HÓA KHOA / NHÀ ĐẦU TƯ
Không ngoài dự đoán của một số công ty chứng khoán, lượng hàng được các nhà đầu tư mua vào trong phiên tăng điểm cuối tuần trước (6/7) đã được bán ra ồ ạt. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường.
Một nguyên nhân khác được đưa ra giải thích là căng thẳng thương mại leo thang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường toàn cầu, và Việt Nam không ngoại lệ.
Cụ thể, chỉ số Shenzhen Composite sàn Thâm Quyến giảm 2,63%. Chỉ số blue-chip CSI 300 giảm 2,4%; chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong giảm 2,02% đầu phiên giao dịch ngày 11/7; chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,74% và có xu hướng xuống hơn nữa bởi nhiều cổ phiếu nhạy cảm với thương mại, như ngành ôtô, giảm. Chỉ số Kospi Hàn Quốc giảm 1,13%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,66% với cổ phiếu năng lượng, nguyên vật liệu và dịch vụ giảm mạnh nhất. Chỉ số chứng khoán MSCI các thị trường châu Á – Thái Bình Dương, không gồm Nhật Bản, giảm 1,31% trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á.
Với TTCK Việt Nam, đóng cửa phiên 11/7, VN-Index giảm 17,96 điểm, tương đương 1,97% còn 893,16 điểm.
Nhóm Ngân hàng ghi nhận chỉ có EIB và NVB đi ngang ở mức giá tham chiếu, mã KLB tăng nhẹ 4,8%. Tất cả các mã cổ phiếu Ngân hàng còn lại đều giảm điểm rất mạnh, thậm chí còn giảm mạnh hơn so với phiên giao dịch sáng. Trong đó, giảm mạnh nhất là VPB và TCB khi chốt phiên 11/7 hai mã này đều giao dịch ở mức giá sàn.
Sự tiêu cực cũng lan rộng ở nhóm các mã vốn hóa lớn VN30 khi chỉ có duy nhất VIC (+1,5%) và NVL (+0,2%) tăng điểm, qua đó cũng khiến thị trường tránh khỏi đà giảm điểm quá sâu.
Ngoài VIC, không có yếu tố tích cực đáng chú ý nào đến từ các mã ảnh hưởng đến thị trường. Song vậy, việc một số mã thoát giá sàn như BID (-6,6%), HDB (-6,6%) cũng có những tác động tích cực nhất định.
Ở một số nhóm ngành khác, Dầu khí ghi nhận các mã đáng chú ý như PVD (-1,6%), PVS (-2,5%), POW (-2,6%), OIL (-6,2%), BSR (-7,7%) đồng loạt giảm điểm.
Chốt phiên 11/7, thanh khoản VN-Index đạt 158,6 triệu cổ phiếu, tương đương 3.779 tỷ đồng. Thanh khoản cao có thể do áp lực bán tăng vọt trong phiên hôm nay.
Trong phiên giao dịch này, khối ngoại lại mua ròng nhẹ 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương gần 70 tỷ đồng.
Trong đó, họ mua ròng mạnh nhất DXG (+37 tỷ), GAS (+20 tỷ), DHG (+19 tỷ),… Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh SSI (-24,9 tỷ), MSN (-21,4 tỷ), BID (-19,1 tỷ),…
Comments
Post a Comment