"X" không tồn tại ở 7X. Những người 7X tôi biết hỏi tuổi nhau để tính ngũ hành xem làm ăn có hạp không. Theo trí nhớ của tôi, "X" bắt đầu từ "8X", được nói đến đầu tiên khoảng năm 2000 khi một anh/chị có năm sinh trong khoảng 1980 đến 1983 dùng để thể hiện một sự đột phá cho kế hoạch kinh doanh. Lần đầu tiên tôi đọc là trên một báo mạng, lúc đó cũng khá mới. 2000 cũng là năm các forum thế hệ đầu như TTVNOL và nhiều forum tôi quên mất tên lan truyền chữ đó. "8X" vào năm 2000 là một sự mới mẻ, vì người 1980 20 tuổi, tràn đầy sức sống vào đời.
Chỉ 5 năm sau, báo viết về người trẻ, blog, forum bắt đầu nói về "9X".
Việc phân chia thế hệ ở VN trong cả mass media và social media gần như được phân định bằng thập niên. Việc phân chia này ban đầu dựa trên tiện miệng, nhưng nó đủ phổ biến đến tạo một ảnh hưởng tâm lý nhất định đến các bạn trẻ trong giai đoạn tìm tòi và định hình nhân cách, quan điểm. Nó ảnh hưởng đến identity (tạm chưa biết dịch thế nào), áp lực đồng trang lứa, sự phản kháng – nổi loạn (nếu có), và có thể cả văn hoá.
Những thứ ảnh hưởng đến thế hệ theo cách chia đó là gì? Tác giả là người làm tài chính nên tạm chỉ bàn về yếu tố chu kỳ kinh tế.
Những thế hệ trưởng thành từ những cuộc chiến tranh, cho dù có trực tiếp ra chiến trường hay không, mang một nỗi ám ảnh về chiến tranh, mất mát, luôn lo lắng về ổn định. Thứ đeo đuổi họ nhất là "kiếm một cái nghề" như kỹ sư, bác sĩ và "có nghề nghiệp ổn định". Đối với họ, thương mại không phải là một cái nghề. Họ dành dụm, tích cóp, ăn chắc mặc bền, mua những thứ bền để dùng được nhiều năm.
Thế hệ 6X và 7X trải qua tuổi thơ với những lo lắng phía Bắc và phía Tây Nam, và cấm vận. Nhân tài được học ở Liên Xô. Họ cần kiệm, chăm chỉ làm việc. Họ phải dành dụm đủ tiền mới mua nhà, mua xe. Vay tiêu dùng và phát triển nóng bằng tín dụng vẫn chưa xảy ra. Thời điểm thế hệ 6X chín mùi và 7X bắt đầu làm việc trùng với thành quả của 1986 và dỡ bỏ cấm vận đầu thập niên 90. Kinh tế phát triển nhanh dẫn đến những sự lạc quan và hy vọng.
8X trải qua tuổi thơ còn nhiều khó khăn nhưng lớn lên trong thập niên 90 lạc quan. 8X đời đầu bắt đầu đi làm vào thời điểm phát triển nóng của nền kinh tế. Vốn đầu tư nước ngoài ào ạt. Cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài nở rộ, cơ hội giao thương, giao lưu mở rộng. Nhiều gia đình tích trữ đủ để cho con đi du học. Thị trường chứng khoán được 3-4 năm và tăng 11 lần sau 6 năm (trước lạm phát). Thời 2004-2007, làm gì cũng dễ và đụng đâu cũng ra tiền, dù là tiền trên giấy. Kiếm tiền dễ dẫn đến tiêu thụ nhiều, giảm tỉ lệ tiết kiệm, tăng trưởng tín dụng. Tinh thần khởi nghiệp dâng cao. Người ta nói đến sự táo bạo, đột phá, cái tôi, individualism (dịch thành "chủ nghĩa cá nhân" thì lại hàm ý hơi khác với chữ gốc). "8X" ra đời từ đó. Vấn đề của 8X là gì? Khủng hoảng tài chính toàn cầu làm lộ ra khoảng cách giữa sức mạnh nội tại thật sự và những ảo tưởng nhờ ngoại lực. 8X đang băng băng trên sự nghiệp nhưng chưa đạt đến đỉnh cao thì bị một cơn lũ ngược chiều dội thẳng vào mặt.
9X ra đời trong hoàn cảnh kinh tế đi lên không ngừng, đồng nghĩa với được chăm lo đầy đủ hơn. 9X còn lớn lên trong một thứ mà chưa thế hệ nào trước đó có: thặng dư thông tin (information surplus) nhờ Internet. Vậy vấn đề của 9X là gì?
Có điều kiện dẫn đến quá nhiều lựa chọn. Quá nhiều thông tin, mà đa số là thông tin nhiễu (noise), dẫn đến loạn và khó chọn lọc. Văn hoá, giá trị, cách nhìn nhận, quan điểm xã hội, áp lực xã hội cũng thay đổi nhanh theo kinh tế. Ví dụ: cần cù chắc chắn là tốt hay khôn lỏi để làm tiền nhanh không bền vững là tốt. Thế hệ lạc lối (lost generation) nếu có, là gồm những người lạc lối đi vòng quanh trong nhiều lựa chọn. Đau đớn ở chỗ, 9X đời đầu bắt đầu đi làm khi kinh tế Việt Nam chưa gượng dậy nổi sau khủng hoảng, cạnh tranh được việc làm tốt rất khốc liệt. Rất nhiều lời hứa và sự lạc quan về triển vọng nghề nghiệp có thể sẽ không biến thành hiện thực cho những người trẻ ở tuổi 23. Hai năm đầu đi làm toàn thời gian sau khi học xong là lúc rất quan trọng định hình tính cách, quan điểm, thói quen, thái độ, kỹ năng làm việc, và kỹ năng mềm. (Đây là lý do chính tôi thường bảo sinh viên của tôi nên đi làm ít nhất 2 năm rồi hãy học tiếp, kế đến mới là lý do vì nhiều học bổng như Fulbright, ADS đòi 2 năm kinh nghiệm). 9X đời đầu trải qua hai năm với nhiều khó khăn, và cá nhân tôi nghĩ sự cay đắng (nếu có) của 9X đau hơn 8X đã đi làm nhiều năm để có khả năng chịu đựng. 9X được hứa hẹn quá nhiều, kỳ vọng quá nhiều, và bị xăm soi quá nhiều.
Giải pháp cho 9X là gì? Tough times don’t last, tough people do. Tạm dịch: Thanh niên cứng mới đứng được lâu.
Năm nay, 0X bắt đầu bước vào tuổi teenage.
Xin kết lại bài sến súa trên bằng một câu thế này "Bọn 9X bây giờ nó làm sao ấy, em không chơi được với bọn nó". Người nói câu này là một sinh viên của tôi ở University of New South Wales, sinh cuối năm 1989.
Xem thêm
Click here: The twenty-something and quarter-life crisis
Click here: Mid-life crisis – Khủng hoảng tuổi trung niên
Click here: Mid-life crisis – Khủng hoảng tuổi trung niên
Tham khảo
Wait but Why, ‘Why Generation Y Yuppies Are Unhappy ‘, Huffington Post, accessed 15-Sep-2013
Comments
Post a Comment