Ảnh minh họa - DR
Gần đây, Bộ giáo dục Pháp quyết định chọn ngày 05/11 hằng năm làm "ngày chống hành hung học đường". Theo khảo sát tại Pháp, cứ 10 em thì có một em bị bắt nạt ở trường. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, tình trạng "bạo hành trong học đường" nở rộ trở thành một vấn nạn.
Với sự phát triển mạnh của các loại điện thoại thông minh và các trang mạng xã hội, hiện tượng bạo hành giữa các em với nhau còn làm cho các bậc phụ huynh thêm lo lắng.
Làm thế nào nhận diện hiện tượng để chống lại tình trạng bạo lực học đường ? Đâu là nguyên nhân chính ? Nhà trường và Gia đình có vai trò như thế nào ? Trao đổi với ban Việt ngữ RFI qua điện thoại, Thạc sĩ Lê Thị Tuyết Ánh, giảng viên khoa Tâm lý học-Giáo dục học trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn cho rằng cần phân biệt rõ giữa hai hình thức "bạo lực học đường" và "bắt nạt học đường".
Lê Thị Tuyết Ánh: "Cả hai hình thức này đều là xấu và đều mang tính tiêu cực. Nhưng bạo lực có tính chất tiêu cực cao hơn, có thể gây tổn thương, tai họa lớn. Còn bắt nạt là một hành vi lấn lướt người khác để khẳng định mình ở vai vế cao hơn, quan trọng hơn người khác. Do đó, bạo lực mang tính nghiêm trọng, gây tổn thương, thậm chí là thương tích cho thân thể hay tinh thần. Tóm lại cả hai đều không tốt, đều tiêu cực hết".
Làm thế nào để nhận biết được là con trẻ mình bị "bắt nạt", hay "hành hung" ở trường ? Theo cô Tuyết Ánh, tùy theo từng độ tuổi học trò, các em có những biểu hiện tâm lý khác nhau mà các bậc cha mẹ cần phải biết rõ để hiểu được con mình nhiều hơn và giúp trẻ nhận thức được các hành vi ứng xử của mình.
Lê Thị Tuyết Ánh: "Thường thường các em ở độ tuổi nhỏ, tức học sinh tiểu học, khi đi học về các em sẽ có các biểu hiện lo lắng, mà cha mẹ có thể biết vì các em rất dễ nói. Ở độ tuổi này các em còn rất trung thực, khi cha mẹ thấy có dấu hiệu sao hôm nay con về nó buồn buồn nó lo lắng đó, thì cha mẹ hỏi là nó nói liền được. Chính vì thế việc khai thác các chuyện ở trường học là không khó.
Đến độ tuổi cấp hai, các em có dấu hiệu khác. Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận thấy là về đến nhà các em giam mình lại, không giao tiếp, ít nói chuyện, đó là hướng thứ nhất. Hướng thứ hai là các em có dấu hiệu bùng nổ, để cân bằng lại những chuyện các em phải chịu đựng ở trường. Tức là các em bùng nổ các hành vi của mình, như bực dọc với cha mẹ, nói chuyện không từ tốn với cha mẹ. Vấn đề là để cân bằng tâm lý giữa chuyện ở trường bị ép, bây giờ về đến nhà các em phải lấy lại cân bằng đó để sống, nhưng các em lại không ý thức được hành vi của mình.
Nếu như ở độ tuổi cấp 1, cha mẹ có thể hỏi han con một cách dễ dàng và như vậy có thể kịp thời can thiệp vào, điều này lại không xảy ra tương tự trong độ tuổi cấp hai. Do bởi đây cũng là độ tuổi các em thể hiện sức mạnh ý chí tinh thần, nhưng vẫn còn thiếu hiểu biết về phẩm chất. Chính vì vậy mà các em có những hành xử sai lầm.
Do đó khi nói về bạo lực học đường thường rơi vào cấp 2, hay cấp 3, còn nếu nói về bắt nạt là ở cấp 1. Vì chuyện bắt nạt chưa có hành vi bạo lực, chưa có hành vi gây tổn thương cho người khác bằng những hành vi mạnh mẽ, ngông cuồng. Nhưng khi lên cấp hai là các em bắt đầu thể hiện hành động này.
Còn ở cấp ba, thể hiện bạo lực là nhằm để thể hiện bản thân. Ở tuổi này các em đã có khả năng khẳng định bản thân. Ở cấp hai, các em đã muốn thể hiện mình rồi, chẳng hạn như có ai đó mà các em không thích thì các em cũng hành hung, gây sự, hay là có ai đó hơn thì mình cũng không muốn. Một khi mình muốn là mình thể hiện mình. Mình thể hiện bằng sức mạnh.
Bạo lực ở cấp ba là do bị khiêu khích. Độ tuổi này dễ bùng nổ phản ứng, nhưng nếu bị khiêu khích, chọc ghẹo dễ dẫn đến hành động theo kiểu bạo lực. Nói tóm lại, nguyên nhân chủ yếu là các em muốn tự khẳng định. Để làm được điều đó, thì cấc phải tự thể hiện ra. Các em chỉ muốn hơn hoặc bằng người khác, chứ không muốn người khác hơn mình.
