Ngô Nhân Dụng
Những người dân bị cướp đất, cướp ruộng từ Bình Thuận và Bến Tre cũng về Sài Gòn biểu tình trước lãnh sự quán Trung Cộng cùng với các sinh viên và trí thức tranh đấu.
Việc tham dự biểu tình chống Tập Cận Bình của các “dân oan” này có ý nghĩa đặc biệt. Phản đối đón tiếp Tập Cận Bình là do lòng yêu nước, bất bình vì cảnh chính quyền lệ thuộc Cộng Sản Trung Quốc. Ông Trần Bang, một bộ đội đã cầm súng chống đoàn quân xâm lược của Ðặng Tiểu Bình năm 1979 là một người tiêu biểu. Ông đã bị tay sai của chế độ côn đồ đánh vào đầu, đổ máu. Còn Dân Oan biểu tình vì phẫn uất trước một chính quyền tham lam, đã bòn rút, cướp bóc, hà hiếp dân lành mà họ là nạn nhân trực tiếp. Khi những nỗi bất bình chống ngoại xâm và những tấm lòng phẫn uất vị bị bóc lột kết hợp với nhau, sẽ tạo thành sức đẩy giúp vận mệnh nước Việt Nam phải thay đổi.
Việc tham dự biểu tình chống Tập Cận Bình của các “dân oan” này có ý nghĩa đặc biệt. Phản đối đón tiếp Tập Cận Bình là do lòng yêu nước, bất bình vì cảnh chính quyền lệ thuộc Cộng Sản Trung Quốc. Ông Trần Bang, một bộ đội đã cầm súng chống đoàn quân xâm lược của Ðặng Tiểu Bình năm 1979 là một người tiêu biểu. Ông đã bị tay sai của chế độ côn đồ đánh vào đầu, đổ máu. Còn Dân Oan biểu tình vì phẫn uất trước một chính quyền tham lam, đã bòn rút, cướp bóc, hà hiếp dân lành mà họ là nạn nhân trực tiếp. Khi những nỗi bất bình chống ngoại xâm và những tấm lòng phẫn uất vị bị bóc lột kết hợp với nhau, sẽ tạo thành sức đẩy giúp vận mệnh nước Việt Nam phải thay đổi.
Bao giờ đất nước thay đổi? Khó biết trước được. Trước năm 1989 không ai đoán trước được ngày bức tường Berlin vỡ. Trước năm 2011 không ai ngờ có ngày dân Tunisie đứng lên phát động Mùa Xuân Á Rập. Vì tương lai diễn biến bất ngờ, chúng ta cần nhìn trước, nhìn xa, và nhìn vấn đề một cách khách quan, tỉnh táo.
Trước khi ông Tập Cận Bình đến Hà Nội nhiều người Việt đã hỏi nhau: Tập Cận Bình qua đây có ý đồ gì? Ông ta có duyệt phê danh sách trù bị cho đại hội đảng thứ 12 năm tới biểu quyết chấp nhận hay không? Những ai sẽ được ông ta chọn đưa vào danh sách đó? Nhiều người lại thắc mắc có phải ông Tập Cận Bình sang trấn an những phần tử thân Bắc Kinh vì vụ tàu chiến Mỹ Lassen đi tuần sát gần các đảo nhân tạo ở Biển Ðông khiến có đàn em chao đảo hay chăng?
Những câu hỏi trên có thể gây bàn cãi sôi nổi; nhưng không nêu đúng vấn đề. Ông Tập Cận Bình không cần tới Hà Nội phê duyệt danh sách nào cả. Cũng không phải lo phe thân Trung Cộng thoái trào. Mọi chuyện đó đã được các cấp dưới thu xếp cả rồi. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc nắm ảnh hưởng quyết định trên đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng họ không cần gửi một ông tổng bí thư qua tận Hà Nội mới nói ra và đạt được những điều họ muốn. Bang giao giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc là một diễn trình kéo dài nhiều năm, thể hiện trên nhiều mặt, cũng không cần các ông tổng bí thư qua lại để giải quyết từng vụ.
