Skip to main content

Bà Phạm Chi Lan: "Vì sao tôi nói VN là nước không muốn...phát triển"




Bà Phạm Chi Lan trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.


Kinh khủng nhất chính là tham nhũng chính sách, hay chúng tôi còn gọi là “buôn" cơ chế. Đó là tình trạng một số kẻ nào đó trong xã hội, phổ biến nhất là doanh nghiệp, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc nhóm mình bằng cách móc nối với những người thiết kế chính sách, thậm chí những người ở cương vị ra quyết định, để nhà nước đưa ra chính sách có lợi cho họ, bất chấp lợi ích chung.

Nhỏ nhắn nhưng sắc sảo, quyết liệt và riết róng, đó là "gương mặt" điển hình của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ nhiều năm qua, kể cả khi bà còn làm việc trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lẫn sau này, khi bà thường xuyên lên tiếng trong những vấn đề kinh tế nóng bỏng của xã hội.

Dù biết trước và biết rõ điều đó nhưng gần 3 tiếng ngồi trò chuyện tại nhà riêng của bà, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ vì không nghĩ một người phụ nữ đã bước qua tuổi 70 mà một mặt vẫn giữ được "phong độ" như hàng chục năm về trước, một mặt vẫn không ngừng cập nhật những cái mới mẻ của đời sống hôm nay, để kiên quyết không biến mình thành một kẻ lạc thời.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bây giờ nhớ lại câu chuyện của hơn 20 năm về trước, bà có thể chia sẻ cái khoảnh khắc chính thức được mời làm việc trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng không ạ?

- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tổ chức lại tổ tư vấn vốn có của mình (được thành lập từ năm 1993), thu gọn từ gần 60 người xuống còn 21 người. Có người ra, có người vào và tôi là người mới tham gia vào. Năm đó lại là năm ráo riết xem lại để sửa Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty.

Lúc đó, tôi đang là Tổng Thư ký của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trên cương vị đó, tôi lên tiếng nhiều về luật này cũng như các vấn đề về phát triển khu vực tư nhân, có lẽ từ đấy mà Thủ tướng mời tôi vào.


- Bà vẫn còn làm việc đến thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Khi thủ tướng Phan Văn Khải nhận nhiệm vụ năm 1997, Thủ tướng yêu cầu tôi tiếp tục tham gia tổ tư vấn (năm 1998, tổ được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) và sau này, đến năm 2003, khi tôi chính thức nghỉ hưu ở VCCI thì Thủ tướng đề nghị tôi về làm chuyên trách.

Ở Ban Nghiên cứu, số thành viên chuyên trách phần lớn đã về hưu, còn một số thành viên đang công tác thì làm kiêm nhiệm, ngoài ra có một số cộng tác viên. Tiêu chuẩn chung nhất là phải có tư duy và ý tưởng đổi mới. Đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên thì một trong những quyết định đầu tiên là giải tán Ban Nghiên cứu này.

- Vì sao ạ?

- Tôi nhớ hồi đó, khi một đại biểu Quốc hội hỏi về sử dụng trí thức thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời đại ý rằng: xung quanh Thủ tướng là anh em văn phòng, những người giúp việc trực tiếp, tất cả đều có bằng cấp cao, là trí thức cả. 

Chắc ông nghĩ thế nên không cần tổ tư vấn riêng. Phải rất lâu sau, ở nhiệm kỳ thứ hai của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lập ban tư vấn mới. 

- Tôi có đọc trên báo rằng, cơ chế hoạt động của Ban Nghiên cứu là "5 không"?

- "5 không" là cơ chế cho phép chúng tôi làm việc rất độc lập, rất mở, không bị trói buộc về tư duy, kể cả với Thủ tướng. 

Một là không chức vụ, biên chế. Hai là không lương (mọi người có thu nhập từ công việc chính hoặc lương hưu của mình; sau này mới có một chút tiền hỗ trợ, 500.000 đồng/tháng, rồi được nâng lên thành 1 triệu đồng/tháng). 

Ba là, không có trên có dưới trong Ban, nghĩa là có người làm Trưởng, Phó ban, nhưng chỉ là trưởng/phó về mặt hành chính thôi còn về chuyên môn thì tất cả đều bình đẳng như nhau. Cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải đều luôn yêu cầu phải ghi đầy đủ các ý kiến, các tranh luận khác nhau trong tổ, tuyệt đối tránh tình trạng một chiều. 

