Skip to main content

TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

1

Nguyên tác của Henri Navarre
Trọng Đạt dịch
     LND – Bài này trích dịch trong cuốn Agonie de l’Indochine của Đại tướng  Navarre, Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương từ đầu tháng 5-1953 cho tới đầu tháng 6-1954. Ông được triệu hồi về Pháp sau khi Điện Biên Phủ thất thủ 7-5-1954. Năm 1956 ông viết Agonie de l’Indochine, Đông Dương Hấp Hối, dầy 335 trang mục đích để bào chữa cho ông và quân đội Pháp về nguyên do bại trận tại Điện Biên Phủ và qui trách nhiệm cho chính phủ Pháp đã đưa tới sự hấp hối và sụp đổ cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954.
    Sư thật người dân Pháp, chính phủ đã quá chán ngán cuộc chiến  này, tốn kém  về tài chính, nhân mạng mà không biết bao giờ chấm dứt, họ muốn bỏ Đông Dương vì không còn quyền lợi. Năm 1945 Pháp vào Việt Nam để chiếm lại thuộc địa nhưng nay mục đích ban đầu không còn, chế độ thuộc địa cáo chung, các nước Anh, Hòa Lan.. đã trao trả độc lập cho các  thuộc địa của họ. Theo Navarre kể lại trong các chương trước  từ giữa năm 1952 trở đi, nhất là từ 1953 trong khi Trung Cộng ngày càng gia tăng quân viện cũng như giúp Việt Minh thành lập thêm nhiều đơn vị chính qui thì chính phủ Pháp không tăng cường thêm cho chiến trường Đông dương.
    Mặc dù năm 1953, 1954 viện trợ Mỹ cho Pháp gia tăng nhiều, riêng 1954 Mỹ đã gánh 78% chiến phí (The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2) nhưng quân Pháp tại Đông Dương ngày càng suy yếu so với Việt Minh cả về chủ lực quân lẫn hỏa lực. Trang 42 tác giả cho biết Việt Minh có một lực lượng chính qui tương đương 9 sư đoàn (6 sư đoàn có danh hiệu, một không tên và nhiều trung đoàn độc lập), trong khi Pháp chỉ tương đương 3 sư đoàn (7 liên đoàn lưu động, 8 tiểu đoàn nhẩy dù, trang 43).. Tóm lại trận Điên Biên Phủ là hậu quả khó tránh của tình trạng ngày càng suy yếu của Pháp so với Việt Minh, cái mà ông goị là tình trạng hấp hối của Đông Dương
    Việt Minh thắng Điện Biên Phủ nhờ quyết tâm hy sinh nhiều nhân mạng và nhận được viện trợ quân sự tăng vọt của Trung Cộng khi bắt đầu trận đánh. Trong suốt trận đánh trên 50 ngày, Việt Minh đã pháo xuống khu lòng chảo vào khoảng 200 ngàn quả đạn đại bác và súng cối lớn. Giữa thập niên 80 tôi có được đọc một cuốn sách dài khoảng 100 trang do một đại học Mỹ xuất bản năm 1974 nói về mười trận đánh lớn nhất thế giới, (lâu quá không nhớ rõ tên, The great military battles?). Sách gồm mười bài, mỗi bài do một Giáo sư hoặc một nhà nghiên cứu viết, Điện Biên Phủ cũng được xếp trong số mười trận đó và xếp hàng thứ mười, họ xếp theo thứ tự thời gian, trước đó là trận Bá Linh và Stalinggrad.
     Trong phần mở đầu, nhà xuất bản cho biết: những trận đánh lớn nhất thế giới ở đây không hẳn là lớn về số lượng quân sự, nhân sự mà vì nó thay đổi một khúc quành lịch sử. Thí dụ  trận Stalingrard 1942, là khởi điểm cho sự bại trận của Đức Quốc Xã, trận thủy chiến Midway 1942, Nhật thảm bại thua luôn cuộc chiến Thái Bình Dương. Trận Điện Biên Phủ 1954 đã kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương và lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh dài như vô tận.
    Mặc dù Điện Biên Phủ chỉ là một trận nhỏ về quân sự, tổng số quân hai bên gần 70 ngàn người, tương đương với 6 hoặc 7 sư đoàn, so với Stalingrard tổng số cả hai phía gần một triệu rưỡi người, ước lượng từ 130 tới 150 sư đoàn nhưng Điện Biện Phủ cũng được coi như ngang hàng với Stalingrard vì ý nghĩa lịch sử của nó. Về điểm này tác giả Bernard B. Fall trong cuốn sách nổi tiếng Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu cũng nói vậy (Preface, trang VII).
    Tôi đã đọc phần nói về Điện Biên Phủ trong Agonie de l’Indochine vào năm 1972, tình cờ nay lại có được cuốn sách này do một người bạn du lịch châu Âu về gửi tặng, nó là môt tài liệu quí và hiếm, xin dịch lại để phổ biến cùng quí vị.
    Tôi xin dịch nguyên văn Chapitre VII, La Bataille De Dien Bien Phu từ trang 188 cho tới trang 258 trong Agonie de l’Indochine của Henri Navarre, in năm 1956, nhà xuất bản Librairie Plon, Paris. Vì bài dài 70 trang bằng gần 1/5 cuốn sách nên tôi bỏ bớt một số chú thích rườm rà. Hành văn của Tướng Navarre nhiều chỗ cô đọng khó hiểu nên đôi khi tôi có chú thích thêm cho sáng sủa.
            TĐ
                       Chương VII
                Trận Điện Biên Phủ
              Tại Sao Có Điện Biên Phủ?
     Một câu hỏi đã được chúng tôi đặt ra nhiều lần: ta sẽ làm gì tại cái nơi hẻo lánh miền Thượng du Bắc Việt này.
     Để hiểu lý do tại sao tôi cho chiếm Điện Biên Phủ (ĐBP) và chấp nhận trận đánh, ta cần trở lại tình hình cuối tháng 10-1953 khi Việt Minh bỏ kế hoạch tấn công vùng châu thổ Bắc Việt (Delta)  hướng về Thượng du (Bắc Việt) và Thượng Lào. Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi được biết lính địa phương Thái bị hai tiểu đoàn chính qui tấn công và Sư đoàn 316 bỏ vùng châu thổ tiến về Lai Châu.
    Những ngày đầu tháng 11 có nhiều dấu hiệu cho thấy những đơn vị quan trọng không được xác định rõ của các Sư đoàn 304, 308, 312 có lẽ tiến về Thượng Du theo sau Sư đoàn 316. Dần dần do những nguồn tin chính xác chúng tôi biết kế hoạch của Việt Minh (VM). Tại Tây Bắc Đông Dương họ nhắm tiêu diệt quân địa phương Thái , thanh toán đồn lũy Pháp tại Lai Châu và mở rộng ảnh hưởng VM tại Thượng Lào (Phong Saly – Nam Bac – Luang Prabang) để dễ kiểm soát toàn vùng biên giới Hoa – Lào và để tiếp cận với Thái Lan. Căn cứ dự định cho chiến dịch của họ là ĐBP.
   Trước tình thế ấy, rõ ràng là vào cuối tuần đầu tháng 11, ta cần phải quyết định ngay nếu không địch sẽ ra tay trước. Cần phải bảo vệ Lào hay không? Nếu cần phải làm sao?
                                         *
                                       *   *
    Việc bảo vệ Lào luôn luôn là trách nhiệm thường trực của Tư lệnh Đông Dương, nhưng trong chiến dịch 1952-1953 hầu như toàn bộ quân trừ bị của chúng tôi đã được xử dụng để bảo đảm kết quả và đã gây nên những khó khăn vô cùng cho hiện tình quân đội Pháp. Tôi đã đệ trình lên Ủy ban Quốc phòng xin bớt trách nhiệm cho Tư lệnh từ tháng 7-1953 nhưng không thấy quyết định gì cả, nhiệm vụ không đổi mới, vẫn y như cũ.
    Nó vẫn y như thế và còn có tính bó buộc, vả lại ngày 28-10 một hiệp ước mới được ký kết tại Paris với chính phủ Lào, do văn kiện này nước Lào vào Liên hiệp Pháp, Pháp có bổn phận phải bảo vệ Lào. Hiệp ước này về mặt ngoại giao được coi như khuôn mẫu cho Việt Nam và Miên sau này, nếu không tôn trọng mười lăm ngày sau khi ký sẽ làm hủy hoại tới  chính sách cùa chúng ta.
    Tôi hỏi ý kiến ông Tổng ủy viên (1) đầu tháng 11 (1953), ông nói việc bảo vệ Lào là tất nhiên. Ông Marc Jacquet, Bộ trưởng Các nước liên kết (2) tới Đông Dương vào giữa tháng 11cũng nói thế, ông còn cho biết nếu để  VM chiếm Luang Prabang và tiến tới sông Cửu Long sẽ gây chấn động dư luận Pháp và cuộc chiến Đông dương sẽ không tiếp tục được.
    Chúng ta đã hiểu nguyên nhân nhưng làm cách nào để bảo vệ? Phải che chở trực tiếp nó hay hoặc bảo vệ gián tiếp bằng những lực lượng từ châu thổ (Bắc việt) mục đích buộc Quân đoàn VM (3) hoặc một phần lực lượng của họ phải đương đầu?
    Câu hỏi này phụ thuộc vào chiến lược chung của chiến trường lớn Đông Dương mà tôi đã nghiên cứu ở trên kia (Chương VI). Vì thiếu phương tiện (4), dù muôn hay không tôi phải quyết định bảo vệ trực tiếp Lào.
   Bảo vệ ở đâu cho chắc?
   Từ xứ Thái, sẽ là nơi Việt Minh tập trung, đường vào Lào gồm hai chùm: cả hai đều tới Cửu Long thượng. Đường từ đông qua Sầm Nứa và cao nguyên Traninh tới Paksane, Luang Prabang và Vạn Tượng. Nó được cai quản bởi một đồn lũy tại Cánh đồng Chum do Tướng Salan lập lên từ năm trước. Đi từ hướng Tây là tốt nhất, bắt đầu từ Tuần giao, ở chỗ này qua Điện Biên Phủ và và thung lũng có đường sông Nam Ou dẫn tới Luang Prabang rồi tới Vạn Tượng.
    Chúng tôi có tin chắc chắn lực lượng lớn của Việt Minh sẽ mượn đường này. Nếu tính toán ra thì sẽ biết có lẽ Quân đoàn VM ờ ĐBP đầu tháng 12 (1953) và tới Luang Prabang ngày 1-1-1954. Những tuần lễ đầu năm sẽ thấy họ tới Vạn tượng ít nhất cũng bằng những đơn vị khinh binh và họ đi dọc theo sông Cứu Long biên giới Thái Lan.
    Việc bảo vệ Lào không thể dùng vận động chiến (5). Tôi đã nói tới trong một chương trước vì những lý do: địa thế, quân Pháp không thích hợp. Vì thế ta phải cần một phương pháp khác. Cái mà truyền thống ta gọi là “chiến tranh vị trí” (6), cũng gọi bằng một từ tối tân đó là hệ thống những “con nhím” hay những “đồn lũy” (7), một giải pháp xoàng nhưng qua thử thách cho thấy chỉ có nó là xài được. Nó không ngăn được các đơn vị khinh binh của địch di chuyển nhanh, nhưng nó bảo đảm cho ta những điểm cơ bản bằng ngăn chận xâm chiếm của địch. Chính phương pháp này Tướng Salan đã cần tới năm trước.
    Ở đâu chúng ta có thể lập những “vị trí” những “con nhím”, những “đồn lũy”- người muốn gọi nó theo cách nào cũng được?
     Chỉ bảo vệ Lào ở ở Luang Prabang  hay ở Vạn Tượng  là những giải pháp không đủ chống lại những thử thách sơ đẳng. Về phương diện chính trị cũng như bảo vệ Pháp tại Paris và tại Orléans. Thực vậy Luang Prabang có tầm chính trị quan trọng, Vạn Tượng chỉ là một thủ đô hành chánh không có gì. Chiến đấu cho Luang Prabang có lợi rất lớn. Chiến đấu cho Vạn Tượng chẳng có lợi gì. Tốt hơn hết là cho di tản toàn bộ Thượng Lào.
    Về mặt quân sự cả hai thủ đô này đều khó phòng thủ cả về lục quân cũng như không quân. Luang Prabang là một nơi hẻo lánh bị bao bọc tứ bề. Máy bay tới đây gặp trở ngại quanh năm. Vạn Tượng có thể bảo vệ bằng bộ binh dễ hơn nhưng với điều kiện phải khai quang rừng. Lại nữa những phi trường của hai thủ đô cách xa thành phố cần phải mất nhiều quân bảo vệ . Sau cùng  nó cách quá xa phi trường châu thổ Bắc Việt không thể xử dụng được.
    Cho dù ngay cả chúng ta xử dụng những phương tiện lớn (8) để bảo vệ Luang Prabang và Vạn Tượng để địch từ bỏ ý định đánh chiếm, họ sẽ không đánh thẳng mục tiêu mà đồn lính của ta tại đó sẽ bị bao vây ngay. Chúng ta sẽ không ngăn được VM chiếm những vùng xung quanh và chứng tỏ sự hiện diện của họ tại biên giới Thái Lan, đó là mục tiêu chính trị của họ.
     Đối với mục tiêu này, địch nếu không bị buộc phải đánh vẫn có thể tiến tới mà không cần phải huy động cả Quân đoàn tác chiến. Họ còn một phần của lực lượng đáng kể ở tình trạng sẵn sàng, hoặc để tác chiến tại châu thổ Bắc Việt, hoặc để tăng cường cho miền trung Đông dương. Mặt trận 1954 cho thấy chắc chắn sẽ mất Thượng Lào hoặc một trận lớn tại châu thổ BV với ưu thế lực lượng rất mạnh về phía địch sẽ khiến Pháp thiệt hại nặng (9), hoặc VM sẽ tiến mạnh về phía Nam qua Trung Lào.
    Để ngăn chận địch vừa có thể tới sông Cửu Long và vừa có những lực lượng gây nguy hại cho chúng, tôi chỉ có một giải pháp: cản đường hành trình họ sẽ đi qua bằng một đồn lũy, được thiết lập sao cho VM bị bó buộc hoặc phải đi vòng để che dấu những lực lượng rất lớn hoặc phải tấn công đồn trước khi tiếp tục đi qua.
    Lập đồn lũy ở đâu?
    Lai châu, thủ phủ chính trị của xứ Thái và là nơi duy nhất Pháp có phi trường  tại miền Thượng Du rất xa đường đi của địch không ngăn chận được họ. Vả lại đứng trước áp lực mạnh, vị trí sẽ khó bảo vệ. Phi trường có đồn lũy bao quanh nắm trong một thung lũng hẹp và sâu. Ngay cả khi thời tiết tốt, máy bay đến đó cũng phải nhào lộn. Tại đây thường thì thời tiết xấu.
    Chỉ có một địa điểm có thể lập phi trường được nằm phía nam Lai Châu 90km, đó là Điện Biên Phủ. Giá trị chiến lược của vị trí tại ĐBP đã được biết từ lâu lắm rồi. Ngày xưa Quân phương Bắc xâm lăng từ đây đổ xuống Thượng sông Hồng. Chúng tôi luôn luôn có một đồn tại đây, mà năm ngoái phải rút vì bị VM tấn công.
    Trước khi ra đi (10), tướng Salan đã cổ võ cho việc chiếm lại ĐBP, ngày 25-5-1953, ông viết trong một bài nghiên cứu về việc bảo vệ Thượng Lào “Nay cần hoàn tất chủ lực quân tái lập căn cứ phòng thủ ĐBP. Từ đầu tháng giêng 1953 tôi đã khuyến cáo việc tái chiếm nơi đây, tôi thấy việc chiếm đóng địa phương này rất cần thiết cho an ninh Luang Prabang. Những biến cố trong khoảng tháng 4 tháng 5 (1953) vừa qua cho thấy sự cấp bách của chiến dịch này mà chỉ vì thiếu phương tiện vận chuyển hàng không đã ngăn  cản sự thực hiện trước các cuộc tấn công của VM mới đây.
    Các nhà cầm quyền Ai Lao biết rõ đất nước họ, cho là khi ĐBP không được chiếm lại, đường đi Luang Prabang bỏ ngỏ vì giữa ĐBP và thủ đô không có vị trí phòng thủ nào. Sau cùng chúng tôi biết VM cũng đánh giá cao vị trí của ĐBP (11). Sự quan trọng của ĐBP không thể chối cãi được cũng như khi cuộc chiến của chúng tôi mở rộng. Nó là nơi hội tụ của các chặng đường nối những vùng biên giới Lào, Thái Lan, Miến điện, Tầu. Vị trí này rất khó đến bằng đường mòn trên đồi núi. Cánh đồng ĐBP đông dân, trù phú nhất miền Thượng du. Sản lượng lúa gạo tại đây rất thừa thãi có khả năng nuôi sống từ 20,000 tới 25,000 người. Phi trường có thể mở rộng rất nhiều, có khả năng gấp hai gấp ba lần.
    Tuy nhiên ĐBP, trong những trường hợp mà chúng tôi thấy, có một trở ngại lớn về hàng không, nó cách xa phi trường tại châu thổ BV, nhưng phải chấp nhận khó khăn này không có cách nào khác.
