Trong bài “Thế nào là yêu nước?” số 1, tôi đã phân tích sơ lược khái niệm “yêu” trong yêu nước: Khác với các loại tình yêu khác, từ yêu thiên nhiên, yêu thú vật đến yêu gia đình, yêu trong yêu nước, ngoài sự trìu mến và quyến luyến thông thường, còn có hai đặc điểm nổi bật khác. Thứ nhất, có sự đồng nhất về quyền lợi, và nhất là, về bản sắc giữa con người và đất nước với ba biểu hiện chính là cảm giác liên đới, sự tự hào và sự quan tâm sâu sắc đối với đất nước. Thứ hai, sự dấn thân một cách tuyệt đối hiểu theo nghĩa: ý thức về bổn phận, sự trung thành, thái độ sẵn sàng hy sinh và sự khuất phục hoàn toàn: đất nước không những là giá trị cao nhất mà còn là giá trị của mọi giá trị: nó chi phối và làm thay đổi cả các bảng giá trị về đạo đức và nhân quyền.
Bài này, tôi tiếp tục đào xới vấn đề yêu nước ở khía cạnh khác: Yêu nước là yêu cái gì?
Trả lời vấn đề ấy, chúng ta lại phải hỏi: Nước là gì?
Ở đây, có ba điểm chính cần được nhấn mạnh: Một, nước là một khái niệm khá mơ hồ, và do đó, khá phức tạp; hai, trong lịch sử, cách định nghĩa khái niệm nước thay đổi theo nhiều góc độ và cấp độ khác nhau; và ba, những định nghĩa ấy đều mang tính chính trị rõ rệt và đều nhắm mục đích phục vụ cho một chiến lược chính trị mà nhà cầm quyền nhắm tới.
Trước hết, nói về định nghĩa. Đối với đất nước, dường như chỉ có một yếu tố ít gây tranh cãi: lãnh thổ. Là hết. Đó là yếu tố quan trọng nhất. Có thể thấy điều này ngay trong ngôn ngữ: trong tiếng Việt, chữ “đất nước”, trước khi chỉ một quốc gia, đã có nghĩa là những yếu tố địa lý, liên quan đến lãnh thổ; trong tiếng Anh và tiếng Pháp, từ country đến pays, đều có hàm nghĩa ấy. Có điều lãnh thổ không phải chỉ là đất. Đó là mảnh đất mình sinh ra. Là nơi chôn nhau cắn rốn. Đó là “homeland” (quê) chứ không phải chỉ là “land” (đất). Xin lưu ý là chữ “nation” trong các ngôn ngữ Tây phương có gốc gác từ chữ “natus” trong tiếng Latin, nghĩa là sinh sản. Đất nước, do đó, được xem là một sinh điểm (birthmark) của con người: nó không chỉ có đất mà còn có máu.
Nhưng nơi mình sinh và sống nhiều đời cũng chưa hẳn đã là đất nước. Người Tibet vẫn sống trên mảnh đất của cha ông của họ, nhưng đó không còn là nước của họ. Cũng như người Chàm vẫn sống trên mảnh đất ngày xưa tổ tiên họ vẫn sống nhưng đó không còn là nước của họ. Lãnh thổ là đất và là quê gắn liền với chủ quyền.
Mà chủ quyền lại thuộc về người.
Vấn đề là: người là ai?