Bốn là, không có hạn chế, không có vùng cấm trong việc đưa ý kiến cho Thủ tướng. 

Và năm là, mình tự chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, chứ không nhân danh cơ quan nào cả. Như thế để không bị ràng buộc với cơ quan, không phải e ngại ông sếp ở cơ quan mình cắc cớ: tại sao lại nói thế này, thế kia.

- Khi nhìn vào thành phần của tổ tư vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bây giờ, tôi thấy số lượng nữ là rất hiếm hoi. Nếu tôi nhớ không nhầm, trong cả trăm con người đã hoặc đang tham gia tổ tư vấn này thì chỉ có khoảng 3-4 phụ nữ thì phải?

- Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bà Nguyễn Phước Đại và bà Trương Thị Hòa, 2 nữ luật gia nổi tiếng ở miền Nam. Thời Thủ tướng Phan Văn Khải thì có 2 nữ là tôi và bà Nguyễn Thị Hiền, tiến sĩ về vật giá, trước làm ở Văn phòng Chủ tịch nước. Sau đó thì không còn nữ nữa. 

Tôi nghĩ hai Thủ tướng không chủ định cơ cấu cho có thành phần nữ đâu mà là chọn lựa thực chất, theo yêu cầu công việc. Bởi khi chúng tôi tham gia, nói thật, nhiều khi phải quên đi mình là nữ vì đã tranh luận thì phải tới nơi tới chốn, sòng phẳng với nhau. 

Có lần, một phóng viên hỏi tôi: "Phụ nữ vốn dịu dàng, vậy khi tranh luận các vấn đề thì sao?". Tôi trả lời: "Đã gọi là tranh luận thì đâu còn dịu dàng được nữa!"... (cười).


- Bà có thể kể lại một cuộc tranh luận đáng nhớ nào đó trong Ban được không ạ?

- Một trong những tranh luận căng nhất liên quan đến việc làm Luật Doanh nghiệp mới năm 1999. Luật cũ dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp làm gì cũng phải xin phép, mọi sự thay đổi sau đó cũng phải xin phép. 

Ví dụ, tôi đang làm một công ty có số vốn 300 triệu đồng nếu muốn mở rộng lên 600 triệu, hay muốn chuyển trụ sở từ quận này sang quận kia thì đều phải xin phép, thành ra rất nhiêu khê. Làm nghề đánh máy chữ cũng phải xin phép và cứ 3 tháng là phải xin phép lại một lần. Rồi số phận của những người làm photocopy sau này cũng thế. 

Tại sao cứ 3 tháng lại phải xin phép? Vì thời ấy có người sợ rằng nhỡ đâu họ lợi dụng chuyện đánh máy, photocopy để in tài liệu phản động chống phá nhà nước thì sao (!?).

- Bây giờ nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rất buồn cười nhưng đấy là tư duy của một thời. Và vì thế mới luôn cần đến những thay đổi, để thích nghi với những chuyển động thời đại mới.

- Đúng vậy. Nguyên tắc của luật mới là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm. Nhưng đến khi bàn về "phạm vi tự do kinh doanh là như thế nào?" thì tranh luận phức tạp lắm. Có đại diện địa phương bảo: tôi phụ trách tỉnh, tôi biết ai tốt, ai xấu, người tốt tôi mới cho kinh doanh chứ. 

Đại diện của Bộ Tài chính lúc ấy tham gia ban chỉ đạo soạn thảo luật thì cứ khăng khăng “đã là doanh nghiệp thì phải có vốn, mà đã có vốn thì nhà nước phải kiểm soát chứ”. 

Chúng tôi phản bác: Đây không phải vốn nhà nước mà là vốn tư nhân. Người ta tự bỏ vốn ra, lời ăn, lỗ chịu, anh kiểm soát khâu nộp thuế thôi, sao lại đòi kiểm soát cả vốn của người ta nữa... Ngày đó để tranh luận và đi đến thuyết phục cuối cùng những vấn đề đó cũng không hề dễ dàng.

- Chứng kiến những tranh luận như thế, thái độ của Thủ tướng như thế nào ạ?

