Trần Giao Thủy
Ngày 5 tháng 11, một người trên facebook đã viết
“Ố ồ, chuyện gì vậy Canada? Thiệt là một nội các!– Bộ trưởng Y tế là một bác sĩ
– Bộ trưởng Giao thông là một phi hành gia
– Bộ trưởng Quốc phòng là một cựu chiến binh tín đồ Tích Khắc (Sikh)
– Bộ trưởng Thanh niên là một người dưới 45 tuổi
– Bộ trưởng Canh nông là một cựu nông dân
– Bộ trưởng Công an và Sẵn sàng trước Tình trạng Khẩn trương là một hướng đạo sinh
– Bộ trưởng Tài chánh là một doanh nhân thành đạt
– Bộ trưởng Tư pháp từng là một luật sư công tố và là môt vị lãnh đạo người bản xứ
– Bộ trưởng Thể thao và Người khuyết tật là một lực sĩ khiếm thị, nhiều lần đoạt giải thế vận
– Bộ trưởng Ngư nghiệp, Đại dương và Tuần duyên là một người miền Bắc cực
– Bộ trưởng Khoa học là một tiến sĩ khoa Địa lý và Nhân chủng học
…
Và có nhiều chuyên viên khoa học trong nội các mà phân nửa là phụ nữ.”
Một chuyển đổi thế hệ
Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 20 tháng 10, 2015, người dân Canada đã chọn để trao trách nhiệm điều hành việc nước cho đảng Tự do, thay chính phủ đảng Bảo thủ đã cầm quyền 10 năm trước đó.
Hai tuần sau, ngày 4 tháng 11, tân Thủ tướng Justin Trudeau đã tuyên thệ nhậm chức và trình diện nội các trước quốc dân với sự tham dự của hơn ba ngàn thường dân trong sân dinh Toàn quyền. Giữ đúng một lời hứa trong những ngày vận động tranh cử, Thủ tướng Canada đã cho thấy những nét đổi mới sâu sắc từ hình thức buổi lễ nhậm chức đến thành phần nội các chính phủ của ông.
Thay vì đến nơi làm lễ tuyên thệ và nhậm chức bằng xe hơi, cả nội các đã cùng đi xe buýt và đi bộ từ cổng vào dinh Toàn quyền.
Tuổi trung bình của nội các Trudeau là 52. Tuổi 52 cũng là tuổi năm trong nhóm đông nhất (50-54 tuổi, 7,7% ) trong toàn bộ dân số Canada. Trẻ nhất là Bộ trưởng các Cơ chế Dân chủ Maryam Monsef, 30, và lớn tuổi nhất là Bộ trưởng Canh nông Lawrence MacAulay, 69.
So với nội các của Thủ tướng Pierre Trudeau năm 1968 toàn là đàn ông da trắng, và với nội các của Thủ tướng Stephen Harper vừa rồi cũng chỉ có một phần ba bộ trưởng (9/29) là phụ nữ thì chính phủ 2015 thực sự rất mới về mặt bình đẳng giới tính.
Mặt khác, nội các này còn phản ảnh trung thực hình ảnh của người dân Canada hiện đại: từ một bộ trưởng là người gốc Afghanistan đến Canada tị nạn chiến tranh 19 năm về trước, lúc 11 tuổi, đến ba người khác thuộc gốc văn hoá Punjabi, và là tín đồ Tích khắc (Sikh), và những bộ trưởng người bản xứ, Jody Wilson-Raybould, và người miền Bắc cực, Hunter Tootoo. Canada năm 2015 còn có cả bộ trưởng ngồi xe lăn, Kent Hehr cũng như bộ trưởng khiếm thị, Carla Qualtrough.
Việc ông Trudeau đã chọn một cựu trung tá gốc Punjabi, Harjit Singh Sajjan, thay vì một cựu trung tướng con nhà nòi, Andrew Brooke Leslie, làm Bộ trưởng Quốc phòng chắc chắn không phải vì ông tá tài cao đức trọng hơn ông tướng mà vì những yếu tố khác để cân bằng ảnh hưởng trên mọi miền đất nước.
Dân Canada tin ông Trudeau, 43 tuổi, và đã giao cho ông trọng trách lãnh đạo quốc gia, điều hành việc nước trong 4 năm. Cũng như vậy, ngoài một số đã là dân biểu kinh nghiệm, ông Trudeau đã bổ nhiệm 18 dân biểu lần đầu đắc cử vào quốc hội giữ trách nhiệm bộ trưởng. Một đổi mới khác với nội các này là mỗi bộ trưởng sẽ nhận được uỷ nhiệm thư riêng từ Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm và mục tiêu cần đạt được để đáp ứng đúng với những lời đã hứa với cử tri. Ông Thủ tướng mới của Canada cũng đã tuyên bố đường lối lãnh đạo mới qua lời tuyên bố ngay hôm nhậm chức, “Đây sẽ là một giai đoạn cần điều chỉnh lại cho một số người trong chính trường Canada vì lãnh đạo bằng nội các đã trở lại.”
