Nguyễn Văn Lục (DCVO) – Sau khi ông Obama rời khỏi Việt Nam, tôi nhận được từ bạn bè trong nước một video. Tôi đã xem và cho đây là một bài toán thử mang ý nghĩa nhất về chuyến đi của ông Obama.
“Le régime totalitaire communiste est le mariage du mensonge et de la violence.” — Hu Ping
Chế độ độc tài cộng sản là sự kết hợp giữa sự dối trá và bạo lực. — Hồ Bình (胡 平)
Thierry Wolton trích lại “La Pensée manipulée: Le cas chinois”, trang 20, trong cuốn Une Histoire mondiale du Communisme, trang 183.
Sau khi ông Obama rời khỏi Việt Nam, tôi nhận được từ bạn bè trong nước một video (xem theo link đầu bài). Tôi đã xem và cho đây là một bài toán thử mang ý nghĩa nhất về chuyến đi của ông Obama. Nó cho thấy lòng dân ở chỗ nào, nó chán ghét chế độ hiện nay đến như thế nào.
Chỉ một tiếng kêu: “Anh Ba ơi, Anh Ba, lâu quá” đã gợi lên cả một tâm tình của một dân tộc.
Tôi nghĩ, mình có viết gì cũng vô ích không diễn tả nổi tâm tình của một người phụ nữ miền Nam đối với một tổng thống Mỹ.
Sự bày tỏ ấy gián tiếp nói lên nỗi thất vọng, chán nản đối với những người lãnh đạo trong nước.
Và nếu họ có dịp được xem những hình ảnh này thì họ phải biết tự xấu hổ!
Không bao giờ những Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng được dân chúng đón tiếp và yêu mến một cách hồn nhiên như thế!
Tiếp theo đó thì nổ ra câu chuyện bà Tôn Nữ Thị Ninh – như một lỗi nhịp — phản đối ông Bob Kerry ở vị trí lãnh đạo đại học Fulbright.
Bob Kery tại Thư viện LBJ, 2016. By LBJ Library
Nhiều người từ trong nước và ngoài nước đã lên tiếng.
Tiếng nói từ trong nước của những người có uy tín như trường hợp Đinh La Thăng rồi cũng phải rút bài xuống. Ngoài nước thì bài viết của Nguyễn Thị Cỏ May xem ra có hiệu ứng tốt!
Tuy nhiên, có thể tất cả không trừ một ai thiện chí sai chỗ.
Chúng ta đã chửi nhầm đối tượng.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh rất có thể chỉ là tấm hình nộm mà những mũi tên bắn vào trở thành vô hiệu!
Riêng tôi, tôi không mấy ngạc nhiên vì đó chính là cách ứng xử thông thường của người cộng sản mà tôi gọi là căn bệnh mãn tính cộng sản: Bệnh dối trá. Họ nói một đằng, họ làm một nẻo. Giấy bút chưa ráo mực, họ đã ngăn cản 10 khách mời của tổng thống Obama không cho gặp. Nhân quyền đối với họ chỉ là trò hề dân chủ.
Tôi dám nghĩ, người cộng sản đã bất đắc dĩ nhận một món quà Fulbright mà chính ra họ không muốn nhận.
Phải hiểu cái kịch tính trong câu chuyện này: Nhận rồi tìm cách phá rối. Bộ ngoại giao cũng chính thức lên tiếng đứng về phía bà Ninh.
Ai lại ngu dại gì nhận một người khách lạ vào nhà và có quyền nói lung tung tí mẹt mọi chuyện?
Chúng ta cần nhớ làm lòng là bất kể là nước cộng sản nào thì chính sách, đường lối cũng chỉ là một sự rập khuôn. Khác thời điểm, khác khung cảnh địa lý, nhưng mọi diễn tiến diễn ra ở Hungary, ở Cuba, ở Việt Nam thì cũng chung một tấn tuồng.
