Ông Tuấn vừa gặp “hạn”. Chiều qua 2.6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức công bố, xì thông tin cho báo chí đăng đồng loạt kết luận của Ủy ban về vụ Tổng công ty MobiFone mua Công ty tư nhân AVG trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
Vụ mua bán này đã diễn từ mấy năm trước khá suôn sẻ, hợp đồng đã thực hiện, bên mua đã trả tiền cho bên bán gần chục nghìn tỉ đồng. Chỉ có điều, chả hiểu MobiFone mua cái công ty truyền thông AVG (định giá thực chất chỉ mấy trăm tỉ đồng) ấy của ông Phạm Nhật Vũ, em tỉ phú Vincom Phạm Nhật Vượng, về để làm cái gì, nhưng sau vài năm thì nó thành gánh nặng cho MobiFone, như một thứ của tội của nợ.
Bộ 4T và đám cầm đầu MobiFone sau đó biết hớ, biết bị lừa nhưng vẫn cố tình che chắn, lấp liếm, chỉ có điều cuối cùng ung nhọt sưng tấy cũng đến hồi phải vỡ, bung bét lộ ra. Nếu MobiFone chỉ là một công ty tư nhân thì nó dại, mất tiền thế nào kệ nó, nhưng khổ nỗi nó lại là công ty nhà nước. Đem tiền muôn bạc vạn của nhà nước dúi vào túi tư nhân, mà mua khống lên gấp cả chục lần, nhà nước này có giàu hơn tỉ phú Bill Gates cũng phải phá sản chứ nói chi đang nghèo rớt mùng tơi, nợ đầm đìa chúa Chổm.
Thế MobiFone nó liên quan gì tới bộ 4T, tới ông Trương Minh Tuấn? Không liên quan thì Ủy ban bao công sờ tới làm chi. MobiFone là đơn vị doanh nghiệp trực thuộc bộ 4T, chức vụ Tổng giám đốc của nó to gần bằng thứ trưởng. Vụ mua bán ma mãnh đi đêm ném tiền nhà nước vào túi tư nhân Phạm Nhật Vũ nói trên do chính bộ 4T chủ trương, không được sự đồng ý của Chính phủ nhưng cứ làm tới luôn. Ông Nguyễn Bắc Son, một vị có quá khứ từng là thư ký, trợ lý của chủ tịch nước Lê Đức Anh, được ông Anh cất nhắc, leo dần tới ghế Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, rồi Bộ trưởng 4T. Vụ việc mua bán mờ ám xảy ra khi ông Son đương nhiệm, dĩ nhiên ông ta phải chịu trách nhiệm. Luật vi thiềng (đút lót) ở xứ ta có từ lâu đời, chả nhẽ đem cho nhau cả chục nghìn tỉ đồng dễ như thế, bộ trưởng lại không được đàn em dâng đồng nào, có mà chuyện lạ. Điều này cứ để cơ quan điều tra làm rõ về sau.
Nhưng ông Tuấn, Trương Minh Tuấn, thứ trưởng thường trực bộ 4T mới thực là “có công” đầu trong vụ mua bán. Cứ theo cơ quan kiểm tra, chính ông ta quyết định, ông ta ký phê duyệt những văn bản MobiFone mua AVG. Người ta thường nói “bút sa gà chết” cũng một phần thương hại những nhà chức việc, quan chức chỉ do một chút lơ đãng, sơ sẩy nào đó mà gây tai họa. Nhưng một người như ông Tuấn, lại có một tay thầy dùi ranh ma mưu mẹo như Lê Nam Trà, có mà sơ sẩy khối. Mỗi một chữ ký, ai dám bảo không đem về một núi tiền. Số tiền ấy giờ ở đâu, đã biến thành cái gì, là việc của cơ quan cảnh sát điều tra. Ai chả biết các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh cũng từng ký những văn bản theo thẩm quyền như vậy, lúc các ổng đương quyền có ai nói gì đâu, có lộ tòi ra đồng xu cắc bạc vi thiềng nào đâu.