Thành phần nội các mới cũng xác định chính sách của đảng Tự do, “Một công dân Canada là một công dân Canada là một công dân Canada” bất kể sắc tộc, tôn giáo, vùng miền, cũ, mới, màu da trắng, vàng, nâu hay đỏ.
Trong bầu không khí lạc quan, phấn khởi, bao dung đó hãy thử nhìn lại cộng đồng người gốc Việt, một thành phần rất nhỏ của đất nước này, đã đến đây tị nạn, rồi an cư từ bốn mươi năm qua, dù có một số không ít vẫn chưa thôi coi Canada này là “đất tạm dung”!
Theo kết quả cuộc điều tra dân số Canada 2011 thì có khoảng 42% dân Canada gốc Việt nằm trong nhóm tuổi từ 40–59. Thành phần lớn nhất là những người trong lứa tuổi 50–54 chiếm 12% dân số gốc Việt trên toàn quốc. Quý vị cao niên từ 65–74 chiếm khoảng gần 6%.
Ba thành phố có dân gốc Việt sinh cư đông nhất có độ phát triển và hội nhập không giống nhau.
Cộng đồng Toronto, ON với 70.725 người, hiện có những người đại diện tương đối trẻ, là thành phần đa số trong cộng đồng gốc Việt; họ là những chuyên viên tốt nghiệp đại học ở những năm 2000, 2005, và sau đó.
Tại Montreal, QC với 38.960 người gốc Việt, ban đại diện cộng đồng đương nhiệm và trong những năm trước tại thành phố này dường như đa số vẫn là những người thuộc thế hệ tốt nghiệp đại học những năm 1960 tại Việt Nam và một số rất ít tốt nghiệp đại học tại Canada những năm 1970 và sau đó. Họ, đa số, là những di dân thế hệ thứ nhất.
Tại Vancouver, BC với 31.075 người gốc Việt, sinh hoạt cộng đồng thường là các cuộc văn nghệ gây quỹ sinh hoạt, Tết, biểu tình, hay những sinh hoạt cho các hội đoàn thuộc thế hệ thứ nhất như hội cựu quân nhân, hội không quân, hội phụ nữ, hội cao niên, v.v. không khác nhiều với sinh hoạt người gốc Việt ở Montreal, trừ tổ chức V3 “Vietnam 3 Regions” là một nhóm trẻ sinh hoạt văn hoá trong vùng Vancouver và phụ cận.
Một vài điểm giống và khác nhau ở ba cộng đồng ở Vancouver, Toronto và Montreal
Cộng đồng ở Montreal và Toronto có từ trước 1975; Cộng đồng người gốc Việt ở Montreal có lịch sử lâu dài hơn bắt nguồn từ những hội sinh viên, hội Việt Kiều trong những năm 1960, 1970, đến sau 1975 trở thành Cộng đồng người Việt Quốc gia. Tổ chức này thường do thế hệ thứ nhất, đa số thuộc giới y khoa, của cộng đồng người tị nạn lãnh đạo.
Tại Toronto, Hội Người Việt Toronto do những sinh viên trong Kế hoạch Colombo và chương trình Học bổng Leadership (của Mỹ) thành lập và lãnh đạo từ năm 1972. Tiếp tục truyền thống đó, ban lãnh đạo Hội Người Việt Toronto luôn luôn là những lớp người mới đa số xuất thân từ các đại học tại Ontario, Canada – thuộc đủ mọi ngành nghề chuyên môn từ toán, kinh tế, kỹ sư đủ mọi ngành, bác sĩ, nhân văn, quản trị.
Cộng đồng ở Vanvouver chỉ thành hình một cách rõ rệt sau khi có người người Việt tị nạn định cư sau 1975.
Một điểm chung cho ba cộng đồng người gốc Việt lớn nhất tại Canada là chưa nơi nào có một cơ sở vật chất có thể coi là tài sản chung do cộng đồng quản lý so với các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác; ví dụ như những trung tâm sinh hoạt, nhà thương, trường học, v.v. cho tất cả thành viên mọi thế hệ trong cộng đồng sử dụng.