Và cũng vậy không có gì giúp chúng ta nhận ra được cho thấy sự khác biệt giữa một nạn nhân cộng sản Tàu, nạn nhân cộng sản Việt Nam.
Nhiều người chắc cũng không thể nào quên câu tuyên bố rất ‘vô học’ của một người có học khi bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Bà Ninh nói thay cho chủ của bà:
“Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”
Cộng sản bao giờ cũng vẫn là cộng sản.
Cộng sản già, cộng sản trẻ, cộng sản con, cộng sản gái, cộng sản có học hay không có học nếu thuộc bài thì cùng một lối ứng xử: Đó là dối trá, gian ngoan, xảo quyệt và bất chấp sự thật.
Vì thế, tất cả những ai tin vào đám con cái cộng sản, thứ phong kiến cha truyền con nối, là một ảo vọng.
(Đọc thêm: Bên Tàu, Weng Yunsong, con của thủ tướng Wen Jiabao điều khiển một xí nghiệp về vệ tinh lớn nhất Á Châu. Hu Haifeng, con của chủ tịch Hu Jintao, điều khiển một xí nghiệp quốc doanh độc quyền về Scanners de sécurités. 2006, Feng Shaodong, rể của Wu Bangguo, nhân vật số hai của Đảng đã giúp công ty Merry Lynch, từ đó thiết lập một nhà băng nhà nước với số vốn là 22 tỉ đô la. Liu Lefei, con của Liu Yunshan, điều khiển quỹ Citic Private Equity Fund, một trong những quỹ quốc gia lớn nhất của nhà nước.. Jeffrey Zeng, con của Zeng Peiyant, quản lý quỹ đầu tư Kaixin Investments.)
Trích Thierry Wolton, Ibid., trang 898)
Bà Ninh thể hiện đúng mức mẫu người cộng sản mà dối trá là một thứ đạo đức chính trị.
Nói một cách thẳng thừng, bà chỉ là con vẹt biết nói tiếng người.
Trách bà chính là phải đi tìm kẻ dạy bà nói.
Bà là cái thứ gì để phản đối vai trò của ông Bob Kerry và đại học Fulbright? Thực tế bà chỉ là một viên chức đã nghỉ hưu.
Đại học Fulbright – Việt Nam
Bà là một trong số 11 triệu người cán bộ đang hoạt động hoặc nghỉ hưu mà ngân sách nhà nước phải è cổ ra trả lương. Theo bà Phạm Chi Lan:“40 người dân phải nuôi một người công chức” và “Không một ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy!”
(Trích, “Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước!” Lê Thọ Bình, Viettimes.vn 9/6/2016).
Theo tôi, bà Ninh chỉ là một trong những ký sinh trùng, hại dân hại nước mà cũng theo bà Phạm Chi Lan nhận định, “Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này.” (Lê Thọ Bình, Ibid.)
Tôi hỏi bà, khi phản đối như thế, bà hiểu thế nào về quyền tự trị đại học của các đại học Mỹ trong việc giảng dạy, trong việc điều hành nhân sự?
Sau này, trong các nhân viên giảng huấn, bà lại dòm ngó vô và với chủ nghĩa lý lịch, bà sẽ lại thắc mắc phản đối người này, người kia chăng?
Cũng trong tương lai, những giáo sư được mời thỉnh giảng, họ sẽ rất ngại ngùng nhận lời và hợp tác với đại học Fulbright?
Căn bệnh mãn tính cộng sản nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tình huống. Điển hình như vụ cá chết mà theo sự tiết lộ của đại sứ Mỹ thì họ đã từ chối lời yêu cầu giúp đỡ của người Mỹ.
Họ sẵn sàng để cá chết, dân chết thì họ cũng rất sẵn sàng để dân ngu.
Đại học Fulbright sẽ như một ngọn hải đăng hướng dẫn, là nơi trú ẩn, là mầm mống ‘diễn biến hòa bình’.