   Trong bất cứ trường hợp nào, bảo vệ ĐBP bằng không quân sẽ hơn là đánh địch tại Luang Prabang và Vạn Tượng. Vả lại đường xa gây trở ngại cho ta về không quân nó cũng gây trở ngại cho VM về tiếp liệu. ĐBP cách Châu thổ 200 km, cách biên giới Tầu 300 km, không có đường từ biên giới tới đó, hoặc nếu có cũng bị phá hỏng. Vì thế nếu đánh ĐBP, Việt Minh phải dùng dân công tiêp tế, khả năng giới hạn thôi. Trong môt bài nghiên cứu tháng 5-1953 về các chiến dịch miền Thượng du, Tướng Salan nêu ý kiến VM không thể dùng nhiều vũ khí nặng vì khó khăn về vận chuyển.Thực ra viện trợ tăng cường ồ ạt của Trung Cộng cho thấy những dự đoán trên sai.
    Về phương diện chiến thuật sự phòng thủ ĐBP cũng tương tự như tất cả những đồn lũy trong vùng đồi núi bao quanh một phi trường.Vị trí sẽ là chỗ trũng, không thể làm khác hơn vì người ta không thể lập phi trường trên đỉnh Núi.
   Tuy nhiên ĐBP là một vùng rộng nhất của Thượng Du, một cánh đồng dài 12 km rộng 9 km, bằng phẳng rất thuận lợi cho việc xử dụng thiết giáp. Những đỉnh núi cao cách phi trường từ 10 tới 12 km, sẽ thiết lập đồn lũy quanh đó. Khoảng cách này ngoài tầm pháo của địch . Những khẩu pháo này chỉ có thể đặt trên sườn đồi núi hướng về phía trong lòng chảo. Phòng không địch cũng muốn chế ngự không gian phía trên phi trường,. Theo ý kiến pháo thủ ta địch sẽ không làm được, các khẩu pháo sẽ bị các đài quan sát trong lòng chảo phát hiện khi họ đặt súng hay khi bắn. Chúng sẽ bị “bịt mõm” do phản pháo của ta và do không quân oanh tạc.  Những điều kiện mà VM đã xử dụng được pháo binh đã bác bỏ những luận cứ rất lý thuyết như trên, tôi sẽ bàn sau.
    Nói chung vị trí của ĐBP so với tất cả những bất tiện các đồn lũy miền Thượng du, nói một cách dè dặt nó thỏa mãn yêu cầu. Nó tốt hơn cả so với Nasan, Lai châu, Luang Prabang, nó giá trị ngang với Cánh đồng Chum.
    Đó là những lý do ta phải chiếm ĐBP và chấp nhận giao tranh, giải pháp tầm thường nhưng chấp nhận được để chống lại địch, nó hợp lý để nghĩ tới cái ta sắp làm. Nhưng kế đó ta không đoán trước địch tăng sức mạnh nhanh chóng. Nói chung ta không biết gì hơn thế
                                                 *
                                               *   *
    Quyết định đánh ĐBP đã tạo lên, sau khi đồn lũy sụp đổ, nhiều phê phán, đa số không đúng sự thật. Có người nói việc chiếm ĐBP do Chính phủ bắt buộc tôi. Không đúng thế. Chính phủ đã sai lầm khi quên- không xác định rõ nhiệm vụ của tôi và không cung cấp cho tôi những phương tiện để chiên thắng – nhưng trách nhiệm của họ chỉ có thế. Họ không can thiệp vào tác chiến. Sau ngày đồn lũy sụp dổ, trả lời phòng vấn một ký giả trong cuộc họp báo, tôi nhận trách nhiệm hoàn toàn về kế hoạch, quyết định tác chiến trong trận ĐBP.
    Có sự xác nhận trái với điều khẳng định trên cho rằng quyết định đánh ĐBP trái với ý kiến của của một số vị cấp bộ trưởng trong Chính phủ, và nhất là các vị chỉ huy quân sự, trong đó có một số thuộc cấp của tôi. Tất cả những chuyện này cũng đều sai.
   Trước khi tình hình mặt trận bắt đầu xấu, Chính phủ đã không bầy tỏ ý kiến dè dặt nào. Vả lại, tôi sẽ nói sau, họ còn trách tôi bi quan khi tôi tỏ ý lo sợ. Không hề có một cấp chỉ huy quân sự nào có lập trường, dưới bất cứ hình thức nào chống lại kế hoạch quân sự tại ĐBP. Bản kế hoạch này cũng đã được sự chấp thuận của Tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng Bộ quốc phòng và Chủ tịch ủy ban các TTM. Không hề có thuộc cấp nào của tôi trong Lục quân, Không quân- ít ra những người trực tiếp liên quan- phản đối.
    Nhưng khi tình hình mặt trận xấu, nhất là khi đồn lũy thất thủ thì nghe thấy trong hàng giới chức cao cấp quân sự và nhất là giới chính trị một số câu như “Tôi đã nói trước rồi mà”
    Các thuộc cấp của tôi, trái lại tỏ ra hoàn toàn trung thành với tôi và tránh làm mất đoàn kết với tôi. Chỉ có Tướng Cogny tạo môt huyền thoại, sáng tác nhiều thứ, cho rằng ông ta bất đồng ý kiến với tôi về chiến lược đã đưa tới trận ĐBP. Ông soạn ra một tường trình, về lúc cuối trận mà những luận cứ sai dựa vào những rò rỉ cơ hội đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí và diễn đàn nghị viện. Tôi đã nói và sẽ nói sau về vai trò của ông ta trong thiết lập và thi hành kế hoạch ĐBP đủ để chứng minh một chủ đề mà chỉ có mục đích giải thoát khỏi cái mà ông cho là trách nhiệm của mình.
    Khi làm thế, Tướng Cogny đã vi phạm một cách vô ích vào truyền thống danh dự của quân đội bởi vì, nói về vấn đề quyết định ở cấp bậc của tôi, trách nhiệm của ông ta đã được định rõ chỉ cần một việc là tôi đã giữ quyền quyết định, cho dù ông gợi ý cho tôi nhiều.
    Sau cùng ông nói là ĐBP được làm ra để “giết Việt Minh”. Như tôi đã nói ở trên về những lý do đưa tới quyết định của tôi và tôi được miễn phải bác bỏ lối giải thích đơn giản này, nhưng mà – nếu nó có thật – tôi chẳng có gì phải xấu hổ đáng tiếc gì cả về phương diện nhân bản, “giết kẻ địch” là chủ trương chính đáng của tất cả các tư lệnh chiến trường. Đó cũng là nhiệm vụ chính mà Tướng Giáp giao cho quân đội của ông.
    Để bảo vệ Lào, tôi có cách nào khác hơn là mở trận chiến ĐBP?
    Chiến lược không phải là một khoa học chính xác, những vấn đề nó bao hàm có nhiều giải pháp mà cấp chỉ huy phải lựa chọn. Tuy nhiên nhiều lúc – nhất là trong những trường hợp khó – mà một giải pháp dù là xoàng, nó áp đặt tuyệt đối vì chỉ có nó cho phép, với những phương tiện mà người ta cho để hoàn thành nhiệm vụ.
    Đó là trường hợp của tôi. Chiếm ĐBP và và chấp nhận trận đánh mà tôi coi như giải pháp duy nhất cho tôi cơ hội cứu Ai Lao với những lực lượng  tôi có. Như đã nói, trước khi có trận đánh tôi không hề thấy ai đề nghị với tôi giải pháp nào khác. Trái lại họ họ đều nói “cần phải làm như vậy”. Không có ý kiến nào khác dưới hình thức một giải pháp cụ thể, thích hợp với nhiệm vụ và phương tiện của tôi. Điều ghi nhận này đã củng cố niềm tin của tôi rằng không có cách nào khách hơn cái tôi đã làm.
Chú thích.
(1) Commissaire general, đứng đầu về hành chính, Tư lệnh (Navarre) đứng đầu về quân sự (chú thích của người dịch)
(2) États associes, tức Việt, Miên, Lào. (chú thích của người dịch)
(3) Corps de bataille Vietminh, ám chỉ các sư đoàn chính qui VM như 304, 308, 312, 316…(chú thích của người dịch)
(4) Les moyens, gồm lực lượng, hỏa lực, đạn dược, tiếp liệu… (chú thích của người dịch)
(5) Guerre de movement: Chiến lược quân sự dùng di chuyển nhanh để thắng địch. (chú thích của người dịch)
(6) Guerre de places: chiến tranh vị trí, nơi chốn, đó là chính sách đóng đồn mà ta thường thấy trong hai cuộc chiến Đông Dương. (chú thích của người dịch)
(7) Camp retranché: đồn lính có nhiều công sự phòng thủ, hào, hầm… kiên cố như Điện Biên Phủ, trong bài này  Navarre dùng chữ  “đồn lũy” để chỉ ĐBP (chú thích của người dịch)
(8) Phương tiện rất nhiều so với nhu cầu để bảo vệ Điện Biên Phủ sau này. (chú thích của tác giả)
(9)Trận Châu thổ rất nặng (chap.VI), Tướng Cogny đã rất lo lắng về vấn đề này, thậm chí đã dự tính bỏ Hà Nội. Trận đánh ở Trung Lào không kém phần gay go. Nếu một trong hai mặt trận diễn ra với tỷ lệ lực lượng bất lợi (VM hơn Pháp từ 15 tới 20 tiểu đoàn) chắc chắn ta sẽ thua. VM đã thắng ngoạn mục tại ĐBP, Hội nghị Genève đã khiến họ cần phải thắng (chú thích của tác giả)
(10) Raoul Salan, Tư lệnh Đông Dương từ 6-1-1952 tới 8-5-1953 (chú thích của người dịch)
(11) Khi trận đánh đang diễn ra, Tướng Giáp trả lời phỏng vấn một ký giả CS Ý: ông ta nói địch chiếm ĐBP không những để thiết lập căn cứ tấn công Tây Bắc VN mà còn có mục đích xa hơn, nó đặc biệt của Bộ Tham mưu Hoa Kỳ, đó là thiết lập một căn cứ không quân quan trọng nhất Đông nam Á. Ông ta còn cho biết ĐBP là trung tâm một vòng tròn tiếp giáp phía nam nước Tầu, Miến điện, Thái Lan. Về sau trả lời phỏng vấn một tờ tuần báo của CS Pháp, ông ta nói : ĐBP là một địa điểm chiến lược rất quan trọng. Quân đoàn Viễn chinh tới đó trước hết để bảo vệ Lào và chiếm lại Tây Bắc VN. Thực hiện được kế hoạch này, địch xây dựng một căn cứ không quân và bộ binh đe dọa hậu cứ của chúng tôi (VM) và buộc lực lượng của chúng tôi giữa ĐBP và châu thổ BV phải phân tán (chú thích của tác giả)
                            Chiếm Điện Biên Phủ
   Thượng tuần tháng mười, tôi cho chiếm ĐBP và lập một căn cứ không quân tại đây để bảo vệ Lào.
    Chiến dịch không thực hiện vội vã vì kế hoạch đã được soạn từ mấy tháng trước. Tôi nhớ ra vào mùa hè, tướng  Cogny đã nhiều lần đề nghị với tôi, cùng với việc rút bỏ Nasan mà ông cho là sai chiến lược và về chiến thuật mất nhiều quân, để chiếm ĐBP nơi mà ông cho là có nhiều lợi về mọi phương diện.
    Hồi ấy chưa thành lập đủ quân trừ bị, tôi phải hoãn thi hành chiến dịch. Nó được dự trù tháng 12 (1953) hay tháng 1 (1954) dưới hình thức hành quân phối hợp một từ Lào, một từ Lai châu trong khi lính nhẩy dù đổ xuống mục tiêu.
    Cần phải tiến hành nhanh trước khi Quân đoàn của VM tới. Quân từ Lào còn xa, ở Lai châu không đủ nên phải xử dụng không vận. Ngày 20-11 (1953) được chọn là hạn chót để đóng quân khi những đơn vị đầu tiên của Quân đoàn VM sẽ đến. Một tập hợp nhẩy dù gồm 6 tiểu đoàn và một đội pháo (75 ly không giật) sẽ chiếm ĐBP trong khi quân tại Lai Châu xác định tối đa những đơn vị địch tại vùng Tuân giao. Khi thiết lập phi trường xong, ba trong số những tiểu đoàn nhẩy dù sẽ được đưa tới bằng không vận từ châu thổ BV. Sau đó quân từ Lai châu sẽ được đưa tới ĐBP khi bị địch đe dọa tấn công.
   Ngày 20-11, như đã tiên liệu, ba tiểu đoàn nhẩy dù được đưa tới chiếm ĐBP bị một tiểu đoàn địa phương quân VM tấn công, địch bị bất ngờ. Tiếp theo đó ngày 22, 23 ba tiểu đoàn nữa tới cùng với đội pháo binh. Ngày 22 đã liên lạc với Lai châu. Ngày 24 phi trưởng đã mở, Tướng Gilles đã thực hiện chiến dịch hoan hảo.
                          Tổ Chức Bộ Chỉ Huy
    Trận đánh sắp diễn ra tại Điện Biên Phủ ở cấp bậc toàn bộ chiến trường lớn Đông Dương vì nó có mục đích bảo vệ Lào nhưng đồng thời cũng là cách “abcès de fixation” (tạo mủ tránh nhiễm trùng) (1) để tránh nguy hiểm cho  Châu thổ BV và Trung Đông dương. Về lý thuyết nó được giao cho một bộ chỉ huy trực thuộc Tư lệnh.
    Nhưng bị tất cả chống đối . Điện Biên Phủ thuộc Bắc Việt, giao thông của địch từ đầu chí cuối nằm tại đây. Về phương diện hàng không và tiếp liệu, trận đánh phụ thuộc vào Châu thổ tại đây có những căn cứ yểm trợ. Riêng chỉ có bộ tham mưu lục quân và không quân tại Hà Nội là có khả năng điều khiển trận đánh vì chỉ có họ đủ phương tiện vật chất, hiểu biết về địa thế và quân địch.
    Bởi thế sự kết hợp giữa tướng Cogny, vị chỉ huy trưởng  các lực lượng bộ binh BV và tướng Dechaux, vị chỉ huy trưởng nhóm không quân chiến thuật BV, hai vị  đã được giao phó từ đầu chí cuối trách nhiệm trận đánh. Cơ cấu này phù hợp nguyên tắc tổ chức, nó nằm ở dưới cấp “chiến trường lớn” (2), các lực lượng lục và không quân hành động liên kết, không bên nào phụ thuộc bên nào.
    Thực ra, trong sự kết hợp Cogny-Dechaux, vế thứ nhất (tức lục quân) vẫn nắm ưu thế. Nó chịu trách nhiệm hoàn toàn trận địa và có khuynh hướng yêu cầu không quân thi hành nhiệm vụ trực tiếp và gián tiếp phục vụ các lực lượng bộ binh. Thế mà những nhiệm vụ này hầu như là toàn bộ hoạt động của không quân.
    Tuy nhiên vì lý do quan trọng của trận đánh có tầm vóc chiến trường rộng lớn và để tránh những quan điểm bất đồng có hại giữa các vị chỉ huy bộ binh và không quân, tôi đã biệt phái thường trực tướng không quân Bodet, có quyền quyết định dưới danh nghĩa tôi những vấn đề ở cấp bậc của tôi. Sau cùng tôi đã ở Hà nội nhiều ngày (3) trước và trong trận đánh và nhất là có mặt trong những giờ phút nguy kịch.
    Những quyết định liên hệ mặt trận thường do tướng Cogny quyết định, hoặc một mình ông hay – khi nó liên quan đến không quân và bộ binh- kết hợp với Dechaux. Khi nó ở cấp bậc Tư lệnh do tướng Bodet –hay do chính tôi khi tôi có mặt-theo đề nghị của tướng Cogny và tướng Dechaux.
    Không hề có sự thiếu liên lạc hay thiếu kết hợp hài hòa hành động giữa các bộ tham mưu Sài gòn và Hà nội như báo chí đã loan tin. Trái với những tin đã được xác nhận nhiều lần, không hề có bất đồng quan điểm về những vấn đề do trận đánh đặt ra giữa tướng Cogny và tôi – chỉ trừ một điểm mà tôi sẽ nói sau.
Chú thích
(1) Abcès de fixation là cách (chữa bệnh xưa) tạo sưng mủ để khỏi làm độc chỗ khác, nghĩa bóng là tạo một biến cố xấu để tránh một biến cố tai hại hơn, (au sens propre, abcès créé pour fixer une infection; au sens figuré, événement malheureux mais évitant que des événements plus graves ne surviennent). Cụ thể ở đây có nghĩa tạo ra trận ĐBP để tránh cho Châu thổ BV, miền Trung Đông dương khỏi bị tấn công. (chú thích của người dịch)
(2) théâtre d’opération, mặt trận lớn được định nghĩa là chiến trường bao gồm cả hoạt động hành chánh (như giao thông, tiếp liệu…) và quân sự (incluant les activités administratives concomittantes aux opérations militaires) (Chú thích của người dịch)
(3) Hồi đó Phủ Tổng Ủy, bộ Tư lệnh  quân đội Pháp và Chính phủ Quốc gia VN đều đóng ở Sài gòn, Sài gòn giống như Thủ đô của VN.