Yếu tố đầu tiên để định nghĩa người trong tương quan với đất nước là chủng tộc. Nước là lãnh thổ của những người có cùng một cha (patrie/fatherland) hay cùng một ông tổ (tổ quốc, 祖 國). Nhưng điều đó chỉ đúng với thời các bộ tộc. Khi đất nước hình thành, có ít nhất hai xu hướng chính xảy ra: một, một nước có thể bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau; và hai, một chủng tộc có thể bị phân tán và phân hoá, thuộc về hai hay nhiều nước khác nhau. Nước Pháp, nơi vốn thường đề cao sự thuần nhất, thật ra, là một tập hợp của rất nhiều sắc dân, bao gồm từ Franks đến Romans, Gauls, Celts, Bretons, Normans, Burgundians, v.v... Điều thú vị là do kết quả của việc tái cấu trúc biên giới trong quá trình hình thành quốc gia thời hiện đại, rất nhiều người gốc Pháp sống ở lãnh thổ của Đức và trở thành người Đức, đồng thời, nhiều người Đức sống ở lãnh thổ của Pháp và trở thành người Pháp (1). Hiện tượng ấy có lẽ diễn ra ở khắp nơi: rất nhiều người Việt sống dọc biên giới Việt và Trung Hoa, sau này thuộc về Trung Hoa, đã trở thành người Trung Hoa; ngược lại, cả triệu người Trung Hoa di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 và 18, đã dần dần trở thành người Việt Nam. Chúng ta cũng có thể nói vậy đối với khoảng hơn một triệu người Khmer đang sống ở miền Nam Việt Nam, và một số không nhỏ người Việt sống ở Kampuchea.
Một hiện tượng phổ biến cần ghi nhận: đất nước nào cũng đa chủng. Đất nước hiện đại lại càng đa chủng. Ở Việt Nam có hơn 50 sắc dân khác nhau. Ở các nước lớn và mới, như Mỹ và Úc, số sắc dân lại càng nhiều và đa dạng hơn nữa. Điều gì làm cho hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu, hoặc, như trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ, cả tỉ người như thế gắn kết với nhau trong một cái gọi là dân tộc? Ngôn ngữ hay văn hoá ư? Nhưng đa chủng thường cũng có nghĩa là đa ngữ và đa văn hoá. Ở Canada, cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp đều được công nhận là những ngôn ngữ chính thức. Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, có khoảng 20% dân số, tức khoảng hơn 6 triệu người sử dụng các thứ tiếng khác ở nhà, trong đó, dĩ nhiên có cả tiếng Việt. Ở Thuỵ Sĩ, có đến bốn ngôn ngữ chính thức: Đức, Pháp, Ý và Romansh. Ở Nam Phi, trước, có 2 ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh và tiếng Afrikaans; sau, từ năm 1994, số ngôn ngữ được coi là chính thức nhảy vọt lên đến 11. Mỗi ngôn ngữ gắn liền với một văn hoá riêng, vậy mà, ở các nước vừa nêu, tất cả vẫn tập hợp lại thành một quốc gia thống nhất. Đó là chưa kể một trường hợp khác: cả Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand đều xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, thế nhưng, đó vẫn là những quốc gia khác nhau. Chứ không phải là một. Bởi vậy, ngôn ngữ và văn hoá, tuy quan trọng, nhưng không phải là những yếu tố đủ để hình thành một nước.
Khi sự đa dạng về chủng tộc, văn hoá và ngôn ngữ được chấp nhận và công nhận, điều gì còn lại nối kết mọi người thành một khối chung? Câu trả lời của Benedict Anderson được nhiều người đồng tình: đất nước là một cộng đồng tưởng tượng (imagined community).
Là một cộng đồng tưởng tượng vì ngay ở những nước nhỏ nhất, ít dân nhất, không phải ai cũng gặp nhau, biết nhau, vậy mà, lạ thay, hầu như ai cũng có một hình ảnh giống nhau về đất nước của mình, đều cảm thấy có một sợi dây liên đới nào đó gắn chặt lại với nhau, để tất cả đều thống nhất với nhau trong một nhận định: mình là người Việt Nam, chẳng hạn. Theo Anderson, cái điểm chung nhất ấy, thật ra, chỉ là một điều tưởng tượng. Tính chất tưởng tượng ấy gắn liền với ba thao tác. Thứ nhất là hạn chế: Trong thế giới có mấy tỉ người, mỗi cộng đồng tự khoanh một giới hạn riêng để thành một quốc gia. Thứ hai là chủ quyền: khái niệm đất nước theo nghĩa hiện đại ra đời từ sự đổ vỡ của các chế độ thần quyền, nhằm thay thế cho thần quyền. Và thứ ba là cộng đồng: mỗi cá nhân, bất kể các dị biệt về chủng tộc, tôn giáo, giai cấp hay văn hoá, đều tự cảm thấy mình thuộc về một khối thống nhất được gọi là nước. (2)
