Nhờ người bạn giới thiệu, tôi tò mò ghé thăm nhà thơ Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ. Anh ta nổi tiếng ở Huế vì bài thơ chưởi nhân tình thế thái, chưởi đồng chí đồng đội, chưởi chế độ đã rắp tâm hãm hại anh ta cho đến tận bây giờ. Trần Vàng Sao trông già trước tuổi. Chiếc áo thun rộng quá khổ phủ lên thân hình ốm nhách ốm nheo. Đôi tay gầy cong queo, cái miệng móm lia chia nói chuyện, giọng Huế dinh. Nhắp ngụm bia Huda Huế, tôi hỏi, bài thơ "Tau Chưởi" anh Đính làm khi mô mà nức nở thế? Không trả lời câu hỏi của tôi, anh ứng khẩu câu thơ mà anh ưng ý nhất, thường được dùng để trả lời cho bạn bè văn chương của anh:
"Mi theo cách mạng quá trời,
bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa!"
Rồi nhìn tôi bằng ánh mắt tinh nghịch, răng? chú mi thuộc bài nớ hà? Em đọc trong Talawas. Bài nớ làm khi mô rứa anh Đính, ngoài Bắc hay là tại Huế? Một lần nữa, anh ta không trả lời, hất hàm về tôi với cái miệng móm chu lại, móm mém ứng khẩu: "Nghe mà liệu cái thần hồn, giả đò đằng hắng mà dòm nhà tui!". Thế là tôi cười trừ, giơ tay đầu hàng, thua. Anh ta nổi hứng đọc một đoạn trong bài thơ "Tau Chưởi".
"Mi theo cách mạng quá trời,
bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa!"
Rồi nhìn tôi bằng ánh mắt tinh nghịch, răng? chú mi thuộc bài nớ hà? Em đọc trong Talawas. Bài nớ làm khi mô rứa anh Đính, ngoài Bắc hay là tại Huế? Một lần nữa, anh ta không trả lời, hất hàm về tôi với cái miệng móm chu lại, móm mém ứng khẩu: "Nghe mà liệu cái thần hồn, giả đò đằng hắng mà dòm nhà tui!". Thế là tôi cười trừ, giơ tay đầu hàng, thua. Anh ta nổi hứng đọc một đoạn trong bài thơ "Tau Chưởi".
"...Cao tằng cố tổ bây
Tiên sư cha bây
Tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
Xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
Tam giáo đạo sư bây
Cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
Bây ỉ thế ỉ thần
Cậy nhà cao cửa rộng
Cậy tiền rương bạc đống
Bây ăn tai nói ngược
Ăn hô nói thừa
Đòn xóc nhọn hai đầu..."
Tiên sư cha bây
Tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
Xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
Tam giáo đạo sư bây
Cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
Bây ỉ thế ỉ thần
Cậy nhà cao cửa rộng
Cậy tiền rương bạc đống
Bây ăn tai nói ngược
Ăn hô nói thừa
Đòn xóc nhọn hai đầu..."
Tôi đem khoe những câu chưởi đổng thâm thúy của Trần Vàng Sao cho cụ Trần Đào ở làng nghe, ngồi nghiêng nghiêng chăm chú được vài câu, cụ Đào giơ tay khoát, xào! rứa có chi mà hay, mụ cô bà tau khi xưa chưởi còn hay hơn nhiều. Rồi cụ xổ ra một đoạn: "Cao tằng tổ đĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông, cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bây hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cưa ngỏ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tau chưởi đây nầy..." Hai chú cháu cười lăn lộn. Hay, hay thiệt!
Làng Tân Mỹ quê tôi, không là một ngoại lệ khi có xảy ra những ghen tức giận hờn với nhau trong đời sống chung đụng hằng ngày, thì cũng lườm nhau, mắng nhau, chưởi nhau rồi kéo nhau "đắp mộ cuộc tình" luôn đó thôi. Con trai làng Tân Mỹ không mấy khi chưởi nhau, giận nhau thì cứ xáp lá cà, tay vung chân đạp cho đến khi có người can ngăn mới thôi, chưởi mỏi miệng lắm. Con gái thì trái lại, khoái chưởi vô cùng. Tôi từng chứng kiến các cô gái trong làng, ngày thường đẹp long lanh đến thế, nhưng khi tức giận thì khuôn mặt nhăn nhúm xấu chi xấu lạ. Ngày thường cặp má hồng hào thơm như "thơm mùi thơm lúa non" như thế, nhưng khi nổi cơn tam bành, đôi má tái đi, xám xịt, cắt không còn chút máu. Cái miệng ngày thường cười ngoan hiền, "thơm như màu nắng" như thế, nhưng khi nổi cơn lôi đình, cái miệng trở thành cái mỏ gà mỏ vịt, cong cớn bặm lại rồi há ra thật to để trút cạn bầu tâm sự. Xong rồi đâu lại vào đấy, tìm cách dàn hòa xin lỗi nhau, chung sống hòa bình.