Với sự đánh giá “công trạng” mới “vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước”, rồi ông Trương Minh Tuấn sẽ phải trả lời trước pháp luật. Cuộc đời bãi bể nương dâu, lên voi xuống chó, dám làm dám chịu, đừng đổ thừa này nọ, đừng trốn tránh, thì ít ra cũng không đến nỗi hèn.
Một bộ quan trọng như Bộ Thông tin – Truyền thông nhưng cả hai đời bộ trưởng liên tiếp mắc vi phạm rất nghiêm trọng, có lẽ cái bộ này chỉ chịu đứng sau cơ quan ngang nó là Tổng thanh tra Chính phủ, đã từng 3 đời liên tiếp vị đứng đầu bị kỷ luật hoặc “có vấn đề”. Rồi biết đâu đấy nó (4T) sẽ có bạn tâm giao là Bộ Giao thông vận tải, hoặc Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công Thương…, chả ai dám khẳng định là không thể.
Tôi ghét cái thói đánh hôi, trả thù vặt, té nước theo mưa, đánh kẻ ngã ngựa hoặc sắp ngã. Lẽ ra tôi không thèm viết gì về ông Tuấn, về bộ 4T, về vụ mua bán ma quỷ MobiFone – AVG. Nhưng nghe mấy cha lãnh đạo bộ này lên tiếng phân trần ra cái vẻ ta đây không sai, bị kết luận ép buộc… nên tôi biên vài dòng này cho thủng thêm câu chuyện. Và phải thú thực, về ông Tuấn, tôi đã nhận chân con người thực của ông khi ông đang là thứ trưởng, được cấp trên cơ cấu ghế thủ trưởng bộ thay ông Son. Lẽ ra là người sẽ đứng đầu một bộ như bộ 4T, ông cần chứng tỏ năng lực quản lý, sự hiểu biết chuyên môn sâu sắc, và nhất là cái tâm cao đẹp, nhưng ông Tuấn lại làm kiểu khác.
Để chứng tỏ sự trung thành hăng hái của mình, ông liên tục lập ngôn đanh thép về… diễn biến hòa bình, quyền tự do báo chí, về mạng xã hội, lẽ dĩ nhiên đều theo ý đảng chứ không phải lòng dân. Ông siết chặt việc kiểm duyệt, bắt bẻ các tờ báo những lỗi này lỗi nọ, xử lý kỷ luật, tước thẻ nhà báo của nhưng ai ông có thể lôi ra làm con dê tế thần (ví dụ trường hợp nhà báo Đỗ Hùng của báo Thanh Niên). Và ông đã làm vừa ý những người đang thử thách ông, cái ghế bộ trưởng đã được đặt vào mông một tên lính tiên phong cảm tử.
Ông Tuấn làm tôi nhớ tới trường hợp ông Đinh Thế Huynh, khi mới chỉ là Tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông ta đã dám thay mặt đảng hùng hồn tuyên bố ở đâu có thể đa đảng chứ Việt Nam không bao giờ đa đảng. Sau cú lập ngôn ấy, ông Huynh vào Bộ Chính trị, cũng có thể người ta đã nhắm trước cán bộ cấp chiến lược, nhưng cũng biết đâu nhờ ăn nói dũng mãnh mà nên công nên trạng. Nay thì cả ông Huynh lẫn ông Tuấn đều “than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu”.
Bài tôi viết dưới đây từ năm 2016 khi ông Trương Minh Tuấn trên đỉnh cao quyền lực về thông tin truyền thông. Và cũng vì lý do đó mà tôi phải nghỉ việc bởi cơ quan bị sức ép quá nặng. Tôi không trách ai, trách gì cả bởi mình dám viết dám chịu. Chỉ có điều không biết lúc này những ông GS Hoàng Chương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, siêu nhà báo Hữu Ước, Nguyễn Thế Kỷ… có còn nức nở khen tụng như hồi ấy không.
