Hôm nay, báo có đưa tin là Trung Quốc mới có một ca tử vong là một người từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi đang trên đường trở về tỉnh Sơn Đông để làm việc trên một chiếc xe buýt vào thứ Hai vừa qua. Người này được xét nghiệm và cho thấy là do nhiễm virus tên là Hantavirus. Nỗi lo sợ một dịch bệnh virus khác có thể bùng phát, các nhà chức trách đã cho 32 người khác trên cùng chuyến xe bus xét nghiệm để kiểm tra xem có nhiễm virus này hay không.
Hiện nay, có nhiều chủng hantavirus khác nhau trên thế giới, tùy chủng mà việc nhiễm virus có thể gây ra các hội chứng bệnh khác nhau. Các chủng virus thuộc họ hantavirus ở châu Mỹ được gọi là “New World” hantaviruses, thường gây ra hội chứng phổi hantavirus (Hantavirus Pulmonary Syndrome - HPS). Các loại hantavirus khác, được biết đến với tên là “Old World” hantaviruses, được tìm thấy chủ yếu ở châu Âu và châu Á có thể gây sốt xuất huyết với hội chứng thận (Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome - HFRS).
Hantavirus có vật liệu di truyền là RNA chuỗi đơn bao gồm ba đoạn âm tính và là thành viên của họ virus Bunyaviridae. Virus này được phân lập đầu tiên từ chuột ở dọc theo sông Hantan (한탄강), Hàn Quốc vào năm 1976 bởi nhóm bác sĩ Ho-Wang Lee, người đã dựa vào tên con sông đặt tên cho nó là hantavirus (HTNV).
Virus được lây lan chủ yếu bởi loài các loài gặm nhấm (chuột là chủ yếu). Việc nhiễm bệnh cho người thường xảy ra qua đường khí dung (aerosolized) từ nước tiểu, phân và nước bọt (khi chúng ta hít các virus bay ra từ nước tiểu, phân, nước bọt của chuột có chứa virus). Ngoài ra, có số ít trường hợp lây nhiễm do vết cắn từ vật chủ bị nhiễm bệnh.
Bệnh do lây nhiễm virus này chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu là “hỗ trợ điều trị”, bệnh nhân tự hồi phục bằng hệ miễn dịch của họ. Vaccine đã được phát triển và sử dụng ở một số vùng ở Trung Quốc và Hàn Quốc là dạng virus bất hoạt (inactivated virus) để phòng ngừa các chủng hantavirus (chủng HTNV và SEOV) gây bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận (HFRS). Vaccine này không thấy tác dụng cho chủng khác như chủng PUUV (Puumala hantavirus). Một số nghiên cứu vaccine khác cho việc phòng ngừa hantavirus cũng đang diễn ra trên thế giới ở giai đoạn 1-2 thí nghiệm lâm sàng.
Hiện nay, việc phòng ngừa lây nhiễm mầm bệnh do hantavirus chủ yếu được tập trung vào việc giảm thiểu tiếp xúc với loài gặm nhấm trong nhà, nơi làm việc hoặc khu cắm trại. Bịt kín các lỗ, khoảng trống trong nhà để tránh chúng làm tổ. Làm sạch bất kỳ thực phẩm nào rơi rớt ở nơi bạn sinh sống. Và nên kiêng ăn thịt chuột (ít nhất là khi có dấu hiệu dịch bệnh xuất hiện)!
Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 đến nay đã làm cho thế giới kiệt quệ cả về sức khỏe và kinh tế! Hy vọng cái chết của người Trung Quốc kia không phải là một tín hiệu cho việc bùng phát một dịch virus khác, nhưng chúng ta cũng nên cảnh giác và phòng hờ nhiều nhất có thể.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
🎯🎯🎯Tài liệu tham khảo:
⚡️ -https://www.cdc.gov/hantavirus/index.html?fbclid=IwAR0nF_7mesB2AtCj6QDwL4471tVvk78uXrziqKT_3VE1_boeTss0Ioj-Rxw
⚡️ -https://www.cdc.gov/hantavirus/index.html
Jiang H, et al. 2017. Hantavirus infection: a global zoonotic challenge. Virol Sin. 32(1):32-43.
⚡️ -(https://link.springer.com/artic…/10.1007%2Fs12250-016-3899-x)
Schmaljohn CS, 2012. Vaccines for hantaviruses: progress and issues. Expert Rev Vaccines. 11(5):511-3.
⚡️ -(https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1586/erv.12.15)
https://www.express.co.uk/…/hantavirus-outbreak-symptoms-de… (What is Hantavirus? At least one person dead as China fears new pathogen outbreak)
Comments
Post a Comment