Các mẹ các bà quê tôi cũng lo lắng cho con cháu khi có dịp thấy cảnh tát nhau như bè nước lũ. Mệ Liễu thường càm ràm mỗi khi nghe tiếng mắng nhiếc nhau om sòm của các cô cháu nội. Thỉnh thoảng cũng giải bày tâm sự với các mệ trong làng. Khiếp, con cháu thời nay sao mà mỗi lần giận nhau là cứ lấy "đồ" nầy "đồ" kia vất vào mặt nhau đôm đốp. Khi thì đồ cù lần, có bữa đồ cà chớn, lại có lúc đồ vô hậu kế đợi...Thôi thì mỗi nơi mỗi cảnh, đèn nhà ai nấy sáng, mệ Liễu đóng cửa mà năn nỉ ỉ ôi, rồi đem sách kinh nghĩa ra mà giảng giải, mục đích răn đe mấy cô cháu gái, ráng tu bớt cái miệng để còn có người dòm ngó mà kiếm đời chồng.
Vợ chồng Mệ Liễu chỉ có 2 đứa con trai, thằng con trai út đang ở với ôn mệ, một buổi chiều tự nhiên nghe "tiếng gọi nơi hoang dã", một nơi nào đó xa xăm, trên trời hay dưới đất, mệ chẳng biết, cương quyết vẫy tay chào cha mẹ đi tu, vào chủng viện xa lắc xa lơ ở Cửa Tùng Quảng Trị. Mệ bực bội càu nhàu, tu với tiếc, cha mẹ khổ cực, làm ruộng làm trưa thì nhờ có con, được 2 thằng, bỏ đi một thằng, chừ mần răng đây trời? Thằng anh đầu phải vỗ về an ủi, sát cánh với cha mẹ để giữ trâu gặt lúa. Năm nào ruộng cũng mất mùa, lâm công bị nợ, nhà chỉ có 3 người mà không đủ ăn. Bỏ làm ruộng, ôn mệ đành qua Thuận An chở nước ngọt về bán cho dân làng.
Chồng qua đời sớm, mệ Liễu từ đây đành vất bỏ mọi ưu tư trăn trở, cơm áo gạo tiền mà ở với vợ chồng thằng con trai, một con một mẹ, ôm ấp bầy cháu nội để nương náu tuổi già. Con cái ít ỏi nên bao nhiêu tình thương của người bà đều đổ xuống trên bầy cháu nội. Bồng bế đứa nầy lại qua chắt chiu đứa khác. Bầy cháu thương bà nội còn hơn thương mẹ đẻ ra nó. Mạ thì hay la mắng, càu nhàu, bà nội thì cưng chiều, thích chi được nấy, quý cháu hơn quý cục vàng. Mỗi lần có xích mích giữa mệ Liễu với con dâu, cả bầy cháu nội nhao nhao ủng hộ bà nội làm con dâu cụt hứng, giơ tay đầu hàng thua cuộc.
Thương con cháu nhiều miệng ăn, tuổi mới lớn ăn mạnh như tằm ăn lên, mệ Liễu tham gia đoàn đi chơm cá mò tôm từ lúc nào không hay. Cuộc đời của mệ không hề biết cầu Tràng Tiền là cái chi, núi Ngự Bình ở nơi nào, quanh năm suốt tháng chỉ biết tới lui Nhà Thờ và các ao hồ trong thôn xóm. Hỏi mệ Lăng Tự Đức nằm chổ nào, mệ nhe răng cười trừ, nhưng hỏi mệ chổ nào có nhiều tôm cá, mệ kê khai rõ ràng tất tần tật. Người dân làng thường kháo nhau, nếu đời mệ Liễu mà không có mò tôm bắt cá và thuốc lá, mệ chết ngay lập tức, cả Họ Làng khi đó chắc sẽ "tiễn đưa người, quên núi đồi quên cả tình yêu" cho mà xem.
