(VnMedia) – Trung Quốc hôm nay (26/5) tuyên bố nước này sẽ triển khai sức mạnh quân sự vượt ra xa khỏi biên giới của mình ở trên biển và quyết liệt hơn, cứng rắn hơn ở trên không, bảo vệ việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Mỹ và cộng đồng quốc tế đang rất quan ngại.
Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa sẽ tập trung hơn nữa “vào các hoạt động ngoài vùng biển khơi” thay vì chỉ “bảo vệ vùng lãnh hải gần bờ biển”, Hội đồng Nhà nước – nội các Trung Quốc đã tuyên bố như vậy trong Sách Trắng mới được công bố.
Song song với mục tiêu trên, Không quân Trung Quốc sẽ chuyển hướng tập trung “từ việc phòng thủ bầu trời sang trạng thái cả phòng thủ cả tấn công”, Sách Trắng của Trung Quốc cho hay.
Quân đội sẽ tăng tính cơ động toàn cầu và các lực lượng pháo binh sẽ củng cố năng lực cho “những cuộc tấn công chính xác tầm trung và tầm xa”, Trung Quốc tuyên bố.
Sách Trắng của Trung Quốc được công bố vào thời điểm Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu gay gắt với nhau vì các dự án đẩy mạnh cải tạo, bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh hồi cuối tuần trước vừa tuyên bố, quân đội nước này đã “đuổi” một máy bay do thám của Mỹ bay gần các đảo nhân tạo. Báo chí Mỹ trước đó cho công bố một đoạn trao đổi căng thẳng qua hệ thống điện đàm giữa máy bay Mỹ và Hải quân Trung Quốc.
Một phóng viên của đài truyền hình CNN có mặt trên chuyến bay của máy bay do thám tối tân P-8 Poseidon của Mỹ đã nghe thấy Hải quân Trung Quốc liên tiếp 8 lần đưa ra cảnh báo với máy bay Mỹ. Đáp lại, các phi công Mỹ tuyên bố họ đang bay qua “không phận quốc tế”.
Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ chuyến bay của Washington, miêu tả đó là “hành động nguy hiểm và cực kỳ vô trách nhiệm”, cảnh báo những hành động như vậy có thể “gây ra những vụ việc không mong muốn”.
Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay còn đưa tin, nước này sẽ xây dựng hai ngọn hải đăng cao 50m ở trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Maylaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có những tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý. Theo đó, cường quốc số 1 Châu Á đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm liên tục ở mức hai con số trong suốt nhiều thập kỷ qua trong nỗ lực nhằm nhanh chóng hiện đại hóa quân đội lớn nhất thế giới của nước này. Đặc biệt, Trung Quốc tăng cường củng cố sức mạnh hải quân, trình làng chiếc tàu sân bay đầu tiên năm 2012 và đang liên tục tăng số lượng tàu ngầm và tàu nổi cho các hạm đội của họ.
Những hành động của Trung Quốc gây lo ngại đặc biệt cho các nước láng giềng xung quanh và cả cộng đồng thế giới mặc dù Bắc Kinh khăng khăng tuyên bố sự đầu tư mạnh mẽ của họ cho quân đội chỉ mang tính phòng vệ. Tuy nhiên, khó mà có thể tin tưởng được những phát biểu của Bắc Kinh khi mà cùng với sức mạnh đang được củng cố của họ, Trung Quốc đang có nhiều hành động hung hăng, hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc lại đang làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đông khi đẩy mạnh hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép trên khu vực biển này. Bất chấp làn sóng chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng thế giới và các nước láng giềng xung quanh, phát ngôn viên quân sự Trung Quốc – ông Yang Yujun hôm nay tiếp tục nhắc lại những phát biểu vô lý của họ rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của họ ở Biển Đông “đem lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế” bởi nó giúp cho công việc tìm kiếm, cứu hộ và bảo vệ môi trường của Trung Quốc.
Trên thực tế, nhiều công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông được cho là dùng cho mục đích quân sự. Nhiều nước tin rằng, việc Trung Quốc ra sức tiến hành các hoạt động bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông là để phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trong khi bác bỏ nỗi quan ngại của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng, Sách Trắng của Trung Quốc cho rằng chính sách “tái cân bằng lực lượng” hướng về Châu Á của Mỹ cùng với việc Nhật Bản sửa đổi chính sách quốc phòng là những diễn biến “đáng lo ngại”.
Trước những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay, Philippines ngoài việc thách thức trực tiếp Bắc Kinh còn đang tìm kiếm một cam kết mạnh mẽ hơn từ đồng minh Mỹ cho việc giúp đỡ họ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines hôm qua tuyên bố đầy thách thức rằng, máy bay của nước này sẽ tiếp tục bay qua những tuyến đường thường lệ ở Biển Đông và sẽ không có chuyện có vùng nhận diện phòng không ở khu vực.
Cùng với đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho hay, ngày mai (27/5), ông này sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Ash Carter ở Hawaii và ông sẽ đề nghị đồng minh Mỹ đưa ra lời cam kết mạnh mẽ hơn. “Tôi sẽ hỏi họ về mức độ giúp đỡ mà họ sẽ cung cấp cho chúng tôi, về việc họ có thể làm gì để giúp chúng tôi bởi hiện tại chúng tôi đang bị đàn áp”, ông Gazmin đã nói như vậy.
Kiệt Linh
26-05-2015
Comments
Post a Comment