Skip to main content

Thu phí tác quyền quốc ca, bình thường hay bất thường ?

Thu phí tác quyền đối với một bài hát, chuyện bình thường này đã trở thành chủ đề tranh cãi, bởi bài hát đó là quốc ca.

quocca2
Hát quốc ca trong Ngày hội Thanh niên Bình Định : Ảnh Thanh Tuyền

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, vừa có văn bản đề nghị thu tiền tác quyền bài Tiến quân ca. Lập tức dư luận phản ứng bởi việc bình thường trở nên bất thường. Bình thường với bất cứ tác phẩm nào trong điều kiện được ủy quyền. Bất bình thường vì đó là bài quốc ca. Theo hiểu biết của tôi, chẳng nước nào thu phí tác quyền quốc ca nước mình cả.

Nhạc sĩ cho biết chào cờ thì không thu nhưng nếu diễn trên sân khấu thì sẽ thu. Ông cũng khẳng định, rất ít chương trình biểu diễn có bài quốc ca nên số tiền thu sẽ không đáng kể. Tôi cũng chưa thấy ca sĩ nào hát Tiến quân ca như những bài hát bình thường trên sân khấu. Cũng không thấy Tiến quân ca trong danh mục karaoke. Chẳng lẽ trong một phân cảnh kịch, phim, hoạt cảnh… có tiết mục chào cờ nên sẽ thu tiền. Dư luận phản ứng là vì lẽ đó. Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại. Ngọn nguồn vấn đề nằm ở chỗ khác. Nhiều người chưa nắm rõ nên kịch liệt lên án.

Cách đây vài năm, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của nhạc sĩ Văn Cao, đã có văn bản hiến tặng tác phẩm này cho Quốc hội (vì quốc hội đã quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca) chứ không phải cho Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Đề nghị chưa được phản hồi chính thức từ phía nhà nước mặc dù Tiến quân ca đã mặc nhiên trở thành tài sản quốc gia khi được chọn làm quốc ca Việt Nam từ 1946. Tuy nhiên, theo pháp luật, Tiến quân ca - tác phẩm của Văn Cao, là một trong những tài sản gia đình sau khi ông mất, có người thừa kế cụ thể. Ngoài bà Thúy Băng còn có các con của tác giả. Lâu nay, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã ủy quyền và Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc việc thu hộ bản quyền các tác phẩm của nhạc sĩ. Việc bình thường là ở chỗ đó.

Bình thường bởi dù là quốc ca, được ghi rành rành trong hiến pháp, nhưng chưa được chính thức công nhận sự hiến tặng của gia đình tác giả. Trước đây do điều kiện chiến tranh, phải trưng dụng tất cả cho cuộc chiến. Bây giờ đất nước thống nhất, phải làm đúng qui trình và luật bản quyền, cả trong nước lẫn quốc tế. Không chỉ Văn Cao mà bất cứ tác giả và gia đình nhạc sĩ nào cũng rất tự hào nếu có tác phẩm được chọn làm quốc ca. Theo nhạc sĩ Văn Thao, con trai trưởng của tác giả Tiến quân ca, cái gia đình cần là sự công nhận chính thức của Quốc hội, bởi giá trị Tiến quân ca không thể qui thành tiền. Vài lần, nhà nước định thay thế, tổ chức cuộc thi rầm rộ nhưng Tiến quân ca vẫn không có đối thủ xứng tầm. Đó là sự lựa chọn của lịch sử, là vũ khí tinh thần góp phần vào thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Bằng cả trái tim nồng nàn yêu nước và khát vọng độc lập, nhạc sĩ đã rút hết tâm can, dâng tặng cho đời bài ca bất hủ, cổ vũ toàn dân dốc lòng kháng chiến. Bản thân ông không hề đòi hỏi nhuận bút, so đo chế độ đãi ngộ. Tôi đã vinh dự vài lần được gặp ông ở gác 2 nhà 108 Yết Kiêu, Hà Nội khi Hãng phim Trẻ quay các video ca nhạc Văn Cao - giấc mơ đời người, Buổi sáng có trong sự thật… Càng ngưỡng mộ nhân cách và phẩm chất của ông, luôn vằng vặc ngay cả những tháng năm bị oan khuất. Vẫn nhớ bài thơ ngắn, súc tích và tuyệt vời ông tặng. "Lựa chọn. Giữa sự sống và sự chết. Tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống. Tôi chọn sự chết"

Qua sự việc đề nghị thu tiền tác quyền Tiến quân ca của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, mới bộc lộ những bất cập lâu nay về quản lý. Có điều gì lấn cấn trong việc Quốc hội chấp nhận sự hiến tặng của gia đình tác giả Tiến quân ca ? Chuyện nhỏ và bình thường nhưng có vẻ quá khó. Khi đã tiếp nhận sự hiến tặng, không ai, không tổ chức nào dám đòi bản quyền, dù chỉ là để đánh động dư luận.