(chú thích của người dịch)
                      Sơ Khởi Về Trận Đánh
   Những ngày đầu tháng 12(1953) tiền quân của Sư đoàn 316 xuất hiện gần Lai Châu. Tướng Cogny, mới đầu có ý định, được sự đồng ý của tôi, giữ Lai châu và chơi nước đôi Lai châu-ĐBP càng lâu nếu có thể, nhưng nay quyết định cho di tản Lai châu ngay. Thật vậy hiện ông chỉ muốn tập trung phòng thủ một ĐBP độc nhất. Chủ lực quân tại Lai châu được không vận tới ĐBP ngày 8-12. Những đơn vị phụ lực khác tới sau bằng đường bộ. Còn lại đi đường rừng.
   Từ ĐBP, tướng Cogny nay hy vọng có thể mở “những cuộc tấn công mạnh” mục đích làm chậm lại việc đóng quân của địch. Sư thật những hoạt động này chỉ chỉ giới hạn ở việc tuần tiễu và trinh sát lanh quanh thôi.  Đúng vậy nhưng hoạt động quan trọng nhất, sâu xa nhất chẳng bao lâu chỉ là không phù hợp đối với ông, vì những chủ lực quân cần có, với những công việc cần thực hiện ngay để làm cho căn cứ có thể đương đầu với cuộc tấn công của địch có thể sẩy ra rất nhanh. Vả lại trong những cuộc chạm địch của những đội thám sát, khả năng tác chiến trong rừng của quân ta  yếu kém rõ rệt.
    Vào ngày 8-12 (1953), đại tá de Castries thay thế tướng Gilles trong chức vụ chỉ huy đồn lũy. Tôi nghĩ ở đây cần phải nói những lý do thực sự về việc thay đổi cấp chỉ huy này mà nó đã có nhiều phê phán sai lạc hay có chủ đích riêng.
    Tướng Gilles thường chỉ huy toàn thể binh chủng nhẩy dù tại Đông dương. Ông chịu trách nhiệm về huấn luyện và thành lập những đơn vị mới mà kế hoạch đã dự trù, ông không thể xa bộ chỉ huy của mình lâu dài mà không gây trở ngại. Do đề nghị của tướng Cogny, tôi chỉ định đại tá de Castries thay thế ông. Việc lựa chọn này đã là đề tài của nhiều chỉ trích
    Người ta nói tại sao lại chọn một kỵ sỹ trong khi một đồn lũy thường là cần một người bộ binh? Bởi vì cả tướng Cogny và tôi không có tinh thần phân biệt binh chủng, và vì đại tá de Castries đối với cả hai chúng tôi có lẽ là người có khả năng nhất để bảo vệ ĐBP mà chúng tôi mong đợi. Chúng tôi không chỉ định “vì là kỵ sĩ” cũng không phải “dù là kỵ sĩ”.
    Người ta cũng hỏi là tại sao lại cho một đại tá làm chỉ huy trưởng mà thường phải là một ông tướng? Bởi vì tại Đông dương thiếu sĩ quan cấp tướng trầm trọng, một đại tá lãnh nhiệm vụ chỉ huy của cấp tướng là bình thường- và cũng vì tướng Cogny và tôi không có tinh thần phân biệt binh chủng, không sung bái những ngôi sao (1)
    Dù sao, tôi quả quyết rằng không thể cử ai – dù là một ông tướng hay một người bộ binh – có thể làm hơn được đại tá de Castries.
    Để phụ giúp mình, người chỉ huy đồn lũy  lập một bộ tham mưu theo kiểu mẫu của sư đoàn. Một phân đội liên lạc với không quân cũng được lập dành cho ông.
   Nhiều tin tức dần dần cho biết những lực lượng quan trọng của Việt Minh tiến về miền Thượng du với tiếp liệu lớn chưa từng thấy của họ.
   Ba sư đoàn rưỡi (316-308-312 và một phần của 304) đang trên đường tới Tây Bắc. Những dấu hiệu cho thấy có thể có Sư đoàn nặng 351 (2)
   Viện trợ của Trung cộng cho VM gia tăng rất mạnh, có nhiều dấu hiệu cho thấy vũ khí đạn dược được chở tới biên giới BV. Khoảng 75,000 dân công có thể được tập trung tại Thượng du nhờ Tầu cung cấp gạo và phương tiện chuyên chở (3). Tái tạo khoảng 200 km đường giao thông cho xe ô tô vận tải và làm thêm hàng trăm km đường nữa (4)
    Rõ ràng là VM đã tạo được một đường giao thông từ đâu chí cuối bằng ô tô. Con đường này dài khoảng 350 km, bắt nguồn từ biên giới Tầu tại Lạng sơn, Cao bằng, đi vòng  châu thổ (Delta, BV) qua Thái Nguyên, Tuyên quang, Yên bái (tại đây qui tụ một đường tiếp tế khác xử dụng được bằng sông Hồng từ Lào Kay), rồi qua một đường giao thông mà đa phần kiến tạo bằng nhiều đoạn, nối tiếp R.P.41 (Hòa bình-Lai châu) gần Na San và đạt tới Tuần Giao, tại đây họ lập một căn cứ hậu cần quan trọng để tiêp tế cho Quân đoàn bao vây ĐBP (5).
   Hai đường giao thông nữa cũng tới điểm này, một cũng từ bên Tầu qua Ban Nam Coun và Lai Châu nhưng bằng những đường mòn xấu hoặc những đường thủy loại thường, lưu thông kém (6). Mục đích lấy thêm gạo ăn. Đường kia từ Thanh Hóa qua thung lũng sông Mã. Năng xuất của nó cũng rất thấp.
    Không quân Pháp tận dụng để ngăn chặn những đường giao thông, vận chuyển và tấn công các đoàn xe vận tải qua lại. Đó chỉ là vô ích. Những đoạn đường bị cắt được sửa chữa rất nhanh. Những xe cam nhông, xe đạp thồ và đoàn dân công khiêng vác chỉ đi ban đêm và khi thời tiết xấu ngăn không cho phi cơ bay lên hoặc họ ngụy trang rất khéo khiến trinh sát của ta không thấy được. Không quân của ta hiển nhiên là không đủ để đạt kết quả   mong muốn. Trước tình trạng này, cuối tháng 12 (1953) tôi cảm thấy lo âu và lưu ý Chính phủ (Pháp) về sự đe dọa đè nặng xuống ĐBP và tôi nhấn mạnh đặc tính mới của mặt trận là viện trợ Trung cộng cho VM ồ ạt.
    Trong một bức thư ngày 1-1-1954, tôi nói “trong trường hợp có cuộc tấn công, ta có hy vọng thắng không? chỉ còn hai tuần nữa, tôi ước lượng một trăm phần trăm. Đó là trận đánh do ta lựa chọn chiến địa và trong điều kiện thuận lợi chống kẻ địch sở hữu những phương tiện mà ta biết tới ngày 15-12 (1953). Nhưng trước những phương tiện mới mà tin tình báo nghiêm chỉnh cho biết, tôi không thể bảm đảm chắc chắn thắng lợi nữa. Trước hết là trận chiến không quân” và nói xa hơn “Nếu thua  trận chiến không quân, nghĩa là địch xử dụng những vũ khí nặng (7), tôi không thể bảo đảm chiến thắng. Mà không quân ta rất yếu lại phải đảm nhận một trọng trách to lớn”
    Bởi thế tôi xin tăng cường không quân ngay và kết luận “Tôi coi như chủ lực quân tập trung tại ĐBP, là điều cần và đủ để bảo vệ Thượng Lào và giữ  sự hiện diện của ta tại Thượng du. Sự đóng quân này sẽ đạt nhiều lợi ích lớn  nếu ta thắng trận ĐBP. Nếu ta thua trận ĐBP sẽ là một thiệt hại lớn lao. Trong mọi trường hợp đóng vai trò “tạo mủ để tránh nhiễm trùng” và có thể tránh trận đánh lớn vào Châu thổ.
    Bức thư ấy không được phúc đáp, ông M.Marc Jaquet, Bộ trưởng các Nước liên kết (Việt, Miên, Lào) trong một chuyến sang Đông dương sau đó không những chỉ nói cho tôi biết nguyên văn Chính phủ coi đó là “rất bi quan”, họ vẫn còn sảng khoái lạc quan từ chiến dịch mùa hè, mà một thành viên quan trọng của Chính phủ đánh giá đó chỉ là “tiểu thuyết trinh thám”
    Tướng Bodet, phụ tá của tôi mà tôi đã phái về Paris để tường trình hiện tình lên Chính phủ và Thượng cấp, được một thỏa thuận trên nguyên tắc về một số bổ sung không quân, nhưng việc gửi đến gặp rắc rối khi thảo luận với Mỹ là chỗ cung cấp máy bay, quá chậm trễ nên khi trận đánh diễn ra mới gửi tới – quá trễ để đóng vai trò hữu dụng
                                                      *
                                                    *   *
    Trong thời gian hai tháng khi VM đã sắp đặt vị trí, chuẩn bị tác chiến, ta đã thực hiện được tại ĐBP một pháo đài thật mạnh.
    Ngày 25-12 chúng tôi đã phối hợp tại Sop Nao những lực lượng di động của đồn lũy và những lực lượng tại Thượng Lào, trong khi ấy có đi qua Thượng Nam Ou. Trong dịp liên kết này những lực lượng Lào đóng giữa đồn lũy và Sop Nao gồm địa phương và tình báo.
    Phía VM họ bắt đầu chiếm hết vùng xung quanh ĐBP và và bắt đầu thực hiện vòng vây gần như liên tục, tuy nhiên họ không tiến gần đụng chạm với vị trí cùa Pháp.
    Vào ngày 20-1 (1954) cho thấy sắp có cuộc tấn công nhất là đêm 25, 26, hay đêm sau. Việc di chuyển đặt súng pháo, đạn dược và các đơn vị bộ binh được thực hiện trong ngày 25, 26. Họ bị pháo của ta và không quân bắn chống lại công tác đặt pháo.
    Không thấy có tấn công. Lý do chính sự hủy bỏ lệnh tấn công này có lẽ do chưa đủ phương tiện-nhất là tiếp tế đạn dược- mà địch chưa tập trung được. Mặc dù viện trợ của Trung cộng rất nhiều cho tới hôm đó chưa đủ lượng lớn để VM mạnh khả dĩ chiếm được đồn lũy kiên cố như tại ĐBP.
    Cuối tháng 1 (1954) tin tình báo khả tín cho hay địch đã hoãn cuộc tấn công, có thể từ bỏ không muốn đánh hoặc sẽ đánh Thượng Lào. Nguồn tin này được khiểm tra lại ngay. Sư đoàn 308 rời Quân đoàn bao vây ĐBP, được tăng cường Trung đoàn độc lập 148 tiến về Luang Prabang . Được báo tin kịp thời, các lực lượng của ta tại Thượng Nam Ou tránh né, một phần xuống Luang Prabang, một phần về Muong Sai, chỉ có hậu quân bị đánh quấy phá
    Sư đoàn 308 dấn bước tiến tới Nam Bac, tới chỗ nửa đường giữa ĐBP và Luang Prabang phần vì sợ không quân ta, và nhất là thiếu tiếp tế nên phải dừng lại. Trong khi đó đại tá de Castries cho đạo quân tiền sát mạnh thăm dò quanh ĐBP. Họ đụng trận khắp nơi với những đơn vị mạnh, phòng thủ vững  của địch và chúng tôi bị thiệt hại nặng. Hiển nhiên là vòng vây quanh đồn lũy còn hai sư đoàn nữa và sư đoàn nặng, không có một kẽ hở nào(8)
    Chính vào lúc này đã sẩy ra biến cố, mà tôi đã đề cập ở chương trước có ảnh hưởng quyết định tới kết cuộc của trận đánh và nó đã cho ĐBP một khía cạnh hoàn toàn mới: Thông báo về Hội nghị Genève (18-2)
    Từ ngày 23-2 chúng ta được biết Sư đoàn 308 từ xa quay trở lại ĐBP để gia nhập Quân đoàn bao vây. Những dấu hiện về cuộc tấn công đồn lũy sắp diễn ra ngày một nhiều hơn, địch bắt đầu bắn quấy phá vị trí ta bằng những khẩu pháo riêng lẻ và bắn từ nhiều chỗ khác nhau. Họ xiết chặt dần vòng vây gần hơn, đóng quân dầy đặc những sườn đồi phía Bắc và Đông Bắc lòng chảo. Địch đặt tại đó những đài quan sát pháo binh và phòng không.
    Chúng tôi được tin những đợt chuyên chở đạn dược ngày một quan trọng từ bên Tầu vào BV cũng như những vũ khí mới, nhất là trọn một tiểu đoàn phòng không (được đưa qua biên giới cuối tháng 2). Chúng tôi được biết địch thành lập những đơn vị tăng cường trích ra từ quân trừ bị và từ những đơn vị địa phương quân tại Châu thổ BV rồi hối hả tiến về ĐBP.
   Trên các tuyến đường giao thông, xe vận tải chạy  ngày đêm mặc dù bị thiệt hại do máy bay oanh kích nhưng không quân Pháp thiếu thốn nhiều.
   Những ngày đầu tháng 3 (1954), cuộc tấn công đồn lũy chắc chắn sẽ vào ngày 15, đồng thời ta cũng biết VM sẽ tấn công trên khắp các mặt trận cùng ngày mục đích cầm chân bộ binh và không quân ta. Lãnh đạo việc phòng thủ ĐBP trong những điều kiện đã được xác định bởi chỉ thị ngày 25-1. Chỉ thị này tiên liệu riêng tại Hà Nội sẽ thành lập năm tiểu đoàn nhầy dù trừ bị – trong đó hai tiểu đoàn lấy từ Cao nguyên – để can thiệp cho đồn lũy khi cần.
Chú thích
(1) des étoiles, ý nói cấp tướng (chú thích của người dịch)
(2) Sư đoàn vũ khí nặng: pháo binh và phòng không (chú thích của người dịch)
(3) Người ta ước lượng, cho tới khi đó, tại Thượng du VM chỉ có thể huy động  tối đa 20,000 dân công vì thiếu gạo và phương tiện vận chuyển. (chú thích của tác giả)
(4)  Tháng 4-5 năm 1956, tướng Giáp trả lời phỏng vấn báo Paris-Match và Paris-press, ông ca ngợi thành quả đạt được do nhân dân dành cho quân đội, người ta nhìn nhận nỗ lực lớn lao này và cảm phục sự lãnh đạo của Chính phủ (VM) đã đạt được. Nếu không có viện trợ khổng lồ của Trung cộng thì mọi nỗ lực chỉ là vô ích.  (chú thích của tác giả)
(5) Mặc dù ĐBP rất gần biên giới Tầu (80km) nhưng đường tiếp tế chính thực ra rất xa, bắt đầu  từ Lạng Sơn, Cao Bằng, nó  băng ngang BV tới ĐBP dài 350 km, gấp mấy lần khoảng cách từ ĐBP tới biên giới  Tầu theo đường chim bay (chú thích của người dịch)
(6) Người ta nhận xét sai ở điểm vì ĐBP gần biên giới Tầu (80 km) có lợi cho VM. Sự thực không phải vì nước Tầu gần ĐBP mà viện trợ lớn đã mang lại (chú thích của tác giả)
 (7) Trung Cộng mới cung cấp cho VM nhiều súng cao xạ tối tân có khả năng bắn hạ nhiều phi cơ Pháp (chú thích của người dịch)
(8)  Trái với một số nhận định quả quyết, không thể di tản khỏi ĐBP được vào thời điểm này. (chú thích của tác giả)
                        Tổ Chức Phòng Thủ
    Tổ chức phòng thủ Điện Biên Phủ được khởi đầu bằng thực hiện một trung tâm kháng cự với từ 5 cho tới 6 tiểu đoàn có đội pháo binh yểm trợ  và phụ lực quân tăng cường. Quan niệm này là do ta có tin tình báo nhận được tháng 11 (1953) cho thấy địch có một sư đoàn (Sư đoàn 316), được tăng cường một hoặc hai trung đoàn độc lập hay trích từ các sư đoàn khác. Những nét thành lập đồn lũy mới đầu do tướng Gilles thực hiện trên căn bản những chỉ thị của tướng Cogny.
    Đầu tháng 12, từ từ áp lực địch càng nặng hơn, quan niệm đầu phải xét lại. Thật vậy, trước việc các Sư đoàn 308, 312, và một phần Sư đoàn 304 và Sư đoàn nặng (tức sđ vũ khí nặng) 351 tiến lên Tây Bắc, ngay như cả một phần lực lượng này hướng về đường đi Sầm Nứa – Cánh đồng Chum thì ĐBP vẫn có thể bị tấn công bởi những lực lượng quan trọng hơn những cái mà ta dự tính ban đầu. Như vậy cần mở rộng đồn lũy pháo đài hơn lên.
    Sơ đồ mới do đại tá de Castries thiết lập theo chỉ thị của tướng Cogny và do tôi chấp thuận với vài sửa đổi.
    Từ ngày 3-12 chủ lực quân trong đồn có 9 tiểu đoàn và hai đội pháo binh. Rồi do yêu cầu nhiều lần của tướng Cogny, đã tăng lên 10, 11 và cuối cùng 12 tiểu đoàn , một đội thiết giáp 10 xe tăng M 24, hai pháo đội 105 ly, một đội pháo 155 ly (nhất là để phản pháo) và 4 tiểu đoàn súng cối 120 ly.
   Sáu náy bay chiến đấu và các máy bay quan sát đóng tại phi trường.
