(Cảm đề in trong Liêu Trai Chí Dị, Quyển 8 - dịch giả gs Đàm Quang Hưng)
Ta hãy thử làm thí nghiệm, lấy một nắm đá bỏ vào trong cái hũ rồi ngồi lắc hũ. Nếu kiên nhẫn lắc đủ lâu, thí dụ một nghìn năm, rồi mở hũ ra xem, tôi tin khá chắc là ta sẽ được một nắm bi tròn.
Thú thực, tôi không biết định luật nào nói ngồi lắc hũ sẽ được bi, tôi đi đến kết luận này hoàn toàn do cảm nhận.
Nếu lập lại thí nghiệm, tất nhiên ta sẽ được một nắm bi.
Chuyển động cọ xát vào nhau của những viên đá trong hũ là những sự việc ngẫu nhiên nhưng vì kết quả bao giờ cũng như một, điều đó ám chỉ sự hiện hữu của một định luật, nói cách khác, kết quả là do tiền định.
Ngẫu nhiên hay tiền định? Đâu là chỗ bắt đầu của tiền định và chỗ tận cùng của ngẫu nhiên? Hay chúng luôn luôn sống chung hòa bình, lẫn lộn tự thủa hồng hoang nào, bổ túc cho nhau, nguyên nhân của nhau? Và rồi đâu là mộng hay thực?
Nằm đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, bản dịch của giáo sư Đàm Quang Hưng, tôi thường lẩm cẩm hay nghĩ lan man chuyện này chuyện khác để rồi, đôi khi, mặc cho óc tưởng tượng mang tôi đi vào những thế giới xa lạ, còn hay mất, có lẽ rất ngẫu nhiên mà có khi cũng chẳng phải.
Tôi tò mò tưởng tượng sự chuyển tiếp từ mộng sang thực, từ thực sang mộng, từ những gì bất biến cho đến vật phù du, hay cái khoảng không gian thời gian không mạch lạc, ranh giới mờ nhạt, phức tạp ở nơi đó bóng người hay ma quỷ chồn tiên tự do hiện hình hay biến dạng.
Thế giới đó không phụ thuộc một thứ không-thời gian cầu kỳ băm lăm chiều nào, mà chỉ là một chắp nối rời rạc, lẻ tẻ của những không gian một chiều, ở đó thời gian hình như đã ngưng đọng lại.
Một lúc nào đó, tôi sống trong cái thế giới ngẫu nhiên, bàng bạc, kết bạn với một thằng nhỏ có cái răng khểnh nhọn, hay cười toe toét.
Hai thằng nhỏ cùng nhau đi học, đía chuyện không đâu, không biết rằng nó thường về nhà kể lại chuyện này chuyện khác.
Bạn tôi đó là Đàm Quang Đôn.
Nhiều năm sau, nhưng cách đây cũng đã phải đến nửa thế kỷ, tôi sống trong một thế giới khác, ngẫu nhiên dun dủi tôi gặp anh Đàm Quang Hưng, anh của bạn tôi, để rồi thỉnh thoảng được nghe anh kể lại những mẩu chuyện vui cũ của em anh, nhiều chuyện mình cũng chẳng biết hay còn nhớ.
Bạn với em, rồi thành bạn của anh, có thể kể là đã làm một tiến bộ.
Cái thế giới này có lẽ thực vì có chuyện mà tôi nhớ rõ ràng như mới xẩy ra ngày hôm qua. Một cảnh quen thuộc, tôi ngồi đối diện học thi cùng với anh, tôi mới vào đại học, còn anh sửa soạn thi chứng chỉ Vi Tích Phân, một chứng chỉ của cử nhân Toán. Bây giờ nhìn lại, toán của chứng chỉ này cũng chỉ khó vậy vậy thôi, nhưng không hiểu sao ngày ấy như một cái dớp cho sinh viên khoa học, nhiều khóa thi không người nào đỗ.
Anh Hưng ngồi đọc cuốn sách bài giảng toán của Lainé như đọc tiểu thuyết, vội vã, vì anh không có nhiều thì giờ, hai ngón tay vê vê góc một trang giấy như chờ để lật.
Không làm toán, không giấy dáp, và cũng không có bút mầu để tô xanh kẻ đỏ. Tôi tò mò nhưng không dám hỏi học toán mà không làm toán thì làm sao để đi thi? Nhưng anh đi thi, và khóa ấy anh là người độc nhất đỗ. Thủ khoa, tất nhiên!!!???
Ở một khoảng đời khác, tôi cần job.
