Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một đường băng đang hình thành trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh : AFP
Trong bài viết đăng trên trang web của trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) hồi đầu tuần trước, Tiến sĩ Yoon Suk-joon, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Chiến lược Hàng hải Hàn Quốc (KIMS), cho biết Biển Đông là nơi 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền thế giới diễn ra và có trữ lượng dự trữ dầu khí rất lớn. Do đó vùng biển này có tầm quan trọng cực kỳ lớn về kinh tế và địa chiến lược.
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc gần đây đang xây dựng phi pháp các cơ sở phục vụ cho hải quân và không quân tại Biển Đông, như bến cảng, đường băng, trại lính với trạm radar và ụ súng.
Hải quân Trung Quốc không rành chiến tranh hải quân hiện đại ?
Miên Dương, khu trục hạm lớp Giang Vệ II của Hải quân Trung Quốc đang tập trận cùng trực thăng tại cảng Thanh Đảo - Ảnh : Reuters
"Thật không may là Hải quân Trung Quốc dường như đang phớt lờ thực tế về chiến tranh hải quân hiện đại, vốn không đòi hỏi các lợi thế mang tính địa lý rộng lớn và đông đảo, mà dựa vào lực lượng hải quân có khả năng viễn chinh, một lực lượng luôn có mặt trên biển và sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu khi cần", Tiến sĩ Yoon, cựu đại tá Hải quân Hàn Quốc bình luận.
Chuyên gia hàng hải này nhận xét Hải quân Trung Quốc đang tiến hành một số bước có thể nhận thấy để tự biến mình thành một lực lượng hải quân hiện đại, có khả năng đảm nhiệm các chiến dịch ở những vùng biển xa, như đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên lớn hơn và hiện đại hơn chiếc Liêu Ninh, hay đóng khu trục hạm Type 055 trang bị radar mảng pha chủ động cùng tên lửa đối không, đối hạm đầy uy lực.
"Nhưng hoạt động quân sự hóa các bãi đá chiếm phi pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (của Việt Nam) tại Biển Đông trong vài năm qua, gồm xây dựng căn cứ quân sự, cứ điểm phòng thủ bờ biển, đường băng, hầm chứa máy bay và các cơ sở tiếp tế, chẳng giúp tăng cường khả năng tác chiến biển xa của Hải quân Trung Quốc", ông Yoon nhận định.
"Giá trị quân sự thu được từ các hoạt động này rất mơ hồ ; do đó có thể cho rằng chúng chỉ đại diện cho các tuyên bố mang tính chính trị", tiến sĩ Hàn Quốc này nói thêm.
Biển Đông không phải nơi lý tưởng để đặt căn cứ
Ảnh chụp từ máy bay của Không quân Philippines cho thấy các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh : AFP
Ông Yoon nhận xét Biển Đông khét tiếng là vùng biển có điều kiện thời tiết khắc nghiệt và biển thường động.
"Tiến hành tuần tra quanh năm và triển khai các chiến dịch hàng hải trong vùng biển như vậy rõ ràng là rất khó khăn. Khoảng thời gian thời tiết tại đây thuận lợi để tàu hải quân cỡ vừa hoặc nhỏ neo đậu tại các cầu cảng ở những hòn đảo nhân tạo kéo dài chưa đầy 60 ngày mỗi năm", tiến sĩ Yoon cho biết.
"Trừ phi các cơ sở (được xây trên đảo nhân tạo) có quy mô rất lớn, còn không chúng thậm chí sẽ chẳng thể bảo vệ được tàu cá trước những cơn bão bình thường", theo vị chuyên gia hàng hải Hàn Quốc.
Ông Yoon còn nhận định rằng đối với máy bay, Không quân Trung Quốc khó triển khai chiến đấu cơ tối tân Su-27SK từ các đảo nhân tạo.
"Công nghệ tối tân của các máy bay này đòi hỏi cần có khả năng tiếp tế và bảo trì hiện đại. Phi công Trung Quốc chưa quen với việc cất và hạ cánh mà không có đường lăn (taxiway). Ngoài ra, Su-27SK đậu trong các hầm chứa sẽ dễ bị phát hiện bởi vệ tinh và dễ thành mục tiêu của máy bay không người lái tầm xa", ông nhận định.
Các trạm radar đặt trên đảo nhân tạo nhiều khả năng sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn những radar đã có sẵn trên nhiều loại tàu quân sự mặt nước khác của Hải quân Trung Quốc, vốn có khả năng giám sát không gian 3 chiều tốt hơn, theo tiến sĩ Yoon.
"Cơ bản là chẳng có lý do nào về mặt quân sự để xây những hòn đảo nhân tạo đó cả ; do đó có thể thấy giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc, những người đã đưa ra quyết định này (xây đảo ở Biển Đông), rõ ràng có kinh nghiệm về chính trị nhiều hơn là về tổ chức", ông Sukjoon phân tích.
"Vì thế, chúng ta sẽ thấy rằng việc quân sự hóa Biển Đông như một phát ngôn lầm lẫn về các lựa chọn cho đường lối chính trị của Trung Quốc, hơn là một sự bành trướng quân sự của nước này", chuyên gia này nói.
Chuyên gia người Hàn Quốc nhận định việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông chỉ là một ảo tưởng mang tính chính trị của Trung Quốc - Ảnh minh họa : Reuters
Tiến sĩ Yoon cũng nhận xét rằng trong hơn 10 năm qua, chương trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc tập trung vào các hoạt động phô trương sức mạnh trên biển.
"Điều này hiển nhiên đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc, những quốc gia nhỏ thuộc khối ASEAN, lo ngại, cũng như đã phát đi những tín hiệu sai lầm đến Nhật Bản và Mỹ. Đây không phải là cách để trở thành một cường quốc trên biển thực sự", tiến sĩ Yoon nói.
Lịch sử đã cho thấy, phần lớn các cường quốc trên biển cố thống trị các vùng biển nhằm bảo vệ giao thương và các lợi ích khác đều đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn lực về tài chính lẫn quân sự. Vì thế, việc kiểm soát toàn bộ vùng biển chỉ là một ảo tưởng mang tính chính trị, chuyên gia hàng hải Hàn Quốc kết luận.
Hoàng Uy
Theo Thanh Niên Online, 25/05/2015
Comments
Post a Comment