Quá trình hình thành của các cộng đồng tưởng tượng này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Lịch sử là một. Chữ viết chính thức là một yếu tố khác nữa. Nếu tiếng nói thường ra đời một cách tự nhiên, có trước lịch sử, chữ viết lại ra đời muộn, rất muộn, và thường gắn liền với khái niệm quốc gia, thậm chí, trở thành một trong những điều kiện dẫn đến việc hình thành quốc gia, theo nghĩa hiện đại chúng ta đang sử dụng ngày nay: một chỉnh thể chính trị thống nhất. Chính tính quốc gia là yếu tố phân biệt ngôn ngữ và phương ngữ. Nhiều người tóm tắt một cách đơn giản: khác với phương ngữ, ngôn ngữ có một chính phủ và một quân đội riêng. Sự thống nhất của Trung Hoa, một quốc gia rộng lớn bao gồm nhiều sắc tộc và nhiều ngôn ngữ khác nhau, trước hết, là sự thống nhất của chữ viết. Nói, người ta nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhưng viết thì chỉ viết một thứ chữ. Có điều chữ viết chưa đủ. Người Việt, người Đại Hàn và người Nhật có thời chia sẻ chữ viết với người Trung Hoa; cũng viết như người Trung Hoa, nhưng vẫn tự hào là có nước riêng, độc lập với Trung Hoa. Anderson nêu thêm hai lý do khác: chủ nghĩa tư bản và kỹ nghệ in ấn. Chính nhờ chủ nghĩa tư bản và kỹ nghệ in ấn cũng như các hệ quả của nó, nền giáo dục đại chúng và truyền thông đại chúng, ký ức được tập thể hoá, nhờ đó, mọi người, bất chấp những dị biệt về nguồn gốc, về giai cấp và giới tính, có một tưởng tượng chung; và nhờ sự tưởng tượng chung ấy, mọi người tưởng mình thuộc về một dân tộc chung, một đất nước chung.
Trong câu trên có hai chi tiết quan trọng: tưởng tượng chung và ký ức được tập thể hoá. Đó cũng là những yếu tố quan trọng trong các định nghĩa về đất nước được chấp nhận rộng rãi hiện nay: một tập hợp người cùng chia sẻ một lãnh thổ chung, những huyền thoại và ký ức lịch sử chung, một nền văn hoá đại chúng chung, một nền kinh tế và một hệ thống pháp luật chung ở đó mọi công dân đều có những quyền lợi và nghĩa vụ giống nhau. (3)
Đặc điểm lớn nhất của huyền thoại và ký ức là chúng không ngừng được viết lại và diễn dịch lại theo những nhu cầu khác nhau của thời đại. Đó là lý do tại sao, vào cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, triết gia Karl Popper phát biểu: “Người ta thường nói chủng tộc là một tập hợp những người thống nhất với nhau không phải bởi nguồn gốc mà bởi một nhận thức sai chung về các tiền bối của họ. Tương tự như thế, chúng ta có thể nói quốc gia là một tập hợp những người thống nhất với nhau bởi sự nhận thức sai chung về lịch sử của họ.” (“It has been said that a race is a collection of people who are united, not by their origin but by a common misconception about their antecedents. Similarly, we can say that a nation is a collection of people united by a common misconception about their history”.) (4)
Nói một cách tóm tắt, đất nước hay quốc gia không phải là những gì tự nhiên hay có sẵn. Nó được tạo dựng. Quá trình lập quốc không phải chỉ là một quá trình chinh phạt về quân sự, lấn chiếm lãnh thổ của nhau, thoán đoạt quyền hành của nhau, mà còn là một quá trình lâu dài và liên tục viết lại lịch sử, thậm chí, xuyên tạc lịch sử, và thực dân hoá huyền thoại và ký ức tập thể để tạo nên sự thống nhất và hợp nhất từ vô số các khác biệt.
Nói cách khác, để trả lời câu hỏi nêu lên ở đầu bài này, yêu nước, thật ra, là yêu những điều mình, hoặc người khác muốn mình, tưởng tượng.
Vậy thôi.
NGUYỄN HƯNG QUỐC.
Comments
Post a Comment