Nhà hoạt động vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh nói sẽ tiếp tục ‘đấu tranh vì nghiệp đoàn’ dù vừa bị công an Đồng Nai ‘câu lưu và đánh đập’.
Bà Hạnh cáo buộc hôm 22/11, công an Đồng Nai đã “bắt giữ và đánh đập thô bạo” bà Hạnh cùng nhà hoạt động, nhà báo Trương Minh Đức tại trụ sở công an phường Long Bình.
Hai nhà hoạt động trên được tin đang cùng luật sư tư vấn cho công nhân công ty Yupoong Vietnam về các quyền lao động và thành lập công đoàn độc lập thì “công an mặc thường phục và sắc phục đến bắt giữ họ rồi cưỡng chế về đồn công an phường Long Bình”.
Hôm 24/11, trả lời phỏng vấn của BBC trong lúc chữa trị tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, bà Hạnh cho biết “vẫn đang bị đau đầu, nhức lưng, tụ máu ở mắt do thương tích công an phường Long Bình gây ra trong lúc câu lưu”.
“Dù vậy tôi xác định mình sẽ không bỏ cuộc trong chuyện đấu tranh cho nghiệp đoàn. Vì tôi muốn công nhân, vốn là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, được bảo vệ quyền lợi chiến đấu của họ, nhất là trong bối cảnh Hiệp định TPP mới ký chưa ráo mực”, bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cũng cho hay “sẽ khởi kiện công an Đồng Nai về việc đàn áp, hành hung và tịch thu tài sản công dân bất hợp pháp, dù việc này có kết quả hay không”.
‘Quan ngại’
Hôm 23/11, dân biểu Úc Chris Hayes đã gửi thư đề nghị Đại sứ Úc ở Việt Nam lưu ý trợ giúp nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh và nhà báo Trương Minh Đức vừa bị công an câu lưu và hành hung.
Ông Hayes viết: “Tôi được biết là bà Hạnh bị công an Biên Hòa bắt giữ trong cuộc gặp các công nhân làm tại công ty Yupoong.
Là người vận động cho quyền lao động, tôi hiểu rằng bà Hạnh đang tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho 2.000 công nhân bị mất việc.
Sau khi bị câu lưu, bà Hạnh và ông Trương Minh Đức đã bị đánh đập tàn bạo. Tôi được khuyến cáo rằng chính quyền ngăn cản mọi tiếp xúc với bà Hạnh và ông Đức.
Cộng đồng người Việt tự do Úc châu đặc biệt quan ngại về tình trạng sức khỏe của bà Hạnh và ông Đức. Với thẩm quyền của ông về những trường hợp này, rất mong ông trợ giúp họ trong khả năng có thể”.
Ông Chris Hayes là dân biểu ở bang New South Wales, Úc, thường quan tâm đến các vấn đề nhân quyền tại các quốc gia châu Á.
Cách đây hai năm, ông từng gửi thư cho Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop bày tỏ quan ngại về việc bà Hạnh bị cầm tù và đánh đập trong trại giam ở thời điểm đó.
Vụ câu lưu, hành hung các nhà hoạt động công đoàn xảy ra chỉ vài ngày sau hôm 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước quốc hội rằng Việt Nam trong tiến trình hội nhập TPP phải có công đoàn độc lập ngoài công đoàn nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho công nhân.
Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức thuộc Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao Động Việt), liên minh của một số tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong trào Lao Động Việt, Công đoàn Độc Lập, và Ủy ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam.
Phong trào Lao Động Việt được thành lập ngày 29/10/2008 tại Việt Nam. Sau khi ba thành viên sáng lập là Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương bị chính quyền bỏ tù, phong trào Lao Động Việt phải hoạt động bí mật để hỗ trợ công nhân.
Theo BBC
Comments
Post a Comment