Mệ Liễu có thể nhịn đói 2 ngày nhưng không thể bỏ hút thuốc lá được 1 giờ. Thương mệ, sợ mệ chết sớm, bọn cháu nội thay nhau mua thuốc hút cho mệ. Bọn chúng thường căn dặn bà con phương xa, có dịp về thăm mệ, tuyệt đối đừng mua quà bánh, làm mệ thêm buồn lòng, cứ dúi cho mệ gói Cẩm Lệ, xâu thuốc Phong Lai là mệ thấy đời đáng sống, kéo dài tuổi thọ thêm năm ba năm. Mỗi buổi sáng, trước khi chuẩn bị đi dâng lễ, mệ Liễu, vợ chồng đứa con trai và thằng cháu đích tôn, tổng cộng 4 cái vòi phun khói, tha hồ phun mịt mù trong nhà. Mấy đứa cháu nhỏ trợn mắt trợn mũi ho sắc sụa, nước mắt nước mũi chảy lai láng. Hút chưa hết, tiếc của đời, mệ Liễu đem dán vào góc tường, độ chừng nửa giờ sau gỡ ra hút tiếp. Thấy miệng mệ phì phèo phun khói mà thấy điếu thuốc ngon hơn cái giò heo và miếng chả lụa.
Làng Tân Mỹ sau năm 1975 chỉ có việc làm nón, làm ruộng HTX Nông Nghiệp và đi mò tôm chơm cá. Mệ Liễu là tổ trưởng tổ đi chơm. Chẳng ai bầu cho mệ, nhưng vì lớn tuổi nhất và sốt sắng nhất nên mệ tự ra ứng cử và trúng cử luôn. Không có ngày nào mệ nghỉ đi chơm, ngoại trừ những lúc nhức đầu cảm cúm. Mệ không thích ngồi ăn trên bàn, không tự do và không ngon miệng. Trước khi đi chơm, mệ hâm nóng chút mắm ruốc, đơm chén cơm và cứ thế ngồi ngay trên bếp lùa cơm như "lùa nắng cho buồn vào tóc em". Kẹp thêm củ sắn củ khoai, lận vào ve áo để ăn dặm, thay bộ đồ nghề "áo vũ cơ hàn", cái lưng thẳng băng mang chiếc oi đựng cá, hai tay hai cái chơm, đâu đội chiếc nón rách, mệ và người em ruột lên đường.
Ra đường đến nơi hò hẹn, vị tổ trưởng điểm danh, thiếu thành viên nào trong tổ đi chơm, nếu ở xa, mệ Liễu thường ra lệnh cho thành viên nào nhỏ tuổi nhất, tới tận nhà nhắc nhủ, những ai ở gần, chính vị tổ trưởng tới tận nhà, đứng ngoài cửa ngõ, vói miệng giọng sang sảng oang oang: "Bơi con mệ Túc, bơi con mệ Thủy, chút nữa xuống Bàu Cột, Hạ Đường Quang, đập Cứu Tế hấy!". Những địa danh trong làng nhiều tôm cá, và tôm cá đi ăn tùy theo con nước, giờ nào lúc nào trong ngày, mệ Liễu nắm vững để vạch kế hoạch cho tổ đi chơm. Trước khi cùng nhau tiến về địa điểm đã định, tổ chơm cá chừng một tiểu đội các mệ, mệ lớn mệ nhỏ quây quần bên nhau, hớn hở cười nói và mỗi mệ lôi trong lưng quần ra một gói nylon, bên trong là một nắm lá thuốc ngọn. Thế là điếu nào điếu nấy to gần bằng cán dao, được các mệ tổ đi chơm làng Tân Mỹ đưa vào miệng, ngửa mặt lên trời tha hồ cho "khói bay lạc vấn vương, cho hơi ấm lên môi người". Cả 10 ống khói thay nhau phì phà thì rõ ràng "đường phượng bay mù không lối vào". Trên cõi đời nầy không chi sướng bằng. Nhờ thế, mỗi ngày trôi qua, mệ Liễu cảm thấy "niềm vui dâng cao triều sóng dạt dào" mà có đủ năng lượng bước qua đời sống cõi tạm nầy.
