Cái khác nữa với Miến Điện là tại Việt Nam khả năng biết xấu hổ đã gần như bị tuyệt chủng - Nguyễn Đăng Hưng
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Dù cùng sống chung ở San Francisco Bay Area, tôi chưa bao giờ gặp mặt Kyle Mizokami. F.B, email, chit chat, điện thoại - qua lại - cũng không luôn. Tuy thế, tôi vẫn nghi ngại rằng cái ông nhà báo này có máu... bài Tàu hay tư thù (chi đó) với qúi vị lãnh đạo của nước Trung Hoa Lục Địa. Thằng chả cứ kiếm chuyện cà khịa với con người ta hoài à. Năm 2014, Kyle Mizokami chế nhạo: "Quân đội Trung Quốc là con rồng giấy." Nói tới vậy mà vẫn chưa đã nư, và cũng chưa đã miệng, nên đương sự còn thòng thêm vài câu nữa:
Beijing embraces its worst neighbors in part to keep them in check. This worked with Pakistan, but failed with North Korea. In Myanmar, China cozied up with the oppressive military regime only for it to suddenly open up and seek ties with the West and Japan. China’s net gain was years of condemnation for supporting the junta - which is to say, a net loss.
"Bắc Kinh bảo bọc các láng giềng tồi tệ nhất một phần là để giữ họ trong vòng kiểm soát. Điều này có hiệu quả với Pakistan, nhưng không thành công với Bắc Triều Tiên. Tại Miến Điện, TQ nồng ấm lên với chế độ quân sự áp bức chỉ vì nó đột nhiên mở ra và tìm kiếm các mối quan hệ với phương Tây và Nhật Bản. Cái ‘được’ của TQ là nhiều năm bị lên án vì ủng hộ cho chính quyền quân sự - đó thật ra là chỉ lỗ nặng." (The Chinese Military Is a Paper Dragon. Bản dịch của Phan Văn Song).
Qua năm 2015, Miến Điện không chỉ "đột nhiên tìm kiếm các mối quan hệ với phương Tây và Nhật Bản," mà còn thản nhiên từ bỏ luôn chế độ quân phiệt nữa. Burma, rõ ràng, đã "thay lòng đổi dạ." Thái độ, tất nhiên, cũng đổi thay hẳn. Trung cộng, phen này, không chỉ "lỗ nặng" mà lỗ chỏng gọng luôn:
Đám tướng lãnh ở Nay Pyi Taw tuy tham lam, và ác độc nhưng không hoàn toàn ngu ngốc. Ít nhất thì chúng cũng không ngu đến nỗi mang những phần đất chiến lược của đất nước cho thuê (và cũng không để cho Trung Cộng đấu thầu những dự án có thể đe doạ đến an ninh quốc phòng) như đám cộng sản Việt Nam. Do thế, thay vì dạy ngay cho thằng em một bài học, Vương Nghị lại lật đật bay qua thủ đô Miến Điện để chúc mừng tân chính phủ, và còn "cam kết sẽ không can thiệp vào nội bộ của Myanmar" (pledging that China would not interfere in the internal affairs of Myanmar). Đúng là mềm nắn rắn buông!
Ông Ngoại Trưởng quả là một kẻ thức thời. Cái thời mà Mao Trạch Đông có thể “xuất khẩu cách mạng” và cung cấp súng đạn - vô tội vạ - cho Miến Cộng, Miên Cộng, Mã Cộng, Thái Cộng, Phi Cộng, Việt Cộng... để quấy phá Á Châu đã qua tự lâu rồi.
Theo Reuters, ngân sách quân sự của Trung Cộng năm 2016 không nhiều nhặn gì cho lắm (135.39 tỷ Mỹ Kim) chỉ bằng khoảng một phần tư của Hoa Kỳ vào cùng thời điểm. Đã ít rồi mà phần lớn lại chỉ được dùng vào việc trị an, nghĩa là để “đối phó” với hơn một tỉ người dân trong nước. Đó là lý do khiến cho Vương Nghị phải đành xuôi xị: “cam đoan không can thiệp vào nội bộ của Myanmar.”
Nói tóm lại là Thúy đã đi rồi. Miến cũng đi luôn. Nàng đã “ôm cầm qua thuyền khác.” Từ nay đường ai nấy đi, tiền ai nấy sài, nhà ai nấy ở, hồn ai nấy giữ.
Ngó hình của Daw Aung San Suu Kyi bên cạnh Barack Obama tình tứ và mặn nồng (coi) thấy ghét. Hẳn phải có kẻ... ghen!
Ảnh: nytimes
Có ghen tuông cỡ nào chăng nữa thì cũng đã muộn màng rồi. Quyền lực cứng của Bắc Kinh, chắc chắn, không thể nào giữ được Burma trong vòng tay nữa. Thế còn quyền lực mềm của họ thì sao?
Đây là một câu hỏi hết sức ngây thơ. Xin thưa là chẳng có "trăng/sao" gì ráo trọi. Trung Cộng không thể sử dụng “soft power” ở bất cứ nơi đâu, chứ chả riêng chi tại Myanmar, giản dị chỉ vì họ chưa bao giờ có được thứ quyền lực này cả.
