Tiếp theo phần I
Lịch sử chưa có nghèo giải phóng giàu, lạc hậu giải phóng văn minh mà chỉ có cướp. “Giải phóng miền Nam” đang nói lên như thế. Khi kẻ cướp điều hành xã hội tất phải hỗn loạn!
Cộng sản biết rõ và không thể nào thoát khỏi được tâm trạng bất an của kẻ cướp (!) vì biết rằng họ sẽ phải đối diện Công lý.
Thử nhìn thực tế sau 44 năm “giải phóng” hỏi có được bao nhiêu người từ phía Nam ra Bắc lập nghiệp so với “biển người” phía Bắc tràn vô Nam? Hiện tại giai cấp đang thống lĩnh kinh tế tại phía Nam do những ai cầm đầu? Hầu hết mọi cơ ngơi đồ sộ nhất, các trọng điểm kinh tế hái ra tiền do ai làm chủ? Đồng bằng sông Cửu Long là vựa thực phẩm của cả nước nông dân vẫn nghèo xơ xác, cơ sở hạ tầng không được nâng cấp như các nơi ở phía Bắc mà một tờ báo chỉ nhắc thoáng qua đã bị phạt đình bản 3 tháng? Tại sao Sài Gòn “phồn vinh giả tạo” bây giờ vẫn là “đầu tàu kinh tế cả nước”?
Còn với lãnh vực văn minh, văn hóa thì ngược lại. Phía Bắc cố gắng đồng hóa phía Nam bằng thứ ngôn ngữ đặc trưng XHCN. Ngọng nghịu, chói tai, kẻ cả. Vì thế tính “ưu việt XHCN” đó thất bại ngay từ đầu. Chẳng những không hủy diệt được “cặn bã Mỹ Ngụy”, dù tổ chức chiến dịch đốt sách, nhưng ngọn gió văn minh thổi “tro tàn” của nó bay ngược tràn lan ra khắp phía Bắc rất nhanh. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật thay vì tàn lụi thì mỗi ngày một sống lại, dù chẳng có ai tuyên truyền. Nhạc Vàng, nhạc bolero… các ca sĩ già U70 cỡ Chế Linh, Khánh Ly, Hương Lan, Elvis Phương, Lệ Thu… ở ngoài nước được mời về hát, được đón tiếp nồng nhiệt với tiền cát xê hậu hĩnh trong lúc đó NQ 36, cái gọi là “hòa hợp hòa giải”, chỉ biết “ăn theo”! Thực tế sờ sờ như thế do ai “chủ đạo”?
VNCH tồn tại chỉ 20 năm trong thời chiến mà đến bây giờ, 44 năm sau, những tác phẩm, tác giả thời đó càng ngày càng được nhiều người ưa thích, tìm đọc. Tại sao?
Sự thật khách quan như thế! Sự thật đó cho biết VNCH đã đi vào lòng dân tộc, đi đúng hướng văn minh của thời đại. Vì thế cho dù có bị phỉ báng, bị vùi dập cỡ nào thì chính nó vẫn tiềm ẩn trong lòng xã hội, như một thân cây bất ngờ bị giông bão làm gãy ngang nhưng rễ của nó vẫn sống trong lòng đất. Lòng đất là lòng người. Được lòng người nuôi dưỡng, che chở gìn giữ nên nó tồn tại.
44 năm của đời người thì rất dài nhưng 44 năm của dòng lịch sử lại ngắn. Một chế độ chỉ tồn tại vỏn vẹn 20 năm (1955-1975) tưởng đã là cát bụi nhưng mạch sống của nó vẫn tiềm ẩn trong lòng người nên lại vươn lên. Là những cơn sóng ngầm làm chế độ đang băng hoại thêm lo sợ. Như những đóa tulip ẩn tàng dưới băng giá mùa Đông đợi đến mùa Xuân sẽ nứt tuyết nhú lên đẹp lóng lánh, khoe sắc dưới ánh mặt trời.
Đó mới thật sự là chiến thắng. Một chiến thắng rạng rỡ, nhân văn, không hề có tiếng súng hay hận thù.
Quy luật của lịch sử là thế. Chẳng có “3 dòng thác cách mạng” nào cuốn phăng được bọn “tư bản giãy chết” mà chỉ có Thịnh vượng, Văn minh đối đầu với Đói rách, Ngu dốt.
Một chế độ chỉ còn biết dựa vào sức mạnh, cố bám víu vào quân đội và công an “còn đảng còn mình”, vẫn chủ trương giáo dục nhồi sọ, ngu dân, vì sợ dân biết sự thật, chế độ đó đã tự phơi bày ra sự sợ hãi tột cùng.
Tội ác phải sợ hãi Công lý. Bóng tối phải sợ hãi Ánh sáng. Và Ánh sáng là sự Sống. Sự Sống tất thắng.
(6/4/2019)
Kông Kông
Comments
Post a Comment