Ngày 13-3 doanh trại đã được dự trữ 9 ngày lương thực, 8 ngày nhiên liệu săng, 6 đơn vị hỏa lực cho từng tiểu đoàn bộ binh (1), 6 đơn vị rưỡi hỏa lực cho súng 105, 7 đơn vị cho 155, 8 cho súng cối 120 ly, 9 cho súng 75 ly (súng chiến xa M 24)
    Ngoài ra 3,000 tấn kẽm gai đã được chở tới (có nghĩa gấp 3 cấp số một tiểu đoàn) cũng như một số lớn vũ khí đặc biệt: súng phun lửa, thuốc nổ, mìn, bánh bom lửa, mặt nạ che đạn khói, máy hồng ngoại tuyến …
    Bảo trì trong trường hợp bị tấn công đã được tướng Cogny ước lượng 70 tấn một ngày mức chiến đâu trung bình, và 96 tấn một ngày khi chiến đấu ở mức độ cao. Việc chuyên chở những khối lượng trên do nỗ lực bình thường của không quân. Những phương tiện tiếp tế của không quân do bộ tham mưu tại Hà nội phân phối.
    Sau khi tin tình báo cho biết số lượng và sức mạnh của hỏa lực địch, ta đã có nghiên cứu để định những điều kiện phòng thủ chống pháo binh và cao xạ địch.  Kết quả lạc quan những ý kiến rõ ràng của các pháo thủ (Cấp chỉ huy ngành pháo binh) (2) cho rằng pháo binh và phòng không địch không thể, vì địa hình,  đặt súng và nhất là bắn được mà không bị ta phản pháo trúng và bị không quân oanh ta phản kích.
    Kết luận của bản tường trình liên quan pháo binh là: “Có thể địch chỉ bắn vào lúc ban ngày và thời tiết sáng. Ngay sau đó họ sẽ bị pháo binh và không quân ta phản công ngay”
     Kết luận liên quan phòng không là “Địch rất khó mang đại bác 37 ly (tức cao xạ) vào tầm của vòng máy bay lên xuống và thả hàng …Dù rằng nhận xét này sai, phản pháo và vài phòng thủ thụ động (chọn vùng thả dù, thu nhỏ vòng bay) có thể khiến cho cuộc tiếp tế ít thất lạc…Ít nhất tiếp tế ban đêm vẫn có thể thực hiện được. Bởi vậy rất có thể công cuộc tiếp tế hàng không vẫn được bảo đảm mãi”
    Những biện luận này rất lý thuyết, thực ra sai là do địch vô cùng khéo léo phân tán, ngụy trang, che dấu pháo cũng như súng phòng không và nhất là ta không ngờ họ có nhiều cao xạ đến thế, nó đã ngăn cản phi cơ thám thính và oanh tạc của ta.
                                       *    *    *
    Đồn lũy Điện Biên Phủ được tổ chức thành những công sự như sau:
    Vị trí trung ương bao quanh một đường bay và họp thành 5 trung tâm kháng cự (Claudine, Huguette, Anne-Marie, Dominique, Éliane)
    Cách đó khoảng 2 hoặc 3 km, phía Bắc và Đông Bắc có hai trung tâm kháng cự (Gabrielle và Béatrice) mà nhiệm vụ là che chở vị trí trung ương ở hướng nguy hiểm nhất và tăng rộng khoảng không gian an toàn bên trên phi trường.
   Cách 7 km về phía Nam, một trung tâm kháng cự (Isabelle) có mục đích giữ pháo binh cần thiết để bảo vệ khu trung ương
    Lực lượng trừ bị gồm gồm 3 tiểu đoàn (bộ binh) và một thiết đội đóng trải dài từ vị trí trung ương và Isabelle.
    Những màng lưới dây kẽm gai rộng từ 50 tới 70 thước tây quấn chặt các trung tâm kháng cự và bên trong nó, quấn quanh các địa điểm phòng thủ. Những màng kẽm gai khác chắn những hành lang mà địch có thể xâm nhập. Những bãi mìn, chất nổ, bánh bom lửa tăng cường cho những chướng ngại vật này.
   Trước ngày tấn công, đồn lũy Điện Biên Phủ tạo thành một pháo đài kiên cố mạnh nhất chưa từng có tại Đông Dương. Không một giới chức cao cấp dân sự, quân sự nào (Bộ trưởng Pháp hay ngoại quốc (3), Tổng TM trưởng Pháp (4) Tướng Mỹ(5) ) đã thăm viếng đồn lũy mà không trầm trồ thán phục sức mạnh kiên cường của nó với tôi.
   Theo tôi biết, trước ngày địch tấn công, không có ai tỏ sự nghi ngờ về khả năng kháng cự của nó, và cũng không có bản tường trình bất lợi nào được gửi cho tôi.
   Những nhận xét xác đáng kể trên rất cần thiết, đã có những người nói viết sai và phóng túng về vấn đề này. Trong bất cứ trường hợp nào, nó chứng tỏ ĐBP không thể là một vị trí không phòng thủ được như nhiều người đã quả quyết sau trận đánh (6)
Chú thích
(1) Một đơn vị hỏa lực tương ứng về lý thuyết với nhu cầu một ngày chiến đấu cường độ trung bình (chú thích của tác giả)
(2) Chỉ huy trưởng pháo binh tại ĐBP, Tư lệnh pháo binh Bắc kỳ, Tư lệnh pháo binh Đông Dương và tướng Cogny cũng chính là pháo thủ. (chú thích của tác giả)
(3) Ông Pleven, de Chevigné và Marc Jacque. (chú thích của tác giả)
(4) Các ướng Ély TTMT, Blanc TMT lục quân, Fay TMT không quân (chú thích của tác giả)
(5) Tướng O’Daniel, trưởng đoàn Mỹ sau khi thăm ĐBP đến thăm đặc biệt tôi bầy tỏ phấn khởi về tổ chức của đồn lũy. (chú thích của tác giả)
(6) Tháng 4, 5 năm 1956 tướng Giáp trả lời phỏng vấn báo Paris-Match và Paris-Presse đã nói tình trạng chiến thuật của ĐBP  là hợp lý. (chú thích của tác giả)
                                        Địch
    Vào ngày 13-3 (1954), ngày khởi đầu cuộc tấn công, tình trạng địch như sau.
    Quân đoàn bao vây với 33 tiểu đoàn chính qui mà 27 tiểu đoàn trực diện với đồn lũy, trong khi 6 tiểu đoàn kia có địa phương quân yểm trợ bố trí để ngăn chận những hướng mà Pháp có thể tấn công từ bên ngoài và nhất là từ Thượng Lào.
    Pháo binh gồm một tiểu đoàn 75 ly (20 khẩu) và một tiểu đoàn 105 ly (cũng 20 khẩu) (1). Thêm vào đó có một số lượng lớn súng cối hạng nặng.
    Phòng không gồm 4 tiểu đoàn nhẹ (100 đại liên 12 ly 7) và một tiểu đoàn phòng không loại trung (16 khẩu 37 ly). Chúng tôi được  biết 4 tiểu đoàn được đưa tới gấp rút trang bị súng cao xạ  37 ly tối tân của Nga (64 khẩu).
    Chúng tôi được tin chính xác về tiếp tế đạn dược rất dồi dào của địch so với số lượng mà VM đã mang tới vào lúc đó (15,000 viên đạn đại bác 105 ly, 5,000 viên đại bác 75 ly, 25,000 viên đạn súng cối, 45,000 viên đạn  phòng không 37 ly) tuy nhiên nó không đủ cho họ kéo dài cuộc chiến.
    Ngày 9-3 bộ TTM tại Hà Nội đã ước tính toàn bộ khả năng pháo binh VM tác xạ vào đồn lũy từ 5 tới 7 giờ (một ngày) để “làm tê liệt toàn bộ”, nó chỉ  cho phép họ kéo dài mặt trận tối đa từ năm tới sáu ngày bao gồm các cuộc tấn công hai hay ba trung tâm kháng cự. Nhưng chúng tôi cũng được biết là những số lượng tiếp tế rất quan trọng từ bên Tấu chở qua có thể làm thay đổi tình hình này.
    Xung quanh vị trí chúng tôi, địch dùng những đường ngụy trang để chở đạn dược bằng xe bò, đôi khi xe hơi ngay gần những chỗ đặt pháo. Chúng tôi cũng biết rất nhiều vị trí để bắn pháo mặt đất và pháo phòng không đã được sửa soạn nhưng họ ngụy trang tuyệt khéo đến độ chỉ có một số ít được xác định vị trí trước khi họ mở cuộc tấn công.
    Việc bảo vệ những khẩu pháo của họ cũng mạnh khiến phản pháo của ta hay oanh kích của không quân rất khó khăn.
    Dưới sự chỉ đạo các cố vấn Trung Cộng, cấp chỉ huy VM đã dùng lối xử dụng hoàn toàn khác biệt với lối cổ điển. Pháo binh được đặt từng khẩu riêng rẽ. Những khẩu đại bác được tháo rời (2) và mang lên bằng sức người tới những vị trí mà họ nhắm thẳng vào mục tiêu. Súng được đặt trong những nơi ẩn nấp, từ đó bắn trực xạ hoặc qua lỗ hổng của nơi ẩn náu hoặc được kéo  ngoài (3) mỗi khi bị Pháp phản pháo. Mỗi khẩu hoặc một nhóm đại bác được bảo vệ bằng súng cao xạ phòng không được đặt và cung cấp đạn y như thế. Sự xử dụng pháo và phòng không có được là nhờ “đàn kiến người” mà VM đã bố trí, khiến cho tiên đoán của giới pháo binh Pháp lỗi thời. Đó chính là yếu tố bất ngờ của trận đánh.
     Nói về lực lượng tăng cường để bổ sung những tổn thất, địch bố trí tại chỗ từ 6,000 tới 8,000 người để thay thế, nhưng chúng tôi được biết những đoàn quân đông đảo được lấy từ các trại đồn và những đơn vị địa phương quân tại Châu thổ BV, họ đang trên đường tới.
    Từ đó ta có thể kết luận, tới giữa tháng 2 (1954) VM chỉ đủ sức đánh một trận ngắn và với hỏa lực giới hạn bởi tiếp tế đạn dược mà họ có, cũng như số thiệt hại nhân mạng tối đa mà họ chấp nhận, từ khi có Hội Nghị Bá Linh (4), trước viễn tượng một trận tấn công quan trọng hơn nhiều và cần thiết, lâu dài hơn nhiều, muốn thực hiện nó họ chấp nhận trước tổn thất, hy sinh  rất nhiều  nhân mạng, bố trí những phương tiện chiến tranh rất lớn lao,  nhưng đã bắt đầu.
    Thật vậy những phương tiện mới xuất hiện từ từ trong trận đánh. Số súng cao xạ phòng không được chở tới từ Trung Cộng thành lập tiểu đoàn mới mà chúng tôi đã được báo tin. Sự tham dự những tiểu đoàn tối tân, được huấn luyện kỹ (gồm nhiều trợ pháo thủ Tầu) là yếu tố quyết định (5). Trong những ngày cuối của trận đánh, có dấu hiệu họ xử dụng hỏa tiễn địa không.
    Hỏa lực pháo binh tăng mạnh khi có thêm hai đội pháo 105 và sau cùng bởi dàn phóng hỏa tiễn theo kiểu “đàn orgue Staline”.
    Nói về đạn dược, số lượng ban đầu đã được tăng gần như gấp hai vào tháng 3. Tháng 4 số lượng được đem đến rất lớn, chúng tôi không có có dữ kiện chính xác. Chúng tôi chỉ biết số đạn pháo binh và súng cối nặng mà địch đã bắn trong suốt trận đánh hơn 200,000 quả.
    Sau cùng số quân tăng viện để bổ sung tổn thất lên dần tới hơn 25,000 người. Chính nhờ những phương tiện ngày càng quan trọng hơn mà VM có thể tiếp tục cung cấp, nuôi dưỡng trận chiến kéo dài với cường độ gia tăng, mà tuyệt đối ta không thể đương đầu như với số lượng ban đầu.
(1) Theo tài liệu trong nước (Lê Kim- “Điện Biên Phủ Nhìn Từ Hai Phía”, trang 39, in tại Sài Gòn 2004) VM có 24 khẩu pháo lớn (chú thích của người dịch)
(2) Đây chỉ là suy đoán của tác giả Navarre không có dẫn chứng, sự thực những khẩu pháo lớn này đã được kéo lên núi đồi bằng sức người (2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 308 và hàng nghìn người thuộc Sđ 312). Các tài liệu phía CS cũng như phía QG đều nói vậy, trong cuốn Lê Kim “ĐBP Nhìn Từ Hai Phía” kể trên, một cuốn sách tương đối đứng đắn ít tuyên truyền có nói rõ việc kéo pháo trầy da tróc vẩy tại  các trang 39, 40, 41. Phía Quốc gia trong “Quân Sử 4, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trong Giai Đoạn Thành Hình 1946-1955” Bộ TTM VNCH in 1972, trang 162, 163 cũng có hình ảnh và đề cập tới việc kéo pháo này.
  Một khẩu đại bác nặng từ 2 tấn rưỡi trở lên không thể tháo rời (démonter) khiêng lên những ngọn đồi núi cao từ 600 cho tới 1000 mét được như Navarre nói (chú thích của người dịch)
(3) VM đặt sung trong hang có thể kéo ra, kéo vào được y như trong phim Les Canons de Navarone quay 1961, do Gregory Peck, David Niven, Anthony Quinn đóng vai chính (chú thích của người dịch)
(4) Conférence de Berlin, có lẽ tướng Navarre nhầm, chắc là Conférence de Genève, Hội nghị Genève vì Hội nghị Bá Linh không liên quan gì tới chiến tranh Đông Dương (chú thích của người dịch)
(5) Chi tiết này trùng hợp với tiết lộ Trung cộng. Khoảng 1978, 79 sau khi Việt Cộng và Trung Cộng ẩu đả nhau, đàn anh tiết lộ nhờ họ viện trợ vũ khí nhất là phòng không đã đem lại thắng lợi cho VM tại trận ĐBP (chú thích của người dịch)
                                     Trận Đánh
   Đây chỉ là một bản tường thuật khách quan và vô tư về trận Điện Biên Phủ. Mô tả trận đánh này bằng cảm tưởng chính xác, chứng tỏ sự anh dũng trong chiến đấu, những nỗi gian khổ cam chịu và những hy sinh đã cống hiến chỉ có thể là tàc phẩm của những chính những người lính chiến, của những người đã sống, dưới đất hoặc trên không.  Với sự cố ý (của tác giả), sẽ không có ai được nêu tên: kể tên vài người sẽ phạm bất công với những người khác mà hầu như tất cả đều xứng đáng.
    Người ta cũng sẽ không thấy sự biện minh cho những quyết định liên quan đến việc chỉ đạo trận chiến. Để cho sự diễn tả được sáng sủa, những lời biện minh này sẽ được đặt ở cuối chương thì hay hơn.
                                          *  *  *
   Trước trận đánh một ngày (12 tháng ba), chúng tôi có tin tình báo khá đầy đủ về ý định của địch.
    Chúng tôi được biết từ ngày 13, các trung tâm kháng cự đơn độc (Béatrice, Gabrielle, Isabelle) sẽ được lần lượt thanh toán và cuộc tấn công vị trí trung ương sẽ tiếp theo sau đó. Có vài dấu hiệu cho ta suy đoán địch trù tính chiếm toàn bộ đồn lũy từ năm tới bẩy ngày.
    Trận đánh kéo dài từ 13 tháng ba cho tới 7 tháng năm, có thể chia sơ lược  thành một số giai đoạn như dưới đây.
    Trong giai đoạn đầu (từ 13 tới 15-3) địch tấn công và phá hủy các trung tâm kháng cự Bắc và Đông Bắc.
    Trong đêm 13 và 14, địch tấn công Béatrice và có ý định xuống Gabrielle.
    Gabrielle còn đứng vững nhưng Béatrice sụp đổ sau vài giờ giao tranh. Sự sụp đổ nhanh chóng một trung tâm kháng cự rất kiên cố và được một tiểu đoàn lê dương rất thiện chiến bảo vệ (tiểu đoàn III/13 D.B.L.E) trước hết là do tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và ông chỉ huy trung tâm thiệt mạng ngay trong khi đang sửa soạn khai hỏa đại bác, cả ba chết vì mảnh đạn pháo của địch xuyên qua lỗ châu mai quan sát. Do đó trong bộ chỉ huy y như rắn mất đầu. Không còn ai lãnh đạo cuộc phòng thủ, đạn pháo bắn theo yêu cầu không chính xác như đòi hỏi và không phản pháo được.
    Đêm hôm sau (14 tới 15), Gabrielle (do tiểu đoàn V/ 7e R.T.A) đến lượt bị tấn công bắt đầu lúc 20 giờ (8giờ tối). Lúc 22 giờ (10 giờ tối) bị chận đứng hoàn toàn bới pháo yểm trợ và hỏa lực kết hợp của phòng thủ. Tiểu đoàn trưởng phải bố trí lại và xử dụng phần lớn quân trừ bị. Địch tấn công tiếp vào lúc 2 giờ 30 khuya bằng những đơn vị mới và đặt chân được lên mặt Đông Bắc. Vào lúc 4 giờ 30, tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó bị thương nặng. Cũng như Béatrice hôm qua, không còn ai chỉ huy chiến đấu nên căn cứ bị địch tràn ngập. Còn lại một lực lượng khoảng một đại đội rưỡi còn bám trụ ở phía nam trung tâm kháng cự. Cuộc phản công có chiến xa yểm trợ được tung ra lúc 5 giờ 30 từ vị trí trung ương, tới 7 giờ thì tới sườn đồi phía nam của Gabrielle nhưng trước sự phản công dữ đội của địch không thể tới trung tâm kháng cự được và đành phải tiếp cứu đám tàn quân của doanh trại này.
