Skip to main content

LS. Trần Quốc Thuận: Vụ án Ba Sàm thiếu chứng cứ, có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng


Luật sư Trần Quốc Thuận. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.
Luật sư Trần Quốc Thuận. Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ.
Đoan Trang (thực hiện)
“Ban đầu tôi tưởng đâu vụ này sẽ lại lặp lại các vấn đề về dân chủ – nhân quyền như vụ Cù Huy Hà Vũ, nhưng hóa ra lại là một vấn đề khác, còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn. Đó là, theo những công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký thì: Không thể kết tội một người nếu không chứng minh được người đó có tội” – ông Trần Quốc Thuận, một trong 5 luật sư bảo vệ cho blogger Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh), trao đổi với Luật Khoa.
PV: Ông tiếp nhận hồ sơ vụ án “Anh Ba Sàm” từ khi nào?
LS: Khi anh Vinh bị bắt thì anh có nói qua cô Hà (bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Nguyễn Hữu Vinh – PV) mời tôi làm luật sư. Nhưng do tôi ở miền Nam nên đã từ chối vì không muốn đi lại nhiều gây tốn kém cho gia đình trong giai đoạn thẩm vấn, chất vấn bị can. Tôi nói lúc nào thích hợp thì tôi sẽ tham gia.
Và khi có kết luận điều tra, anh Vinh lại nhắc lại là mời tôi làm luật sư. Nên tôi gửi hồ sơ ra, đến ngày 21/3/2015 thì có quyết định của Viện Kiểm sát đồng ý cho tôi làm luật sư cho anh Vinh, nhưng phải giục nhiều lần thì cuối tháng 4/2015, tôi mới nhận được quyết định đó.
Lần ra nhận quyết định, tôi cũng tranh thủ gặp anh Vinh trong một tiếng đồng hồ, cũng không nói được nhiều. May mà có LS. Hà Huy Sơn tham gia ngay từ đầu, anh ấy có đầy đủ hồ sơ vụ án. Tôi đã nhờ anh ấy chuyển cho tôi để đọc và tiếp cận vụ án. Khi tiếp cận vụ án, thật sự tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
PV: Ngạc nhiên sao ạ?
LS: Ban đầu tôi vẫn nghĩ rằng anh Vinh bị bắt vì anh là chủ trang “Anh Ba Sàm” tức trang “Thông Tấn Xã Vỉa Hè”. Nhưng khi tiếp cận hồ sơ thì hóa ra không phải, mà anh ấy bị bắt vì hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Rôi lại cũng chẳng phải do hai trang này mà thành ra là vấn đề kỹ thuật vi tính.
Tôi đã chuẩn bị tranh tụng cho vấn đề dân chủ và nhân quyền như Việt Nam đã ký ở các công ước quốc tế liên quan, nhưng cuối cùng thì không phải vậy. Và theo hướng kỹ thuật vi tính thì việc điều tra vụ án thực sự là bế tắc cho cơ quan điều tra.
PV: Ông có thể nói rõ bế tắc như thế nào?
LS: Tức là, cơ quan điều tra khẳng định anh Vinh là chủ của hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”, bởi vì họ cho rằng anh ấy có số điện thoại và email cài mật mã hai lớp để vào được hai trang đó.
Anh Vinh nói rằng họ phải chứng minh được anh vào khi nào, bằng cách nào. Lúc này thì cơ quan điều tra thua, họ phải mời tới FPT và các cơ quan truyền thông của Bộ Thông tin – Truyền thông để làm rõ. Bên FPT đưa ra giờ, ngày, tháng… mà anh Vinh có ở trên giao diện của hai trang đó, tức là đang đọc tin trên hai trang đó. Nhưng đọc tin mà có tội thì Việt Nam này có tới cả triệu người đi tù rồi.
Dù vậy, cơ quan điều tra vẫn nói đại rằng anh Vinh chính là quản trị viên của hai trang trên, bởi lẽ anh Vinh có đủ điều kiện để vào được hai trang đó. Anh Vinh vẫn bác lại với lập luận: “Không phải tôi có chìa khóa vào nhà thì có nghĩa là tôi vào nhà. Mà nếu tôi vào nhà thì phải để lại dấu vết, còn không tìm ra dấu vết thì không thể khẳng định được gì”.
Cơ quan điều tra cũng cố làm rõ xem có phải anh Vinh đã can thiệp thay đổi nội dung các bài đăng trong hai trang trên không, vì nếu có thì đúng là anh Vinh vào đó thật. Nhưng anh ấy không nói, mà cơ quan điều tra thì không thể chứng minh được. Lẽ ra, điều tra không được thì phải thả.
Ban đầu tôi tưởng đâu vụ này sẽ lại lặp lại các vấn đề về dân chủ – nhân quyền như vụ Cù Huy Hà Vũ, nhưng hóa ra lại là một vấn đề khác, còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hơn. Đó là, theo những công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã ký thì: Không thể kết tội một người nếu không chứng minh được người đó có tội. Và anh Vinh đang rơi vào trường hợp đó.
PV: Ông có thể cho biết vắn tắt các vi phạm tố tụng trong vụ án Ba Sàm?
LS: Trong hồ sơ có kết luận điều tra thì thấy nói rằng Tổng cục An ninh (Cục Bảo vệ Chính trị VI – A67) theo dõi và thấy có hai trang mạng “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Sau đó, họ gửi công văn cho bên FPT… Rồi họ giao cho cơ quan điều tra, cơ quan điều tra mới phối hợp điều tra và xác minh. Và thế là có lệnh bắt khẩn cấp.