Ở nơi đây, một lần nữa, tôi xin vạch trần sự man trá, sự dối gạt, sự lừa đảo, sự thù ghét Mỹ và VNCH trong những sách sử chính thức của họ mặc dầu nay đã có sự bình thường hóa trong quan hệ Mỹ-Việt.
Sự gian trá ấy làm cho tôi thật kinh ngạc về bản chất cộng sản. Họ có thể làm những điều mà một người tử tế không thể nào làm được.
Chẳng hạn, trong bộ Giáo Trình Lịch sử Việt Nam, do Trần Bá Đệ chủ biên, dành cho sinh viên ban Sử học, nxb Đại Học Sư Phạm, ngày 15 tháng 1, 2010. Gồm 8 tập mà ở đây, tôi chỉ đề cập đến ba tập chót: Tập VI từ 1945 đến 1954. Tập VII từ 1954 đến 1975. Tập VIII từ 1975 đến nay. Xin lưu ý thời điểm xuất bản là 2010, cách đây chỉ 6 năm.
– Tập VI từ 1945 đến 1954
Theo chỉ đạo, tập sách này tương đối mỏng, chỉ dầy 230 trang để nói về cuộc kháng chiến chống Pháp. Không hề nhắc đến cuộc cướp chính quyền của Việt Minh. Không hề đề cập đến tình hình chính trị lúc bấy giờ. Và quan trọng hơn cả, không có một dòng, một chữ nói về sự giúp đỡ của Liên Xô, nhất là của Tàu. Tên Mao Trạch Đông cũng như Staline cũng không hề được nhắc đến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có ghi nhận có 628 xe vận tải, có một trung đoàn lựu pháo 105 (sách dẫn trang 176), nhưng không nói xuất xứ các xe và pháo do ai cung cấp? Một cuốn sách sử như thế có thể nào gọi là sách sử được không hay là một thứ sử phi sử?
– Tập VII từ 1954 đến 1975
Tập này dầy hơn, 336 trang. Đặc biệt có chương dành để viết về cuộc di cư với nhan đề: Đấu tranh chống Mỹ-Diệm cưỡng ép đồng bào di cư.Xin trích một đoạn làm bằng cớ:
“Cùng với các biện pháp trên, Mỹ-Diệm còn xử dụng quân đội, công an, cảnh sát để càn quét, khủng bố bắt ép nhân dân di cư. Tại thôn Vạn Lộc (Quảng Bình), địch dùng máy bay thả bom, bắn đạn cháy 34 nhà cùng tất cả tài sản, làm 4 người chết, 439 người bị bắt đi. Tại Thanh Giả và Giã Khê (Bắc Giang), ngày 29 tháng bảy 1954, Mỹ-Diệm đã lừa bắt nhân dân xếp đầy 100 xe chở đi mà không ai kịp lấy quần áo, gạo thóc. Tại Móng Cái, ngày 31 tháng 7 1954, chúng đã bắt hơn 1000 người… Không chỉ ở nông thôn mà cả những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… địch cũng xử dụng lực lượng quân sự, công an cảnh sát… để vây ráp, bắt nhân dân di cư. Ngày 20 tháng 8- 1954, chúng vây Quảng Bá, Hà Nội, bắt 20 người, ngày 25 tháng 8 vây bãi Phúc Xá Hà Nội bắt 50 người. Việc dùng bạo lực cưỡng ép di cư diễn ra phổ biến khắp miền Bắc, nhất là những địa phương có đông tín đồ Thiên Chúa giáo.”
(Trích Giáo Trình Lịch sử Việt Nam tập VII, trang 26).
Cuộc di cư đã diễn ra như thế nào và một triệu đồng bào di cư từ miền Bắc đã phải khốn đốn trốn chạy như thế nào mà họ còn có thể dựng ngược câu chuyện như trên.
Người Bắc di cư khi đọc đoạn này chắc chỉ cười! Và câu chuyện bà Ninh cũng tương tự. Chúng ta chỉ nên cười!