    Sự sụp đổ của hai trung tâm kháng cự phía ngoài đưa tới những hậu quả nặng nề cho chúng tôi. Bố trí phòng ngự vòng ngoài phía Bắc, Đông Bắc của ta bị biến mất, đối phương sẽ mang pháo binh, cao xạ phòng không lại gần hơn.
    Chúng tôi bị thiệt hại nặng và đã xử dụng một số lượng đạn dược rất lớn, kho đạn của ta giảm nhiều, cần thời gian để làm cho đầy lại. Địch cũng tổn thất như vậy và cũng xử dụng nhiều đạn dược không thể tiếp tục tấn công ngay lúc này.
    Trong một giai đoạn hai (từ 16 tới 30 tháng ba) địch tăng viện để bổ sung tổn thất và tăng cường thêm kho dự trữ đạn dược. Phía chúng tôi tổ chức lại và tăng cường quân để bố trí.
    Từ ngày 13 tướng Cogny xin tôi cấp thêm ba tiểu đoàn nhẩy dù (trong số 5 tiểu đoàn trừ bị) để mở cuộc phản công chiếm lại những trung tâm kháng cự đã bị mất. Yêu cầu được chấp thuận ngay và ngày 14, 16 tháng ba hai tiểu đoàn (6e B.P.C và 5e B.P.V.N) đã được nhẩy xuống đồn lũy ngay. Đáng tiếc là đại tá de Castrie đã xử dụng gần hết quân trừ bị để bố trí và nay chủ lực quân không đủ khả năng thực hiện cuộc phản công mạnh. Kho đạn cũng hao hụt nhiều còn ít thôi. Vả lại, thời tiết rất xấu không thể xử dụng nhiều máy bay yểm trợ trong ba ngày. Sau khi hội ý với đại tá de Castrie, tướng Cogny hủy bỏ cuộc phản công.
   Vì có sự giao động trong các tiểu đoàn người Thái (1), một tiểu đoàn  trong số đó đã bỏ đi (3e B.T), ngày 18, trong số hai điểm tựa phía Bắc của trung tâm kháng cự Anne-Marie, mặt Tây Bắc của vị trí trung ương bị thu nhỏ lại: rút bỏ Anne-Marie, và hai điểm tựa phía Nam của nó được đưa vào Huguette. Sự bố trí của vị trí trung ương do đó được chỉnh lại để tạo một phòng tuyến gần như liên tục ở tất cả phía ngoại vi để chống lại mọi sự xâm nhập mà địch nay đang định tiến về phía phi trường. Sự liên lạc giữa vị trí trung ương và Isabelle được thực hiện hàng ngày nhưng trong những điều kiện ngày càng tạm bợ, địch đang tìm chen vào giữa hai phần này của chiến lũy.
   Một chiến dịch thực hiện tại các làng cách phía Tây ĐBP 2km, ở đó địch có đặt những khẩu phòng không loại nhẹ, đã gây nhiều thiệt hại trầm trọng cho VM và chúng tôi đã chiếm được nhiều đại liên 12 ly 7. Trong giai đoạn này việc tiếp tế bằng thả dù vẫn trong điều kiện bình thường mặc dù có phòng không địch.
   Việc di tản (thương binh) trái lại rất khó khăn chỉ thực hiện được bất ngờ và rất vội vã bằng những máy bay và trực thăng trong vài phút tại địa  điểm đã được dọn sạch bằng hỏa lực. Chẳng bao lâu, ban ngày không đáp được phải đáp ban đêm tại một đường bay không cắm mốc mà phi cơ phải đáp. Sau mấy ngày, mặc dù sự anh dũng của phi hành đoàn, phải từ bỏ tải thương. Trực thăng cuối cùng bị bắn hạ ngày 23-3 khi bay lên. Phi cơ cuối cùng chở đi 18 thương binh vào ngày 26-3.
   Về phía địch ráo riết bao vây xiết chặt gần chiến lũy, những hầm hố xuất hiện xung quanh và nhất là ở mặt Đông, phạm vi không phận dần dần bị đại bác và phòng không địch bao vây mà phản pháo và oanh tạc của phi cơ  Pháp không bịt mõm chúng được.
   Trong một giai đoạn thứ ba (từ 30 tháng ba tới 5 tháng tư) địch mở cuộc tấn công chiếm bớt mặt Đông của khu trung ương và chiếm một vị trí phòng thủ quan trọng ở mặt Tây bắc. Đó là giai đoạn chính của trận đánh.
    Chiều tối 31 tháng ba, Việt Minh mở cuộc tấn công dữ dội ở mặt Đông. Vị trí này bị sứt mẻ. Những trận đánh ác liệt diễn ra từ 31 tháng ba tới 4 tháng tư . Quân đội của chúng tôi –có vài đơn vị phải đương đầu với lực lượng đông gấp 7 lần – đã chiếm lại một phần những vị trí đã mất nhờ yểm trợ của pháo binh và không quân. Đáng tiêc hai điểm tựa cao, bao quát đã lọt vào tay địch, họ có thể đặt pháo binh và cao xạ cách phi trường và các vị trí pháo binh của chúng tôi chưa tới 1,500 mét , như thế nó đánh dấu bước đầu  sự sụp đổ của chiến lũy.
    Vả lại, một phần của tiếu đoàn Thái bỏ trốn (2e B.T.) đưa tới sự rút ngắn, co cụm của mặt Tây Bắc và khiến cho địch tại đó kéo pháo đến gần hơn. Thả dù ngày càng khó và kho đạn được xử dụng rất hạn chế. Ngày 3 và 4 tháng tư, một tiểu đoàn nhẩy dù thứ ba (II/1er R.C.P) được thả xuống để bù lại những tổn thất và khai triển bố trí.
   Giai đoạn thứ tư (từ 5 tháng tư tới 1 tháng năm) áp lực địch đè nặng mặt Tây Bắc và đồn lũy chết lịm dần bởi súng phòng không.
     Địch bị tổn thất ngoài mọi tiên đoán, chính họ cũng bị thiếu thốn đạn dược phải ngưng tấn công ồ ạt nhưng mỗi dêm vẫn ra sức đào giao thông hào tới gần hơn. Ngày 1 tháng năm toàn bộ hệ thống giao thông hào địch đạt tới vào khoảng 440 km.
    Sự xâm nhập của VM trên mặt Tây Bắc khiến cho việc tiếp tế cho các vị trí phòng thủ bảo vệ nơi đây dần dần không thực hiện được. Chúng tôi tiếp tục cuộc chiến dai dẳng bằng không quân nhưng địch gặm dần hệ thống phòng thủ và buộc chúng tôi phải bố trí co cụm dần.
    Phòng không địch ngày càng lại gần khiến cho việc thả dù ngày càng nguy hiểm hơn. Họ bắn trực xạ với khoảng cách gần hơn. Địch quấy phá liên tục khiến cho mọi việc cất cánh của các phi cơ, liên lạc, tiếp tế và lấy đồ thả dù phải trả giá cao. Tiểu đoàn dù thứ tư (2e.B.E.P) được nhẩy xuống ngày 11 và 12 tháng 4 giúp Pháp chiếm lại vị trí phòng thủ mặt Đông nhờ một cuộc phản công mãnh liệt không ngờ.
    Mặc dù màng lưới phòng không địch và diện tích chiến lũy thu nhỏ lại, trung bình một ngày thả xuống 100 tấn hàng cũng như tăng viện quân ngoài  lính dù (gồm các chuyên viên, pháo thủ).
   Trong giai đoạn này tình trạng cứu thương y tế ngày càng rất trầm trọng
 vì số thương binh nhập viện vượt quá xa khả năng của bệnh xá mặc dù đã được ước tính thật rộng lớn lúc ban đầu (2) và về sau mở rộng tối đa. Chúng tôi chịu một trở ngại lớn từ việc này.
    Trong những ngày cuối tháng tư, trời mưa khiến hầm trở thành bùn lầy khiến vài nơi hầm trú ẩn bị sụp đã làm tê liệt hoạt động của chúng tôi.
     Giai đoạn thứ năm là cuộc tổng tấn công trên khắp các mặt bố trí và sự thất thủ của đồn lũy.
    Những đợt khởi đầu của địch cùng lúc diễn ra, họ tái lập các đơn vị tăng viện mạnh để bù vào những tổn thất, bổ sung các kho đạn dược.
    Trước mặt họ chỉ là những đơn vị thiếu hụt, kiệt lực (3), pháo binh của chúng tôi bị hủy một phần, việc tiếp tế đạn yếu kém.
    Ngày 1 tháng năm bộ chỉ huy Việt Minh mở cuộc tổng tấn công. Sau những trận đánh kéo dài suốt ngày, vòng ngoại vi của vị trí trung ương bị sứt mẻ hết. Những trận phản công chỉ khôi phục cục bộ sự bố trí.
    Đứng trước sự lựa chọn, hoặc phải ngưng chiến đấu vì thiếu chủ lực   quân, hoặc tiếp tục thêm vài ngày bằng tăng viện, tôi quyết định theo yêu cầu của tướng Cogny, cho nhẩy dù thêm một tiểu đoàn thứ năm (1e B.P.C) từ ngày 2 tháng năm nhưng trước những khó khăn ngày càng nhiều vì diện tích để đổ quân ngày càng hẹp, chỉ có một nửa tiều đoàn là được thả xuống.
   Giữa ngày 3 và 6 tháng 5 tương đối lắng dịu rồi từ tối tháng 6 cho tới tháng 7 đồn lũy bị tấn công dữ dội tại toàn bộ vùng ngoại vi nhất là mặt Đông. Đồng thời địch pháo tới tấp xuống Isabelle khiến cho pháo binh tại đây bị phá hủy gần như hoàn toàn.
   Tới rạng đông, tình thế tuyệt vọng, địch tấn công liên tục không lúc nào ngớt cho tới khi kết thúc.
   Vị trí trung ương ĐBP sụp đổ vào ngày 7 tháng 5 trong khoảng 17 và 19 giờ. Không có đầu hàng, nhưng trận đánh tàn lụi dần khi các vị trí kháng cự bị tràn ngập.
   Đồn Isabelle dự định khi chập tối trốn đi nhưng thất bại. Ngày 8 tháng 5, lúc 2 giờ sáng mất liên lạc máy vô tuyến điện.
                                               *  *
   Thiệt hại của chúng tôi lên tới khoảng  16,000 người, trong đó có 1,500 bị giết và 4,000 bị thương (4). Nó bao gồm 16 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn nhẩy dù), 2 pháo đội 105 ly và một pháo đội 155 ly , một thiết đội và những đội thuộc những binh chủng và cơ sở khác (5).
   Tổn thất địch khó ước lượng chính xác. Một cuộc nghiên cứu chặt chẽ  ngay sau trận đánh cho ta xác định tối thiểu 20,000 người  bị loại khỏi vòng chiến, trong đó từ 10,000 cho tới 12,000 bị giết gần sự thật hơn và có lẽ còn thấp hơn nhiều.
   Về mặt số lượng tổn thất của Việt Minh trong mọi trường hợp cao hơn Pháp rất nhiều. Vế mặt phẩm nó cũng thiệt hại không kém, vì nếu chúng tôi mất những đơn vị tinh nhuệ (Lê dương- Bắc Phi- Nhẩy dù) thì địch cũng bị hủy hoại một phần lớn các sư đoàn xung kích (308 và 312) và mất những cấp chỉ huy ưu tú.
Chú thich.
(1) Các tiểu đoàn Thái mặc dầu chiến đấu xoàng nhưng cũng được đưa vào ĐBP để tham gia vào các hoạt động ngoại vi của chiến lũy (dò thám, tuần tiễu, liên lạc), họ rành về địa thế tại đây nên rất thích hợp với nhiệm vụ. Vào lúc trận tấn công coi như chắc chắn sẽ diễn ra, đại tá de Castrie đã nhiều lần hỏi tướng Cogny cho thay họ bằng những tiểu đoàn thiện chiến hơn trích ra từ Châu thổ BV. Việc thay thế này tôi đã đồng ý nhưng vẫn chưa được thực hiện khi địch tấn công (chú thích của tác giả)
(2) Khả năng chứa của bệnh xá đã được tính dựa trên căn bản của căn cứ Nasan (có cùng 12,000 chủ lực quân) rồi nhân lên 3 lần rưỡi .Từ 13 tháng ba cho tới 7 tháng năm , 3,000 thương binh đã được chữa trị trong các trạm giải phẫu. Có tất cả 1,000 ca mổ. Tỷ lệ thương binh chết trong các bệnh xá của đồn lũy là 12 trên 100. Số người chết cho tới 7 tháng 5 khoảng 1,500 người
Nhưng nhiều thương binh chết sau khi bị bắt giam (chú thích của tác giả).
(3) Những đơn vị Pháp (chú thích của người dịch)
(4) Theo Bernard B. Fall trong Hell in a Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu trang 448 nói VM có khoảng 8,000 chết, Pháp khoảng 2,000 người chết. Tính tới ngày 8 tháng 5 phía người Pháp có tổng cộng 2,242 người chết
6,463 người bị thương 3,711 người mất tích, 6,500 người bị bắt làm tù binh vào ngày 7 và 8 tháng 5 (trang 484). Theo tác giả Cao Thế Dung trong cuốn Viêt Nam 30 năm Máu Lửa, phần nói về trận ĐBP cho biết phía VM không có cứu thương y tế nên số tử vong rất cao, Trung Cộng chỉ viện trợ hai bác sĩ cho cả chiến trường
   Theo yahoo.fr , La Bataille de Dien Bien Phu , phía người Pháp có 2,293 người chết, 5,195 bị thương, 11, 721 bị bắt làm tù binh, chỉ có 3,290 sống sót trở về Pháp. Phía Việt Minh chết trong khoảng 23 và 25,000 người, khoảng 15,000 bị thương (theo ước lượng của Pháp). Phía VM nói họ chết 4,020 ngừoi, 9,118 bị thương (chú thích của người dịch)
(5) Tính theo tỷ lệ chủ lực quân toàn Đông Dương, tổn thất của chúng tôi dưới 5 phần 100 (chú thích của tác giả).
                  Hoạt Động Của Không Quân
    Từ dầu tháng mười một 1953 không quân đã tham gia phục vụ trận Điện Biên Phủ. Nó tăng cường hoạt động hàng ngày, nó kéo dài cho tới khi đồn lũy thất thủ. Nó kéo dài thậm chí tới đầu tháng sáu, bởi vì chính không quân đã chu toàn nhiệm vụ hãm bớt đà quay trở về Châu thổ BV của Quân đoàn VM.
    Đồng thời với mặt trận ĐBP, không quân cũng tham gia những mặt trận khác: Châu thổ BV, Thượng, Trung và Hạ Lào, Cao nguyên và vùng Atlanta (chiến dịch), Nam VN, Miên. Tuy nhiên từ tháng mưới một (1953) cho tới tháng năm (1954), ĐBP so với toàn bộ Đông dương vẫn được ưu tiên về không quân nhiều nhất trừ thời gian ngắn khi Thượng Lào bị Sư đoàn 308 đe dọa.
    Không quân tại Đông Dương gồm:
   –Vận tải có 75 chiếc C47 (Dakota) từ khởi đầu cuộc chiến lên tới 100 từ ngày 1 tháng hai. Cùng với những phi cơ quân sự này, còn có 16 máy bay dân sự Mỹ C119 (Packet) do đoàn  Cọp Bay của tướng Chenault lái cũng như nhiều máy bay dân sự  đủ loại do đường bay quốc nội Đông dương cung cấp.
   –Oanh tạc được thành lập từ đầu bằng 48 oanh tạc cơ B26, 8 oanh tạc cơ Privateer và 112 oanh tạc cơ chiến đấu Hellcat, Beercat và Corsair . Tất cả là 156 cái (1). Số phi cơ tăng lên trong cuộc chiến, cuối cùng lên tới 227 chiếc.
   Từ những con số này ta phải khấu trừ tổn thất tất cả các loại trong trận so với toàn bộ không quân Đông Dương (11 vận tải, 54 oanh tạc cơ) đến độ ta không bao giờ có hơn 90 máy bay vận tải quân sự và 175 oanh tạc cơ để xử dụng.
   Gần như tất cả những máy bay vận tải quân sự và Packet Mỹ được xử dụng tại Điện Biên Phủ. Việc vận tải cho những mặt trận khác hầu như chỉ do máy bay dân sự.
    Riêng về oanh tạc cơ, có hơn hai phần ba (2/3) đặt dưới sự điều động thường trực của tướng Dechaux phụ trách việc yểm trợ cho ĐBP. Một phần ba còn lại phụ trách toàn bộ những mặt trận khác gồm đa số những máy bay mà tính chất và tình trạng máy móc không xử dụng được tại ĐBP. Tuy nhiên so với tỷ lệ các máy bay được duyệt xét, số máy bay hằng ngày sẵn sàng dành cho trận ĐBP không khi nào vượt quá từ 75 tới 80 oanh tạc cơ. Ngoài ra những máy bay này không thể cung cấp hiệu quả tôi đa vì lý do không đủ nhân số phi hành đoàn và đội ngũ những người bảo trì
   Nhiều sự lệ thuộc đã làm giảm hiệu lực của không quân.