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc muốn những gì, người Việt ai cũng biết. Chính quyền của các hoàng đế Trung Hoa từ các đời Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh và Trung Quốc Quốc Dân Ðảng, cho tới Trung Cộng bây giờ đều ước muốn: Nếu có thể, hãy biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc, người Việt thành thần dân Trung Quốc. Nếu không làm nổi thì đặt chế độ bảo hộ trên một chính quyền chịu nghe lệnh các hoàng đế hay ông tổng bí thư Cộng Sản Trung Quốc.
Trung Cộng ảnh hưởng trên đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1950, trước khi tư tưởng Mao Trạch Ðông được ghi vào cương lĩnh của Ðảng Lao Ðộng, sau chủ nghĩa cách mạng của Marx và lý thuyết nhà nước chuyên chế của Lenin. Ngay sau đó, các cố vấn Tàu được gửi qua huấn luyện và chỉ đạo đảng và quân đội Việt Nam.
Ảnh hưởng của chính quyền Trung Cộng trên nước Việt Nam bắt nguồn từ mối quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản. Có thời gian, năm 1990, đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội không thèm nói chuyện với Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, mọi quyết định đi qua Ban Ðối Ngoại của hai đảng, như hồi ký của Trần Quang Cơ tiết lộ. Hội nghị Thành Ðô bắt đầu một thời kỳ lệ thuộc. Trung Cộng can thiệp vào việc sắp xếp nhân sự trong đảng và trong chính phủ Cộng Sản Việt Nam. Như ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu Trung Quốc và cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu đã trình bày, “Chấp nhận thỏa thuận Thành Ðô, Ðại hội VII ÐCSVN, họp từ ngày 17 tháng 6 đến 27 tháng 6, 1991, đã gạt đồng chí Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, không để ông giữ bất kỳ chức vụ nào trong đảng và nhà nước.” Từ đó tới nay Trung Cộng tiếp tục đóng một vai trò quyết định trong thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Thành phần tiến bộ nhất trong guồng máy nhà nước là những nhân viên Bộ Ngoại Giao; vì họ có học thức cao hơn, lại thêm kinh nghiệm được mở mắt ở nước ngoài. Nhưng trong những lần đại hội đảng từ sau hội nghị Thành Ðô, những người làm Bộ Ngoại Giao dần dần bị loại hết ra khỏi Trung Ương Ðảng.
Ảnh hưởng quyết định của Trung Cộng thực hiện qua nhiều ngả, nhiều thủ đoạn. Như ông Trần Quang Cơ, cựu thứ trưởng Ngoại Giao vào thời gian hội nghị Thành Ðô, mới viết gần đây: “Họ tiến hành cái tôi tạm gọi là ‘thôn tính mềm,’ không gây ầm ĩ như cuộc chiến tranh chớp nhoáng tháng 2 năm 1979, mà dùng những thủ đoạn hiểm độc hơn nhiều: đó là vừa dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp trắng trợn, vừa dùng tiền tài mua chuộc; vừa phá từ trong phá ra, vừa bao vây từ ngoài lấn vào.” Một cách cụ thể, ông mô tả: “Còn bên trong nước ta, họ dùng chiến thuật hiểm độc, chiến thuật ‘con mối,’ cứ lặng lẽ mà đục ruỗng nước ta bằng nhiều thủ đoạn, như mua chuộc và tha hóa cán bộ ta, ... rồi cuối cùng thì nuốt chửng, mà ta lúc này (như trên đã nói) với tệ tham nhũng hoành hành khắp nơi - không loại trừ có bàn tay của Trung Quốc - đã như một khúc gỗ mục.”
Trong phần “phá từ trong phá ra,” Cộng Sản Trung Quốc nuôi dưỡng và ràng buộc, “mua chuộc và tha hóa” một số người Việt đóng vai ngăn chặn mọi ý kiến muốn thoát khỏi ảnh hưởng phương Bắc, không khác gì bọn côn đồ đánh chảy máu đầu ông Trần Bang trong cuộc biểu tình. Như ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng, đã mở miệng than rằng người Việt Nam mà lại chống Trung Cộng thì nguy cho nước Việt! Không hiểu ông này đứng về phía Trần Hưng Ðạo, Quang Trung hay muốn noi gương Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống?