Một bậc đàn anh cả về tuổi đời, tuổi nghề và đạo đức vừa hỏi tôi rằng bài ấy còn không, đưa lên cho bà con biết, không chỉ về một con người mà khá nhiều người. Vậy tôi đưa lên ạ:
"Hiện tượng lặng lẽ"
Thú thực, tôi rất bất ngờ khi thấy hầu hết các báo, kể từ báo Nhân Dân chúa trùm cho đến đám tép riu lắt nhắt (thôi, chả kể tên ra đây kẻo chạm tự ái) và hầu như không sót báo điện tử, trang tin điện tử nào, viết bài ca ngợi một nhân vật văn nghệ có tên là Trương Minh Phương. Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Văn hóa dân gian… của quốc gia cũng đều tranh giành tên ông để vinh dự cho mình. Rất lạ.Từ bé đến giờ, là người rất quan tâm đến đời sống văn nghệ, tôi chưa một lần nghe đến tên bác Phương, cả văn, cả nhạc, cả văn hóa dân gian, cả sân khấu, tức là tất cả. Tôi hỏi ông hàng xóm từng đi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, lão cũng lắc đầu, tôi hỏi mấy người có tên tuổi nữa, họ cũng lắc đầu, không biết. Một người nổi tiếng mà không ai biết. Thật lạ.
Đọc kỹ những lời ca ngợi mới thấy đây là hiện tượng lạ:
Đọc kỹ những lời ca ngợi mới thấy đây là hiện tượng lạ:
GS Hoàng Chương: “”Tôi nói đặc biệt bởi chúng ta hầu hết chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hóa khiêm nhường – một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ” (chính GS cũng phải thừa nhận hầu hết chưa biết).
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ca ngợi mới khiếp: “Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…” (tôi chả biết ông nhạc sĩ Quân có thuộc bài hát nào của nhạc sĩ xuất sắc này).
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Ông khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống” (bác Kha rất khéo mồm).
Trung tướng Hữu Ước: “Khi bài “Chiều Trường Sơn” vang lên, tôi có cảm giác như cả rừng Trường Sơn chuyển động. Tôi đánh giá rằng đây là một trong những cái bài hay nhất về Trường Sơn kể từ sau khi giải phóng đến bây giờ…” (thú thực với trung tướng, lâu nay khi cần hát về Trường Sơn, chả có nhà tổ chức nào chọn bài hay nhất này. Tôi đố bác nào thuộc được một câu trong bài hát mà đồng chí Hữu Ước bảo là dạng hay nhất đấy)
GS Hoàng Chương còn đề nghị Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét đề nghị Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương, chưa kể ông vừa được truy tặng Giải thưởng Đào Tấn do đích thân ông Nguyễn Thế Kỷ ủy viên trung ương đảng trao…
Nói chung, đây là nhân vật rất đặc biệt, một tài năng, một sự nghiệp lớn, thậm chí cực lớn bị chìm khuất hầu như không mấy ai biết, đài báo nhà nước suốt bao nhiêu năm không hề phổ biến sáng tác của ông, không dòm ngó tới sự nghiệp của ông, rất vô trách nhiệm trong việc làm cho mọi người biết đến ông.
Không biết trên đất nước này còn có bao nhiêu “nhân vật lặng lẽ” cần được phát lộ, khảo cổ như vậy. Mà nếu được tìm thấy, chả biết có được những Hoàng Chương, Đỗ Hồng Quân, Thế Kỷ, Thụy Kha, Hữu Ước… ca ngợi nức nở vậy không.
Cũng may, tôi đọc báo Đại Đoàn Kết thì được biết ông là thân phụ của đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Tôi viết những thông tin trên chỉ để nói về một hiện tượng đặc biệt chứ không có ý khen ngợi hoặc chê bai, cũng chả ẩn ý gì, nên không chấp nhận những nhận xét quá khích, nhất là với người quá cố.
Nguyễn Thông
(26.12.2016)
(26.12.2016)
Comments
Post a Comment