- Chúng tôi nhớ mãi nụ cười của ông Phan Văn Khải cùng câu ông nói: "Sao vẫn còn những người tư duy như thế nhỉ?".

- Những người như bà tư vấn cho Thủ tướng để ra một đạo luật và sau một đạo luật thì số phận của hàng loạt đối tượng, hàng loạt con người sẽ chịu tác động. Dĩ nhiên, sẽ có nhóm đối tượng nhận được tác động tốt và cũng không loại trừ khả năng sẽ có những nhóm đối tượng nhận được những tác động không như mình trông đợi. 

Vậy thì tôi xin hỏi một câu rất thật, bà có thể không trả lời, đó là trong quá trình tổ tư vấn làm việc, có đối tượng nào, dùng một cách thức nào đó tác động lên tổ tư vấn để từ đó các đạo luật ban hành có lợi cho mình không? Nói thẳng theo ngôn ngữ của ngày hôm nay là có ai chạy chọt gì các thành viên của tổ như bà hay không?

- Lúc làm Luật Doanh nghiệp 1999 thì không có sự chạy trực tiếp từ doanh nghiệp tới Ban Nghiên cứu, nhưng chúng tôi cảm nhận được họ có thông qua cơ quan nọ cơ quan kia để lên tiếng về một số ngành nghề mà theo họ là không thể cho tự do kinh doanh được. 

Chúng tôi hiểu là những ngành nghề ấy có một số doanh nghiệp nhất định đã và đang kinh doanh rồi và họ muốn "độc quyền", không muốn ai khác nhảy vào cạnh tranh với mình. Sau này, trong các luật hoặc chính sách khác cũng có người chạy đấy nhưng không “mua” được chúng tôi.

- Nhưng trong tổ tư vấn có tới hơn 20 người. Sao bà có thể chắc chắn là cả 20 người đều không "mua" được? 

- À, ở tổ tư vấn, không phải tất cả đều tham gia làm Luật Doanh nghiệp. Trong tổ có chia ra mấy nhóm theo các vấn đề khác nhau và mỗi nhóm tập trung một cụm vấn đề riêng. 

Ví dụ như tổ doanh nghiệp, trực tiếp tham gia tư vấn về các vấn đề phát triển doanh nghiệp thì chỉ có 4 người. Chúng tôi làm việc rất minh bạch, có nguyên tắc, tỉnh táo và rất thẳng thừng đối với những kiểu luồn lách, cài cắm lợi ích riêng vào luật.

- Vậy ở góc độ ngược lại, có ai đe dọa, mỉa mai gì không ạ?

- Sau khi thông qua Luật Doanh nghiệp, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn và tổ chức thực hiện luật thì xuất hiện sự dọa dẫm này nọ. Bởi vì có hàng trăm giấy phép con không phù hợp với luật đã bị chúng tôi khuyến nghị Chính phủ bãi bỏ đi. 

Có người nhắn nhe đe dọa rằng xóa bỏ những giấy phép con ấy là "đập vỡ nồi cơm của chúng tôi à?". Nhiều doanh nghiệp lo lắng, dặn chúng tôi đi đường phải cẩn thận kẻo “tai nạn bất ngờ”.


- Bà có chút nào e sợ không?

- Chúng tôi không sợ, vẫn làm tới. Nhưng điều đau nhất là mấy năm sau, số giấy phép con bị bãi bỏ lại mọc lên, đặc biệt qua các văn bản pháp luật chuyên ngành.

- Qua những câu chuyện như thế này lại thấy, thật ra tham nhũng về mặt chính sách là điều kinh khủng nhất và đáng sợ nhất trong các loại tham nhũng, phải không bà?

- Thời gian cuối của Ban Nghiên cứu, chúng tôi nói đi nói lại điều này nhiều lắm, rằng kinh khủng nhất chính là tham nhũng chính sách, hay chúng tôi còn gọi là “buôn" cơ chế. 

Đó là tình trạng một số kẻ nào đó trong xã hội, phổ biến nhất là doanh nghiệp, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc nhóm mình bằng cách móc nối với những người thiết kế chính sách, thậm chí những người ở cương vị ra quyết định, để nhà nước đưa ra chính sách có lợi cho họ, bất chấp lợi ích chung.

- Tình trạng tham nhũng chính sách, nếu xuất hiện sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?

