Nguyễn Hưng Quốc
11-11-2015
Trong hơn một tuần vừa qua, các mạng thông tin xã hội ở Việt Nam, từ lề phải đến lề trái, đều xôn xao về chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Người ta tường thuật và bình luận về chi tiết này chi tiết nọ. Tuy nhiên, những nội dung quan trọng nhất trong các cuộc gặp gỡ chắc chắn vẫn là một bí mật lâu dài. Dưới chế độ bưng bít như ở Việt Nam và Trung Quốc, không ai biết là giữa các nhà lãnh đạo của hai nước đã có những thoả thuận hay cam kết những gì với nhau. Nhưng dù có thoả thuận hay cam kết gì đi nữa, quan hệ giữa hai nước chắc không có gì thay đổi: Trung Quốc vẫn tiếp tục muốn bành trướng thế lực trên Biển Đông và Việt Nam vẫn tiếp tục nhường nhịn cho đến khi nào không thể nhường nhịn được nữa.
Theo tôi, liên quan đến tình hình chính trị Việt Nam, đáng quan tâm hơn là sự vắng mặt của một người đáng ra sẽ đến Việt Nam trong giai đoạn này: Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cách đây mấy tháng, báo chí trong nước loan tin cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 11. Gần đến ngày, tin từ chính phủ Mỹ cho biết trong tháng 11 này, Tổng thống Obama chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Malaysia nhưng sẽ không ghé Việt Nam. Chỉ có chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình là vẫn diễn ra như dự định.
Câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là tại sao Tổng thống Obama hoãn lại chuyến thăm Việt Nam? Về phía Mỹ, người ta chỉ nói là lịch trình chuyến công du của ông Obama đã kín đặc. Hơn nữa, ông muốn ghé Việt Nam lâu hơn, khi có thì giờ. Thì giờ ấy, người ta chỉ nói bâng quơ là vào một ngày nào đó trong năm 2016, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama.
Ai cũng biết các tổng thống Mỹ vô cùng bận bịu: Họ phải giải quyết cả hàng ngàn vấn đề không những trong nước họ mà còn của cả thế giới. Tuy nhiên, sự bận bịu được thông báo một cách muộn màng như vậy không thể không làm giới quan sát ngạc nhiên. Có ít nhất hai lý do chính:
Thứ nhất, lời mời đã được đưa ra từ lâu: vào tháng 7 năm 2013, trong chuyến đi Mỹ, Trương Tấn Sang đã chính thức mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và đã được Obama nhận lời. Đúng hai năm sau, vào tháng 7 năm 2015, Nguyễn Phú Trọng lại chính thức ngỏ lời mời Obama sang thăm Việt Nam và cũng được Obama hứa sẽ sang Việt Nam vào một thời điểm thích hợp, dự trù vào tháng 11 nhân chuyến công du châu Á để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Manila và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur.
Thứ hai, từ lúc lên cầm quyền đến nay Tổng thống Obama đã từng viếng thăm hầu hết các quốc gia thuộc khối ASEAN. Có nước ông thăm một lần: Singapore (2009), Campuchia (2012) và Thái Lan (2012). Có nước ông đến tới hai lần: Indonesia (2010, 2011), Miến Điện (2012, 2014), Malaysia (2014, 2015) và Philippines (2014, 2015). Chỉ có ba quốc gia ông chưa hề tới: Việt Nam, Lào và Brunei. Với Lào và Brunei, việc Obama không tới tương đối dễ hiểu: Đó là hai quốc gia quá nhỏ, không có ý nghĩa gì nhiều về kinh tế hay chính trị và địa chính trị. Với Việt Nam thì khác: Trong xu hướng xoay trục về châu Á, đặc biệt trong những tranh chấp liên quan đến Biển Đông, Việt Nam đóng một vai trò cực kỳ quan trọng: Đó là quốc gia có diện tích biển nằm trong vùng tranh chấp lớn nhất, có thể xem như một cửa ngõ chính trong con đường bành trướng của Trung Quốc. Vậy tại sao Obama lại không đến Việt Nam?
Theo tôi, có hai lý do chính:
Thứ nhất, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, sau chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào giữa năm nay, không có chuyển biến gì nổi bật. Thường, chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ bao giờ cũng nhằm đánh dấu một sự kiện quan trọng nào đó. Trong tình hình hiện nay, sự kiện quan trọng ấy chỉ có thể liên quan đến mối quan hệ Việt – Mỹ. Trước đây, về phía Việt Nam, chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng được coi như một dấu mốc lớn trong quan hệ ấy. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quan hệ ấy có gì thay đổi? Hình như không. Và vì không có diễn biến đột phá nào, việc thăm viếng Việt Nam, với Tổng thống Mỹ, được xem là vô nghĩa và không cần thiết.
Thứ hai, Mỹ chỉ muốn nói chuyện với những người thực sự cầm quyền chứ không phải với những người sắp về hưu. Cả bốn người đứng đầu trong guồng máy lãnh đạo Việt Nam (Tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và thủ tướng) đều đã đến tuổi về hưu. Thế nào cũng có một hoặc hai người còn ở lại như một trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ tính chất ổn định trong quá trình chuyển tiếp quyền lực. Nhưng người ấy là ai? Phần lớn các tin đồn đều chú mục vào Nguyễn Tấn Dũng, người có hy vọng trở thành Tổng bí thư sau đại hội đảng vào đầu năm tới. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn. Quan sát các cuộc hội nghị của Ban chấp hành Trung ương đảng thời gian gần đây, người ta thấy ngay là các cuộc tranh chấp quyền lực vẫn chưa ngã ngũ. Bởi vậy, khất hẹn đến năm sau, Tổng thống Mỹ có lẽ chỉ muốn chờ xem kết quả bầu bán trong đại hội lần thứ 12 để ông có thể tin chắc là mình sẽ đối thoại với một đối tác thực sự có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách lâu dài trong quan hệ Việt – Mỹ.
Từ gần nửa năm nay, sau chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều người Việt Nam tin tưởng giới lãnh đạo Việt Nam, hoặc ít nhất, một phần khá lớn trong giới lãnh đạo Việt Nam, quyết định ngả theo Mỹ để thoát khỏi những ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc và để bảo vệ Biển Đông. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ từ chối đến Việt Nam năm nay cho thấy con đường theo Mỹ vẫn còn lắm chông chênh. Bức tranh chính trị Việt Nam, tôi nghĩ, sẽ rõ hơn, sau kỳ đại hội đảng vào đầu năm tới.
Comments
Post a Comment