Bức hình bên trên tôi chụp ở Rangoon vào hai tháng trước, tháng 4 năm 2016. Tôi đố bạn tìm được một chữ Tàu nào trong đó, nửa chữ cũng không luôn.
Cả nước Miến Điện chỉ có một cái Viện Khổng Tử duy nhất ở Mandalay thôi, và mãi tới năm 2013 mới khai giảng được một lớp đàm thoại tiếng Hoa đầu tiên nhưng chưa chắc đã có ma nào theo học. Người Miến gốc Hoa, tất nhiên, khỏi cần phải học nói tiếng Tàu. Còn người Miến, cũng như người Miên, chớ có phải người điên đâu mà học tiếng Trung Hoa làm chi - mấy cha?
Ảnh hưởng rõ nhất (và dám là duy nhất) của người Trung Hoa ở Miến Điện là... món phá lấu lòng heo. Đây là thức ăn được cả nước ưa chuộng, bất kể là dân thôn quê hay thành thị, bởi hết sức ngon và vô cùng rẻ. Chỉ có điều rất phiền là hàng quán ở Myanmar này (thường) chả có rượu bia gì ráo!
Quán phá lấu cạnh hồ Inya, Yangon. Ảnh chụp tháng 4 năm 2016
Quán phá lấu ở một làng quê, thuộc thành phố Bago. Ảnh chụp tháng 4 năm 2016
Cũng như người Lào, người Miến hiền lành đến độ khiến tôi (đôi khi) phải... lấy làm ái ngại. Những ông phu xe ba bánh đều xua tay và lắc đầu quầy quậy, nếu hành khách có nhã ý trả cho họ một số tiền nhiều hơn giá cả thông thường. Qúi ông tài xế taxi ở Myanmar cũng thế. Dù xe không có máy tính tiền, cũng chả thấy ai mặc cả hay trả giá lôi thôi gì ráo.
Tôi hay la cà ở những tiệm ăn vỉa hè nên thỉnh thoảng vẫn bị chủ quán vội vã rượt theo, la ơi ới, vì tưởng thực khách bỏ quên tiền - số tiền trà nước (pour boire) để lại tại bàn. Xã hội Miến Điện vẫn cứ giữ được nét hiền lành này thêm bao lâu nữa là một câu hỏi tuy thú vị nhưng rất khó trả lời.
Cứ nhìn những bích chương quảng cáo trường học (thuần bằng Anh ngữ) du khách cũng có thể biết được là Burma đang hăm hở mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Mà “thế giới bên ngoài” thì (than ôi) không hẳn đã toàn những điều tử tế!
Ảnh chụp tháng 4 năm 2016
Dù phải trải qua hơn nửa thế kỷ dưới chế độ quân phiệt, giềng mối của xã hội Miến Điện đến nay (may thay) vẫn còn chặt chẽ - theo như nhận xét của giáo sưCao Huy Thuần: “Ở Myanmar, dù tướng tá có hư hỏng, văn hóa đó vẫn còn tốt, xã hội đó vẫn còn tốt, con người ở đó vẫn còn tốt, vẫn còn cùng nhau chia sẻ một đạo đức chung.”
Và sở dĩ dân tộc này “vẫn còn cùng nhau chia sẻ một đạo đức chung” là nhờ vào niềm tin vững bền vào quốc giáo của họ:
“Người Miến Điện, khi bị cai trị bằng súng đạn, vẫn có một sức mạnh bền bĩ nhờ tín ngưỡng. Họ dùi mài niềm tin trong im lặng, thâm trầm, y cứ vào lời dạy của giáo chủ để làm phương châm sống. Sự dùi mài niềm tin ấy trở thành máu thịt, rèn luyện họ thành những trí tuệ biết tập trung vào công việc.
Những đền đài và tượng đài vĩ đại nhất thế giới của họ không làm bằng sự tự mãn, bằng xương máu, hoặc để được ghi vào sách Guiness, mà được tỉ mỉ dựng xây từ thế hệ này qua thế kỷ khác, bằng công và của chắt chiu từng ngày... Các lớp học trong chùa suốt năm thập niên qua tiếp tục dạy con người trở thành kẻ hiền lương trong mọi hoàn cảnh.” (Từ Khanh, “Yangon, Những Lớp Học Não Nề Nhưng Đầy Hy Vọng” – Đàn Chim Việt).
Ảnh chụp tháng 4 năm 2016
Ngày tháng ở Burma, tôi cứ có cảm giác nôn nao khi thấy hàng chữ “Moving Myanmar Forward” in trên những chiếc taxi ở đất nước này. Miến Điện, rõ ràng, đang chuyển động và cố nhoai mình về phía trước - moving forward.
Ảnh chụp tháng 4 năm 2016
Dù muộn - cuối cùng - dân tộc này cũng đã tạo được cơ hội để hoà nhập vào hướng tiến chung của loài người. Đất nước tôi thì chưa, và không biết sẽ còn phải chờ đợi thêm bao lâu nữa?
Comments
Post a Comment