Một cách phiến diện, tuy chưa đủ dữ liệu nghiên cứu, người ta có thể thấy rằng hai cộng đồng gốc Việt ở Vancouver và Montreal – so với Hội người Việt Toronto – dường như không thu hút được sự tham gia, dấn thân của giới thanh niên và trung niên vào sinh hoạt phục vụ cộng đồng. Tại sao? Nguyên nhân là những gì? Di sản và xung đột về văn hoá, chính trị, xã hội, ngăn cách thế hệ, hay còn những gì khác?
Không phải chỉ có lãnh đạo quốc gia mới cần có một cuộc chuyển đổi thế hệ như vừa xảy ra tại Canada. Một công tác hàng đầu của việc lãnh đạo cộng đồng là kế hoạch kế thừa, việc chuyển giao thế hệ. Là hậu thân của những cộng đồng người tị nạn, không chấp nhận cộng sản độc tài, những vị cao niên đang giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng cũng nên tự nhắc mình, tuổi nghỉ hưu của những ủy viên Bộ chính trị của đảng Cộng sản, rất độc tài, ở Việt Nam là 65.
Đây là một chủ đề lý thú đáng cho những người nghiên cứu về sự phát triển của các cộng đồng văn hoá quan tâm. Dĩ nhiên nó cũng có thể là một trong những vấn đề lớn để những ban lãnh đạo cộng đồng hiện đang phục vụ cho tầng lớp cao niên (thế hệ di dân thứ nhất) nếu quan tâm, thẩm định lại chiến lược phát triển cho tương lai phản ảnh đúng với bộ mặt và nhu cầu toàn diện của cộng đồng người Việt tại Canada.
Canada là một đất nước dân chủ, tự do, đa văn hoá có một chính phủ trẻ, năng động, và toàn diện hôm nay là do công trình dựng nước của toàn dân, và sự hy sinh xương máu của tất cả những chiến sĩ Canada đã đóng góp để giữ gìn nền tự do dân chủ và hoà bình thế giới trong hai Thế chiến, Chiến tranh ở Triều Tiên, rồi gần đây hơn ở Bosnia-Herzegovina, Afgahnistan, v.v. từ hơn một thế kỷ qua.
Người dân trong nước và người gốc Việt cũng không thể quên những hy sinh của hàng triệu chiến sĩ đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, vì độc lập của Việt Nam.
Sau hơn 40 năm hoà bình, nhưng đất nước mới chỉ thống nhất trên mặt vật lý, lòng dân chưa về chung một mối. Là quốc gia có gần 64 triệu thanh niên nam nữ, 67,43% dân số, dưới 40 tuổi không mang gánh nặng của chiến tranh ý thức hệ, nhưng chính thể độc tại toàn trị vẫn tồn tại ở Việt Nam 2015; người dân chưa một ngày sống thực và hiểu được quyền của người dân trong một xã hội dân chủ. Cùng lúc, ở nước cạnh bên, người dân Miến Điện đang rủ nhau đi làm lịch sử, xây dựng môt xã hội dân chủ sau những năm dài bị đàn áp dưới chế độ độc tài quân phiệt.
Hoài bão, ước vọng tương lai của thanh niên Việt Nam là gì?
Nếu cộng đồng hải ngoại không phát triển, không xây dựng và phục vụ toàn diện bằng những giá trị của thời đại để bắt kịp và hội nhập với xã hội bản địa cũng như người dân Việt Nam vẫn miên viễn chấp nhận làm thứ dân của chế độ cộng sản độc tài e rằng những hy sinh của tất cả những chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc không khác gì muối bỏ biển, hay như công dã tràng xe cát vậy.
Nhân ngày tưởng nhớ đến những hy sinh của tất cả những chiến sĩ trận vong, vẫn ước mơ một Việt Nam dân chủ, một cộng đồng hải ngoại tiến bộ, người viết xin gởi lời chúc quyết tâm đến tất cả mọi người đang sống trong và ngoài Việt Nam cùng lời chúc lành đến toàn thể nội các mới của Canada công bằng, dân chủ, văn minh.
Ngày mai chắc chắn sẽ tươi sáng và tốt đẹp hơn nếu có đủ quyết tâm hiệp lực, đồng lòng. Lest we forget!
…We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow,
Loved and were loved, and now we lie
In Flanders fields…(*)
…Chúng tôi đã chết. Những ngày trước
Chúng tôi còn sống, thấy bình minh, nhìn hoàng hôn rực rỡ,
Đã yêu và được yêu, và nay chúng tôi ngủ yên
Trong lòng đất Flanders…
http://www.dcvonline.net/2015/11/11/tu-chuyen-doi-the-he-den-khat-vong-tuong-lai/Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
(*) Lieutenant Colonel John McCrae, MD (1872-1918), Canadian Army, In Flanders Fields, Punch, Dec. 8, 1915
Comments
Post a Comment