Skip to main content

Ghi chép về một cuốn sách

Sự kiện ồn ào đầu năm 2016, chắc không có gì vượt qua được sự ra mắt cuốn hồi ký "một đời giông bão" của nghệ sĩ Thương Tín. Dựa trên những lời kể về cuộc đời ấy, nhà báo Đinh Thu Hiền đã chấp bút và hình thành một cuốn sách dày khoảng 200 trang, với 5 chương. Ngay khi ra mắt, cuốn sách này vấp phải nhiều dư luận phê phán nặng nề, dựa trên điểm cho rằng đó là chuyện vô đạo đức. Thậm chí có ý kiến cho rằng Nghệ sĩ Thương Tín có thể đối diện với vành móng ngựa vì đã tiết lộ đời tư, huỷ hoại gia đình người khác.

Hồi ký - dĩ nhiên là phải riêng tư - và gắn liền với những câu chuyện thầm kín của bản năng, là chuyện không xa lạ gì với thế giới này. Từ đông sang tây, các bản hồi ký bán hàng triệu bản, được giới thiệu rầm rộ... chắc chắn luôn được các nhà xuất bản hứa hẹn sẽ có phần riêng tư hấp dẫn nhất. Việc tính toán khoét rộng các lỗ khoá riêng tư, luôn phải là điều mà người chấp bút và nhà xuất bản thoả thuận với nhau. Thậm chí, trong đó việc để tên thật của các nhân vật có liên quan, cũng là phần đã được cân nhắc, bao gồm cả việc tác giả câu chuyện bị thuyết phục về khả năng bán chạy.

Cũng giống như chuyện một ca sĩ lên truyền hình ăn mặc hở hang bị phê phán dữ dội, đôi khi người ta hưởng ứng một phong trào đạo đức hay trở giọng gọi họ là “con” hay “thằng”, mà quên rằng nếu các biên tập viên và người chịu trách nhiệm của chương trình không cho phép, sẽ chẳng bao giờ phần da thịt đó được quay và phát.

Xã hội truyền thông thương mại ranh mãnh hôm nay, thường đánh lừa đám đông bằng nhìn vào hướng của ngón tay chỉ tới, mà không nhìn kỹ ngón tay đó của ai, làm gì. Các mục săn ảnh về tình trạng 'lộ hàng' của giới nghệ sĩ trên sân khấu, đời thường... vẫn được sự hưởng ứng của hội các cá nhân mẫu mực và đạo đức, để phê phán không thương tiếc những kẻ 'lộ hàng' đó, nhưng quên mất những cặp mắt gian trá của các tay phóng viên ảnh vẫn láo liên và khao khát tìm kiếm nạn nhân.
Đừng quên, khi đọc một cuốn hồi ký không đủ "dữ liệu", người ta cũng sẽ thốt lên chê trách tận cùng về sự nhạt nhẽo, còn khi đọc được những điều thách thức sự phán xét đám đông, cuốn hồi ký đó sẽ lại bị đưa lên bàn cân của phong trào đạo đức, mà đôi khi cũng có thể là một phong trào nhiều tiếng vang – ít nội dung, bởi có rất nhiều người hưởng ứng mà không hề thật sự đọc qua, hoặc chỉ nghe những ngôn luận ở hàng đầu phong trào hàng đầu dẫn dắt. Đó là loại nguỵ biện đánh tráo giá trị dựa trên cảm tính được dựng lên với đám đông (ad misericordiam), lối thường của truyền thông màu thương mại.

Hồi ký, hay bất kỳ câu chuyện nào bị trói và dắt đi bằng "đạo đức" và sự "trắc ẩn hào phóng" đều có những kết cục không hay. Năm 2007, nếu không có người ngăn cản, người mẫu Minh Anh có thể đã tự tử do chịu quá nhiều áp lực, bởi sự thương tiếc của đám đông đối với diễn viên Lê Công Tuấn Anh, mà nguyên cớ chỉ vì đồn đoán. Thậm chí, can trường như cô Monica Lewinsky, sau vụ vỡ lỡ tình ái với cựu tổng thống Bill Clinton đã phải bỏ sang Anh Quốc sinh sống. Năm 1999, cô Monica Lewinsky đã từng lên đài truyền hình ABC, làm một loại hồi ký trực tiếp với số khán giả lên đến 70 triệu người một đêm.