- Tham nhũng chính sách làm hỏng từ chính sách thì làm sao mà kinh tế phát triển được nữa. Bề ngoài có thể có tăng trưởng, nghĩa là có thể báo cáo hằng năm GDP vẫn tăng, ngành này ngành khác vẫn tăng nhưng không thể có phát triển kinh tế-xã hội thực sự. 

Cái tăng đó phải trả bằng một giá rất đắt do các nguồn lực của đất nước bị tiêu tán, phí phạm, hiệu quả kinh tế thấp, làm méo mó thị trường, phá hủy sự cạnh tranh lành mạnh, suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và nhất là không bảo đảm lợi ích cho đa số người dân mà chỉ mang lợi ích lớn cho một nhóm người nào đó. 

Mặt khác, một bộ phận cán bộ nhà nước sẽ hư hỏng, thoái hóa, nạn mua quan bán chức sẽ hoành hành, bộ máy nhà nước sẽ mất kỷ cương, giảm hiệu lực, hiệu quả. 

Tăng trưởng kiểu đó dù có cao cũng sẽ khiến chất lượng suy giảm, bất bình đẳng kinh tế-xã hội gia tăng, gây mất niềm tin trong công chúng, đe dọa sự ổn định chính trị-xã hội và do vậy đất nước không thể phát triển bền vững.

- Tôi nhớ có lần bà từng phát biểu: "Chúng ta là một đất nước... không chịu phát triển"?

- Khoảng năm 2009, giám đốc cũ của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam hết nhiệm kỳ, ngồi lại với một số người và tất cả buồn bã nói với nhau rằng: Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lực con người to lớn, dòng vốn ODA và FDI dồi dào, thế mà chưa tận dụng tốt để phát triển. 

Một điều thuận lợi nữa là chúng ta bắt tay làm lại từ đầu sau chiến tranh, nên nhiều thứ gần như chẳng có gì phải bỏ đi để mà luyến tiếc. Ví dụ ngành viễn thông, mình phát triển sau thì mình có lợi thế hơn Thái Lan.

Thái Lan phải bỏ cả một hệ thống điện thoại có dây khi chuyển sang hệ thống điện thoại không dây. Còn mình thì đi thẳng vào điện thoại không dây vì trước đó nền tảng điện thoại gần như chưa có gì.

Mình là nước đi sau, có thể học bài học của các nước khác để kiến tạo mô hình phát triển hiệu quả. 4 con rồng châu Á, tại sao họ lại thành rồng trong khoảng chỉ 25-30 năm? 

Trong cùng thời gian đó, tại sao có những nước tưởng hóa rồng nhưng lại không những không hóa rồng mà càng ngày càng đi xuống? Tất cả những bài học đó rất rõ, mình có thể thấy hết. 

Thế giới họ cũng sẵn sàng tư vấn, chia sẻ, giúp đỡ mình phát triển. Nhưng hơn 30 năm sau chiến tranh, hơn 20 năm sau đổi mới, với ngần ấy tiềm năng, thuận lợi mà mình vẫn ở ngưỡng nghèo thì chỉ có thể là... không chịu phát triển!

Thật ra thì, thời ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, các ông thấy rõ nên cải cách như thế nào và đã làm rất nhiều việc đúng và tốt để đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng sau chiến tranh và đạt những thành tựu quan trọng. 

Năm 2006, khi Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc nhiệm kỳ, chúng tôi hỏi ông có dặn dò gì không thì ông bảo: "Vẫn phải cải cách mạnh tiếp. Phải làm sao thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa".


- Sau thời Thủ tướng Phan Văn Khải thì chúng ta đã từng có quyết định cho các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành và lúc đó thật ra chúng ta đã rất kỳ vọng đấy là một cú đấm chùy, một cú đấm thực sự mạnh mẽ để giúp chúng ta từ chỗ "không chịu phát triển" có thể trở thành một "nền kinh tế phát triển"?

- Khi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ X (2006), ý tưởng cho phép các tập đoàn kinh tế nhà nước được kinh doanh đa ngành đã được đưa vào dự thảo nghị quyết của Đại hội. 

Ở Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này và đa số cho rằng không nên hình thành nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước và không nên cho họ kinh doanh đa ngành. Doanh nghiệp nhà nước được lập ra để đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu, quy mô lớn như điện, dầu khí, hàng không, đường sắt, viễn thông... 