Anh Hưng khi ấy dậy học, tiền kiếm cả “tấn”, tôi hỏi anh kiếm cho tôi ít giờ dậy học. Anh có vẻ lúng túng, có lẽ vì cách tôi nói – “lấc cấc” – hay dáng tôi đi, hấp tấp – chân thấp chân cao – khó mà được vào dậy Trưng Vương! Anh ngắm nhìn tôi một lúc rồi nói (tôi nhớ mang máng), “Toa không có tướng làm tiền. Tại sao toa không đi ngoại quốc?”
Nhưng rồi anh cũng kiếm được cho tôi ít giờ, dậy học cùng chỗ với Cụ thân sinh của anh. Tôi thường ngồi ăn cơm trưa với Cụ. Nhưng đó không là... một bước tiến nhảy vọt. Cụ nói chuyện điềm đạm, vui vẻ, rất thân mật nhưng rất phân minh, phép tắc và tôi rõ ra hàng con cháu. Tôi được học ở Cụ những bài học về ứng xử, không lời, tế nhị khó quên.
Rồi anh lập gia đình. Anh hỏi tôi đi làm phù rể. Tôi ra đường Tự Do may một bộ đồ tergal đen rất bảnh, để đi phù rể.
Ngoài việc đắt khách phù rể cho các bạn cùng học, bộ đồ này rất được việc về sau, khi tôi đi học ở Hoa Kỳ.
Tôi cũng không nhớ rõ tại sao nữa, tôi được nhận hát phần... tenor solo trong ban hợp ca Glee Club của nhà trường. Bộ đồ đen này còn cần hơn giọng hát.
Ngoài việc hát, thành viên của Glee Club được mời làm chân xếp chỗ ở rạp hát mỗi lần Metropolitan Opera đến trình diễn ở trong thành phố.
Cao điểm của đời sống là được cử cầm dù đi cạnh, che cho Anna Moffo, thơm, và được nghe nàng thì thầm “merci, chéri...” (Anna Moffo, một siêu sao soprano của Opera; các diva thường to tròn như cái thùng, để hát cho khỏe, riêng Anna Moffo thì, mượn tiếng của ai đó, impossibly beautiful).
Toàn là truyện Liêu Trai cả, chỉ chưa được Liêu Trai hóa đấy thôi. Cũng có những truyện rùng rợn, nhưng thôi, cũng đã đủ.
Từ đó, cứ như thế, đã nhiều chục năm, anh và tôi chưa gặp lại nhau, nhưng những năm gần đây cùng sống trong một thế giới ảo, một không gian Liêu Trai khác, gặp nhau nói chuyện gần như hàng ngày.
Trong cái không gian Liêu Trai này, tôi được biết anh đã dịch và cho xuất bản toàn tập Liêu Trai Chí Dị, tổng cộng 480 truyện chia làm 8 quyển, một chuyện lạ mà cũng không lạ (nói khẽ với nhau mà chơi, người học Toán thì làm gì cũng được, nhất là một người học Toán lại không làm Toán như kể ở trên).
Bạn bè suy tôn anh làm Vương Huynh. Tôi biết tại sao. Trước hết tại vì anh biết nhiều và rất sâu, hơn một người đã bình phẩm với tôi như vậy, không khoe khoang nhưng, nếu có, thì cũng vô cùng kín đáo, không ai biết, nên không bao giờ dễ ghét.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là vì anh là một người rất rộng rãi – và đây là một điều bí mật – bạn bè của anh hình như không ai biết, đó là cái cao ngạo ngầm, tuyệt vời, exquisite khôn lường của con người sĩ thực: đối với anh, bạn bè người nào cũng tài giỏi hơn người!
Đôi khi, chỉ cần nghĩ “bậy” thôi là cũng đủ để quần áo đang mặc biến thành lá chuối (xin đọc Liêu Trai Chí Dị, Quyển II, trang 665), Vương Huynh thường nói ra miệng mà không thấy làm sao cả. Hay là anh nói thực?
Đời (đã) gọi anh biết bao lần! Có những người được Trời thương, trường vốn, liên miên bất tuyệt. Cuộc đời toàn là những bắt đầu, những buổi “bình minh nạm vàng”, trong lòng lúc nào cũng tràn đầy những tia nắng, hình như không bao giờ biết hồi kết cục.
Với bộ Liêu Trai đây, một người trung bình thì kể như đã là một sự nghiệp, nhưng với anh thì không, cho xuất bản quyển cuối cùng không phải để đánh dấu hồi kết cục mà là để báo hiệu một chỗ bắt đầu, một niềm hoan lạc mới, dọn đường cho cuốn sách biên khảo về một bản Kiều Nôm đời Tự Đức.
“Đời nhẹ nhàng nâng bước chân anh, về lại trong phố thênh thang...” Vương Huynh sẽ mãi mãi sống trong không gian Liêu Trai, không bao giờ phải van nài, “O Temps suspends ton vol...”
Tháng 10, 2006
Comments
Post a Comment