Gia tài của mệ Liễu chỉ có cặp chơm và cái oi đựng cá, kèm thêm mớ quần áo xứng đáng đoạt giải "mâm xôi vàng" thời trang. Chiếc áo đủ loại nút, hạt to hạt nhỏ, cổ áo sờn mòn hằn lên mảnh da đen cháy. Nổi hứng, mệ ngồi vá chằng chịt những nơi bị rách nát vì ngâm nước mặn qúa nhiều, thành ra chiếc áo sặc sở xanh vàng hồng tím, y chang bộ đồ đi vào lịch sử của Bùi Giáng. Loại quần áo nầy mệ nhét vào góc tối nơi sàn bếp, dùng cho việc đi chơm. Con cháu mệ có may đồ mới, hai đứa cháu nội ở Huê Kỳ, thương bà nội dầm mưa giải nắng, mua từng cái áo lạnh mặc mùa đông, những chiếc áo cánh mặc mùa hè, mệ cũng nhét đâu đó trong gian phòng tối tăm chật chội, lâu ngày rồi quên. Cứ đến ngày Chúa Nhật đi lễ, mệ lại lôi trong xó xỉnh nào đó chiếc áo chiếc quần nhăn nhúm cũ rích, mùi hôi ẩm mốc nồng nặc xông lên. Mấy đứa cháu gái kêu trời, lại phụ nhau lục lọi áo quần mới của mệ, ủi cho láng lẩy, vừa mặc cho bà nội của mình, vừa nhăn nhúm nhắc nhở, khổ quá mệ ơi, ba mạ và tụi cháu đến nỗi chi mà ngó mệ thân tàn ma dại rứa? Rồi chỉ cái tủ dặn dò, áo quần đi lễ ở đây, áo quần mặc thường ở đây, nghe mệ! Mệ lim dim đôi mắt, ừ, thì để đó, để đó. Ít hôm sau mọi sự lại rối tung lên, áo đi đường áo, quần đi đường quần, chỉ còn lại gói thuốc lá là luôn luôn để đúng nơi quy định.
Thời gian cứ dần trôi qua và mệ Liễu già đi theo năm tháng, làn da nhăn nheo và đen như than đá, nhưng mệ mạnh khỏe lạ lùng, chưa từng một lần ghé bệnh viện. Con trai mệ làm nghề y tá, cũng chưa tốn một ống thuốc tiêm nào, ngoại trừ vài ba viên thuốc nhức đầu sổ mũi. Đi lễ thì mệ quỳ gối đánh một giắc ngon lành. Vào mùa hè, trong khi đã tung tăng mò tôm bắt cá từ trưa cho tới chiều, tối đến trời vừa nhá nhem, mệ Liễu lại tiếp tục vác chơm đi ra đồng ruộng xuất tối, lại có khi bứt tót sau vụ mùa mới thu hoạch, chất đống lên làm thành "độn rơm" để dành làm đồ thổi cơm trong mùa đông ngặt nghèo. Ăn ngon, ngủ khỏe, lao động quần quật, dân làng Tân Mỹ đa số là nghề nông, cũng kinh ngạc trước sự dẻo dai tràn đầy sinh lực của mệ.
Mệ Liễu sinh năm 1903, đến năm 1987, mệ đã 84 tuổi. Con cháu mệ quyết định không cho mệ đi chơm cá nữa, quá mức giới hạn rồi, bèn bàn với nhau đem thu tất cả đồ nghề của mệ. Đến khi choàng xong bộ đồ "thương hoài ngàn năm" đâu vào đó chuẩn bị lên đường, tìm không ra cặp chơm, mệ Liễu sừng sộ, vùng vằng và tất tả tìm cho bằng được. Bọn cháu nội, có đứa cương quyết giữ vững lập trường, năm ba ngày mệ sẽ quên, nhưng có đứa chịu không nỗi cảnh đau khổ của mệ nên đành nhượng bộ. trả đồ nghề lại cho mệ. Mệ cười sung sướng đến ngây người, nhìn mấy đứa cháu nội la mắng trìu mến, chơi chi lạ rứa, lần sau đừng như rứa nữa hí! Nhìn bóng dáng tung tăng mãn nguyện bước ra đồng sâu trên đôi chân gầy, mới biết mệ Liễu yêu cuộc sống biết là nhường nào.
Con của mệ làm cha, ở trên Huế thỉnh thoảng về thăm mệ, bọn cháu nhao nhao đòi cha làm áp lực không cho mệ đi làm nữa. Cha cười hề hề, kệ, mệ ưng chi cho mệ thoải mái, nhờ rứa mệ sống thọ và không bệnh hoạn. Ngăn mệ e có khi mệ mau chết đó. Hề hề...Thế là bó tay, con trai mệ đã phán như thế thì bọn cháu nội trùm mền đi ngủ.
