Những va chạm gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Ðông đặt ra câu hỏi : Washington và Bắc Kinh sẽ găng đến mức nào, liệu có đánh nhau không ? Nếu không, trong thời gian tới hai nước sẽ chấp nhận một tình trạng như thế nào ?
Sau vụ máy bay do thám Mỹ bay trên các hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc san lấp trái phép ở Trường Sa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, phản đối với lời lẽ cứng rắn : "Trung Quốc có quyền theo dõi kiểm soát không phận và hải phận thích đáng để bảo vệ chủ quyền... Chúng tôi hy vọng các nước can hệ sẽ hết sức tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Đông". Từ Washington, phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đáp lại : "Hải quân và máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục thi hành quyền hoạt động trong không phận và vùng biển quốc tế". Ông nói nặng hơn : "Không người nào có đủ khôn ngoan lại tìm cách ngăn chặn Hải quân Mỹ hành động, làm liều như thế là dại dột".
Thái độ của Bắc Kinh gần đây thêm hung hăng, khi đe dọa Philippines phải rời máy bay quân sự khỏi vùng các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, làm như đang áp dụng một "vùng độc quyền kiểm soát không phận" trên các hòn đảo mà họ mới xây thêm. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị mới tuyên bố sẽ bảo vệ mấy hòn đảo đó với thái độ "cứng như đá" và xác nhận Bắc Kinh có quyền lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong vùng này.
Phản ứng mới của chính quyền Mỹ lần này cũng tỏ ra cứng rắn hơn trước. Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter công khai tỏ ý quan ngại về hành động xây cất các đường băng trên những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng. Hành động có ý nghĩa nhất là chính quyền Mỹ mời một nhóm phóng viên đài CNN lên đoàn máy bay thám thính trong ngày 19-5 vừa qua. Những cuốn phim mà họ đem chiếu còn cho thấy hình từ vệ tinh nhân tạo chụp những đảo nhân tạo Trung Quốc mới dựng lên, tổng cộng rộng 8 km vuông trên 7 hòn đảo. Diện tích đã tăng gấp bốn lần so với hồi cuối năm ngoái. Máy bay Mỹ bay qua ba hòn đảo có đường băng, dân Mỹ được nghe giải thích rằng trước đây mấy tháng tất cả còn là là mặt nước, nay xuất hiện những đường băng dài hai, ba cây số với các căn cứ quân sự sẵn sàng hoạt động. Các hình ảnh này sẽ ảnh hưởng mạnh trên tâm lý dân Mỹ.
Những cuốn phim đó còn nhắm vào cả chính phủ và dân các nước Ðông Nam Á. Họ được thấy quân Trung Quốc trên các đảo lên tiếng đuổi "máy bay lạ" tám lần, và nghe những câu trả lời của phi công Mỹ : "Chúng tôi là máy bay quân sự Mỹ đang hoạt động đúng luật pháp quốc tế". Luật biển quốc tế chỉ công nhận chủ quyền 12 hải lý của các nước trên những hòn đảo không chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên ; những hòn đảo nhân tạo nhằm thay đổi tình trạng đó là bất hợp pháp. Trung Quốc đã thay đổi nhiều hòn đảo như vậy bằng việc bồi đất và xây dựng cao hơn trong vùng Trường Sa mà họ chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng các vụ xây cất đó sẽ không được ai công nhận. Các máy bay Hải quân Mỹ muốn chứng tỏ thái độ của Chính phủ Obama là Trung Quốc không có quyền trên các đảo này.
Các chuyên gia cho rằng các vụ chạm trán trên không và lời qua tiếng lại trên sẽ không thể đưa tới một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước có nhiều quyền lợi liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là kinh tế Trung Quốc thì không thể nào đứng vững nếu không bán hàng cho Mỹ ; trong khi Mỹ cần vay tiền thì đã có những quốc gia dầu lửa quốc gia minh ở Trung Ðông sẵn sàng cho vay. Giữa những tin tức sôi nổi trong mấy ngày qua, Ngoại trưởng Kerry vẫn tới Bắc Kinh và hai nước vẫn đang chuẩn bị cho chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình qua Mỹ vào tháng 9 tới.
Cho nên, giới chuyên gia nhận định, trong 10 năm tới một cuộc "chiến tranh Lạnh" sẽ diễn ra trong vùng Biển Ðông. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục nhân danh quyền bảo vệ lưu thông đường biển để đưa hạm đội và máy bay vào vùng này. Mỹ sẽ yêu cầu các nước Ðông Nam Á và Trung Quốc thiết lập các quy tắc hành xử trên biển. Nếu Trung Quốc không dự, Mỹ sẽ thúc đẩy các nước ASEAN đặt ra các quy ước và cùng áp dụng.
Mỹ sẽ canh chừng không cho Trung Quốc làm quá. Hai bên sẽ dò nhau, Mỹ ngăn chặn từng bước xâm lấn của Trung Quốc, nhưng không để xảy ra chiến tranh. Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, và chia sẻ trách nhiệm Nhật Bản, Úc trong việc bảo vệ an ninh cả vùng. Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục lấn lướt các quốc gia Ðông Nam Á từng bước nhỏ một.
Nh.Thạch (Năng lượng Mới)
Theo PetroTimes, 23/05/2015
Comments
Post a Comment