Thủ đoạn “dùng tiền tài mua chuộc” để biến nước ta thành “như một khúc gỗ mục” thì nhiều không kể hết. Các công ty Trung Quốc trúng thầu hầu hết các công trình xây dựng không phải vì họ giỏi nhất hoặc chi phí ít tốn kém nhất. Hàng lậu, hàng giả, và hàng kém phẩm chất luồn qua các cửa biên giới, tràn ngập khắp nơi, giết công nghiệp nội hóa của người Việt từ trong trứng nước. Hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang thành lập các thị trấn Trung Quốc nho nhỏ, làm những việc mà công nhân Việt Nam dư sức làm. Con của một ông bộ trưởng Giao Thông Vận Tải đã được một công ty Trung Quốc phong chức phó tổng giám đốc của công ty ở bên Tàu mà không cần phải làm gì cả, chỉ lâu lâu qua Bắc Kinh, Thượng Hải ăn chơi. Với những thủ đoạn đó, guồng máy đặc vụ tình báo của Trung Cộng đã được gài khắp nơi, với đám tay sai “đồng chí anh em” đã được nuôi nấng nhiều năm. Ðúng là những con mối, chúng từ từ đục ruỗng rường, cột ngôi nhà Việt Nam. Ðám mối này làm việc ngay đêm, không ngồi chờ có chuyện gì rồi mới phản ứng. Chắc chắn Cộng Sản Trung Quốc không cần gửi một ông tổng bí thư đích thân qua Hà Nội lo việc xếp đặt nhân sự và khích lệ đám mối này.
Với một mạng lưới sâu và rộng để gây ảnh hưởng trên nước Việt Nam về mọi mặt, Trung Cộng cũng không phải lo ngại trước những sự kiện đối ngoại như Việt Nam gia tăng giao thiệp với Mỹ, như khi gia nhập tổ chức Mậu Dịch Liên Thái Bình Dương (TPP). Bởi vì Việt Nam không phải là một vấn đề quan trọng nhất trong thế tương quan giữa Mỹ với Trung Cộng ở vùng Ðông Nam Á, như người mình hay nghĩ. Chính quyền Mỹ nào cũng chỉ lo bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ chứ không yêu hay ghét một quốc gia nào cả. Trong các cuộc mặc cả với nhau các nước đều có thể tùy cơ ứng biến, trao đổi lợi lộc, ai trả giá cao hơn thì mua được, ai có món hàng tốt thì bán được.
Chính sách của chính phủ Mỹ về các vấn đề ở Biển Ðông họ đã nói rõ ràng. Nước Mỹ không có ý kiến về chuyện nước nào làm chủ những hòn đảo nào; họ không can dự vào các vụ tranh chấp và kiện tụng. Chính sách này được áp dụng từ năm 1974 khi hải quân Mỹ không can thiệp giúp hải quân Việt Nam Cộng hòa đang bị Trung Cộng đánh để chiếm Hoàng Sa. Từ năm 1968 chính phủ Nixon đã chủ trương rút khỏi Việt Nam, chấp nhận miền Nam sẽ bị quân miền Bắc chiếm sau khi Mỹ cắt viện trợ. Vì vậy, đối với chính quyền Mỹ vào năm 1974, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền nước cộng sản Trung Hoa hay thuộc nước cộng sản Việt Nam thì cũng như nhau. Cuộc tranh chấp đó không đáng để lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc chạm súng trên biển với Trung Cộng. Việc chiến hạm Lassen đi tuần sát cạnh các hòn đảo nhân tạo Trung Cộng mới đắp, cũng như việc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ mời bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia cùng lên mẫu hạm Mỹ đi dạo trong vùng Biển Ðông, không phải nhắm khiêu khích. Họ chỉ muốn gửi một thông điệp tới Trung Cộng và các nước chung quanh biết rằng chính phủ Mỹ nhất định bảo vệ một quy tắc trong luật pháp quốc tế: Các hòn đảo nhân tạo không có giá trị xác định chủ quyền. Và xác định rằng Mỹ nhất định bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng này. Chính phủ Mỹ hành động vì chủ ý của họ như thế, không phải vì họ nghĩ tới quyền lợi của nước Việt Nam.
