Skip to main content

Nhục nhã cho một cử nhân hay nhục nhã cho một quan điểm ?

Tại Hội thảo Quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm", cố nhà báo Hữu Thọ nhận định về thực trạng đội ngũ làm báo như sau :
"…Những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi cũng không thể ngờ…, cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng uy tín của giới báo chí đang giảm sút".
Nhận định của ông Hữu Thọ không chỉ đúng với những gì xảy tra trước Hội thảo mà còn được chứng minh bằng những gì xảy ra ngay trong những ngày vừa qua.
Đọc tít bài báo : "Cầm biển đứng giữa đường xin việc : Nhục nhã thay cho một cử nhân" người viết hơi ngỡ ngàng, đọc hết bài báo, tự nhiên trong đầu xuất hiện một câu hỏi : "nhục nhã thay cho một cử nhân hay nhục nhã thay cho một bài báo ?"
Còn nhớ cách đây không lâu, cử nhân y khoa Phan Thị Trang -con gái út của liệt sĩ Phan Huy Sơn hy sinh tại Gạc Ma trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ngoài Biển Đông, dù là con liệt sĩ thuộc diện ưu tiên cháu Trang vẫn không thể xin được việc làm. 
Sau khi biết fanpage của Bộ trưởng Y tế, cháu gửi hai bức thư đề nghị giúp đỡ, phải đích thân Bộ trưởng Trần Thị Kim Tiến can thiệp, cháu mới được nhận vào làm việc tại một cơ sở điều trị. 
Lại nhớ một lãnh đạo Hà Nội, ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội - khẳng định tại phiên thảo luận sáng 7/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố năm 2013, rằng "Chạy làm công chức thủ đô không dưới 100 triệu đồng".
Con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cho đến quý I năm nay được Viện khoa học lao động và xã hội công bố là 178.000 người. Vậy bao nhiêu người may mắn được đích thân Bộ trưởng hoặc Bí thư thành ủy (như trường hợp cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh) giúp đỡ ?
Trong tiếng Việt "nhục nhã" là hậu quả mà một cá nhân, một cộng đồng phải gánh chịu sau một hành động được xem là nhơ nhuốc, đáng khinh bỉ của chính cá nhân, cộng đồng đó hoặc sự cam chịu của con người trước sự áp đặt bởi sức mạnh cường quyền.
Câu nói "nỗi nhục của người dân mất nước" chính là sự nhục nhã khi dân tộc trở thành người nô lệ cho ngoại bang trên quê hương mình. 
Câu hỏi đặt ra là chàng trai cầm biển xin việc có ăn trộm ăn cắp không, có tham ô của công không, có lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giàu bất chính không, có làm gì trái pháp luật không ? Câu trả lời là không.
Người dân các nước phương Tây biểu tình, trưng biểu ngữ hoặc bảng chữ biểu thị nguyện vọng với chính quyền là chuyện bình thường, hình ảnh ra đường cầm biển xin việc đầy rẫy trên mạng, vậy tại sao lại nói việc cầm biển xin việc là "nhục nhã" ?
cunhan2
Dòng tiếng Anh trên các tấm biển "Tôi muốn có việc làm" (Ảnh theguardian.com)
Người viết cho rằng, nội dung và nhất là tít bài "Cầm biển đứng giữa đường xin việc : Nhục nhã thay cho một cử nhân" quả đúng là đã làm cho "uy tín của giới báo chí giảm sút", đó là việc mà người làm báo có tâm, có tầm không bao giờ nên làm.
Tác giả bài báo đặt ra câu hỏi là tại sao chàng cử nhân nọ không chịu đi làm những việc lao động bình thường mà lại cố đi xin việc theo chuyên môn được đào tạo ?
Đặt câu hỏi như vậy cho thấy, những tác giả của bài báo đang cổ súy cho sự tự ti, mặc cảm, cam chịu thất bại, đang khuyến khích đội ngũ trí thức trẻ chỉ cần kiếm sống mà không cần phấn đấu cho niềm mơ ước khi đặt chân vào giảng đường đại học. 
"Một dân tộc không dám đấu tranh, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ", câu nói này hẳn rất nhiều người đã đọc. Trong phạm vi hẹp, một cá nhân không dám phấn đấu cho mơ ước của mình, cá nhân đó chỉ có thể làm đầy tớ cho người khác. 
Nếu một đất nước cứ đào tạo cử nhân rồi để cho họ đi chạy bàn, đi bán vé số thì có nên tiếp tục đào tạo ? Vấn đề không phải là không tôn trọng lao động giản đơn, làm bất kỳ công việc gì mà xã hội cần đều là có ích, đều phải được tôn trọng. 
Lẽ ra, từ hiện tượng cầm biển xin việc, cần đặt vấn đề một cách nhân văn hơn nếu không nói là cần nhìn nhận ở tầm cao hơn.