Làm tốt những việc chính đã khó, do đó chỉ nên tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và làm tốt công việc chuyên sâu của mình thôi. Hơn nữa, các lĩnh vực khác phải để cho tư nhân làm và tư nhân ở nước ta đã và đang làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước nhiều, dù cho vẫn bị phân biệt đối xử.

Chỉ một câu "đa ngành" ấy thôi, sau đó chúng ta đã mất rất nhiều. Vì "đa ngành" khiến các tập đoàn có quyền vơ vào mình các nguồn lực ghê gớm, nhưng vơ vào, đầu tư tràn lan, lại làm không giỏi, không quản trị nổi, cho nên lãng phí, thất thoát, thua lỗ nặng nề, đổ vỡ những “đại tập đoàn” như Vinashin, gây tổn thất biết bao tài lực công, lại còn tạo thêm sự chèn ép đối với khu vực tư nhân. Hệ quả nặng nề chúng gây ra đến bây giờ vẫn chưa khắc phục hết.

- Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy rất rõ điều bà vừa nói nhưng nếu xét ở góc độ lý thuyết thuần túy thì nền kinh tế Hàn Quốc chẳng hạn cũng từng phất lên nhờ những tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành đó sao? Tập đoàn Chaebol đó!

- Nói theo cách phê phán của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard thì chúng ta học Chaebol, học Hàn Quốc, nhưng chỉ học một nửa bài học. Ở Hàn Quốc, thời Tổng thống Park Chung Hee, đúng là ông ấy đã chọn một vài doanh nghiệp giỏi để làm. 

Thời ấy sau chiến tranh, nền tảng nhà xưởng, thiết bị máy móc rệu rã, ông Park giao cho các doanh nghiệp trong vòng 3 năm để vực nó dậy và ra mục tiêu phải từ cung cấp nội địa phát triển lên xuất khẩu. Nếu sau 3 năm làm không được thì sẽ phải trả lại cho nhà nước và bị phạt. Bằng cách đó, họ đã thành công. Các doanh nghiệp này đều là tư nhân, tự chịu trách nhiệm về công việc. 

Sau này họ trở thành tập đoàn cũng qua một quá trình dài, từ nhu cầu tự thân, năng lực và nguồn lực phát triển do họ tự huy động, chứ không phải bằng quyết định hành chính hay nguồn lực của nhà nước.

Còn ở nước mình là doanh nghiệp nhà nước, không có ràng buộc như họ, nên kết quả hoàn toàn khác. Biết bao tài sản của đất nước được nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng, khai thác để đầu tư, kinh doanh cả cho công ích lẫn cho các mục đích thương mại. 

Nhưng hệ thống giám sát, chế tài thì không thật tốt, nên dẫn đến tình trạng “lời doanh nghiệp/lãnh đạo doanh nghiệp ăn, lỗ nhà nước/nhân dân chịu”! Bao nhiêu năm ta vẫn có cơ chế nhà nước cứ thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh cho doanh nghiệp nhà nước vay, nếu vay không trả nợ được thì chính phủ yêu cầu ngân hàng khoanh nợ lại, rồi dãn nợ thêm 5-7 năm. 

Rồi dãn cũng không trả được thì xóa nợ. Xóa nợ có nghĩa là nhà nước lấy ngân sách, lấy tiền thuế của dân và nguồn lực quốc gia trả hộ cho doanh nghiệp nhà nước khoản nợ đó.

Giai đoạn chuẩn bị Đại hội X có một số người lập luận rằng, chúng ta sắp vào WTO, sẽ có nhiều tập đoàn lớn bên ngoài vào, nên mình phải có những quả đấm thép làm đối trọng. Tư nhân chưa có thì chỉ còn cách trông vào doanh nghiệp nhà nước thôi.

Nhưng Ban Nghiên cứu chúng tôi trước sau vẫn khẳng định rằng không nên hình thành nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, không nên để các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành.

- Ban Nghiên cứu nhiều lần có những phản biện rốt ráo, đến cùng như thế hay không?

- Nhiều lắm, nên có nhiều người khó chịu, gọi Ban Nghiên cứu là... "bọn ngáng chân".

- Là một thành viên lâu năm của Ban Nghiên cứu, làm việc dưới hai đời Thủ tướng, bà thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải có những điểm giống và khác nhau gì trong tính cách?

