy lý, cho dù tôi có lý chăng nữa, để quy chụp và nói về một vấn đề đang cần xác minh bằng khoa học. Mong rằng những ghi nhận của tôi sẽ vén thêm bức màn về cuộc sống của bà con ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, những ngư dân đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn và đầy ắp lo âu.
2/ Kỳ Anh và những nỗi niềm
Tôi đi máy bay từ Sài Gòn ra Vinh, sau đó đón xe đò ngược lại Hà Tĩnh, rồi tới Kỳ Anh. mọi người bàn về vấn đề cá chết khá rôm rả, đặc biệt mọi người đều có nhận định nguyên nhân là do Formosa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có mối quan tâm này. Tôi hỏi chuyện một bạn ngồi kế bên, bạn ấy gốc ở Hà Tĩnh, làm ở Sài Gòn, nhân dịp nghỉ lễ về chơi ít ngày. Bạn ấy khá thờ ơ về chuyện cá chết, xem ra bạn ấy còn mơ hồ hơn cả tôi, thế nên tôi không hỏi nữa.
Đến Kỳ Anh, theo như tôi tìm hiểu, kể từ sau cuộc họp báo do Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân chủ trì vào ngày 27/4/2016, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Đặc biệt đến khi ngư dân Quảng Bình đổ cá ra đường vào ngày 29/4, thì ngay tại Kỳ Anh mọi tình huống đều đặt ở mức cảnh giác cao độ, đã xuất hiện xe bồn chạy ở các trục đường chính, công an đi tuần 24/24.
Đến ngày 1/5 năm thì tình hình có nhẹ thở hơn, do trưa 1/5 người dân Quảng Bình đã chịu giải tán. Nhưng ở Kỳ Anh, vùng đất trọng điểm với khu Vũng Áng và Formosa, tất cả đều không được lơ là. Xe bồn không còn chạy trên đường nữa, nhưng vẫn neo đậu đề phòng bạo động.
Theo như “cảnh báo” của người dân nơi đây, khu vực vòng quanh Formosa và khu ngư dân là nơi “người lạ” không nên vào, ít nhất là trong thời điểm này. Công an được lệnh tuần tra rất nghiêm ngặt, người lạ sẽ bị xét hỏi, nếu thấy nghi vấn sẽ bị đưa về đồn. Tôi ráng hỏi “người lạ” là người như thế nào, họ trả lời “người lạ” tức là không phải người địa phương. Trong thời điểm này, để tránh những phần tử xấu xâm nhập và kích động người dân, chỉ có người địa phương và những người có phận sự mới được đi lại tự do.
Vậy chuyến đi tìm hiểu của tôi không chừng trở nên công cốc, vì suy cho cùng tôi cũng gần là “người lạ” theo định nghĩa đó. Tôi không phải là người địa phương, tôi không phải là phóng viên nên không có giấy tờ chứng minh, rất có thể tôi sẽ bị quy là phần tử xấu.
Không thể đi từ Sài Gòn vô mà không thu được kết quả gì, cuối cùng tôi cũng đưa ra quyết định, tôi thuê một chiếc xe ôm chở tôi đi một vòng. Vào chiều ngày 1/5, tôi có phỏng vấn hai gia đình ở Kỳ Anh, tôi có quay phim lại nhưng tôi sẽ không công bố những đoạn phim này vì tôi thấy đưa chúng lên chỉ làm phức tạp thêm chứ không giải quyết được tình hình. Khi quay phim và phỏng vấn, tôi có nói rõ với họ tôi không phải là phóng viên hay là người đại diện pháp luật, tôi chỉ là một người Việt muốn hiểu thêm về quê hương mình và muốn đi tìm sự thật.
Sau khi quay một vài đoạn phim phỏng vấn bà con, cảnh biển, và hình ảnh những con cá chết còn sót lại, tôi trở về khách sạn trong tâm trạng đầy ngổn ngang. Tối đó, do không có gì để làm nên tôi ở lại khách sạn. Tầm 9h00 ngày 1/5, có khoảng 6 người công an phường đến khách sạn, họ khám xét phòng tôi đang ở và yêu cầu tôi đem hết hành lý theo họ về phường làm việc. Tôi hỏi tôi có phạm tội gì không mà lại bị yêu cầu về phường, họ nói muốn mời tôi về làm rõ một số vấn đề.