Lại sực nhớ, chỉ vài năm gần đây, qua tìm hiểu, tôi mới hay tác giả của quốc kỳ Việt Nam là Nguyễn Hữu Tiến và lá cờ đỏ Sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) ngày 23/11/1940. Dù rằng Quốc hội đã chọn lá cờ đỏ Sao vàng là quốc kỳ từ năm 1946, nhưng Quốc hội vẫn chưa chính thức đặt vấn đề với gia đình, tiếp nhận và ghi công của tác giả. Tới giờ tôi vẫn chưa biết ai là tác giả của quốc huy Việt Nam ?

Những lỗ hổng bất cập về quản trong chiến tranh cần phải được nhanh chóng dứt điểm. Đất nước đã thống nhất hơn 40, thời gian quá đủ để giải quyết mọi vướng mắc một cách minh bạch và công bằng.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Theo ThanhNienOnline, 21/08/2015
******************

Hát quốc ca sẽ bị thu phí tác quyền ? (BBC, 21/08/2015)

quocca3
'Hát quốc ca tại trường học thì không bị thu phí tác quyền'

Việc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam yêu cầu thu phí tiền tác quyền ca khúc ‘Tiến quân ca' gây những tranh cãi.

Bài hát này đã trở thành quốc ca của Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay nhưng chưa ai nghĩ rằng mình sẽ phải trả tiền khi hát nó.

Hôm 20/8, báo Thanh Niên đưa tin :

"Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam yêu cầu thu phí tiền tác quyền bài hát này tại các chương trình nghệ thuật (ngay cả các chương trình nghệ thuật mang tính chính trị, không bán vé), chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình hội nghị, kỷ niệm (có thể xem xét tùy theo tính chất của chương trình), xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu)...

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc chỉ ‘không thu phí tác quyền trong một số trường hợp, chẳng hạn như học sinh hát quốc ca khi chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần’, báo Thanh Niên viết.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cho biết, "bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, đã từng có thư gửi Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, ngỏ lời được hiến tặng ca khúc "Tiến quân ca".
"Nhưng ông Văn Thao khẳng định, đó chỉ là ý kiến cá nhân của mẹ ông. Còn việc có hiến tặng ‘Tiến quân ca’ hay không, cần phải có sự thống nhất của các thành viên trong gia đình", Tuổi Trẻ viết.


‘Công ty đòi nợ thuê’
Hôm 21/8, trả lời phỏng vấn của BBC qua điện thoại từ Thành phố Hồ Chí Minh, ca sĩ Ánh Tuyết, người gắn liền tên tuổi với nhạc Văn Cao, cho biết :
"Tôi cảm thấy buồn khi người ta đem chuyện tác quyền bài quốc ca ra mổ xẻ chuyện tiền nong. Trong lúc sinh thời, ông Văn Cao là người sống không mưu cầu và rất thanh liêm".

Theo bà Ánh Tuyết, các con ông Văn Cao ‘đang sống trong cảnh nghèo khó, nên họ có quyền chính đáng để được thừa hưởng tiền tác quyền tác phẩm từ người cha của mình để lại’.

Bà ước tính số tiền tác quyền từ bài quốc ca ‘rất nhiều’, vì ca khúc này quá phổ biến tại Việt Nam.

Nhân chuyện tác quyền, từ góc độ chủ phòng trà ATB, bà Ánh Tuyết bày tỏ bức xúc :
"Nói thẳng ra là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc giống như một công ty đòi nợ thuê thôi. Họ dựa vào Hội Âm nhạc Việt Nam để hù dọa các quán cà phê, phòng trà, nhà hàng và thu tiền hàng năm.
Họ thu tác quyền không chỉ việc trình diễn mà kể cả việc hàng quán bật đĩa nhạc".