Nhưng thật ngạc nhiên, sang tập VIII, từ 1975 đến nay, họ lại không hề nhắc đến cuộc di tản hàng triệu người vượt biển tìm Tự Do được gọi là Boat People? Lại phải cười thôi!
Cũng trong tập VII này, Mặt Trận Giải Phóng miền Nam có mặt mà như thể vắng mặt. Chỉ vỏn vẹn khoảng một trang trong đó khẳng định như sau trong dịp thành lập tại chiến khu D:
“Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam kế tục truyền thống anh dũng, tinh thần quật khởi và đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng, kế tục truyền thống vẻ vang phục vụ nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam.”
(Trích Giáo Trình Lịch sử 1954-1975, trang 131).
Đoạn văn trên cho thấy một sự lừa bịp trắng trợn Quốc tế và nhân dân miền Nam.
Binh sĩ Việt Cộng (MTGPMN) đứng dưới lá cờ MTGPMN mang khẩu AK-47 tại cuộc trao đổi tù binh của uỷ ban quân sự 4 bên (12/2/1973). Nguồn: SSgt. Herman Kokojan
Trong cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân Huế, sách viết như sau:
“Kết quả chỉ trong vòng không đầy một tháng, đợt I của cuộc tấn công và nổi dạy đồng loạt, mà chủ yếu là tháng đầu, quân và dân ta đã diệt và làm tan rã từng mảng lớn quân Mỹ-ngụy, 150.000 địch trong đó có 35.000 tên Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu…[…] Đi đôi với tiến công quân sự hàng chục vạn quần chúng nội, ngoại thành nổi dậy phối hợp với lực lượng võ trang ở phần lớn các quận 4, 5, 6, 7 trừng trị bọn ác ôn ngoan cố, bọn mật vụ. Nhân dân các vùng ven đã nổi dạy, phá ách kìm kẹp, giành quyền làm chủ.”
(Ibid., trang 194).
Trong một tập Sử Địa khác, Tập Hỏi đáp Lịch sử, tập 9 có ghi lại cuộc đánh phá tòa Đại sứ Mỹ, biệt đội 11 có 17 người. Chết hết 15 người, còn lại hai người bị thương bị bắt cầm tù. Vậy mà bằng cách nào các xác chết trên có thể đếm được và báo cáo có 124 tên lính Mỹ bị giết?
(Trích Hỏi đáp Lịch sử, tập 9, trang 174)
Các con số thương vong trên là con số ảo, hoàn toàn bịa đặt.
Hàng chục vạn quần chúng nổi dạy là thêm một sự lừa bịp trắng trợn. Một người cũng không có. Trừ Huế có một nhóm nhỏ dẫn đường cho bọn họ. Người dân Saigon mới đầu hoảng sợ rồi dửng dưng nhìn những cái chết lãng xẹt của quân giải phóng, thây chất đầy nhà xác Nghĩa địa Đô Thành.
Tôi đã đến đây coi để thấy cái chết như thế nào. Tôi bâng khuâng nghĩ, tại sao lại chết vô nghĩa như thế này? Vài hôm sau, xe ủi đất của Đô Thành Sài Gòn đến làm công việc của xe ủi đất. Mùi hôi thối đã xông ra ngay từ cổng vào của nghĩa địa. Số người đứng coi có thể vỏn vẹn chỉ có mình tôi và người lái xe ủi đất. Chẳng một ai muốn chứng kiến cảnh này. Tôi không có thói quen cầu nguyện nên một nén hương cũng không có mà lúc ấy tôi nghĩ là cần. Ít ra để bớt được mùi hôi thối. Tất cả các xác chết vô thừa nhận đã bị ủi và chôn vùi chung trong một hố. Đó là những cái chết vô danh, chết vô nghĩa nhất trong cuộc chiến Mậu Thân mà lần đầu tiên tôi được chứng kiến.