Tân Mỹ có cha sở mới sau khi cha cựu quản xứ Phaolô Mai Xuân Hiến qua đời. Cha sở Pham Ngọc Hiệp trẻ măng, đẹp trai như tây lai, giảng hay, hứa hẹn cho Tân Mỹ một vụ mùa bội thu. Việc đầu tiên là cha đi vòng quanh thăm xóm làng, ghé thăm nhà mệ Liễu, bọn cháu nội biết yếu điểm của mệ là kính trọng các cha sở tuyệt đối, bèn nhân cơ hội trình bày nỗi niềm, mọi sự nhờ cha, mệ 84, 85 tuổi rồi, xin cha cấm mệ chúng con không được đi làm nữa. Cha sở gật đầu ưng thuận, nhìn mệ, nói, mệ có vâng lời Chúa không? Dạ có. Mệ có vâng lời cha sở không? Dạ có. Rứa thì bữa ni già rồi, không đi chơm nữa hí, ở nhà đọc kinh cầu nguyện cho con cháu hí. Dạ không. Vì răng mà không? Lạy cha, con đi chơm cũng lo đọc kinh xem lễ đó, không có khi mô con lơ là. Sức còn mạnh phải lo bòn lo kiếm cha nờ. Biết rồi, rứa là mệ không vâng lời cha? Dạ vâng lời cha chơ, mà vì răng cha không cho con đi chơm? Con cứ đi đó! Vừa nói mệ vùng vằng ngoe nguẩy đi xuống nhà bếp, miệng làu bàu, đi làm ăn mà cũng không cho...
Có lẽ đây là lần đầu trong đời, mệ Liễu tỏ ra ương ngạnh dám cãi lời cha sở. Và cứ thế, ngày nầy qua ngày khác, mệ coi như không có gì xảy ra, cứ tà tà cặp chơm và cái oi đựng cá trên các ao hồ quanh xóm làng.
Cha sở không bỏ cuộc, phần vì thấy mệ quá già, hơn nữa lại là mẹ của một linh mục, nên cách nầy không được, cha bèn nghĩ đến cách khác, cốt làm sao để cho giáo dân của mình được ổn định tinh thần, tràn trào niềm vui mà tránh những vướng mắc không đáng có trong đời sống. Cha quyết định tịch thu cặp chơm của mệ và bảo mấy đứa cháu đừng trả lui, dần dần mệ sẽ quên.
Một buổi chiều như thường lệ, mệ Liễu dựng cặp chơm và cái oi cá trước hiên nhà để cho các thành viên trong tổ nhìn thấy mà tụ họp. Khi mệ vào nhà để chuẩn bị các vật dụng linh tinh thì cha sở, sau khi đứng canh chừng, bê luôn cặp chơm và cái oi cá của mệ đem đi giấu. Khi trở ra không thấy bộ đồ nghề đâu, như thường lệ mệ tất tả đi tìm. Trong dáng đi hấp tấp vội vàng hằn lên nét đau khổ đắng cay trên khuôn mặt già nua, người ta có cảm tưởng mệ đã mất đi một phần đời cuộc sống, như mất người bạn đời thân yêu. Và cuối cùng không chịu nỗi cảnh trái ngang, mệ liếc nhìn quanh thôn xóm và khàn giọng la lớn tiếng:
"Mả cha con mô thằng mô ăn cướp đồ của tau
Mả cha bây đồ con không ai đáy
Đồ vô hậu kế đợi
Bây ác chi mà ác lắm rứa
Tau cực khổ được cặp chơm làm ăn
Bây cũng ăn cướp
Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm
Mả cha bây, bây dớm phước trả lại cho tau..."
Mả cha bây đồ con không ai đáy
Đồ vô hậu kế đợi
Bây ác chi mà ác lắm rứa
Tau cực khổ được cặp chơm làm ăn
Bây cũng ăn cướp
Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm
Mả cha bây, bây dớm phước trả lại cho tau..."
Nhìn quanh chẳng thấy ai lên tiếng, và người đứng nghe ôm bụng cười ngặt nghẽo, Mệ Liễu ôm mặt khóc sướt mướt, khóc như chưa từng được khóc, vừa đi liêu xiêu vừa lẩm bẩm: tau chưởi, tau chưởi...