Và vì đây cũng là độ tuổi mới lớn, nên sự tự thể hiện được bộc lộ qua hành vi là chủ yếu, nhưng nhận thức, thái độ chỉ là cái "ẩn’ bên trong, hành vi mới là cái bộc lộ để người ta nhìn thấy mình được. Do đó, khi bị khiêu khích các em cũng hành xử như vậy, hậu quả như thế nào thì không nghĩ tới, không tính tới hệ lụy đằng sau đó của hành động. Các em chỉ biết là hành động như vậy để thể hiện bản thân mình thôi. Đó chính là động cơ từ bên trong để các em tự bộc lộ mình".
Giáo dục lỏng lẻo, gia đình bạo hành, truyền thông buông lỏng
Đâu là nguyên nhân của hiện tượng bạo lực này ? Sự thiếu vắng trong giáo dục học đường quá chú trọng đến chương trình mà buông lỏng giáo dục phẩm chất trong cách sống và cư xử giữa bạn bè.
Lê Thị Tuyết Ánh: "Đây là độ tuổi bùng nổ về tâm lý, tức là tâm lý thể hiện sức mạnh đó. Ở độ tuổi này lý trí bắt đầu hình thành nên có sức mạnh, để dám đương đầu với mọi hoàn cảnh. Chính qua quá trình đương đầu đó sẽ bồi dưỡng thêm nhận thức cho các em, về ý thức đúng.
Thế nhưng, nhà trường chỉ quan tâm đến giáo trình, bài học, ít có quan tâm đến thái độ sống của trẻ như thế nào tốt, cách hành xử như thế nào cho đúng. Chính vì vậy mà buông lỏng đi, thầy cô ít quan tâm dành thời gian để đầu tư vào vấn đề này. Trẻ con tự xử nhau là chủ yếu trong chuyện "ưng hay không ưng’, trong quan hệ bạn bè, quan hệ học tập. Chính vì vậy mới dẫn đến hệ lụy là gây ra những chuyện hành hung lẫn nhau. Giá mà nhà trường quan tâm một chút, rồi về đến nhà cha mẹ biết quan tâm chia sẻ với con cái nhiều hơn thì sẽ không có chuyện như thế".
Truyền thông nở rộ như Internet hay các trang mạng xã hội cũng góp phần làm gia tăng các hành động bạo lực ở trẻ trong độ tuổi học đường qua việc bắt chước các hành động xấu lẫn nhau.
Lê Thị Tuyết Ánh : "Thông tin quá rộng rãi. Nhất cử nhất động của trẻ đều được đăng trên mạng. Từ đó, thông tin được phát tán quá nhanh. Rồi nhóm này học nhóm kia trong cách hành xử. Trên thực tế là các em bắt chước nhau. ở đây làm được thì ở mình cũng làm được. Trường này làm được ở trường khác cũng làm được khi có sự cố tương tự diễn ra.
Các em học lẫn nhau những hành vi không được phép. Về mặt xã hội, truyền thông và quản lý thông tin đối với giới trẻ, đặc biệt là với các trang mạng, những điều xấu xa là rất là nhiều, mà trẻ thì chưa có lựa chọn và định hướng thông tin đúng trên nhận thức của trẻ, chính vì thế các em chỉ học cái sai lầm mà không tiếp thu cái đúng đắn".
Cuối cùng là gia đình. Nạn bạo lực trong gia đình giữa người lớn với nhau là một tấm gương xấu cho trẻ.
Lê Thị Tuyết Ánh : "Nạn bạo hành trong gia đình ở Việt Nam khá phổ biến. Cha mẹ không nêu gương cho con cái trong hành vi. Con cái mỗi ngày nhìn thấy hành vi của cha mẹ, rồi các em cũng thấy là cuộc sống của cha mẹ ra sao. Chính vì lẽ đó khi đến với người khác thì các em cũng có thể hành xử như thế khi nó không ưng, khi có mâu thuẫn. Điều đó dẫn đến việc dễ dàng hành hung người khác.
Nói tóm lại vấn đề là đều do giáo dục, từ ghế nhà trường, cho đến gia đình, cộng đồng. Chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có nội dung hợp lý, mạnh ai nấy làm, hoặc có bộ phận thì bỏ ngỏ, không quan tâm đến con trẻ. Chính những điều đó dẫn đến hệ lụy như ngày nay, làm xã hội phải lo lắng.
Chuyện các học sinh thì xã hội nào cũng có, chứ không phải đến bây giờ mới có. Nhưng hiện nay, hiện tượng này rộ lên quá đáng. Mà sự rộ lên đó là do sự hỗ trợ của truyền thông, thực trạng của cuộc sống gia đình hiện nay và sự quan tâm của nhà trường".
Tính phức tạp về tâm lý trong từng độ tuổi, thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng, đương nhiên là những yếu tố chính gây ra tình trạng bạo hành trong nhà trường tăng mạnh. Nhưng liệu đó có là những nguyên nhân chính yếu trong vấn nạn này ? Việt Nam là một quốc gia vẫn còn mang đậm tư tưởng Khổng giáo, rất hiếu hòa và không thích bạo lực. Phải chăng vẫn còn một nguyên nhân nào khác để giải thích về hiện tượng này ?
Minh Anh thực hiện
Nguồn : RFI, 18/11/2015
Comments
Post a Comment