Bà Ánh Tuyết nhấn mạnh, vấn đề khiến người ta bức xúc là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc ‘mập mờ, không minh bạch’ về các khoản thu-chi.
Theo bà, tiền tác quyền do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc thu hàng năm rất nhiều, nhưng ‘không chắc là có đến được các tác giả hay không’.
"Tôi biết có những nhạc sĩ không nhờ thu tác quyền nhưng trung tâm vẫn cứ thu. Chẳng ai biết tiền thu được đi đâu về đâu, nhưng người ta nghẹn họng vì bị hù dọa, sợ bị Trung tâm gây khó dễ", bà Ánh Tuyết nói.


**********************

‘Thu phí Tiến quân ca sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng’ (TNO, 21/08/2015)

Tiến quân ca khi trở thành Quốc ca là đã trở thành tinh thần dân tộc, không thể xem đó là một loại hàng hóa để tính toán thu phí. Làm như vậy mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Quốc ca.

MV Quốc ca do ca sĩ Minh Quân, Ngọc Anh và nhà báo Ngô Bá Lục khởi xướng, sau đó dự án cộng đồng này lan tỏa nhanh chóng và thu hút hơn 1.300 người tham gia, vào tháng 5/2014.

Đó là một trong những ý kiến của các luật sư liên quan tới việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC-Vietnam Center for Protection of Music Copyright ) yêu cầu thu phí tác quyền bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao. Theo đó, việc sử dụng Tiến quân ca trong một chương trình biểu diễn dù sử dụng tác quyền với mục đích thương mại cũng phải xem xét nhiều yếu tố mới quyết định được có thu phí hay không.


Thu phí là trái với tâm nguyện cố nhạc sĩ Văn Cao và vợ

Bài hát Tiến quân ca đã trở thành Quốc ca của Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay. Theo thông tin từ VCPMC, trung tâm thu phí tác quyền ca khúc Tiến quân ca, hay còn là Quốc ca của Việt Nam khi ca khúc được trình diễn tại các chương trình nghệ thuật (mang tính thương mại) đều phải thu phí bản quyền. Nếu cử hành bài Tiến quân ca theo theo nghi lễ bình thường thì không thu tiền.

Trao đổi với Thanh Niên Online, Luật sư Nguyễn Thị Nhân Hậu (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), Tổng giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ S&O tại Việt Nam cho rằng việc thu tiền bản quyền phải xác định rõ : thu để làm gì, thu cho ai, bảo vệ quyền lợi cho ai, có mục đích cá nhân hay không, nếu sử dụng vào bất kỳ mục đích nào cho cá nhân, tổ chức nào cũng đều không đúng quy định pháp luật.

Việc đề xuất trả tiền bản quyền là không hợp lý bởi theo quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm : Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm ; trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu ; biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào...

quocca4
Hát quốc ca trước khi thi đấu có phải bị trả tác quyền ?

"Khi luật đã quy định rõ như thế thì dù sử dụng tác phẩm Tiến quân ca vào mục đích thương mại, cũng phải xem xét nhiều yếu tố khác mới có thể thu phí như : tính chất thương mại như thế nào trong khi bài hát đã mang tính chất của công chúng, toàn Đảng, toàn dân ; ý nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao, mong muốn của gia đình cố nhạc sĩ có muốn thu phí hay không ; thu tiền vào mục đích gì vì bài hát của công chúng thì không thể thu tiền cho cá nhân hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân ?", Luật sư Hậu phân tích.

Cũng theo Luật sư Hậu, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao đã có đơn hiến tặng tác phẩm này cho công chúng, Đảng, Quốc hội, Nhà nước. Trong đơn nêu rõ : "Quốc ca không của riêng cố nhạc sĩ nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca Việt Nam năm 1946". Vì vậy, nếu thu bản quyền tác phẩm này là trái với tâm nguyện của cố nhạc sĩ cũng như vợ cố nhạc sĩ.

Ngoài ra, tác phẩm Tiến quân ca là tác phẩm của công chúng và được Nhà nước, công chúng thừa nhận, do đó việc thu phí là không hợp lý. Quốc ca là tinh thần dân tộc không thể xem đó là một loại hàng hóa để tính toán thu phí trong từng chương trình là bao nhiêu, làm như vậy mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Quốc ca.
Luật sư Nguyễn Văn Bun (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng trong Khoản 3, Điều 13 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam 2013 quy định, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca. Khi Hiến pháp đã quy định cụ thể như vậy thì không thể thu bản quyền, bởi vì bản nhạc đã trở thành tác phẩm chung của toàn dân tộc, tác phẩm được xem là tài sản của quốc gia.
Ngọc Lê

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...