Cha sở đứng núp bên hiên nhà hàng xóm, nghe mệ chưởi tủm tỉm cười, khen hay như bài vè sớ táo quân. Cha quyết định với bầy cháu nội của mệ, phải dứt khoát đừng mềm lòng, Mua gà vịt cho mệ chăn nuôi thư giản nhẹ nhàng, năm ba bữa mệ sẽ quên khi có niềm vui mới. Bọn cháu gái hớn hở rối rít cám ơn cha sở và an ủi dẫn mệ vào nhà,
Qua ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, trong nhà như có đám tang, mệ Liễu ngồi thừ trong góc xó bếp, không màng chuyện ăn uống và kinh lễ. Nước mắt nước mũi cứ chảy hai hàng, đôi mắt thất thần nhìn vào khoảng không, như "con chim ẩn mình chờ chết", mệ lẩm bẩm như người tâm thần: "đồ dã man, tau cực khổ đi làm ăn mà bây ăn cướp của tau. Răng bây không tới nhà giàu mà ăn cướp tề. Đồ...đồ..."
Một con ngựa đau cả tàu chê cỏ. Cả gia đình đều lây niềm đau với mệ. Sau khi hết lời động viên an ủi, tình hình càng ngày càng trầm trọng, không khí nặng nề u uất, mệ vẫn nằm liệt giường, thằng cháu đích tôn thừa lệnh ba của nó, khẩn cấp vào thôn Tân An đặt thợ làm cho mệ cặp chơm và cái oi mới, và yêu cầu chủ thợ làm thật nhanh. Vừa thấy cặp chơm mới, mệ Liễu vui mừng ré lên, bây ăn cắp của tau, chừ con tau cho cái mới, có chi mô nờ! Mệ sung sướng sờ mó mân mê, đẹp hí, tốt hí, e mười năm nữa cũng chưa ăn thua...
Thế là lại an nhiên tự tại tung tăng trong các ao hồ, các mệ đua nhau chọc ghẹo mệ, chà, mệ Liễu bữa ni ghê hí, miệng chưởi bai bải, lại còn chưởi cha sở nữa chơ. Mệ gân cổ cãi, tui chưởi cha sở khi mô, đừng nói "tướt mọt", tui chưởi con mô thằng mô ăn cướp chơm của tui. Các mệ cười ré lên, nói, cha sở ăn cắp chơm của mệ đó. Nè, mấy mụ đừng ăn nói vô hậu, cha sở mà đi ăn cắp à? mấy mụ xúc phạm cha quá hè...
Thế rồi vài năm sau, đôi mắt mệ bỗng nhiên yếu dần, nhòe nhoẹt không thấy rõ đường đi, con cháu phải thay nhau đưa mệ đi đọc kinh dâng lễ hằng ngày. Và sau cuộc giải phẩu tại bệnh viện, mệ chấp nhận giã từ vũ khí. Vĩnh biệt các đồng ruộng mơn mởn sự sống đầy tôm cá. Vĩnh biệt cặp chơm oi cá là gia tài quý báu nhất đời. Vĩnh biệt những tiếng hò reo vui vẻ trong các ao hồ. Tạm biệt những người bạn già trong đội đi chơm thương mến...Và sau những ngụm khói thuốc "trời soi bốc khói sân nhà", những nụ cười tươi giữa cơn chiều nắng dọi bờ sông, những giấc ngủ an bình đầy mộng ước...mệ Liễu dược Chúa gọi về sau 96 năm được "mẹ cho mang nặng kiếp người".
Mệ Agatha Hồ Thị Liễu cùng với các mệ lớn mệ nhỏ trong Tổ Đi Chơm làng Tân Mỹ, qua cuộc hành trình dài làm con Chúa ở dương thế, sống nghèo hèn, đạm bạc, chất phát, giản dị, vui tươi...thì chắc chắn xứng đáng nhận hồng ân và phúc lành của Thiên Chúa, vì chưng, "...Tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người bạc đầu thì khôn ngoan, và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch. Người già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu, và nếu đang sống giữa những kẻ tội lỗi, cũng được Chúa dời đi nơi khác..." (Sách Khôn Ngoan).
Và người già cũng là người thừa kế đặc quyền nước Thiên Chúa.
Nguyễn Úy, Tân Mỹ
https://www.facebook.com/179652825573241/photos/tau-ch%C6%B0%E1%BB%9Finh%E1%BB%9D-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BA%A1n-gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-t%C3%B4i-t%C3%B2-m%C3%B2-gh%C3%A9-th%C4%83m-nh%C3%A0-th%C6%A1-tr%E1%BA%A7n-v%C3%A0ng-sao-%E1%BB%9F-v%E1%BB%B9-/800934076778443/
Comments
Post a Comment