Nhân vật chính của hồi ký, cũng phải chịu một áp lực không kém người được nói đến trong đời mình, vì bởi đã nói thật về mình. Dù bị chỉ trích, nhưng bất kỳ cuốn hồi ký nào cũng có một giá trị nếu không lừa dối. Tiếc là mạch văn cuốn Hồi Ký của nghệ sĩ Thương Tín chỉ được thuật lại những “chiến công” của đời ông, chứ không phải là chuyện đời đã trãi qua biết bao thăng trầm. Có thể chính ông Thương Tín không được hướng dẫn bằng một đề cương Hồi ký cụ thể và chuyên nghiệp, mà chỉ là những đoạn nối vụn trong những phần ký ức bất chợt. Chính nhà báo Đinh Thu Hiền cũng xác nhận rằng trong quá trình trò chuyện, nghệ sĩ Thương Tín nói lan man, nhớ đến đâu, nói đến đó với cách tâm tình. Còn chuyện đẩy mạnh và liệt kê chi tiết hấp dẫn cho một thương vụ, không phải là mục đích khởi đầu của Thương Tín. Đó chính là chỗ tiếc nuối: lẽ ra đó là một cuốn hồi ký hay, chứ không vụn và thấp tầm như ấn bản hiện tại.

Khi một con người nói thật, và nói thật về mình, thì có nghĩa họ đã chọn đúng luật chơi về hồi ký – tức không bịa đặt. Còn chọn nghe, hay từ chối xem là quyền của từng cá nhân, cho những mục đích khác nhau. Thật đáng tiếc nếu biến một cuốn sách thành mục đích ném đá trừng trị nhưng Taliban, hoặc ném vào lửa và kết tội như một toà án tư tưởng dị giáo. Thương Tín sẽ đối diện với luật hình nào, khi chính các cá nhân trong sách không lên tiếng, ngoại trừ các nhà "làm luật" cố gợi ý trong phong trào "đốt sách"? Liệu một xã hội có toàn hảo không các cuốn hồi ký rồi sẽ đều đẹp như mộng và đạo đức vẹn toàn như các tu sĩ?

Hãy phê bình không ngại ngần, nếu đó là một cuốn sách có phẩm chất tồi, nhưng cũng đừng quên khen ngợi khi thấy một cuốn sách hay. Đó là diện mạo của một xã hội văn minh. Quyền tự do phê bình cũng ngang hàng với quyền tự do phát ngôn vậy. Cũng đừng lo ngại một cuốn sách có thể làm hư hỏng ai đó, vì như vậy là ngộ nhận về trí tuệ của đám đông, ngộ nhận trí tuệ của người khác so với mình. Và các nhà ‘lãnh đạo’ phong trào đạo đức xã hội cũng không cần phất ngọn cờ thanh trừng, và mắt lom lom, ngó xem các cơ quan nhà nước có ủng hộ mình hay không.
Câu chuyện hồi ký giông bão này, làm người ta nhớ đến chuyện Larry Flynt vs the People. Ông trùm tạp chí khiêu dâm Hustler khi tranh luận về quyền xuất bản của ông, năm 1972, đã nói trước phiên toà kết tội ông rằng "Thật quái đản, giết người là tội ác, nhưng nếu anh chụp một bức ảnh đúng lúc, thì anh được giải Pulitzer. Nhưng trong khi tình dục cá nhân là hợp pháp, chụp một bức ảnh để ghi lại thì có thể đối diện một án tù. Vậy khi tôi làm điều này, có phải tôi đang làm một cuộc cách mạng để chống lại nền đạo đức giả của xã hội không?".

Câu chuyện của Larry Flynt đã dẫn đến việc nhiều năm sau, các tạp chí khiêu dâm được bày bán công khai trên toàn nước Mỹ, tuy nhiên, được bọc bằng bao nylon, như một thoả thuận "nếu thích, thì bạn hãy chọn và mở ra, còn nếu không thì bạn hãy bước qua và quên đi".

Nói cho cùng, cuốn hồi ký của nghệ sĩ Thương Tín không hề là một quyển sách khiêu dâm hay có mục đích để tấn công đời riêng của ai. Sự có mặt của nó là phần thực tế của thế giới thương mãi hôm nay. Dư luận ồn ào lúc này, chỉ là thái độ đối với tình trạng giọt nước làm tràn ly, của một xã hội đang quá nhiều chuyện riêng tư bị phơi trên báo chí đến kinh hãi từ nhiều năm nay.


Nếu là một độc giả, tôi sẽ làm gì với sự kiện sách “giông bão” này? Tôi sẽ tôn trọng quyền được nói của bất kỳ ai. Tôi sẽ lãnh đạm bước qua và bỏ quên trong đời mình, nếu như xét thấy một tác phẩm nhạt, không cần phải phí thời gian. Sự hô hoán và đẩy mọi thứ vào tình thế cực đoan, đôi khi chỉ khiến lớp bao nylon của quyển sách lại được mở ra nhiều lần, vô lý hơn nữa mà thôi. Tôi cũng thấy mình không bị hại gì, cũng như vui khi bước ra khỏi một đám đông đang thích vỗ ngực, hô to.





https://www.facebook.com/notes/khanh-tuan-nguyen/ghi-ch%C3%A9p-v%E1%BB%81-m%E1%BB%99t-cu%E1%BB%91n-s%C3%A1ch/1116412358368871

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Orsay (Pháp), và ngay cả ngày nay, khi đối diện

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không cần phải b