Trong các vấn đề Biển Ðông, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc muốn gì? Ai cũng đồng ý với ông Trần Quang Cơ, ông viết: “Hướng bành trướng của Trung Quốc là xuống phía Nam, mà Việt Nam lại là chướng ngại vật lớn cản trở tham vọng bành trướng đó nên Trung Quốc đang có kế hoạch thôn tính Việt Nam bằng mọi thủ đoạn... Tham vọng của Trung Quốc là làm chủ cả Biển Ðông. Muốn thế trước hết phải uy hiếp và khống chế Việt Nam là nước có bờ biển thông ra Biển Ðông dài nhất.”
Kế hoạch “làm chủ cả Biển Ðông” kể trên sẽ được thực hiện không phải trong một nhiệm kỳ tổng bí thư của Trung Cộng, cũng không phải trong một thế hệ, mà sẽ kéo dài rất lâu. Từ đời nhà Nguyên, nhà Minh, các hoàng đế Trung Hoa đã bắt đầu kế hoạch này. Trong tình trạng hiện nay, Trung Cộng có thể giữ “nguyên trạng” trong một thời gian rất lâu để khỏi đụng chạm quyền lợi của Mỹ trong vùng này. Trong khi đó họ tiếp tục ép những người cầm quyền ở nước ta chỉ thảo luận “song phương” với các châm ngôn “bốn tốt” và “16 chữ vàng.” Cấm không được đưa các vấn đề tranh chấp giữa hai nước ra trước cả thế giới! Họ cũng tiếp tục mua chuộc một số nước trong khối ASEAN để không bao giờ đồng ý coi các vấn đề ở Biển Ðông là vấn đề chung. Cứ như thế, nước Việt Nam sẽ bị cô lập không những đối với thế giới mà cả ngay trong vùng Ðông Nam Á.
Trong vùng biển Ðông Nam Á, mà Trung Cộng đã xác nhận là “quyền lợi cốt lõi” (quốc gia hạch tâm lợi ích, 国家核心利益) chướng ngại lớn nhất cho chính sách bá quyền của Trung Cộng là một nước Việt Nam giầu mạnh, với một chính quyền Việt Nam đặt quyền lợi quốc gia trên quyền lợi cá nhân và phe đảng.
Nếu Bắc Kinh giữ nguyên được tình trạng một nước Việt Nam yếu kém về kinh tế, với một chính quyền tiếp tục lệ thuộc vào Trung Cộng thì họ không phải lo đối phó với nước Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác trong cuộc cạnh tranh trên Biển Ðông. Với đường lối “giữ nguyên trạng” này, Trung Cộng tiếp tục đàm phán “song phương” với Việt Cộng và các nước khác sẽ không có lý do nào để phản đối tình “đồng chí anh em” giữa hai đảng Cộng Sản! Tình trạng này càng kéo dài càng thuận tiện cho họ. Lâu lâu họ lại lấn thêm mộ bước, từng bước một. Trong thời gian đó, các con mối vẫn tiếp tục “lặng lẽ mà đục ruỗng nước ta” như ông Trần Quang Cơ đã báo động.
Khi nào nước Việt Nam còn nghèo nàn, lạc hậu, chính quyền Việt Nam còn bị thao túng và lũng đoạn, thì Bắc Kinh chỉ cần kiên trì thi hành chính sách “giữ nguyên trạng” của họ. Cứ như thế, nắm chắc chính quyền Việt Nam trong tay rồi, dần dần họ sẽ thành bá chủ vùng Ðông Nam Á; như ước mơ của Minh Thành Tổ và Mao Trạch Ðông.
Vậy phải làm gì để đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Cộng? Nước Việt Nam phải phát triển kinh tế. Muốn vậy, phải thiết lập một guồng máy cai trị có khả năng, trong sạch, đáp ứng những nguyện vọng của dân, đặt quyền lợi Tổ quốc trên quyền lợi phe đảng. Nghĩa là thiết lập một chế độ dân chủ tự do. Những đồng bào dân oan từ Bình Thuận và Bến Tre về Sài Gòn biểu tình chống Tập Cận Bình thể hiện cả hai nguyện vọng. Dân Việt quyết tâm chống lệ thuộc Trung Cộng. Dân Việt đòi phải thay đổi thể chế chính trị để chấm dứt tham nhũng, bất công; cho kinh tế có cơ hội phát triển. Chỉ khi nào nước ta dân chủ hóa để phát triển kinh tế rồi thì mới bảo vệ được độc lập và tự do.
Comments
Post a Comment