Tài khoản Facebook của bạn có thể khóa bất cứ lúc nào, dịch vụ 3/4G cũng có thể bị cắt, bạn dễ dàng bị ra tòa hoặc thậm chí bị bỏ tù… Bạn không chỉ bị tước đoạt. Bạn bị “lột sạch” quyền công dân khi Luật an ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018. Không phải tự nhiên mà Luật an ninh mạng được bấm nút vài ngày trước khi Luật đặc khu thoát ra khỏi cánh cửa sân khấu Quốc hội.
Điều 5 Luật an ninh mạng quy định:
– Ngăn chặn, yêu cầu ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng internet, việc sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật;
– Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
– Thu thập dữ liệu điện tử liên quan tới hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng;
– Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật;
– Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
(Căn cứ những quy định này thì bạn hoàn toàn không còn là “chủ” tài khoản của mình. Công an kiểm soát toàn bộ không gian biểu đạt cá nhân của từng công dân. Công an không chỉ có quyền yêu cầu “xóa bỏ” (thông tin) mà thậm chí cấm “truy cập”. Bạn dễ dàng bị quy chụp “vi phạm” vào những điều mơ hồ như “thông tin trái pháp luật”, “thông tin sai sự thật”. Bạn bị theo dõi và bị đánh cắp thông tin cá nhân một cách công khai vì công an có quyền “thu thập dữ liệu điện tử”. Chưa hết, công an có quyền “kiểm tra an ninh mạng đột xuất” (Điều 12). Nói cách khác, “cuộc sống mạng” của bạn thuộc quyền quyết định gần như tuyệt đối của công an!
Ở Điều 15, bạn bị cấm loan tải:
– “Thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” (Những bức ảnh “chế” hoặc bình luận các phát ngôn nhảm nhí của đám quan chức có chịu sự áp đặt của quy định này?)
– “Thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây mất ổn định về an ninh trật tự” (Những chia sẻ ủng hộ giới tài xế ứng phó với BOT có nằm trong quy định này? Hiểu theo cách nào đi nữa thì thực chất quy định này là nhắm vào các kêu gọi biểu tình ôn hòa)
Ở Điều 16, bạn bị cấm “Cố ý nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái phép” (Như thế nào là “ghi âm trái phép”? Ghi âm đoạn nói chuyện giữa một người dân với một tên cảnh sát công lộ vòi vĩnh hối lộ có “trái phép” không?)
Ở Điều 21, “Các doanh nghiệp viễn thông, internet, công nghệ thông tin, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an” để “ngừng cung cấp thông tin mạng tại các khu vực cụ thể”.
Ở Điều 26, họ (các doanh nghiệp viễn thông…, trong nước lẫn nước ngoài) bị yêu cầu:
– “Thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách… khi có yêu cầu bằng văn bản”;
– “Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin… chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng”;
– Ngoài ra còn phải “lưu vết liên quan để cung cấp cho lực lượng chuyên trách”; và tệ hại hơn: “Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân… khi có yêu cầu” (Điều đó có nghĩa dù bạn không hề được cung cấp miễn phí dịch vụ truyền thông khi đăng ký sử dụng mạng nhưng bạn không những không thể đòi hỏi bất kỳ giá trị cộng thêm nào của dịch vụ mà còn có thể bị cắt bất cứ lúc nào)
Luật an ninh mạng Việt Nam thực chất gần như là phiên bản tiếng Việt của Luật an ninh mạng Trung Quốc (có thể dễ dàng so sánh hai luật, bằng cách tham khảo bộ luật Trung Quốc, với tên tiếng Anh “Management Regulations on Internet Forum and Community” hoặc tiếng Hoa “互联网论坛社区服务管理规定”). Điều này dễ hiểu vì sĩ quan an ninh mạng Việt Nam được đào tạo ở Trung Quốc và “công tác” an ninh mạng được hai nước thường xuyên chia sẻ. Cũng không loại trừ khả năng thiết bị kỹ thuật và hạ tầng an ninh mạng của Việt Nam được chính Trung Quốc thiết kế giúp. Hai nước cũng gần như luôn “vai kề vai” ở vị trí chót bảng về tự do internet do tổ chức Freedom House xếp hạng hàng năm. Thậm chí thời điểm áp dụng cũng chẳng cách xa nhau nhiều. Chỉ gần một năm sau khi Trung Quốc tung ra các quy định khắc nghiệt hơn trong khuôn khổ Luật an ninh mạng (vào ngày 25-8-2017; có hiệu lực 1-10-2017) thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lẫn một cơ quan gọi là “Cơ yếu chính phủ” của Việt Nam cũng hối hả “thực tế hóa” Luật an ninh mạng bằng “lá phiếu” của Quốc hội bù nhìn vào ngày 12-6-2018.
Ngày 7-9-2017, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (“Quốc gia hỗ liên võng tin tức biện công thất”) đã yêu cầu các công ty mạng nội địa WeChat, QQ, Weibo, Zhihu, Inke, Yizhibo… phải cung cấp “thông tin chia sẻ” lẫn thông tin cá nhân người sử dụng. Với Việt Nam, mạng nội địa như Zalo chắc chắn sẽ tương tự và không loại trừ khả năng các công ty mạng nước ngoài cũng phải thực hiện. Chẳng phải tự nhiên Việt Nam yêu cầu các công ty như Google hoặc Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam. Đó là một trong những cách “kiếm chuyện” để Google hoặc Facebook phải thỏa hiệp, như cách Google đầu hàng trước Trung Quốc để có thể tiếp tục khai thác thị trường này. “Bán linh hồn cho quỷ” là chuyện bắt đầu trở nên bình thường đối với các tập đoàn khổng lồ nói chung. Mark Zukerberg từng công khai vuốt ve Tập Cận Bình; và tháng 12-2017 tại Quảng Châu, Tim Cook nói rằng Apple “tôn trọng luật an ninh mạng của Trung Quốc và sẽ tuân thủ “luật chơi”.
Trở lại với Luật an ninh mạng Việt Nam. Việc tài khoản Google hoặc Facebook của bạn bị khóa theo yêu cầu công an có thể còn khó nhưng việc bạn có nguy cơ vĩnh viễn bị cô lập khỏi thế giới mạng (vì bị nhà mạng Việt Nam cắt hoặc từ chối không cho đăng ký dịch vụ nối mạng), một khi bạn lọt vào “sổ đen”, là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Luật an ninh mạng không phải để bảo vệ mạng. Luật an ninh mạng là để bảo vệ chế độ. Luật an ninh mạng là để bịt miệng người dân. Và: Luật an ninh mạng được thiết kế để bảo vệ Luật đặc khu (nhằm ngăn cản các ý kiến chống đối những gì xảy ra xung quanh đề tài đặc khu, bây giờ cũng như trong tương lai).
Chẳng phải tự nhiên mà hai dự luật này được bấm nút gần như cùng thời điểm (Luật an ninh mạng ngày 12 và Luật đặc khu ngày 15-6-2018). Tất cả đã được tính từ trước và tính từ lâu. Có thể có sự tư vấn của Trung Quốc. Đây là một “quyết tâm” của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là quyết tâm của Nguyễn Phú Trọng. Chưa bao giờ mà ý định đẩy Việt Nam vào quỹ đạo Trung Quốc rõ bằng lúc này. Hãy xem lại các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc từ các chuyến công du Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng. Những gì còn “mơ hồ” (đối với người dân) thật ra đã được ghi bằng giấy trắng mực đen. Đã có những cam kết giữa hai nước và bây giờ từng bước được thực hiện, đúng “quy trình”.
Comments
Post a Comment