NGUYỄN HƯNG QUỐC
Từ năm 1930, khi thành lập đảng Cộng sản Đông Dương và nhất là từ năm 1945, khi giành được chính quyền, đảng Cộng sản thay đổi triệt để khái niệm yêu nước (1).Thay đổi chứ không phải xoá bỏ.
Bộ máy tuyên truyền ở miền Nam trước đây thường gọi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tam vô: vô tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo. Mà không phải chỉ ở miền Nam. Hình như ở đâu cũng thế. Ở đâu người ta cũng thấy khó có sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, nền tảng hiện đại của lòng yêu nước.
Cách nhìn như vậy không phải không có cơ sở.
Cả hai người sáng lập chủ nghĩa Marx, Marx và Engels, đều tin, thứ nhất, động lực cơ bản nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của lịch sử là kinh tế chứ không phải chính trị, là giai cấp chứ không phải dân tộc hay chủng tộc; và thứ hai, khác với Hegel, người tin quốc gia là một hiện tượng có tính chất phổ quát, Marx và Engels đều xem cái gọi là quốc gia cũng như chủ nghĩa quốc gia chỉ là sản phẩm của lịch sử, ra đời cùng với chủ nghĩa tư bản và được chủ nghĩa tư bản sử dụng như một công cụ để phát triển và thống trị.
Theo hai ông, trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến, để phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, giới quý tộc phải chiếm lĩnh thị trường; và để chiếm lĩnh thị trường, họ phải thống nhất lãnh thổ về phương diện chính trị, từ đó, hình thành các quốc gia; và để củng cố quốc gia, họ ra sức tuyên truyền cho tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia.
Hai ông cũng tin, sau này, khi chủ nghĩa cộng sản được xác lập trên phạm vi toàn cầu, cả hình thức nhà nước lẫn ý niệm quốc gia cũng sẽ bị triệu tiêu; và cùng với chúng, những cái gọi là chủ nghĩa quốc gia và lòng yêu nước đều thuộc về quá khứ. Chúng không còn có ý nghĩa gì cả.
Đối với hiện tại, hai ông quan niệm cả giới tư bản lẫn giới vô sản đều có tính chất quốc tế. Giai cấp tư bản lúc nào cũng có tham vọng biến thành để quốc bằng cách bành trướng, chiếm đoạt và thống trị người khác để buộc họ phải theo mô hình kinh tế, chính trị và văn hóa của mình. Giai cấp vô sản cũng vậy, cũng có tính chất quốc tế: ở đâu họ cũng bị bóc lột như nhau, cũng cùng khổ như nhau, và cũng có nhiệm vụ tranh đấu để tự giải phóng và thúc đẩy quá trình vận hành của lịch sử như nhau.
Nói cách khác, theo Marx và Engels, tự bản chất, giai cấp vô sản gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chứ không phải chủ nghĩa quốc gia. Trong Tuyên ngôn cộng sản, hai ông khẳng định: “Giai cấp vô sản không có tổ quốc.” Không có tổ quốc, do đó, giai cấp vô sản không sợ bị mất nước vì “người ta không thể lấy từ họ những gì họ không có”. Hai ông kết thúc bản tuyên ngôn bằng lời hiệu triệu: “Giai cấp vô sản toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” (2)
Xuất phát từ cách nhìn như thế, Marx và Engels không quan tâm nhiều đến ý niệm quốc gia và chủ nghĩa quốc gia. Trong suốt cuộc đời cầm bút khá dài của mình, hai ông không hề phát triển một quan niệm hoàn chỉnh nào về hai vấn đề quan trọng ấy. Nói theo Roman Szporluk, lý thuyết Mác-xít về quốc gia, nếu có, có thể được tóm gọn vào một điểm: “quốc gia không cần lý thuyết” (3). Theo giới nghiên cứu, đây chính là một trong những lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống tư tưởng của Marx.
Lenin và Stalin sẽ cố gắng lấp đầy cái khoảng trống ấy. Cả hai đều viết nhiều và tuyên bố nhiều về quốc gia và chủ nghĩa quốc gia. Nền tảng của sự thay đổi này là một thay đổi khác: theo Marx và Engels, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nếu xảy ra, sẽ xảy ra, trước hết ở những nơi chủ nghĩa tư bản phát triển nhất và có tính chất đồng bộ; theo Lenin, nó xảy ra ở những nơi chủ nghĩa tư bản yếu nhất, bao gồm từ các quốc gia lạc hậu đến các thuộc địa. Khi cách mạng Nga bùng nổ và thành công vào năm 1917, Lenin biết chắc chắn đồng minh của ông không đến từ phương Tây cũng như từ giai cấp vô sản ở phương Tây mà chủ yếu là các dân tộc tiền- hiện đại và tiền-tư bản chủ nghĩa, trong đó có khá nhiều dân tộc đang bị các đế quốc phương Tây thống trị. Chính vì vậy, Lenin, một mặt, nhấn mạnh vào vai trò của lòng yêu nước và cùng với nó, của chủ nghĩa quốc gia, như những động lực chính của cuộc cách mạng vô sản; và mặt khác, tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập và quyền dân tộc tự quyết của các thuộc địa và các dân tộc thuộc Thế giới Thứ ba.