   Đó là vì chỉ có tại Châu thổ BV những địa thế được trang bị đầy đủ. Chỉ có tại Châu thổ BV những địa thế có thể thiết lập cơ sở không quân, trừ  một vài máy bay được lấy từ những đường bay xấu tại Vạn Tượng và Cánh đồng Chum. Thế mà Châu thổ BV chỉ được đánh giá thường trong việc yểm trợ khẩn trương bằng không quân cho ĐBP mà chúng tôi phải khai triển.
    Thế đất bay từ Châu thổ tới ĐBP là một thế đất gồ ghế hỗn tạp khiến phi cơ phải bay cao. Dự báo thời tiết luôn luôn xấu. Mưa phùn tại Châu thổ BV trong vài thời điểm khiến cho việc đi về khó khăn. Những đám mây nguy hiểm thường xuất hiện trên lộ trình. Sương mù khô (2) đôi khi bao phủ trên lòng chảo ĐBP. Hạ tầng hệ thống máy vô tuyến truyền thanh yếu kém của chúng tôi cũng gây thêm khó khắn.
    Tuy nhiên sự bất tiện chính là khoảng cách. Khoảng cách này là 350 km. Nó có thể chấp nhận được nếu cuộc chiễn diễn ra trong thời gian ngắn mà ta nghĩ giao chiến với một kẻ địch không có súng phòng không tối tân. . Nhưng nó sẽ trở ngại lớn đối với trận chiến kéo dài và những mục tiệu có phòng không hữu hiệu bảo vệ.
    Cùng với khó khăn kỹ thuật thêm vào đó còn khó khăn chiến thuật do diễn tiến mặt trận dưới đất.
    Sự hiện diện của một hệ thống phòng không ngày càng hữu hiệu tại lòng chảo ĐBP và bờ xung quanh đã buộc phi hành đoàn của chúng tôi phải vượt qua màng lưới dầy đặc y như màng lưới bảo vệ một số địa điểm trọng yếu tại chiến trường châu Âu những ngày cuối của cuộc chiến 1939-1945.
    Sự thu hẹp ngoại vi của đồn lũy khiến cho các vị trí phòng thủ ngày càng khó khăn.
   Sau cùng cách ngụy trang khéo léo và phân tán của Việt Minh, khả năng thích hợp, tài sửa đường nhanh chóng khi bị phá hủy khiến cho nhiệm vụ không quân càng phức tạp hơn. Như thế, thiếu phương tiện và sự lệ thuộc vào việc xử dụng, không quân đã không đóng vai trò quyết định trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc chiến.
                                          *  *  *
    Tấn công các đường giao thông đã đem lại từ đầu chí cuối những kết quả thất vọng nguyên do VM đã vượt trở ngại việc cắt đường, họ sửa rất nhanh  trong mọi trường hợp khiến ta không thực hiện được. Chúng ta đã không ngăn chặn hay –ít nhất làm chậm lại – sự bố trí của Quân đoàn địch quanh ĐBP, ta đã không làm chậm lại việc tiếp tế đều đặn của địch. Sự yếu kém về phương tiện của ta là nguyên nhân chính của sự thất bại này.
    Chỗ dựa trực tiếp của bộ binh nó cũng chỉ cho kết quả thật tầm thường.
   Nguyên do chính ở sự nguỵ trang hoàn hảo và sự bảo vệ các tổ chức địch. Nhất là những khẩu pháo, mục tiêu chính, được bảo vệ tối đa, chỉ phát hiện được trong thời gian chúng bắn, dù bom cỡ lớn cũng không diệt được,chúng  không bị phá hay vô hiệu hóa (3)
    Hơn nữa, tiếp tế bằng thả dù, nhiệm vụ chính cần ưu tiên cần hỏa lực bảo vệ máy bay vận tải chống màng lưới phòng không dầy đặc vô cùng nguy hiểm.
    Trinh sát và quan sát bị giảm hiệu lực nhiều vì vì địa thế, cây cối dầy đặc, khí hậu, ngụy trang và nhất là cường độ phòng không.
   Tuy nhiên nó cũng cho nhiều tin tình báo về sự di chuyển quân của địch cũng như xâm nhập bố trí quanh đồn lũy nó đã cung cấp những tài liệu bằng hình rất quan trọng (đặt pháo, hầm hố…) vô cùng lợi hại.
    Đáng tiếc là nó không đóng vai chính một cách hiệu lực đó là điều khiển pháo binh tác xạ và máy bay ném bom
    Vận tải đóng vai chính bằng cung cấp cho đồn lũy những tăng viện và tiếp tế cần thiết, trọng tải hàng ngày mà nó đã bảo đảm cho thấy gần hai gấp hai số lượng đã được ấn định lúc ban đầu. Vận tải đã hoàn thành nhiệm vụ trong những điều kiện vô cùng cam go. Một nhiệm vụ cho thả dù xuống ĐBP, đó là sau một hành trình luôn khó khăn (địa thế gồ ghề, thời tiết, mây mù):  “bay một vòng đợi, đi vào phía đã được lệnh, bay trên đường đã định, hướng mũi tầu cố định, quẹo khi bắt buộc, ở độ cao đã cho” (4)
    Như thế là “đi vào trước mũi súng phòng không địch bốn lần” (4),  thế mà phi hành đoàn phải thực hiện ba nhiệm vụ một ngày.  “Người ta đã thấy nhiều cầu không vận, nhất là cầu không vận Miến Điện và Bá Linh nhưng người ta chưa hề thấy như ở đây (tức ĐBP), dẫn tới tầm đạn cao xạ của địch” (4)
    Khu vực thả dù ngày càng thu hẹp, và sau cùng đồn lũy không thể thu nhặt đều đặn đồ tiếp tế nữa, nó đã làm giảm kết quả những nỗ lực anh dũng này. Tuy nhiên trọng tải hàng hóa thả dù bị thất lạc không bao giờ quá 30% trong suốt những ngày cuối cùng của cuộc chiến, và số trung bình chưa tới 20%, trong đó chỉ có một số ít hàng bị lọt vào tay địch trong trận đánh.
    Chính nhờ không vận mà Điện Biên Phủ đã có thể cầm cự được năm mươi sáu ngày, thật đáng tôn kính.
   Thiệt hại của chúng tôi tại mặt trận ĐBP gồm 36 máy bay bị bắn hạ khi đang bay hoặc bị phá hủy ở dưới đất; 150 máy bay bị trúng đạn phòng không. Thiệt hại về nhân sự gồm 79 người bị giết và mất tích (Bộ Không quân và thủy phi cơ)
(1) Thực ra là 168 chiếc, có lẽ tác giả tính nhầm (chú thích của người dịch)
(2) Hiện tượng gây lên bởi sức nóng thường thấy ở miền Thượng du (chú thích của tác giả)
(3) Chúng tôi đã xử dụng bom lửa tối đa trong khả năng, nhưng kết quả yếu kém vì rừng cây quá rậm rạp (chú thích của tác giả)
(4) Trích trong bài của tướng Lauzin, Tư lệnh Không quân Đông dương, trong Tạp chí Les Ailes (chú thích của tác giả)
             Chỉ Đạo Cuộc Chiến
    Trận ĐBP có thể được lãnh đạo khác hơn như thế không? Người ta  phải tăng viện, như đã làm, cho đồn lũy và kéo dài cuộc kháng cự gần như tuyệt vọng hay không? Hay đúng hơn có thể phải di tản sớm hơn? Có thể giải cứu từ bên ngoài hay không? Có nhiều câu hỏi cần giải đáp.
   Tăng viện và kéo dài cầm cự
    Béatrice và Gabrielle thất thủ ngày từ ngày 15 tháng ba đã đưa tới khủng hoảng vô cùng trầm trọng. Trước hết là khủng hoảng tinh thần vì cấp thừa hành nhận thức một cách phũ phàng về sức mạnh của địch, mặc dù đã cảnh giác trước về nó từ ba tháng  qua, trong chiều hướng mà cấp chỉ huy cũng đã linh cảm trước nhưng không biết đúng sự thật. Xúc động mạnh về tâm lý tạo kinh ngạc khiến nhiều người cảm thấy bất lực và nghi ngờ khả năng phòng thủ. Từ quá tự tin bỗng mọi người chán nản bi quan.
   Chiến thuật cũng bị khủng hoảng, sự sụp đổ một phần lực lượng bố trí của ta, sự xiết chặt của địch, hỏa lực phòng không ngăn chận và những trận pháo kích mà phi trường phải chịu đã báo cho người ta thấy trước sự sụp đổ của đồn lũy nếu nó không được bên ngoài yểm trợ hoặc phải tự giải cứu mình.
    Vì tiềm lực không quân yếu, thời hạn cần thiết để tập hợp mọi phương tiện để giải cứu dù bằng hình thức nào ít nhất cũng mười lăm ngày. Mà rõ ràng là khả năng cầm cự của Điện Biên Phủ nếu không được tăng viện thì không thể giữ được trong khoảng thời gian này.
   Lại nữa tiên đoán những cuộc tấn công cấp kỳ tiếp theo của địch, ta cần che đậy sự chán chường của quân trú phòng bằng cách chống lại sự xúc động tâm lý. Những tiểu đoàn mới được đưa tới cho họ thấy tình thế không phải là hết lối thoát và đồn lũy không bị bỏ rơi (1)
   Mới đầu quyết định tăng viện cho ĐBP bằng nhẩy dù tới giới hạn là ba tiều đoàn để khả dĩ cho phép đại tá de Castrie có thể lấy lại các trung tâm phòng thủ đã mất nếu không thì ít ra cũng giữ được.
    Sau khi thả dù ba tiểu đoàn đầu tiên, những tổn thất (của ĐBP) cần gửi tăng viện liên tiếp. Để khỏi tiêu hao những tiểu đoàn dù còn lại mà nó cẩn để mở hành quân giải cứu, những đợt tăng viện mới đầu bằng những người riêng rẽ, trước hết có bằng nhẩy dù, rồi những người tình nguyện chỉ được huấn luyện tối thiểu dưới đất. Số tình nguyện vượt quá xa nhu cầu. Cần chưa tới 500 người để thả xuống, có 1,800 trình diện xin đi trong đó 800 là người Pháp, 450 Lê Dương (2), 400 Bắc phi, và khoảng 150 người Việt. Trong đó có người là thư ký, tùy phái, những người đủ điều kiện hồi hương ở lại thêm.
    Trong những ngày cuối cùng của trận đánh, chiến dịch giải cứu không thực hiện được vì những lý do sẽ được nói tới sau, một tiểu đoàn nhẩy dù cuối cùng đã được thả xuống mục đích để đồn lũy giữ thêm mấy ngày (3)
Người ta vẫn thường hỏi tại sao có sự nhiệt tình kéo dài kháng cự? Câu hỏi này chỉ được đặt ra- và nhất là đôi khi được giới quân sự đặt – đo lường sự suy thoái tinh thần giới quân sự ở vài nơi. Trong một quân đội có vài truyền thống tinh thần cao mà sự quên lãng tất nhiên có nghĩa là sự kết thúc của quân đội ấy. Không đầu hàng mà không tận dụng tất cả những phương tiện
đã có trong chúng ta, đó là một trong những truyền thống ấy. Những người lính bảo vệ ĐBP phải giữ nó bằng mọi giá.
    Tôi đã chẳng vì danh dự của quân đội làm nguyên do ra lệnh kéo dài chiến đấu, tôi sẵn sàng làm thế cho dù phải đau lòng với quyết định này. Nhưng những lý do cụ thể đòi hỏi ta phải làm thế.
   Trước hết chính phủ không loại trừ khả năng, từ ngày khai mạc hội nghị Genève “một cuộc ngưng bắn ngay” do phía bên kia (CS) đề nghị, do một cường quốc trung lập hay do chính chúng ta. Nó đã cứu được doanh trại mà sự kháng cự đã là lá bài hàng đầu cho các nhà thương thuyết phía ta. Vì sự đồng tình với Chính phủ mà trận đánh đã kéo dài tối đa trong niềm hy vọng đó.
    Một lý do khác là sự cần thiết làm chậm lại chừng nào hay chừng nấy – và nếu có thể được cho tới những trận mưa rào mùa xuân – khi mà Quân đoàn VM sau ĐBP được rảnh tay nó sẽ quay về Châu thổ Bắc kỳ. Nhận định này do tướng Cogny, trong bức thư ngày 3 tháng năm còn xin tôi tiếp tục cho “kháng cự tại chỗ cho tới khi cạn kiệt súng đạn, tiếp liệu .. duy trì tối đa khả năng sẵn có” để mà “thực hiện sự kéo dài thời gian cầm chân Quân đoàn VM” mà ông đánh giá “môt điều quan trọng hàng đầu để bảo vệ Châu thổ Bắc kỳ”
Chú thích.
(1) Quyết định này đã được Đại tướng Ely, TTM trưởng đánh điện tín chấp thuận (chú thích của tác giả)
(2) Lính Lê dương phần nhiều là người Đức đi lính cho Pháp (chú thích của người dịch)
(3) Việc nhẩy dù xuống ĐBP, mà cho dù là những người nhẩy có bằng hoặc những người tinh nguyện không được huấn luyện là một hành động anh dũng mà không có gì đáng kính phục hơn. Có một ký giả vô ý thức đã viết là “bệnh hoạn, nhợt nhạt” và coi đó là “những anh hùng thập cẩm không có cách nào hơn là tự tử”. Mặc dù tôi đã cố gắng hết mình, nhưng không xin được lệnh của Chính phủ – đáng tiếc thay nó cần thiết khi có bằng chứng về báo chí- để truy tố người này ra trước Tòa án quân sự, tòa sẽ dựa vào một điều khoản chính số 6 để buộc tội y. (chú thích của tác giả)
     Di tản
    Đồn lũy ĐBP như đầu tiên được nhận định là để ngăn chận đường đi Thượng Lào của Sư đoàn 316 tăng viện nghĩa là chống lại một sư đoàn lớn nhưng nó không có vũ khí nặng.
   Có lẽ ta có thể di tản đầu tháng 12 (1953), chúng ta đã nhận được những tin tình báo có thể có sự kéo đến toàn bộ hay một phần của các Sư đoàn 308, 312 và Sư đoàn nặng (đại bác, cao xạ) 351. Sự di tản đúng lý phải thực hiện trước ngày 10-12 vì sau ngày này Sư đoàn 316 đã tới gần ĐBP, di tản sẽ không thể tránh thiệt hại nặng.
   Thế mà ngày 10-12 (1953) tình báo chưa cho biết khoảng hai sư đoàn tiến về hướng Tây bắc và đó không phải là toàn bộ lực lượng ấy đi về phía ĐBP. Một phần có thể hướng qua Sầm Nứa về Cánh đồng Chum. Sự đe dọa tại ĐBP vẫn chưa được thể hiện toàn bộ và những cái ta biết không thể biện minh tí nào cho quyết định di tản.
    Vả lại nếu rút bỏ ĐBP có nghĩa là từ chối bảo vệ Thượng Lào, dù ta bỏ không đánh hoặc dù ta hoãn lại phòng thủ Luang Prabang, Vạn Tượng, giải pháp mà tôi nói ở trên chắc chắn không có hiệu lực. Đó chính là từ bỏ nhiệm vụ. Đó là cuộc bỏ chạy đáng xấu hổ, nó không xứng đáng với uy tín của nước Pháp và sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Sau cùng trong mọi trường hợp từ hai tới ba tiểu đoàn và hầu như toàn bộ vũ trang sẽ bị mất.
    Cuối tháng 12 (1953), áp lực tại ĐBP rất nặng nề. Nhưng từ lúc này vì lý do chủ lực quân địch rất đông đảo đã bao vây đồn lũy, không thể tính chuyện di tản bằng đường bộ hay đường hàng không. Vả lại viện trợ của Tầu tăng mạnh, rất quan trọng đến độ không còn tính hàng loạt như trước khi xẩy ra trận đánh và nhất là trong trận đánh. Mối nguy đưa tới không thể biện minh, vào lúc này, để chúng ta bỏ vị trí chiến lược cần thiết và coi như có cơ hội giữ nó để chấp nhận một cách chắc chắn những hậu quả tất yếu của một cuộc rút lui: sự thê thảm của hậu quả chiến lược, chính trị, tinh thần, bỏ lại tất cả vũ khí và thiệt hại lớn lao về nhân mạng (1)
    Tuy nhiên tôi đã nghiên cứu việc ngẫu nhiên này nhưng chỉ riêng khi nào
Tình hình đồn lũy trở nên rất nguy kịch. Ý kiến của tướng Cogny rất rõ ràng. Ông viết thư cho tôi ngày 21-1(1954) “Tôi khẩn khoản xin ông để giữ lại ý định bảo vệ căn cứ ĐBP bằng mọi giá”. Ông nhắc lại với tôi chính quan điểm này trong một bức thư từ ngày 9-1, xin tôi đừng làm tổn hại tinh thần của đồn lũy bằng dự tính rút bỏ nơi đây “mọi người đang phấn khởi vì hy vọng cuộc phòng thủ thắng lớn”. Vài tuần trước cuộc tấn công, ông đã đề nghị với tôi một kế dụ cho địch đánh (mà tôi không theo).