Theo luật, công an phường không có quyền dẫn khách của khách sạn về phường, trừ trường hợp phát hiện tội phạm, hoặc phải có lệnh bắt. Người chủ khách sạn cực lực phản đối: “Các anh đến dẫn khách của tôi đi mà không có nguyên nhân là không được. Ví dụ như phát hiện ma tuý, tội phạm đang bị truy nã, hay gì gì đó…”
Tất cả đều vô ích. Thân một mình ở phương xa, tôi đành chấp nhận đi theo họ còn hơn để họ bắt mình đi. Họ đưa tôi về phường Kỳ Trinh, Kỳ Anh, thú thật là tôi… lo lắm. Trên đường họ chở tôi về phường, tôi đã nghĩ hết tất cả những kịch bản tồi tệ nhất dành cho mình.
Đến phường, người trực tiếp hỏi tôi là một viên cán bộ mặc thường phục. Qua phong cách nói chuyện điềm đạm, bộc lộ sự am hiểu kiến thức, tôi đoán đó không phải là một công an phường bình thường, tôi nghĩ đó là nhân viên điều tra cao cấp mà trung ương hoặc tỉnh cử xuống làm việc trong lúc tình hình đang “nhạy cảm".
Nhiều nhân viên an ninh thay phiên hỏi tôi, tôi chỉ nhớ một đoạn hội thoại đại khái như sau:
-Chị đi đến đây có mục đích gì?
-Thưa mấy anh, em đi du lịch để khám phá quê hương mình.
-Tại sao lại một mình đi đến đây, ở đây đâu phải nơi du lịch.
-Dạ, em là người Việt Nam, theo em biết thì em có quyền đi đến bất kỳ nơi nào trên đất nước mình, miễn pháp luật không cấm.
-Chị có biết gì về tình hình cá chết?
-Thưa có.
-Chị có mối quan tâm đến việc cá chết hay không?
-Cũng như nhiều người Việt khác, em rất quan tâm, thưa các anh.
-Chị có tham gia tổ chức chính trị nào không?
-Thưa không.
-Tại sao chị lại quay phim, phỏng vấn bà con ở đây, mục đích của chị là gì?
-Thưa các anh, các anh có thể cho em biết em đã làm gì sai được không ạ?
-Đây không phải là sai, mà vì hiện giờ tình hình đang hết sức nhạy cảm. Thủ tướng chính phủ đã điều động các bộ vào cuộc để xác định nguyên nhân cá chết, bộ công an cũng đã vào cuộc. Đất nước đã thiệt hại rất nhiều vì chuyện này, thế nên chị không được đưa ra nhận định bừa bãi.
-Thưa, em chưa hề nhận định gì hết ạ.
-Ý tôi là chúng ta phải hết sức cẩn thận. Chúng tôi sẽ không bắt chị xoá dữ liệu, nhưng chị có thể viết một bản cam kết rằng chị sẽ không phát tán chúng lên mạng?
-Thưa các anh, từ nãy đến giờ em đã cố gắng hợp tác hết mức có thể. Các anh vẫn chưa chứng minh được cho em biết em sai ở đâu, hay em đã phạm tội gì. Các anh muốn xem điện thoại của em, em không ngần ngại đọc password để các anh xem. Đáng lý ra khi em chưa có dấu hiệu phạm tội, em không cần phải làm như vậy. Nếu dữ liệu em phỏng vấn bà con có gì không đúng, các anh cứ tự nhiên xoá; nhưng nếu nó không có gì sai, em nghĩ rằng việc đưa/không đưa nó lên mạng là quyền của em. Em không phải là người không biết suy nghĩ, em đủ nhận thức để quyết định có nên đưa nó lên mạng hay không. Giờ đây các anh lại yêu cầu em phải ký một bản cam kết như vậy, em thấy là… hơi quá.
-Chị thấy không tiện thì thôi vậy, chúng tôi mời chị về đây làm việc là bổn phận của chúng tôi. Chị hãy xem đây là một trong những trãi nghiệm đáng nhớ. Giờ chúng tôi sẽ chở chị về khách sạn như cũ.
-Cám ơn các anh!
Theo tôi thấy, những người ở trụ sở công an phường hôm đó đối xử đàng hoàng đối với tôi. Có lẽ họ thấy vẻ bên ngoài của tôi cũng “mong manh dễ vỡ” nên không nỡ mạnh tay hay chăng? Dù gì tôi vẫn còn nguyên vẹn chứ chưa “hư hao” gì.
