Kinh nghiệm biển đảo của Việt Nam Cộng Hòa
Việc bỏ không dùng facebook có nhiều cái rất lợi, và có vài bất lợi. Cái bất lợi hôm qua là không tìm được Nhân Tuấn Trương để hỏi về kinh nghiệm Việt Nam Cộng Hòa trong việc tranh chấp biển đảo.
Bắt đầu từ việc cụ Đình Đầu cho xem bản đồ Đông Dương Thuộc Pháp, in năm 1906 ở Paris. Bản đồ hành chính xứ Nam Kỳ (Cochinchine) thuộc Đông Dương thuộc Pháp, trong đó bên cạnh đảo Phú Quốc (trên bản đồ chỉ rõ thuộc Hà Tiên) còn hai hòn đảo khá to là Hòn Năng Trong và Hòn Năng Ngoài (cũng chỉ rõ thuộc Hà Tiên).
Hai “hòn” này, và nhiều hòn khác nữa, sau thời Pháp, tới thời Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tranh chấp với Cambodia. Không hiểu kinh nghiệm của VNCH về việc này (từ 1956 đến 1975) như thế nào, liệu có học hỏi được gì không.
Tóm tắt sơ sơ như sau để các bác biết.
Hai đảo (hòn) là Hòn Năng Trong và Hòn Năng Ngoài, khá là to, còn được gọi là đảo Phú Dự. Tiếng Pháp lần lượt là Ile du Milieu và Ile à l’Eau.
Thời Nguyễn, trên hai đảo này đã có thôn Thiên Phước, xứ Năng Dự (Hòn Năng). Trưởng thôn (đầu tiên?) tên là Trần Văn Tự.
Thời Pháp, sau khi thành lập chính quyền bảo hộ ở Nam Kỳ (1867) và Cambodia (1863) thì Pháp lấy tất cả các đảo trong vùng biển này và vùng Hà Tiên (tức là cả Thổ Chu, Phú Quốc, Hải Tặc …) cho vào Nam Kỳ. Đến ngày 25-5-1874 thì thống đốc Nam Kỳ ra quyết định thành lập Quận Biển thuộc chính quyền Nam Kỳ. Quận này bao gồm tất cả các đảo biển Hà Tiên. (Quận biển, hay phết). Sau đó một thời gian thì hạt Phú Quốc tách ra và nhập trở lại Hà Tiên.
Vấn đề chỉ phát sinh vào quãng 1931, khi các hòn đảo này sinh lời (thuế khóa, khoáng sản) dẫn đến việc khâm sứ Pháp ở Cambodia đòi hỏi. Chủ yếu là do ngư dân Khmer qua lại các đảo này có xu hướng đóng thuế cho Nam Kỳ chứ không đóng thuế cho Cambodia (giống thời Mạc Cửu ghê). Việc đôi co giữa hai chính quyền bảo hộ bắt đầu từ cấp địa phương (Hà Tiên), leo dần đến cấp toàn quyền Đông Dương. Tên ông toàn quyền là Brévie nên về sau có tên đường phân chia biển là đường Brévie.
Chính quyền Nam Kỳ, lúc đầu là Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ, sau là chính quyền Việt Nam Cộng hòa tất nhiên là không chịu các đòi hỏi của nước bạn hehe. Đặc biệt là với các đảo Phú Dự, Bắc Hải Tặc, và đảo Wai.
Nhưng từ năm 1956 thì Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu để mất đảo. Cambodia dùng quân đội chiếm hai đảo Hòn Năng vào năm 1956. Đến năm 1958 chiếm thêm Hòn Tai (Ile du Pic). Năm 1960 chiếm Hòn Kiến Vàng (Ile des Fourmis) và Hòn Keo Ngựa (Ile du Cheval). (Cũng năm 1956 Đài Loan chiếm Ba Bình nhưng VNCH lại đổ quân ra chiếm lại).
Như vậy, không tình Hoàng Sa bị Mao cướp năm 1974, thời VNCH cũng bị mất đảo chứ không phải không. Và các vụ mất đảo cũng rơi các thời điểm rối ren, chính quyền phải lo một đống việc trong nước. Nhưng không rõ việc đi cãi nhau với nước bạn, từ lúc chính quyền là Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ cho đến khi là Việt Nam Cộng hòa, thì các vị ấy đã lập luận chứng minh cãi cọ thế nào với nước bạn. Và dù thực tế là đảo vẫn mất thì các kinh nghiệm tranh cãi ấy nay có học hỏi được gì không. Ý tưởng thành lập quận biển cũng khá hay, có khi áp dụng lại được. Quận biển có thể có những quy chế rất hải tặc, khác xa luật lệ trên đất liền, ví dụ cho phép casino với đèn đỏ thoải mái chả hạn.
Ngoài ra, có vẻ như từ khi Mỹ can thiệp mạnh vào miền nam (kể từ cuối thời Diệm), nhất là sau khi quân đội Mỹ vào miền nam (1965), thì VNCH không còn bị ai đe dọa lấy đảo nữa. Sau 73, Mỹ rút đi, mất luôn Hoàng Sa (1974) vào tay TQ. Đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm của VNCH từ năm 1971, khả năng chiếm được cũng là do Mỹ bật đèn xanh.
21-05-2015
Comments
Post a Comment