Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
Gạo cứu trợ không đảm bảo chất lượng
Gần đây trên mạng xã hội Youtube xuất hiện video nói về tình trạng chất lượng gạo cứu trợ cho ngư dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh chất lượng quá kém. Theo như nhân vật trong Video – bà Trần Thị Xoan ở Đông Yên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, số lượng gạo bà được cấp khi nấu lên thì đến gà, chó cũng không ăn được.
Điều này đã khiến dư luận xã hội bức xúc và đặt câu hỏi rằng: ‘Thực hư vụ việc này ra sao?’
Kể về xuất xứ của video nói trên, bà Trần Thị Xoan nói với chúng tôi:
“Hôm đó tôi tình cờ ra ngoài biển, thấy anh phóng viên gì đó lại hỏi, em chào chị, chị cho em phỏng vấn được không? Tôi liền hỏi lại, anh là ai mà muốn phỏng vấn tôi? Anh phỏng vấn tôi về vấn đề gì?
Anh ấy nói, chị cho em hỏi một là về gạo hỗ trợ của nhà nước có chất lượng kém, điều thứ hai là về sức khỏe của con em ở đây. Tôi nói: Nếu chỉ như vậy tôi sẽ trả lời.”
Phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và ông Thắng ở Thị xã Kỳ Anh có về đây để kiểm tra, xác thực xem có hay không việc gạo cứu trợ bị mốc? Họ có đến nhà tôi để kiểm tra và thấy có gạo mốc, tiếp đó họ đến nhà cô Xoan để kiểm tra và đã xác thực là gạo cứu trợ bị mốc.
- Ông Trần Xuân Hoa
Trả lời câu hỏi chất lượng gạo thực tế do nhà nước cứu trợ cho ngư dân vào thời điểm tháng 5/2016 có chất lượng như thế nào?
Ông Sáng - một người dân ở Kỳ Phương, Kỳ Anh cho biết:
“Không, đó là người ta nói vậy thôi, đồng ý là gạo không ngon, nhưng mà người chịu khó ăn thì người ta trộn gạo đó với gạo ngon thì cũng ăn bình thường.”
Ông Lạng – trưởng Hội đồng Mục vụ giáo xứ Quý Hòa nhận xét:
“Chất lượng gạo rất dở, không ăn được, mà chỉ có cách là bán đi và bán với giá rất rẻ, sau đó mua gạo khác mà ăn chứ không ăn được gạo đó. Thứ nhất không còn có chất lượng nên không ai ăn, thứ hai gạo đó ăn không hết để sẽ hư. Dân cả xứ ai cũng vậy cả, ai cũng phải bán để mua lại gạo khác, cái đó hoàn toàn là sự thật.”
Còn bà Hiểu – một người dân ở Kỳ Hà, Kỳ Anh thì cho rằng:
“Gạo bị mốc, xanh ở đâu thì tôi không biết, nhưng chỗ tôi đây thì không mốc, không xanh gì cả, có điều gạo rất khô. Khi nấu nếu không cho nhiều nước thì cơm sẽ khô, còn nếu đổ nhiều nước thì cơm sẽ nhạt.”
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – một nhà hoạt động xã hội, người đã từng lăn lộn cùng nhân dân khu vực Vũng Áng, từ sau thời điểm biển nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh xả thải. Nhận xét về chất lượng gạo do nhà nước cung cấp hỗ trợ cho ngư dân, ông nói:
“Khi còn ở Vũng Áng, tôi cũng ghi nhận rằng, số gạo mà bà con nhận được từ phía chính quyền địa phương là không đảm bảo chất lượng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thông thường người ta xuất gạo từ những kho dự trữ lương thực, mà gạo dự trữ ở kho dự trữ lương thực thường là để quá lâu nên chất lượng gạo không thể đảm bảo bằng gạo mới được.”
Bịa đặt thông tin bôi xấu chính quyền?
Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội có dư luận cho rằng, chính quyền thị xã Kỳ Anh và công an Hà Tĩnh đã đe dọa bà Trần Thị Xoan, vì lý do mà theo họ cho rằng video nói trên là bịa đặt và nhằm bôi xấu chính quyền, đồng thời họ đe dọa bà Xoan rằng, sẽ bắt giam bà về hành vi nói trên.