“Làm việc” trên phường khoảng 1 tiếng, trên đường chở tôi về, anh nhân viên an ninh có dặn dò tôi đầy ngụ ý: “Có một số nơi không nên đến!”, và tôi tạm hiểu ý anh, “không nên” ở đây có nghĩa là “không được”, nếu không sẽ bị yêu cầu về phường làm việc như tôi vừa trãi qua.
Nói thật lòng, tôi về khách sạn mà trong người vẫn… còn run, vì tôi vẫn còn ở Kỳ Anh đến trưa hôm sau. Từ giờ đến ngày mai không biết còn chuyện gì xảy ra với tôi nữa hay không? Họ có thật sự thả tôi về hay không? Tôi ghiền xem phim trinh thám Mỹ nên mấy cái vụ này tôi… hơi bị rành, và trí tưởng tượng cũng nhiều.
Tôi không ngủ được suốt đêm đó. Facebook của tôi không vào được ngay sau khi về khách sạn. Một bàn tay thần bí nào đã chặn nó từ điện thoại của tôi, 2 chiếc smartphone bỗng nhiên vô dụng đến lạ kỳ. Tôi không khẳng định hay quy kết điều gì hết, tôi đang kể lại câu chuyện mình đã từng trãi.
Tôi là người Việt Nam, ở một vùng đất trên chính quê hương mình, chỉ 8 tiếng sau khi đến nơi, tôi đã phải lên phường làm việc mà không rõ nguyên do. Tôi tự hỏi những người Đài Loan-Trung Quốc ở Kỳ Anh có bao giờ bị giống tôi không? Là người Việt mà không được thoải mái đi lại trên chính quê hương mình, trên xe đò về Sài Gòn, tôi đã khóc vì ấm ức.
3/ Người dân Kỳ Anh đang sống ra sao?
Kể từ khi xuất hiện cá chết, khoảng ngày 6/4, tất cả bà con ngư dân, thương lái đều không làm gì liên quan đến cá được nữa. Tính đến ngày tôi rời khỏi Kỳ Anh là ngày 2/5, “những người tôi từng gặp” ở Kỳ Anh vẫn chưa dám ăn cá (tôi không nói tất cả).
Tôi chỉ đến Kỳ Anh nên những vùng nơi lân cận tôi không dám phán bừa. Ngay tại đây, tôi cũng chứng kiến 2 thực tế khác nhau:
-Ở khúc ven cảng Vũng Áng, nơi bà con thường bán mực nhảy nuôi thả lồng, ngày thường rất đông khách đến ăn, từ khi có hiện tượng cá chết cho đến khoảng 2h chiều ngày 1/5 vẫn chưa có khách trở lại, dẫu Bộ trưởng bộ 4T đã trực tiếp đến và thưởng thức mực tươi và động viên bà con vào sáng 1/5. Người nuôi mực nhảy cho biết là tin đồn cá chết đã làm hại họ???
-Cách đó không xa là những ngôi nhà của ngư dân đang trong diện giải toả, hiện vẫn còn 150 hộ chưa chịu di dời vì nhiều nguyên nhân. Họ vẫn còn rất bức xúc khi chưa nhận được lời giải thích hợp lý về nguyên nhân cá chết. Những ngư dân bao đời nay sống nhờ đánh bắt cá đã phải ngồi yên trong nhà suốt một tháng nay. Khi tôi đến, một người đàn ông trong xã đang làm một cái bẫy mực, tôi hỏi ông ấy làm cái bẫy để làm gì khi mà bán cũng đâu có ai mua. Ông ấy trả lời một cách cay đắng rằng, vì rảnh chẳng biết làm gì, làm bẫy để giết thời gian. Liệu phải mất bao lâu nữa để bà con Kỳ Anh thuận khơi đánh bắt cá trở lại mà không còn những nỗi lo âu này? Tất cả chúng ta đều là người thất bại, cái giá phải trả không chỉ là tiền mà là niềm tin đánh đổi.
Có một sự thật là khi chưa làm rõ nguyên nhân cá chết thì người dân sẽ không biết tin tưởng vào điều gì cả. Tất cả những người tôi gặp đều nghĩ rằng Formosa là nguyên nhân dựa theo nhận biết cảm tính của họ, tôi không hề đưa ra nhận định nhưng đó là một thực tế. Tôi có một số thắc mắc như sau:
-Tại sao những người nuôi mực nhảy ở khu cảng Vũng Áng (nơi mà Bộ trưởng TT&TT đến ăn) hiện tại đã nuôi trở lại, trong khi đó, những ngư dân khác (ở khu đất giải toả) thì nói là ăn cá biển sẽ bị ngộ độc? Có phải mực có sức đề kháng tốt hơn cá? Hay là mực nuôi ở cảng Vũng Áng thì không sao nhưng cá gần bờ thì chưa rõ? Hay còn nguyên nhân sâu xa nào khác?