Khi đến bắt khẩn cấp thì họ gõ cửa, kêu lâu quá. Anh Vinh bảo: “Đâu phải nhà tôi lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa cho các anh đâu”. Lúc họ vào nhà thì anh Vinh đang đau đầu, nằm trên ghế. Họ cứ thế vào bật máy và in ra rất nhiều tài liệu, phòng của cô Thúy họ cũng vào in ra được ba bài. Đem biên bản cho anh Vinh ký thì anh ấy không ký, bảo “với đường truyền tốc độ cao thì các anh muốn in bao nhiêu bài chả được, cứ gì 6 bài”.
Sau đó họ niêm phong cửa phòng lại. Nhưng phòng này lại là phòng có hai cửa, nên về sau anh Vinh nói rằng ai đó khác cũng có thể vào bằng cửa kia và in ra rất nhiều bài.
Trường hợp này cũng không cần phải bắt khẩn cấp, bắt khẩn cấp là lạm quyền. Chưa kể, như bình thường, lệnh bắt khẩn cấp phải được Viện Kiểm sát phê chuẩn trong 24 giờ sau khi bắt, nhưng trong vụ này thì 8 ngày sau Viện Kiểm sát mới phê chuẩn.
Đó là những vấn đề vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong tố tụng hình sự, có quy định rằng những người có liên quan đến vụ án(ví dụ: người bị hại…) thì không được tham gia vào tố tụng.
Vụ án này có liên quan đến ông Hoàng Kông Tư, bởi trong 24 bài mà anh Vinh bị buộc tội đăng tải, có một bài về ông Hoàng Kông Tư, là bài “Ông trời con Hoàng Kông Tư vs. BBC Việt ngữ”. Ấy thế mà ông Hoàng Kông Tư lại đứng ra điều tra về vụ án có bài viết đó.
Như vậy, rất có thể hiểu thành ông Tư trả thù người ta; vì người ta đăng tải bài đó nên ông đứng ra điều tra để trả thù, ông có động cơ trả thù.
Việc đó, về mặt tố tụng, là không được phép.Người bị hại không được phép đứng ra điều tra.
Ông Nguyễn Hữu Vinh.
Ông Nguyễn Hữu Vinh.
PV: Ông có biết tại sao anh Nguyễn Hữu Vinh bị bắt? Mà lại bắt vào đúng tháng 5 năm ngoái, thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam. Liệu có phải là một động thái của chính quyền nhằm trấn áp những người chống việc thân Trung Quốc không? Sau đó họ cũng bắt Bọ Lập, GS. Hồng Lê Thọ…
LS: Các blogger viết bài, nhiều khi nhìn vào cách viết thì thấy là họ cũng có thiên kiến, không ủng hộ ông này mà ủng hộ ông kia, giữa những ông có đầy quyền lực. Cho nên bắt bớ kiểu đó cũng là kiểu chặt tay, chặt chân của nhau. Thế gọi là “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.
Trước những ngưỡng cửa, trước những bước ngoặt thì thường hay có biến cố kiểu đó.
PV: Ông thấy hai vụ – Cù Huy Hà Vũ và Anh Bà Sàm, vụ nào khó cãi hơn?
Bây giờ không khí cởi mở hơn so với năm 2011, tư pháp cũng có nhiều đổi mới hơn. Để cãi thì cũng có nhiều chỗ để mà cãi hơn. Trong bài cãi cho Cù Huy Hà Vũ thì có lý sự, lập luận rõ ràng và có vẻ logic hơn.
Còn trong trường hợp Nguyễn Hữu Vinh, tôi cho rằng câu chuyện là sự vi phạm quy trình tố tụng, bắt người mà không có chứng cứ. Khi không chứng minh được anh Vinh phạm tội mà vẫn giam giữ anh thì vi phạm nhân quyền đó còn lớn hơn là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Vì quyền con người đầu tiên là quyền được sống, được tự do thân thể, không bị giam giữ.
PV: Vậy theo ông thì sắp tới vụ án sẽ diễn biến thế nào ạ?
LS: Thì chính quyền cũng sẽ gặp khó khăn, họ biết vậy. Nhưng giống như vụ Cù Huy Hà Vũ, họ cũng chịu một áp lực là phải xử, phải đem Nguyễn Hữu Vinh ra tòa xét xử. Giờ chúng ta chỉ không biết họ sẽ khép anh Vinh vào tội gì cho đỡ vô lý thôi, không biết có khép tội trốn thuế không nữa (cười).
Vụ án Ba Sàm: Ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy (nhân viên kế toán của Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ V) cùng bị bắt khẩn cấp ngày 5/5/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an buộc tội ông Vinh là chủ sở hữu và điều hành hai trang web có tên “Dân quyền” và “Chép sử Việt”, đăng tải trên đó 24 bài viết “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Tuy nhiên, các kết luận điều tra đều không chứng minh được ông Vinh là chủ sở hữu và điều hành hai trang này.
Các luật sư nhận bảo vệ cho ông Vinh và bà Thúy, tính đến thời điểm này, gồm: Trần Quốc Thuận, Trần Văn Tạo, Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Trịnh Minh Tân, Nguyễn Tiến Dũng. Trong đó, ông Trần Quốc Thuận (Văn phòng Luật sư Hà Hải & Cộng sự) là nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam và từng là một trong các luật sư biện hộ trong vụ án Cù Huy Hà Vũ.

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Internet và mạng xã hội tại Việt Nam: đằng sau những chỉ số thống kê

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial. Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như  «  tàu lạ  »  đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư. Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại V...