Chúng tôi đã tiếp xúc với bà Trần Thị Xoan, thì được bà cho biết cụ thể diễn biến của vụ việc nói trên như sau, theo bà khoảng 9:00 sáng ngày 9/8/2016, có một cán bộ công an điện về dọa bà vì đã trả lời phỏng vấn về vấn đề ‘gạo kém chất lượng’, viên công an dọa sẽ bắt giam bà đưa về đồn. Bà cho biết:
“Gạo tôi nhận sao tôi trả lời vậy. Không phải riêng tôi mà còn nhiều người như thế, thực trạng sao thì tôi nói vậy, tôi có nói khống, có vu khống gì cho đảng cộng sản, cho chính quyền đâu.”
Bà Xoan cũng cho chúng tôi biết thêm, hôm qua có phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và một nhân viên ngoài văn phòng thị xã về gặp tôi, để kiểm chứng gạo của tôi có sự thực sự mốc hay không? Đi cùng với hai cán bộ trên có một số bà con trong xóm đi theo và chứng thực chuyện gạo mốc là có thật.
Theo ông Trần Xuân Hoa, đại diện cho bà con ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi cho biết, chất lượng gạo xấu là có thật, tới mức không thể ăn được. Ông khẳng định:
“Ngày 26/8/2016, ông phó chủ tịch xã Kỳ Lợi, và ông Thắng ở Thị xã Kỳ Anh có về đây để kiểm tra, xác thực xem có hay không việc gạo cứu trợ bị mốc? Họ có đến nhà tôi để kiểm tra và thấy có gạo mốc, tiếp đó họ đến nhà cô Xoan để kiểm tra và đã xác thực là gạo cứu trợ bị mốc.”
Đánh giá về trách nhiệm của nhà nước, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn thấy rằng, đây là việc thể hiện sự vô trách nhiệm của nhân viên nhà nước, đồng thời là sự thờ ơ trước nỗi đau của ngư dân. Điều đó đã cho thấy sự thiếu sót trong khâu điều hành quản lý của bộ máy nhà nước. Ông tiếp lời:
Đã 4 – 6 tháng trời rồi, từ tháng 4 đến tận bây giờ, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ cho một người 15kg gạo, mà thực trạng gạo là gạo mốc.
- Ông Trần Xuân Hoa
“Đang tồn tại một vấn đề rất lớn trong việc tổ chức cứu trợ của nhà nước, của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tức là ngay cả khi chính phủ ban bố chính sách ở Hà Nội, thì ở các cấp chính quyền địa phương việc thực hiện rất chậm chạp và tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực. Nó cũng cho thấy việc kiểm soát của chính quyền Trung ương đối với các cấp thừa hành ở địa phương rất là thiếu sâu sắc. Và cuối cùng người thiệt hại vẫn là ngư dân, cư dân địa phương ở đây.”
Chúng tôi đã liên lạc với Công an thị xã Kỳ Anh để hỏi về diễn biến của vụ việc này, đã được xác minh và có kết luận cụ thể ra sao, tuy vậy cán bộ công an từ chối trả lời và yêu cầu liên lạc với cơ quan có thẩm quyền.
Trả lời câu hỏi, bà có suy nghĩ gì về vụ việc nói trên và tương lai trong những ngày sắp tới?
Bà Xoan thấy rằng, bà hết sức lo lắng về cuộc sống của bản thân và gia đình. Bà bày tỏ:
“Bây giờ thực sự là chết đói rồi, bởi vì dân thì bám vào biển. Đời ông bà, cha mẹ bám vào biển, bây giờ đã 4 – 6 tháng trời rồi, từ tháng 4 đến tận bây giờ, trong khi nhà nước chỉ hỗ trợ cho một người 15kg gạo, mà thực trạng gạo là gạo mốc.”
Theo báo Người Lao động cho biết, tại xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra tình trạng mỗi hộ dân được hưởng 300.000 đồng từ chủ trương hỗ trợ ngư dân sau thảm họa cá chết. Tuy nhiên khi nhận tiền về, lãnh đạo chính quyền đã bớt xén lại mỗi hộ 50.000 đồng với lý do ‘để làm sân hội trường thôn’. Những người mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng, các khoản hỗ trợ của nhà nước đối với ngư dân sau sự cố môi trường, bị bớt xén, xà xẻo là chuyện có thật.
Comments
Post a Comment