So với Lenin, Stalin viết rất nhiều về vấn đề quốc gia hơn. Quan điểm của ông cũng thay đổi theo thời gian và theo các diễn biến chính trị phức tạp ở Nga: thoạt đầu, ông ủng hộ chủ nghĩa quốc gia; nhưng sau, khi chế độ Xô Viết đã được vững mạnh, đối diện với yêu sách độc lập hay tự trị của nhiều nước nhỏ nay thuộc Liên Bang Xô Viết, ông lại đề cao chủ nghĩa quốc tế (4).
Hồ Chí Minh đã trực tiếp có kinh nghiệm về những chuyển biến trong quan điểm về quốc gia và chủ nghĩa quốc gia của hai người lãnh đạo tối cao của Liên xô. Ông quyết định tham gia vào đảng Cộng sản sau khi đọc “Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin vì xem đó là con đường hữu hiệu nhất trong việc giải phóng đất nước ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên, khi đã trở thành người sáng lập và lãnh tụ của đảng Cộng sản Việt Nam, như các tài liệu đã được công bố rộng rãi, ông lại bị Stalin nghi ngờ, thậm chí, bạc đãi, chỉ vì Stalin cho là ông có tinh thần quốc gia chủ nghĩa nhiều hơn là quốc tế chủ nghĩa.
Tôi không chút nghi ngờ lời kể của Hồ Chí Minh trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lenin”: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.” (5). Tôi cũng tin đó là tâm trạng chung của hầu hết các đảng viên cộng sản thuộc thế hệ thứ nhất, trước 1945: Họ đến với chủ nghĩa xã hội, trước hết, vì lòng yêu nước. Nhưng tôi tin chắc là lòng yêu nước ban đầu của họ, kể cả của Hồ Chí Minh, sau khi đã tham gia vào phong trào cộng sản thế giới, dưới ảnh hưởng và áp lực từ bên ngoài, đặc biệt từ Liên xô và Trung Quốc, đã bị biến thái, thậm chí, biến chất hẳn. Tên gọi của cái phong trào chính trị đầu tiên do đảng Cộng sản phát động tại Việt Nam, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đã nói lên điều đó: mâu thuẫn giai cấp được coi trọng hơn mâu thuẫn dân tộc; chủ nghĩa quốc tế được nhấn mạnh hơn chủ nghĩa quốc gia. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dập tắt một cách tàn khốc. Rút kinh nghiệm, về sau, đảng Cộng sản tập trung hẳn vào các vấn đề dân tộc và độc lập. Tính dân tộc trở thành một trong những nội dung chính của cuộc vận động văn hóa và chính trị do Việt Minh khởi xướng từ nửa sau thập niên 1930.
Nhưng từ đầu thập niên 1950, khi Mao Trạch Đông đã chiếm Trung Hoa lục địa, quan niệm về lòng yêu nước của đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi một cách triệt để. Câu khẩu hiệu “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” có lẽ chỉ xuất hiện sau này, ít nhất là sau năm 1954, nhưng việc đồng nhất quốc gia và chủ nghĩa xã hội thì hẳn đã manh nha từ những năm 1949, 1950, khi chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao bắt đầu tràn vào Việt Nam.
Nhưng chuyện này còn dài. Từ từ bàn sau.
NGUYỄN HƯNG QUỐC.
Chú thích:
1. Loạt bài “Thế nào là yêu nước?” được đăng nhiều kỳ trên blog này.
2. Xem bản tiếng Anh trên:http://www.marxists.org/…/…/works/1848/communist-manifesto/2.
3. Roman Szporluk (1988), Communism and Nationalism: Karl Marx versus Friedrich List, New York: Oxford Universitty Press, tr. 192.3.
4. Xem Erik van Ree (2002), Political Thoughts of Joseph Stalin: A Study in Twentieth Century Revolutionary Patriotism, London: Routledge. 4.
5. Hồ Chí Minh (1980), Tuyển tập 2, Hà Nội: Sự Thật, tr. 176.
2. Xem bản tiếng Anh trên:http://www.marxists.org/…/…/works/1848/communist-manifesto/2.
3. Roman Szporluk (1988), Communism and Nationalism: Karl Marx versus Friedrich List, New York: Oxford Universitty Press, tr. 192.3.
4. Xem Erik van Ree (2002), Political Thoughts of Joseph Stalin: A Study in Twentieth Century Revolutionary Patriotism, London: Routledge. 4.
5. Hồ Chí Minh (1980), Tuyển tập 2, Hà Nội: Sự Thật, tr. 176.
Comments
Post a Comment