Thắc mắc từ một giáo sư Hoa Kỳ: vì sao Trung Quốc cứ mãi đưa ra lời hăm dọa ở Biển Đông, mà các thị trường chứng khoăn toàn cầu không bị suy xuyển gì.
Panos Mourdoukoutas -- hiện là Giáo sư và là Khoa Trưởng Phân Khoa Kinh Tế ở đại học LIU Post ở New York -- viết trên tạp chí Forbes rằng chính phủ TQ không chỉ ồn ào ở Biển Đông, mà cũng gắn phi đạn, tàu chiến, chiến đấu cơ nơi Biển Đông... vậy mà, các thị trường chứng khoán quốc tế không sụt giá tí nào.
Có vẻ như, người ta không tin sẽ có chiến tranh ở Biển Đông?
Vâng, không cần chiến tranh, chỉ cần một chút xô xát, dù là một phi cơ hay tàu chiến xô xát nhẹ... thị trường chứng khoán quốc tế sụt liền?
Vì sao các chuyên gia tài chánh ở các thị trường chứng khoán quốc tế tin rằng sẽ không thể có xô xát ở Biển Đông?
Phải chăng, Tổng Thống Donald Trump vốn là chủ hòa?
Không phải... thôi đành chờ xem.
Trong khi đó, bản tin RFI kể chuyện ở Biển Đông: Trung Quốc xây các cấu trúc cho tên lửa ở Trường Sa...
Hãng tin Reuters hôm 22/02/2017, trích dẫn hai quan chức Mỹ, cho biết là Trung Quốc sắp hoàn tất việc xây dựng khoảng hơn hai chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Những cấu trúc này dường như là để chứa các tên lửa địa đối không tầm xa.
Các cấu trúc, dài khoảng 20 mét, cao 10 mét, được xây trên Đá Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, nơi mà Trung Quốc đã xây các phi đạo quân sự. Theo các giới chức Mỹ nói với Reuters, việc xây dựng này không phải là một mối đe dọa lớn về quân sự đối với lực lượng Mỹ trong khu vực, nhưng là một hành động nhằm trắc nghiệm phản ứng của chính quyền tổng thống Donald Trump, vốn đã tỏ ra rất cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông.
Trước mắt, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố là Hoa Kỳ vẫn chủ trương “không quân sự hóa vùng Biển Đông” và kêu gọi các bên tranh chấp nên có những hành động theo đúng luật pháp quốc tế.
Trước đó, tại cuộc họp ở Philippines, các ngoại trưởng ASEAN cũng đã bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo và kêu gọi đối thoại để chấm dứt leo thang ở Biển Đông.
Reuters nhắc lại rằng, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington, trong một báo cáo ra tháng 12 vừa qua, cho biết là Trung Quốc dường như đã đặt các vũ khí, bao gồm các giàn súng phòng không và giàn tên lửa trên toàn bộ 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Trong khi đó, hôm Thứ Ba, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảnh (Geng Shuang) một lần nữa tuyên bố chống lại việc cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson của Mỹ đến tuần tra ở Biển Đông, xem đây là một hành động đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng, Mỹ và Trung Quốc cũng có đồng thuận.
Bản tin RFI ghi nhận:
“Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Viện đặc trách đối ngoại của Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính xây dựng. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, hai ông Rex Tillerson và Dương Khiết Trì cũng đã đồng ý là cần phải ngăn chận mối đe dọa Bắc Triều Tiên.”
Trong khi đó, nhiều người -- kể cả các chính khách quốc tế -- tin rằng chuyện Biển Đông đành để cho kiếp sau... đúng ra, là để cho thế hệ sau giải quyết.
Phải chăng, nên chờ tới khi TQ tan rã như Liên Xô?
Bản tin VOA kể rằng đó là ý kiến của Ngoại trưởng Philippines.
Tranh chấp chủ quyền Biển Đông khó mà giải quyết được trong thời chúng ta, nên tốt hơn là gác sang một bên, giao tiếp với Bắc Kinh và tránh đụng độ võ trang, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố ngày 22/2.
Bảo vệ quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte chớ thúc đẩy buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Manila chống lại bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh trên Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, cho hay có bế tắc mà không bên nào có thể đả thông, cho nên tốt hơn hết là tối đa hóa những gì có lợi từ Bắc Kinh.
Phát biểu trước Thượng viện, Ngoại trưởng Yasay cho rằng quan điểm và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy khó có thể có một giải pháp.
“Cá nhân tôi không tin rằng việc này sẽ sớm được giải quyết. Tôi nghĩ có lẽ sẽ không giải quyết được trong thời chúng ta, nhưng sự lựa chọn không phải là chiến tranh mà là chúng ta buộc phải giao tiếp để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình,” ông Yasay nói.
VOA ghi nhận thêm:
“Tổng thống Duterte đã lật ngược chính sách ngoại giao của Philippines bằng cách hướng về Trung Quốc để thu hút thương mại, du lịch, và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bình luận của Ngoại trưởng Philippines được đưa ra một ngày sau khi chủ tọa cuộc họp của các Ngoại trưởng Đông Nam Á, những người bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc thiết đặt các hệ thống võ khí trên các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng gần hai chục công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà dường như nhằm để tạo điều kiện cho những phi đạn đất đối không tầm xa, Reuters ngày 21/2 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Hoa Kỳ cho biết.”
Dù vậy, để chờ thế hệ sau giải quyết, lúc đó phi đạn TQ gắn khắp nơi rồi làm gì được?
Phải chăng, thị trường chứng khoán quốc tế cần êm sóng?
Comments
Post a Comment