- Tính cách cá nhân của hai ông khác nhau khá rõ. Một người thì rất quyết liệt, một người dù trong tư duy, trong ý tưởng chính sách vẫn mạnh mẽ, nhưng phong cách thì nhẹ nhàng hơn. 

Thời ông Võ Văn Kiệt là thời "chiến đấu" giữa cái cũ với cái mới, không có người quyết liệt như ông thì cái mới khó mà thắng được. Ông đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định trong những năm đầu đổi mới để tạo lập nền tảng kinh tế thị trường ở nước ta.

Đến thời ông Phan Văn Khải thì cái mới đã dần được định hình để tiếp tục đẩy tới. Phong cách ôn hòa, nhưng 9 năm cầm quyền là 9 năm ông làm rất mạnh để xây dựng hệ thống thể chế, luật pháp và thực hành nền kinh tế thị trường, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế ở nước ta. 

Trên cơ sở đó, tăng trưởng kinh tế vừa cao, vừa ổn định. Những thành tựu này chứng minh tầm quan trọng của đổi mới, củng cố quyết tâm đẩy mạnh đổi mới ở nước ta.

Dù tính cách cá nhân khác nhau nhưng tư duy, tầm nhìn, đường lối và chính sách đổi mới của cả hai ông đều giống nhau, rất rõ ràng, kiên định, liên tục và nhất quán. Cái tâm của hai ông cũng sáng, đẹp như nhau. 

Nhờ đó trong thời kỳ của hai ông, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất cơ bản về cải cách, phát triển và hội nhập quốc tế, tạo lập được nền tảng khá vững chắc cho sự phát triển của đất nước.


Bà Phạm Chi Lan trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.
- Bà có thể chia sẻ những kỷ niệm cụ thể hơn nữa với hai Thủ tướng được không?

- Trong công việc của tổ tư vấn, hai vị nghiêm khắc, đòi hỏi cao về tinh thần trách nhiệm và chất lượng tư vấn. Trong các cuộc tranh luận của tổ, các Thủ tướng rất chú ý lắng nghe, hỏi thêm, gợi mở, lật đi lật lại vấn đề.

Có lần sau khi nghe các chuyên gia nói những vấn đề bức bối, gay gắt, "sếp" Khải ngồi thừ ra và thốt lên: "Biết vậy, nhưng mà khó quá nhỉ!". Lúc ấy chúng tôi thực sự đồng cảm và thấy thương những người lãnh đạo vô cùng.

Ông Võ Văn Kiệt thì mạnh mẽ hơn. Có một câu chuyện thể hiện rất rõ tính quyết đoán của ông. Tháng 7-1995, ông Nguyễn Mạnh Cầm (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm - PV) sang Bangkok họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean. Lúc đó Asean đã đồng ý cho Việt Nam tham gia Asean, nhưng ta phải cùng họ ký vào văn bản chính thức. Đã đồng ý hết, ông Cầm sang đấy rồi thì ở nhà lại có vị lãnh đạo có ý kiến khác.

Ông Vũ Khoan (lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - PV) được ông Cầm gọi điện về, đề nghị xin ý kiến vì chỉ vài tiếng nữa thôi mình không ký thì sẽ bị trì hoãn, mất cơ hội tham gia Asean. 

Ông Vũ Khoan xin ý kiến ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt bảo: "Cứ trả lời anh Cầm là ký đi. Tôi chịu trách nhiệm. Tôi là Thủ tướng, tôi sẽ chịu trách nhiệm".

Sau này, ông Khải rơi vào trường hợp tương tự như ông Cầm nhưng kết quả thì khác. Cuối năm 1999, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Khải đi họp Hội nghị APEC ở New Zealand, mang sẵn toàn bộ văn kiện để ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. 

Sang đến bên đó thì có ý kiến khác từ nhà. Ông Khải, dù là Thủ tướng, đành gác việc ký lại, để rồi mất đến 2 năm sau ta mới có được hiệp định quan trọng này...

- Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của bà!

Phan Đăng (thực hiện)

P/s: Đất nước mình ngộ quá!!! Bốn ngàn tuổi mà không chịu lớn

PHỤ LỤC:

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?
TRẦN THỊ LAM
Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.


Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...



Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...

TRẦN THỊ LAM

Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...