Hơn 10 năm sau, tôi lại có dịp đến chốn này. Nghĩa địa đã được giải tỏa. Chỉ còn một bát nhang trên bàn thờ một nữ liệt sĩ. Trên tường nhếch nhác bẩn thỉu với những hình vẽ bậy bạ của trẻ con. Thật không xứng đáng tý nào cả.
Trong khi đó, họ không có một dòng nào viết về những nạn nhân chết trong Tết Mậu Thân ngoài Huế.
Cái chết của những liệt sĩ trong hố chôn tập thể tại Nghĩa địa Đô thành và những nạn nhân ở Huế trong dịp Tết Mậu có điều gì giống và khác nhau? Mỗi người phải tự mình tìm ra câu trả lời bởi vì không ai chết thay cho người khác được.
Thật tội nghiệp cho tuổi trẻ Việt Nam đã bị nhồi sọ.
– Tập VIII từ 1975 đến nay
Trong tập này, sự dối trá lại lộ nguyên hình: Họ không nhắc nhở gì đến chuyện đi học tập cải tạo sau 1975. Họ cũng không đả động gì đến số đông đảo những người đi vượt biển sau này được gọi là Boat People.
Họ hay thật. Họ không bao giờ biết ngượng và cũng không bao giờ biết xin lỗi.
Chương IV của sách với nhan đề: Đấu tranh bảo vệ tổ quốc (1975-1979).
Họ chửi tập đoàn Pol Pot ra rả, nhưng lại chỉ nhắc thoáng qua cuộc chiến tranh biên giới một cách thoang thoảng, mơ hồ như sau:
“Trung Quốc đã có những hành động làm tổn hại đến tình cảm giữa nhân dân hai nước, như cho quân khiêu khích quân sự dọc biên giới phía Bắc nước ta, dựng lên sự kiện ‘nạn kiều’, cắt viện trợ, rút chuyên gia, vận động Liên Hiệp Quốc và các nước trên thế giới cũng làm như vậy, nhằm gây khó khăn cho Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, từ sáng 17-2-1979, Trung Quốc đã cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn (tương đương 60 vạn), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1260 súng cối.. mở cuộc tiến công nước ta dọc biên giới phía Bắc, từ Móng Cái đến Phong Thổ dài hơn 1000 cây số.”
Sau đó vắn gọn họ đưa ra một lời kết luận rất hiếu hòa:
“Cuộc xung đột biên giới phía Bắc và Tây Nam nước ta đã chấm dứt, đưa lại hòa bình, đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc. Trên cơ sở đó và cố gắng của các bên, tình cảm láng giềng thân thiết, tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác vốn có từ lâu giữa Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam–Kampuchia dần dần được khôi phục.”
(Trích Giáo Trình Lịch sử, tập VIII, Từ 1975 đến nay, trang 65)
Cái cảm tưởng của tôi khi đọc tập sử này là:
- Đối với VNCH, họ vẫn mang tâm trạng thù ghét và miệt thị. Không bao giờ có sự hòa giải hòa hợp.
- Đối với Mỹ, họ hơn bao giờ hết, cần sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng tiếp tục nghi ngờ và không có sự cộng tác thật lòng. Cần Mỹ mà vẫn nghi ngại.
- Đối với Trung Quốc, họ sợ Trung Quốc hơn con sợ bố. Tương lai của họ lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc mà không bao giờ có thể thoát Trung được.
Tôi căn cứ vào ba nhận xét trên để suy đoán mọi diễn biến tình hình chính trị trong nước hiện nay.
Ít ra thì điều đó cũng tránh cho tôi khỏi những ảo tường chính trị mà nhiều người đã vô tình mắc phải. Đối với Mỹ, mười điều họ hứa, ngay cả đã ký kết văn kiện, thì đến chín điều họ cũng dẫm đạp lên một cách rất thản nhiên.
Bởi vì họ chỉ sợ Tàu mà không sợ Mỹ.
Thị Ninh vs Bob Kerry. Tranh Babui
© 2016 DCVOnline
Comments
Post a Comment