-Tại sao cá ở ngoài 20 hải lý thì ăn được, mà cá ở trong tầm 20 hải lý thì không? Làm sao để đảm bảo tuyệt đối độ an toàn của cá và biết được con cá nào được đánh bắt ở tầm xa nào?
-Được biết trong vòng một tháng qua, rất nhiều phóng viên, chưa kể các phóng viên thường trú tại địa phương, đã tiếp cận với bà con ngư dân nơi đây. Tại sao nguồn thông tin vẫn mơ hồ, xuất hiện rất nhiều nguồn tin không rõ ràng? Chẳng lẽ nghiệp vụ của các phóng viên lại kém vậy hay sao? Chỉ cần cho tôi 2 ngày với đầy đủ tư cách và quyền hạn của một phóng viên, tôi tin rằng mình sẽ cung cấp nguồn thông tin rõ ràng hơn, ít nhất là tôi sẽ không làm nhiễu thông tin như mặt trận báo chí hiện nay.
-Sáng 1/5, tôi còn thấy trên Facebook có một nhà báo chụp hình tự sướng, anh ấy đang xuống máy bay để trực tiếp đến hiện trường. Và những tin tức cập nhật nóng hổi từ anh ấy là những hình ảnh cùng với Bộ trưởng TT&TT ăn mực tươi ngon từ Vũng Áng trên Facebook. Người phóng viên này ăn được mấy con, ảnh khen mực Vũng Áng ngon số 1. Thế mà chỉ hai hôm sau, các báo lại đăng tin rằng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lại có văn bản cấm chế biến thuỷ hải sản trong vòng 20 hải lý mà kết quả kiểm nghiệm không an toàn ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Làm sao người tiêu dùng biết thuỷ hải sản nào đã qua kiểm nghiệm an toàn?
-Quan trọng hơn vấn đề cá chết, những hiểm hoạ về môi trường đã được đánh giá một cách khoa học và nghiêm túc hay chưa?
Như lời anh nhân viên điều tra nói với tôi, tôi tạm thời chưa đưa ra nhận định gì sau chuyến đi này. Tôi chỉ ở Kỳ Anh đúng 1 ngày, mà còn không được “thoải mái khám phá”, bấy nhiêu càng khiến tôi có thêm nhiều nghi vấn.
Tôi biết những anh công an phường hôm đó “phỏng vấn” tôi chắc chắn sẽ đọc được bài viết này, cho tôi gửi lời hỏi thăm đến các anh. Dù gì các anh đã đối xử khá lịch sự với tôi chứ không như những gì tôi “tưởng tượng”, tôi nhớ có anh còn rót nước mời tôi uống, tôi cảm ơn vì điều đó. Một lần nữa tôi muốn khẳng định với các anh, tôi là người Việt Nam, tôi yêu đất nước mình, tôi không làm gì sai và tôi không có gì hổ thẹn với lương tâm. Chúc các anh cùng với các cơ quan chức năng khác mau chóng tìm ra nguyên nhân cá chết, sớm trả lại đời sống tôm cá tấp nập cho bà con nơi đây.
4/ Lời kết
Trước Lễ, bạn đồng nghiệp hỏi tôi có đi đâu chơi không. Do không muốn trả lời nên ban đầu tôi hơi ngập ngừng, sau đó tôi cũng thú thật là tôi đi Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Bạn ấy tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên khi tôi đi Kỳ Anh một mình chỉ để biết chi tiết về tình hình… cá chết. Tôi bỗng chạnh lòng khi nghe bạn ấy nói: “Người ta đã đưa ra câu trả lời rồi mà!”
Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải chấp nhận/thừa nhận rằng có rất nhiều người không mảy may quan tâm đến những gì chưa ảnh hưởng đến họ một cách rõ rệt. Với nhận thức của mình, tôi cho rằng đây không còn đơn thuần là chuyện của riêng ai. Là công dân, tôi ý thức trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ngoài Lời nói đầu và Lời kết là trên phương diện chủ quan, tôi đã cố hết sức tường thuật lại một cách khách quan nhất có thể về tình hình bà con ở Kỳ Anh - Vũng Ánh. Rất tiếc, nó không được đầy đủ thông tin như tôi mong đợi. Chính xác là tôi chỉ có 3 tiếng để thu thập những thông tin trên, khoảng thời gian còn lại trong ngày là những phút giây đấu tranh tâm lý của một công dân vô tội bỗng nhiên bị sờ gáy. Sẽ có bạn nói với tôi rằng nếu mình ngay thẳng thì có việc gì phải sợ? Đúng vậy, nhưng các bạn thông cảm cho tôi. Tôi chỉ là một con người nhỏ bé, tôi không đủ năng lực và cũng không thể mạo hiểm sự an nguy của bản thân và gia đình hơn nữa để theo đuổi đến cùng một vấn đề nan giải mà tất cả chúng ta một tháng nay vẫn chưa có đáp án.
Tôi không dám yêu cầu ai tin tôi cả, tôi làm việc này chẳng vì lợi ích gì. Là người Việt trong thời điểm đất nước đang gặp nhiều vấn nạn, việc đóng góp một tiếng nói dẫn đường đến sự thật, theo tôi cũng là việc nên làm. Bằng khả năng của mình, tôi cảm thấy hổ thẹn khi nói, đến đây là tất cả những gì tôi có thể làm. Ngoài ra, tôi cũng muốn chứng minh rằng tôi luôn sẵn sàng khi tổ quốc cần - chứ tôi không phụ thuộc bất cứ thế lực hay tổ chức nào - để phản bác lại giọng điệu vô luân của những kẻ dựa vào mấy kiến thức chua ngoa mà bôi nhọ những người dân yêu nước.
Xin khẳng định, tôi hoàn toàn phản đối những ý tưởng kích động dẫn đến bạo động, làm vậy chỉ mất thêm nhiều máu và nước mắt, và biến những người đấu tranh vì hoà bình dân chủ trở thành tội đồ cho kẻ xấu trục lợi. Chúng ta không được đánh mất niềm tin, nhường lối trải hoa cho những thế lực huỷ hoại đất nước. Thức tỉnh và lên tiếng vì môi trường sống của chính chúng ta trước khi quá muộn cũng là cách làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Tôi sinh sống ở Sài Gòn, suy cho cùng việc cá chết ở 4 tỉnh miền Trung hiện tại chưa ảnh hưởng gì lớn đến cuộc sống của tôi cả. Tôi mong các cơ quan chức năng sẽ sớm có câu trả lời cho nhân dân. Không có gì thuyết phục hơn để xử lý vấn đề hiện tại bằng việc đưa ra những luận cứ khoa học và minh bạch trong thông tin. Tôi nhớ mấy anh an ninh luôn miệng hỏi mục đích chuyến đi của tôi là gì, có vẻ họ không tin trên đời có một người “điên” đến mức từ Sài Gòn đi ra Kỳ Anh đúng 1 ngày chỉ để gặp bà con và hiểu thêm về đất nước mình. Đã vậy, tôi chỉ còn biết trả lời: “Đời lúc nào cũng gắn liền với lợi ích thì còn ai lên tiếng bảo vệ quê hương!?”
PS: Bốn ngày nghỉ, thay vì đi chơi với gia đình và bạn bè, tôi bỏ tiền túi ra để đi tìm cho mình một câu trả lời. Sau khi trở về, số điện thoại của tôi lâu lâu lại có số lạ gọi đến, nhưng tôi bắt máy thì không ai trả lời, tôi đi ra đường lúc nào cũng có cảm giác như đang bị theo dõi (tôi bị hoang tưởng chăng?). Tôi biết sau khi tôi post bài này thì mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn. Dù thế nào chăng nữa, tôi không làm gì phạm pháp, lương tâm tôi không có gì cắn rứt. Nếu chỉ vì hành động quan tâm đến quê hương mình mà tôi phải chịu đựng những điều phiền phức trên, tôi sẵn sàng đón nhận nó như một phần không may trong cuộc sống này.
Xin chân thành cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây. Tôi biết khả năng diễn đạt của tôi còn kém cỏi, nhưng tôi mong sự chân thành của tôi sẽ giúp bạn và tôi hiểu nhau hơn. Tôi không hề hối hận vì những gì mình làm, tôi chỉ buồn là tôi vẫn nợ các bạn một câu trả lời, cho bạn, cho tôi!
Điệp Hồng Tiên Tử Tháng 5/2016
ĐIỆP HỒNG TIÊN TỬ facebook
Comments
Post a Comment