   Tới 15 tháng ba, niềm tin hoàn toàn vào lối thoát của cuộc chiến không những chỉ có tướng Cogny và Dechaux, hai người chỉ đạo cuộc chiến, nhưng tất cả cấp thừa hành. Ngày 4-3, sau khi tôi quan sát đồn lũy lần chót trước cuộc tấn công mà chúng tôi biết đã gần kề, tôi đã hỏi nhiều cấp chỉ huy các đơn vị và thấy họ tin tưởng tuyệt đối. Trước khi đi, về phần tướng Cogny và đại tá de Castrie, tôi hỏi họ cho biết cảm tưởng thật khách quan. Đại tá de Castrie trả lời như sau “Sẽ rất cam go nhưng chúng tôi giữ được nếu các ông có hai hay ba tiểu đoàn trừ bị để tăng viện cho chúng tôi (đã được gửi). Về phấn tướng Cogny, ông nói “Chúng ta tới đây để buộc Việt Minh phải giao chiến” (đó là quan điểm của ông hơn là của tôi) “Không nên làm cho địch bỏ cuộc tấn công”. Nhiệm vụ kháng cự không lùi bước đã được giữ. Ngày nay tôi vẫn còn cho rằng không có giải pháp nào khác hơn thế. Một khi đã giao chiến, rút lui sẽ làm sụp đổ hoàn toàn doanh trại. Nó chỉ có thể tiên liệu chuẩn bị chiến dịch lấy tên Albatros khi rất nguy kịch. Khi mà sự kéo dài phòng thủ không thể thực hiện được nữa.
    Tướng de Castrie đã tiên liệu để phân thành ba nhóm độc lập, lần lượt các hướng Tây Nam, Nam và Đông Nam. Những thương binh và vài đơn vị bảo vệ phải ớ tại chỗ theo lệnh trực tiếp của ông. Đại tá Créveccoeur, tư lệnh các lực lượng tại Lào về phần ông đã đưa tới gần ĐBP những đơn vị chính qui và phụ lực quân trên một mặt trận rộng lớn để đón những đoàn quân có thể thoát ra khỏi đồn lũy. Người ta cũng tổ chức cho những máy bay trinh sát hướng dẫn đường và tiếp tế bằng thả dù cho những đoàn quân này.
    Trong đêm 6 và 7 tháng năm, cảm thấy thua trận, tướng de Castrie quyết định với sự đồng ý của tướng Cogny và tôi, thực hiện rút chạy tối hôm sau nhưng cuộc tấn công liên tục của VM đã khiến khu trung ương thất thủ từ xế trưa ngày 7.
    Đồn Isabelle dự định rút đi lúc chập tối 7 và 8. Họ đụng phải quân phục kích của VM khắp mọi hướng và đã thất bại, chỉ còn vài chục người sang được Thượng Lào.
Chú thích
(1) Tháng 4-1956, tướng Giáp trả lời phỏng vấn chủ bút tờ Paris –Match, ông cho biết  quân Pháp không thể rút khỏi ĐBP qua khu rừng Thượng Lào được (chú thích của tác giả).
    Giải vây
   Muốn giải vây ĐBP, người ta có thể dự liệu hoặc bằng không quân ồ ạt hay bộ binh.
   Giải thoát bằng chiến dịch thuần túy không quân có thể được nếu bằng những phương tiện lớn lao. Số lượng của không quân ta còn lâu mới thực hiện được chiến dịch lớn như vậy. Chỉ có một lực lượng không quân có thể thực hiện những hiệu quả cao hơn nhiều mới có thể đạt kết quả bằng tấn công hoặc đường giao thông, hoặc pháo binh hay phòng không địch.
   Vì thế một cuộc tấn công ồ ạt của không quân Mỹ đã được dự tính trong một khoảng thời gian ngắn. Báo chí đã nhiều lần ám chỉ đến nó tại Pháp và Mỹ. Tôi xin nói dưới đây về diễn tiến sự việc theo tôi biết.
    Những ngày đầu tháng tư, tôi biết lời đề nghị của Hoa Thịnh Đốn mà tướng Ely đi công tác tại đó, do một sĩ quan gửi trực tiếp  cho tôi ngay rằng Ngũ giác đài nhận định vì Trung cộng can thiệp trực tiếp nên Mỹ cũng có quyền làm thế, ông Foster Dulles (ngoại trưởng), người tán thành sự can thiệp ngày 5 tháng tư đã tuyên bố trong một cuộc điều trần nổi tiếng trước Ủy ban ngoại vụ Hạ viện Mỹ, ông cho biết viện trợ Trung cộng có tính trực tiếp nhất là sự hiện diện của một số pháo thủ phòng không người Tầu trong những dàn pháo quanh ĐBP (1)
    Đại tướng Ely đã yêu cầu tôi phải cho ông biết quan điểm gấp, tôi trình bầy ý kiến cần một cuộc tấn công ồ ạt của không quân Mỹ, nếu thực hiện gấp, để cứu ĐBP. Theo tôi biết ông Tổng cao ủy và cả tôi không hề nghĩ sự can thiệp của Mỹ trên đất VN có thể đưa tới nguy cơ mở rộng cuộc chiến. Tại Triều tiên cũng như khi Bá linh bị phong tỏa, phía CS đã không gây thế chiến mà lúc này họ không muốn.
    Chính phủ Pháp cho tôi biết họ chia xẻ ý kiến này và xin can thiệp. Nhưng hình như họ chỉ nói trên đầu môi chót lưỡi cho có lệ chứ không tha thiết.
    Kế hoạch yễm trợ không quân được thảo luận tại Hà Nội, Sài gòn với các tướng lãnh không quân Mỹ thuộc Thái bình Dương, trong khi đó, họ được lệnh tiếp xúc với tôi. Người ta có thể huy động khoảng 300 chiến đấu oanh tạc cơ từ hàng không mẫu hạm và 60 oanh tạc cơ hạng nặng từ Phi Luật Tân. Vì lý do hệ thống radar hạ tầng cơ sở của chúng tôi thiếu thốn, không thể nói đến yểm trợ sát ngay trên đồn lũy (ĐBP), trên các khẩu pháo hay cao xạ địch  nhưng tấn công các đường giao thông nhất là căn cứ Tuần Giao là có thể được, theo ý kiến các tướng lãnh Mỹ có thể hữu hiệu.
    Lệnh thi hành không hề được ban ra.
    Vấn đề được giải quyết công khai, phía tây phương bao giờ cũng thế . Các nghị viên bị tác động tại Hoa Thịnh Đốn và Paris, họ đã tác động lên các chính phủ. Báo chí phổ biến rộng rãi, điều đó dễ hiểu.
    Sau thời gian dài do dự – chính vì kéo dài khiến cuộc tấn công giảm hiệu lực nhiều- chính phủ Mỹ không muốn vào con đường đã được các cố vấn quân sự cổ võ.
    Bây giờ phải dấu diếm sự rút lui. Muốn vậy người Mỹ tuyên bố rằng sự can thiệp của họ cần phải có những nước khác chấp nhận cùng tham gia với Mỹ. Thật ra họ tìm một cớ ở phía người Anh mà không có nước này không  mặt trận liên minh nào ở Á châu có thể thành. Người ta đòi hỏi sự đồng ý của họ – nếu không chỉ là tham gia tượng trưng – và họ lấy cớ bị khước từ mà người ta biết chắc từ trước để từ chối.
    Sự tránh né của Anh – Mỹ đã gợi ra tại Đông Dương phía người dân cũng như lính một sự xúc động sâu xa về tinh thần.
    Chứng cớ rõ ràng là chúng ta chiến đấu đơn độc. Nước Mỹ chỉ muốn nhận những nguy cơ giới hạn nhỏ và chỉ giúp tài chính. Vả lại chính sách này tự thú nhận, bằng tính ngây thơ đáng mỉa mai, qua lời phó tổng thống Nixon trong một bài diễn văn ngày 20-4 (1954) tại Cincinnati “mục đích được định ra là Chính phủ chủ trương một chính sách không gửi lính Mỹ sang chiến đấu ở Đông dương hay nơi nào khác”. Thật hết ý kiến! Còn về nước Anh, họ không muốn tí nguy hiểm nào cả.. Đó là họ muốn chúng ta chiến đấu không công bảo vệ quyền lợi cho họ tại Đông Nam Á.
    Trước khi nghiên cứu khả năng mở cuộc giải vây dưới đất, cũng ghi nhận một giải pháp đôi khi có thể coi là khả thi. Nó bao gồm thả những tiểu đoàn dù bên ngoài đồn lũy (ĐBP) và họ sẽ tác chiến ngay sau lưng Quân đoàn VM đang bao vây.
    Giải pháp này – đã được nghiên cứu kỹ – nhưng tuyệt đối không thực hiện  được. Mọi sự đều không thuận lợi: địa thế không cho phép những cuộc nhẩy dù lớn ở khoảng cách thích ứng với đồn lũy và không đủ phương tiện vận chuyển không quân, nó không cho phép ta thả những đơn vị trong những điều kiện thuận lợi. Nếu chúng ta xử dụng vài tiểu đoàn dù cho mục đích này chắc chắn sẽ bị thiệt hại, không có ích lợi gì .
    Còn lại vấn đề giải cứu dưới đất. Việc giải cứu ĐBP có thể được dự liệu hoặc từ Thượng Lào, hoặc từ Châu thổ BV.
    Từ Lào, một chiến dịch được đặt tên là Condor đã được sửa soạn từ 15 tháng 12-1953. Nó gồm đem lực lượng của ta từ Thượng Nam Ou sang vùng Nga Na Son (cách phía nam ĐBP 25 km) ở đó có những vùng nhẩy dù loại thường nhưng hữu dụng, bằng cho nhẩy dù một lực lượng tăng cường quan trọng, rồi tiến tới ĐBP để phá vòng vây. Chiến dịch thể hiện những trở ngại nghiêm trọng trước hết do thế đất khó khăn giữa Nga Nam Sơn và ĐBP nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được.
    Từ ngày 15 tháng ba điều lo âu chính của tôi là tổ chức và thực hiện nó. Nhưng khả năng có thể thi hành được gặp trở ngại vì thiếu tiềm lực không quân, nhất là lãnh vực vận tải. Thật vậy, nhịp độ không ngờ của mặt trận, việc tái cung cấp cho đầy các kho tại đồn lũy sau cuộc khủng hoảng ngày 13, 14 tháng ba đã cần những phương tiện hơn gấp đôi dự kiến của tướng Cogny (200 tấn một ngày thay vì 96). Việc chuyên chở này đã xử dụng tới hầu như toàn bộ phương tiện không quân. Chỉ tới đầu tháng tư, một khi việc tiếp tế đồn lũy gần xong thì chiến dịch Condor mới được dự liệu.
    Những kết quả mong đợi là nhiệm vụ các lực lượng bộ binh sẽ tham chiến. Cần từ 15 tới 20 tiểu đoàn để kế hoạch được hữu hiệu. Thế nhưng khả năng của không quân chỉ có thể chuyên chở tối ta 7 tiểu đoàn để bảo toàn ĐBP. Những lực lượng chủ lực quân này không đủ để giải cứu thực sự cho đồn lũy. Vả lại có thể là địch sẽ lấy bớt một ít đơn vị trong Quân đoàn bao vây làm giảm bớt áp lực. Nó là ý kiến riêng của Cogny có chút định kiến về về vấn đề.
    Ngày 6 tháng tư, cần phải quyết định thực hiện trong thời hạn khoảng mười ngày, một chiến dịch đưa bốn tiểu đoàn phát xuất từ Thượng Nam Ou và ba tiểu đoàn nhẩy dù thả xuống sát ĐBP. Ngày 12 tháng tư tướng Cogny vì nhu cầu tái lập tiếp tế đồn lũy một lần nữa, ông đòi xếp lại kế hoạch. Ngày 15 tháng tư cùng lý do đó, ông lại yêu cầu chiến dịch được hoãn lại, lại nữa thành lập trừ bị để có thể lấy đi khỏi Châu thổ Bắc kỳ, nới đây khó xẩy ra trận đánh, ba tiểu đoàn dù cho chiến dịch.
   Từ ngày 15 tháng tư, cường độ không vận trên ĐBP thu hút nhiều phương tiện của ta đến nỗi những điều kiện mà chiến dịch Condor đòi hỏi không thể thực hiện được.
    Những đơn vị từ Thượng Lào tiến hành để tạo cơ sở khởi động cho chiến dịch, nếu thực hiện được hay ít ra là một căn cứ tiếp đón trong trường hợp họ có thể thoát ra được, nó coi như cái nền, chân của chiến dịch trong trường hợp ĐBP thất thủ, để có thể đón nhận tàn quân từ mặt trận nếu chiến dịch Albatros được tiến hành.
     Một chiến dịch giải cứu từ Châu thổ BV chỉ có thể được nếu chận đánh các đường giao thông địch vì ĐBP quá xa để tiên liệu tấn công Quân đoàn bao vây.
    Ngay sau khi xác định được di chuyển của Quân đoàn VM tại Thượng du, tôi đã lệnh cho Cogny nghiên cứu và đệ trình với phương tiện sẵn có, về những hoạt động tác chiến đến hậu phương địch mà ta có thể   phát dộng được.
   Chận đánh đường giao thông (Lạng Sơn –Thái nguyên – Yên Bái –Sơn la – Tuân Giao) có thể dự trù được vì giữa Thái Nguyên và Yên bái, đường đi của nó có thể khiến việc tấn công Châu thổ BV trong tầm tay.
    Nhưng kinh nghiệm có từ lâu chứng tỏ hệ thống tiếp tế VM rất linh động và thay đổi nhanh, để được ngăn chận lâu dài, không những cần đặt một “nút chận” trên tục giao thông nhưng ngăn cấm bằng một ảnh hưởng bền chắc một vùng quan trọng quanh điểm chiếm đóng. Kế hoạch này đòi hỏi nhiều lực lượng, vũ khí…
     Vả lại nghiên cứu về những đường tiếp tế mà VM đã chọn và khả năng đổi hướng khiến ta kết luận chỉ có nút giao thông giữa Tuyên quang Yên bái
là những mục tiêu rất tốt. Còn nữa chỉ có đường thứ hai ngăn chận được là thung lũng sông Hồng hà, nó đã được dùng và nối lại Châu thổ BV bằng cầu không vận hoặc bằng đường bộ.
    Giải pháp thứ nhất không thực hiện được vì nó đòi hỏi phải lập tại vùng Yên Bái Tuyên quang một căn cứ không quân. Thế mà trong vùng này không thể xây dựng được một căn cứ như vậy.
    Còn về giải pháp đường bộ hoàn toàn, những yêu cầu về phương tiện của tướng Cogny với những con số vượt quá xa khả năng ta có thể cung cấp. Cho dù tiết giảm việc xử dụng – những việc có thể làm được khi Quân đoàn VM tiến vào Thượng du – và ngay cả khi đòi hỏi Châu thổ tham gia nhiều hơn mà tướng Cogny đã tiên liệu – cái có thể làm được, bằng sự tiết giảm lực lượng – vấn đề còn lại là tìm được từ ba đến bốn nhóm lưu động.
    Thế nhưng sự tấn công của VM tại miền Trung và Hạ Lào cũng như Cao nguyên Trung phần (VN) để cầm chân quân đội chúng tôi và ngăn cản không cho rút ra những lực lượng di động. Chúng tôi không có sẵn lực lượng nào cả, ngay cả những đơn vị mới thành lập phải tham gia trận chiến ngay.
    Trong những ngày cuối tháng tư (1954), tướng Cogny trình cho tôi một kế hoạch về Phủ Doãn sau khi mới nghiên cứu theo chỉ thị của tôi. Mặc dù tiết giảm hơn các chiến dịch trước nhưng ta vẫn không đủ phương tiện. Hơn nữa chiến dịch có khả năng không đáng tin cậy vì một phần nó không ngăn chận thực sự giao thông địch, phần nữa, địch chống trả dữ dội. Sau cùng cũng theo ý kiến Cogny, chỉ có thể cho kết quả trước 20 tháng tư. Thế nhưng ta chỉ có ít hy vọng kéo dài cầm cự tại ĐBP cho tới ngày đó (thực ra đồn lũy thất thủ ngày 7 tháng năm)
    Dưới nhãn quan giới hạn của Tư lệnh Bắc kỳ, tướng Cogny khẩn khoản xin tôi chấp nhận chiến dịch. Ông xin tôi cho trích ra những lực lượng trên toàn Đông Dương  – trừ quân của ông. Những đạo quân trích ra này có thể đưa tới những thảm trạng toàn diện mà là người chịu trách nhiệm toàn bộ, tôi không dám liều.
    Vì vậy tôi từ chối không bị lôi cuốn vào một dự tính ly kỳ và chịu tổn thất vô ích . Tôi không hối tiếc (2). Nếu tôi chấp thuận thì ĐBP đã không được cứu mà ngày nay cũng sẽ chẳng có Lào, Miên, và Việt Nam tự do (3).
   Quan điểm khác biệt giữa tôi và Cogny chỉ có lần này về chỉ đạo trận chiến ĐBP và tôi đã có ám chỉ trước đây.
 Chú thích.
 (1) Lý luận của ông Foster Dulles rất đúng với sự thật như dưới đây.
   1- Một tướng Tầu đóng tại đại bản doanh VM quanh ĐBP.
