Tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính thức hoàn tất công việc loại bỏ người Việt ra khỏi những vị trí chủ chốt tại Sabeco sau hơn 3 tháng cải tổ doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Hai người Singapore gốc Trung Quốc nắm 2 vị trí cao nhất tại Sabeco.
Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) hôm 23/7 đã thông báo về bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2018 - 2023. Theo đó, ông Neo Gim Siong Bennett, người của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, sẽ đảm nhiệm vị trí CEO kể từ 1/8, thay cho ông Nguyễn Thành Nam.
Ông Nguyễn Thành Nam chính là người được Bộ Công thương giao thay ông Vũ Quang Hải đại diện phần vốn Nhà nước tại HĐQT Sabeco. Ông Vũ Quang Hải là con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Neo Gim Siong Bennett. |
Như vậy, đây là vị trí then chốt cuối cùng đã được người của tỷ phú Thái lấp đầy sau 2 lần ĐHCĐ bất thường (lần 1 vào ngày 23/4/2018).
Tại ĐHCĐ hôm 21/7, ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore, gốc Hoa) đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Sabeco.
Ba thành viên HĐQT khác cũng là người của tỷ phú Thái, bao gồm: bà Trần Kim Nga, ông Michael Chye Hin Fah (quốc tịch Singapore) và ông Pramoad Phornprapha (quốc tịch Thái Lan).
Ba thành viên còn lại đại diện cho phía Việt Nam bao gồm: ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Lương Thanh Hải và ông Nguyễn Tiến Vỵ. Trong đó, ông Dũng là kế toán trưởng Sabeco và là người duy nhất có trong ban lãnh đạo của Sabeco. Hồi tháng 5, Sabeco đã bổ nhiệm 3 nhân sự người Thái làm Phó TGĐ.
Trước đó, hồi tháng 4/2018, ThaiBev (do ông Koh Poh Tiong làm chủ tịch) từng đề nghị với Bộ Công Thương bầu ông Neo Gim Siong Benett làm TGĐ Sabeco. Tuy nhiên, sau đó đề nghị này đã không được thực hiện và ông Benett trở thành Phó TGĐ Sabeco.
Theo quyết định mới nhất của HĐQT Sabeco, ông Koh Poh Tiong là người đại diện theo pháp luật thứ nhất của Sabeco, trong khi ông Neo Gim Siong Bennett là người đại diện theo pháp luật thứ hai của doanh nghiệp này.
Ông Neo Gim Siong Bennett sinh năm 1946, gốc Hoa, quốc tịch Singapore và là cử nhân kỹ thuật - cơ khí và sản xuất Đại học Nanyang, Singapore. Ông Neo Gim Siong Bennett nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bia, dầu khí, hàng hải và chuỗi cung ứng và đã công tác ở khu vực châu Á, Mỹ và Anh.
Ông Neo cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương, công ty thành viên của Sabeco.
Sau khi về tay tỷ phú Thái, Sabeco đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2018 giảm 19% xuống còn 4 ngàn tỷ đồng. Tỷ phú Thái dự kiến sẽ tiếp tục tái cơ cấu Sabeco theo hướng loại bỏ những hoạt động không liên quan tới bia như du lịch, thương mại…
Trước đó, hồi cuối 2017, Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã thông qua Thai Beverage chi gần 5 tỷ USD từ tiền vay để mua 53,59% cổ phần Sabeco.
Trong vài phiên gần đây, cổ phiếu Sabeco (SAB) vẫn theo chiều hướng đi xuống và hiện đang ở mức 210.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá 320.000 đồng/cp mà tỷ phú Thái bỏ ra mua gần 344 triệu cổ phiếu SAB hồi cuối 2017.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sự rung lắc vẫn tiếp tục diễn ra. Nhóm ngân hàng giảm sâu bất chấp kết quả kinh doanh tốt. Thị trường giữ được sắc xanh chủ yếu yếu do sự hồi phục trở lại của một số mã cổ phiếu trụ cột như: Sabeco, VietJet, PV Gas, Bảo Việt,...
Khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng 90 tỷ sau một chuỗi ngày bán ra.
Các công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra các dự báo thận trọng hơn. BVSC cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng lình và tăng điểm nhẹ. BSC cho rằng trạng thái thị trường vẫn đang trong phiên điều chỉnh và có xu hướng lên.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) dự báo thị trường có thể hồi phục và lên các ngưỡng cao hơn nhờ lực cầu bắt đáy chủ động hơn. Dòng tiền vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng khi mà lực cung tăng lên cho thấy bên cầm tiền vẫn muốn tham gia vào thị trường khi mà chỉ số điều chỉnh.
Còn theo VDS, các cổ phiếu lớn tiếp tục luân phiên tăng/giảm để giữ nhịp, trong khi các cổ phiếu khác phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh quý 2. Xu hướng này vẫn có thể tiếp tục kéo dài trong tuần này, tuần cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2.
Kết thúc phiên giao dịch 23/7, VN-index tăng 3,35 điểm lên 936,74 điểm; HNX-Index giảm 1,32 điểm xuống 106,3 điểm. Upcom-Index giảm 0,29 điểm xuống 50,26 điểm. Thanh khoản đạt 270 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 5,5 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Comments
Post a Comment