Đó là quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo cử nhân, kỹ sư có phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hay không ?
Đó là công tác tổ chức, tuyển dụng có gì chưa ổn không ?
Đó là đội ngũ trí thức trẻ tốt nghiệp đại học đã được đào tạo một cách bài bản kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng xin việc hay chưa ?...
Về quy mô và chất lượng đào tạo trình độ đại học, cần phải nói thẳng rằng chúng ta không thể hội nhập quốc tế chỉ với đội ngũ kỹ sư, cử nhân đông đảo về số lượng nhưng chưa cao về chất lượng trong khi lại thiếu đội ngũ thợ lành nghề. Lỗi ở đây thuộc về những người hoạch định chiến lược ở tầm vĩ mô chứ không phải lỗi của người đi học.
Về công tác tổ chức, tuyển dụng nhân sự, bài viết trên nld.com.vn ngày 15/8/2015 "Bổ nhiệm kiểu con ông cháu cha" đã phản ánh phần nào góc khuất của công tác này : 
"Hơn 10 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, ông Phạm Minh Thắng đã đưa con, rể, anh em ruột và cả phía sui gia nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng ban và xí nghiệp trực thuộc, biến công ty nhà nước thành công ty gia đình".
Đà Nẵng là thành phố được nhiều người ca ngợi về sự phát triển và phong cách làm việc của đội ngũ lãnh đạo còn như thế thì nơi khác thế nào ?
Lẽ ra nỗi "nhục nhã của một cử nhân" phải dành cho những người cầm tấm bằng thật mà trình độ giả đang thong thả "cắp ô" mà vẫn đều đều nhận lương hàng tháng, cho những "hậu duệ" cứ có tấm bằng là biết chắc đã có một xuất "công chức", cho những người bằng số tiền không dưới trăm triệu để có việc làm trong cơ quan. 
Tác giả nên hỏi những người đó xem họ có cảm thấy "nhục nhã" không ? Còn với chàng cử nhân cầm tấm biển xin việc trong bài báo chẳng có gì mà phải xấu hổ.
Ngôn từ sử dụng trong bài báo không đơn thuần là chưa được cân nhắc cẩn trọng mà rõ ràng là còn có biểu hiện vi phạm quy định pháp luật, đó là hành vi xúc phạm nhân phẩm công dân, tác giả bài báo đã cố ý "làm nhục người khác" như quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự.
Trở lại vấn đề về trình độ chuyên môn, đạo đức và trách nhiệm của người làm báo, gần đây trước sự quá đà của một số tờ báo trong việc khai thác các tình tiết rùng rợn qua các vụ trọng án, Bộ Thông tin và truyền thông đã ra "tối hậu thư" cho báo chí về việc khai thác các hành vi tội ác nhằm câu view khán giả. 
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ Thông tin và truyền thông đã đã ký công văn số 2673/BTTTT-CBC gửi các cơ quan báo chí, công văn nêu rõ :
"Các cơ quan báo chí phải tiên phong đi tìm nguyên nhân, bản chất và đưa ra cách giải quyết vấn đề này một cách nhân văn để giúp xã hội hướng thiện. Tuy nhiên, thời gian qua báo chí đã từ bỏ vai trò cao quý này. Đây là dấu hiệu báo động về sự xuống cấp của báo chí hiện nay" [1].
Người viết hoàn toàn ủng hộ lời "tuyên chiến" này của Bộ Thông tin và truyền thông, tuy nhiên có cảm giác là công văn 2673/BTTTT-CBC vẫn còn thiếu, chưa bao quát hết sự "xuống cấp của báo chí". 
Khai thác các hành vi tội ác chỉ là một trong các hướng thu hút người đọc, có thể dễ dàng tìm thấy những bài báo vô bổ với cách giật tít "khủng" như "Ca sĩ có bộ ngực "khủng" nhất showbiz Việt", lại có bài báo khuyến khích hiện tượng ngoại tình như "5 lý do tuyệt vời để hẹn hò "máy bay bà già"… 
Người viết mong rằng Bộ Thông tin và truyền thông rồi đây cũng cần quan tâm tới những mảng nội dung không phù hợp này. Chủ đề "cướp, hiếp, giết, sốc, sex" cần phải bị loại trừ khỏi các trang báo, bảo đảm cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được hưởng thụ những món ăn tinh thần không độc hại.
Hy vọng rằng những bài báo kiểu như "…Nhục nhã thay cho một cử nhân" sẽ không còn xuất hiện trên mặt báo, không để những nhà báo chân chính bị đánh đồng với những người đang vô tình hay cố ý tạo nên "sự xuống cấp của báo chí hiện nay".
Xuân Dương
Theo GDVN, 21/08/2015
Tài liệu tham khảo :
[1] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/257434/bao-chi-phai-ngung-khai-thac-thong-tin-toi-ac-cau-khach.htm

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...