   2- Dưới quyền ông ta có khoảng 20 cố vấn kỹ thuật quân sự Tầu ở đại bản doanh. Nhiều cố vấn khác ở cấp sư đoàn.
   3- Những đường giây điện thoại đặc biệt được nhân viên Tầu thiết lập và và xử dụng. Nhân viên tổng đài toàn là người Tấu.
   4- Rất nhiều đại bác 37 ly phòng không xung quanh ĐBP, pháo thủ những khẩu cao xạ này là người Tầu.
   5- Để phục vụ mặt trận, khoảng 1,000 xe tiếp tế mà khoảng một nửa đã  tới từ 1 tháng ba, những xe cam nhông này do tài xế Tầu lái.
   6- Tất cả những viện trợ cộng thêm vào pháo binh, đạn dược và đoàn kỹ thuật do Trung cộng cấp
    Chỉ riêng sự hiện diện của những pháo thủ Tầu xử dụng cao xạ phòng không hiển nhiên cho thấy sự can thiệp trực tiếp của Trung cộng. Còn lại chỉ là viện trợ giống như chúng ta nhận của Mỹ. Nhưng sự hiện diện rõ ràng thừa sức biện minh cho sự can thiệp của Mỹ. (chú thích của tác giả).
(2) Tháng  tư năm 1956, trả lời phỏng vấn của chủ bút báo Paris-Match tướng Giáp nói nếu Pháp mở cuộc tấn công từ Châu thổ BV với lực lượng đã có sẽ không có một tí hy vọng thành công. Ông ta ám chỉ sự thất bại như chiến dịch Lorraine năm trước. (chú thích của tác giả).
(3) Tức QGVN hay VNCH (chú thích của người dịch)
               Nguyên Do Thất Thủ Điện Biên Phủ
    Một điều rõ ràng là những sự thiếu sót và sai lầm có thể lấy ra từ quan niệm và việc tổ chức phòng thủ cũng như lãnh đạo cuộc chiến.
   Sự phân tán doanh trại trong đồn lũy giữa các trung tâm phòng thủ phía ngoài và vị trí trung ương có lẽ cần thảo luận lại.
    Một số đơn vị tác chiến xoàng (nhất là những tiểu đoàn Thái) đáng lý phải được thay thế trước khi xẩy ra trận đánh bằng những đơn vị thiện chiến hơn lấy từ Châu thổ BV.
   Chắc chắn có sự lạm dụng những cuộc phòng thủ phụ, nó tạo sự phân chia bên trong vị trí chúng tôi đã gây trở ngại cho cuộc phản công.
    Một số tổ chức tại địa thế không được bảo vệ đầy đủ và không chống lại được đạn đại bác và súng cối hạng nặng.
   Việc xử dụng những quân trừ bị cần bàn lại.
   Kế hoạch chống phòng không địch không đủ do ở nhiều chuyên viên quá lạc quan đã khiến cho địch biết quan niệm của mình, họ đánh giá thấp khả năng đối phương.
   Trong một số lãnh vực, cấp chỉ huy tại Hà Nội không có hành động đủ mạnh trên đồn lũy (ĐBP)
    Sau cùng sự phối hợp những hoạt động bộ binh và không quân được cấp tham mưu Hà Nội bảo đảm vào hạng xoàng, nó không tồn tại đủ trong trận đánh.
    Những thiếu sót và sai lầm này không thể qui trách nhiệm cho cấp chỉ huy đồn lũy và cho bộ chỉ huy không quân nhưng nhất là Lục quân Bắc Việt, chịu trách nhiệm chuẩn bị và điều khiên trận chiến. Tôi, với tư cách Tư lệnh chịu trách nhiệm tổng quát toàn bộ.
    Dù tầm quan trọng thế nào, nó không thể vượt quá mức độ chưa hoàn chỉnh không thể tránh được trong toàn bộ cuộc chiến và trong bất cứ trường hợp nào chỉ có một ảnh hưởng nhỏ tới kết quả trận đánh.
   Những nguyên nhân sâu xa về sự sụp đổ của ĐBP ở chỗ khác.
    Trước hết chúng ta thiếu phương tiện (1). Lực lượng bộ binh ta quá yếu. Chúng ta thiếu từ 6 tới 8 Liên đoàn (groupe) mà chỉ có nó mới giải cứu được hữu hiệu. Chúng ta đã trả giá cái mà trước đây chúng ta đã để Quân đoàn VM lấy trong quá khứ (2).
    Về mặt phẩm cũng không đủ để bù vào sự yếu kém về lượng. Các đơn vị của chúng ta chiến đấu với cấp chỉ huy yếu kém. Đa số sĩ quan và hạ sĩ quan không đủ kinh nghiệm chiến trường. Họ được huấn luyện xoàng. Tỷ lệ yếu kém phía VN (đi lính cho Pháp) lại càng cao hơn ngay cả trong những   đơn vị thiện chiến. Sự yếu kém về mặt phẩm quân đội chúng tôi – nhất là bộ binh – đã được thể hiện rõ trong suốt trận đánh. Ở đó ta cũng trả giá những sai lầm chồng chất trong quá khứ mà chính là chỉ muốn đánh trận chiến rẻ tiền.
    Những phương tiện không quân Pháp còn thiếu hơn nữa nguyên do những yêu cầu tăng viện của tôi không được thỏa mãn hoặc gửi tới quá trễ. Nếu tăng viện đã được gửi tới kịp thời sẽ khiến ta tham chiến trong những điều kiện thuận lợi hơn vì địch đã thiết lập và trang bị xử dụng những phương tiện nếu nó không chận đứng ta thì cũng kiềm chế ta rất nhiều. Cung cấp vào giờ phút cuối trong những điều kiện ngẫu nhiên và rối loạn không thể tả được thì chẳng làm gì được. Vả lại một khi viện trợ Trung cộng tăng ồ ạt là lúc ta cần một lực lượng không quân có khả năng mạnh hơn mười lần. Chỉ có người Mỹ là có thể cung cấp cho chúng tôi nhưng như đã thấy, ta đã xin họ nhưng chỉ là vô ích. Khối lượng viện trợ lớn đột ngột gia tăng ồ ạt là nguyên nhân khiến ĐBP sụp đổ. Đó là vì đứng trước một hình thức chiến tranh hoàn toàn mới tại Đông Dương mà ta được đưa vào, nó là bất ngờ đối với Pháp.
    Sự xuất hiện thình lình một hỏa lực tàn phá của pháo binh và súng cối hạng nặng đã khiến cho quân trú phòng hoảng sợ, họ chưa chuẩn bị tinh thần. Ngay cả năm 1940 những đơn vị ta bị không quân Đức tấn công phải nằm bất động dưới đất, những người lính chiến tại ĐBP đôi khi tinh thần còn xuống thấp hơn thế. Phản ứng của họ nhanh nhưng quá chậm để ngăn ngừa sụp đổ hay cho phép lấy lại những điểm chính của trận địa đã lọt vào tay địch, nó đã ảnh hưởng tai hại ngay tới trận đánh.
    Máy bay trinh sát bị phòng không địch ngăn cản khiến pháo binh ta không được chỉ điểm, báo cáo trở nên bối rối khi bị địch pháo mà không chuẩn bị được, pháo binh ta bị bất lực khi đó nó không còn là ưu thế của ta trên chiến trường Đông dương như trước nữa.
    Sự ngạc nhiên cũng đến với Không quân bỗng nhiên đứng trước màng lưới phòng không dầy đặc không ngờ của địch và bị buộc phải giải quyết ngay những vấn đề mới như thả dù ở độ cao và bảo vệ những cuộc thả dù. Cần phải có thời gian để thích ứng về tinh thần vật chất. Vì đã yếu do thiếu phương tiện nên hiệu quả còn giảm
    Có sự bất ngờ tại ĐBP, nhưng sự bất ngờ này hoàn toàn không do lỗi ở sở tình báo quân sự Đông dương. Họ hoạt động đúng, trong khả năng hữu hạn của họ. Nhưng khả năng của họ chỉ có giới hạn: gần như hoàn toàn mù tịt về những chuyện bên Trung cộng và những tin từ những cơ quan khác, nhất là họ không biết gì – trừ khi ngay lúc này – những ý định của bộ chỉ huy VM.
    Những điểm mơ hồ vừa nêu trên cũng chỉ là bình thường, nếu bù lại bên địch cũng mơ hồ như ta. Nhưng tiếc thay sự thật không như vậy, vì những tin tức do báo chí cho họ biết hay rò rỉ ồ ạt như thác Niagara có tầm vóc chính phủ Pháp.
    Mặc dù vậy chúng tôi cũng luôn có những tin tức  gần chính xác về địch, về hiện tại và những chuyện sẽ sẩy tới trong thời hạn vài tuần, những cái chúng tôi không thể biết đó là những việc họ dự định trong thời hạn xa xôi.
    Trong những điều kiện ấy, sự tiến hành ĐBP đã được nhận định như qui luật trong trường hợp ấy, theo qui cách “kẻ dịch tương lai” mà sức mạnh của họ được ước tính bằng cho tăng lên trong chiều hướng hợp lý cái mà ta biết về “kẻ địch bây giờ”, nghĩa là Việt Minh tháng 11-1953. Khi người ta xây cái cầu 10 tấn, người ta sẽ dự liệu một giới hạn an toàn lên tới 15 hoặc ngay cả 20 tấn nhưng không thể lên tới 100 hay 150 tấn. Đó là cách chúng tôi đã làm. Nếu sức mạnh của địch chỉ nhân lên 2 hay 3, chúng tôi chịu được sự tấn công của địch, vì chúng tôi đã bố trí xong. Nhưng nó lại là một hệ số nhân quá lớn trong nhiều lãnh vực: Khả năng vận tải và sửa chữa đường giao thông, hỏa lực pháo binh và phòng không.
    Chính vì cái lãnh vực cuối cùng mà yếu tố bất ngờ rất lớn. Chúng tôi biết rõ VM có pháo binh và phòng không. Chúng tôi biết tầm quan trọng của nó vá cách họ bố trí đạn dược. Chúng tôi đã tiên đoán số khấu pháo và kho đạn sẽ tăng lên, nhưng chúng tôi đã định giới hạn cho khả năng gia tăng này. Đó là trong trường hợp giới hạn này dã bị vượt quá xa mà sự bất ngờ nằm trong đó.
    Người ta nói “Chỉ huy là tiên liệu”. Dĩ nhiên là thế, nhưng nếu một cấp chỉ huy chỉ tiên đoán cái quá tệ sẽ khiến mình không dám làm gì cả.
   Nếu tình trạng quá tệ sẩy đến, nếu sự tiên đoán của chúng tôi bị đảo lộn đó là vì Chính phủ đã không theo ý kiến của Tư lệnh (tức Navarre), dấn thân vào hấp lực tàn nhẫn của Hội nghị Genève. Quyết định thiếu suy nghĩ để tham dự Hội nghị vào lúc ta đang dự cuộc chơi mà không thể bỏ được, quyết định đã hoàn toàn thay đổi dữ liệu của vấn đề. (3)
    Cấp lãnh đạo VM năm trước không muốn gây thiệt hại cho Quân đoàn của họ dù là ở trong trận đánh kéo dài tại Nasan, hoặc trong cuộc tấn công Cánh đồng Chum. Không có Hội nghị Genève họ sẽ không liều tự hủy hoại lực lượng lớn của họ mà không chắc gì đã thắng. Không bao giờ họ chấp nhận tự đưa mình vào một hoàn cảnh tồi tệ như vậy để theo đuổi cuộc chiến. Họ cũng sẽ không bao giờ được Trung cộng viện trợ ồ ạt mà cường quốc này đã từ chối cho tới lúc đó vì sợ bị lôi cuốn vào cuộc đại chiến.
    Chính Hội nghị Genève đã cho VM một cơ hội hòa bình nhanh và thắng lợi, đã nâng cao tinh thần họ đến độ chơi liều hết mình để bảo đảm một thắng lợi huy hoàng của cơ hội bất ngờ.
    Chính Hội nghị Genève đã khiến Trung cộng cho VM một khối viện trợ lớn lao để lấy ưu thế trên bàn hội nghị, từ nay không còn hiểm nguy nữa, nó là nguyên nhân mà những phương tiện vật chất của chúng tôi bỗng nhiên đứng trước một vị trí quyết định vì bị thua xa địch.
    Ngày mà Hội nghị Genève được quyết định tổ chức thì số phận của ĐBP đã được xác định rõ.
(1) Gồm lực lượng, hỏa lực (chú thích của người dịch)
(2) Ý nói trước đây VM đã thành lập nhiều sư đoàn mà Chính phủ Pháp không cho tăng viện thêm lực lượng tại Đông dương để cân bằng. (chú thích của người dịch)
(3) Ý nói Chính phủ Pháp quyết định tham dự Hội nghị Genève khi trận đánh đang diễn ra đã khiến cho ĐBP bị ảnh hưởng tai hại (chú thích của người dịch)
          Những Hậu Quả Của Trận Điện Biên Phủ
     Suốt năm mươi sáu ngày chiến đấu kịch liệt, quân trú phòng bộ binh tại ĐBP đã cho thế giới biết tinh thần quả cảm của những người lính tại các trận Camerone, Sidi-Braham và Verdun luôn luôn là của chúng ta. Suốt năm mươi sáu ngày, những chiến sĩ tầu bay – thuộc Không quân và Hải quân – đã phấn đấu tới cùng ngày đêm, trong thời tiết xấu, qua màng lưới hỏa lực phòng không dầy đặc nguy hiểm chết người ghê gớm. Họ cũng anh dũng không kém gì binh chủng bạn Lục quân.
    Đối với tất cả những người chiến sĩ ấy, báo chí Pháp và ngoại quốc đã tỏ lòng kính mến không tiếc lời, một tờ báo viết “Một đạo quân khác dưới quyền các cấp chỉ huy khác đã đầu hàng từ lâu rồi”. Cũng có một tờ khác viết “Trong quân sử chưa hề có một cuộc vây hãm được cầm cự ngoài đất trống bởi một lực lượng yếu hơn và không có hy vọng được giải cứu, quả là một chiến tích kỳ diệu”. Tờ New York Times tuyên bố “Đó là trận chiến đấu tới hơi thở cuối cùng theo truyền thống anh hùng của nước Pháp. Đó là trận chiến mà con người đã chứng tỏ lòng can đảm thuần túy và nó đã làm sống lại niềm tin chúng ta không những ở nước Pháp nhưng ở tinh thần bất khuất của con người”
    Một trang sử mới vinh quang vừa được viết trong lịch sử quân đội chúng ta . Nó đã có một thời gian ngắn làm sống lại trong quần chúng Pháp tinh thần quốc gia đã bị cùn nhụt từ lâu. Một chính phủ xứng đáng với danh nghĩa có thể khai thác sự bộc phát này
   Những người lính chiến tại ĐBP không phải chỉ cứu được danh dự.
   Họ đã giữ cho Lào không bị địch chiếm. Họ đã làm đổi hướng phần lớn lực lượng di động của địch khỏi Châu thổ BV cũng như tại Trung và Nam Đông dương. Họ đã ngăn VM giành thắng lợi lớn trên một điểm sinh tử hơn ĐBP mà họ đang cần cho Hội nghị Genève. Hơn nữa họ đã gây cho đich tổn thất nặng đến nỗi không thể mở chiến dịch mới trong nhiều tháng.
    Đồn lũy đã làm tròn nhiệm vụ. Nó được ghi vào truyền thống những thành lũy ngăn chận lớn mà vai trò vinh quang của mọi thời đại là ngăn chận địch về một hướng chính và bằng những bức tường của nó đã chận đứng một Quân đoàn bao vây có lực lượng đông hơn.
   Lịch sử đã có nhiều thành lũy mạnh bị sụp đổ.
   Mayence, năm 1793, được 22,000 người bảo vệ (Pháp) dưới quyền tướng Kléber, thất thủ sau khi đã chận đứng 45,000 liên quân Áo-Phổ trong bốn tháng.
   Plevna, năm 1877 do 35,000 quân Thổ bảo vệ đã phải đầu hàng quân Nga sau năm tháng trấn giữ, đã khiến Nga mất 44,000 người.
   Liege, 1914, do tướng Leman (Bỉ) bảo vệ, sau mười ngày cấm cự chống những lực lượng đông hơn rất nhiều, nhờ sự hy sinh của ông mà quân Bỉ rút lui có trật tự .
    Sebastopol, năm 1942, đã thất thủ sau khi làm chậm lại chiến dịch hè một tháng để đưa quân Đức vào Stalingrad.
   Sự thất thủ, “nhiệm vụ hoàn thành”, chỉ kể tới những đồn lũy này, mà không có nơi nào trong số này bị coi như thảm bại nhưng đã ngăn chận được cuộc chiến.
    Nhưng chiến tranh Đông Dương không như những cuộc chiên khác, cuộc chiến mà đát nước (Pháp) không bao giờ hiểu quyền lợi quốc gia, đã mễt mỏi mà nó đã khiến người ta cho rằng nó chẳng còn ý nghĩa gì. Đó là cuộc chiến mà đa số các nhà chính trị gia chỉ tìm cớ để kết thúc.
    Vì thế những hậu quả của việc thất thủ ĐBP   có vẻ như có thể quan trọng hơn nhiều cái mà tôi đã biện bạch, về quan điểm quân sự cái thất bại mà chúng ta vừa chịu.
    Trọng Đạt dịch.

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...