Trong số các tổ chức xã hội dân sự đang hoạt động tại Việt Nam, có lẽ Lao động Việt là tổ chức bị chính quyền và công an căm ghét và sợ. Lý do đơn giản là tổ chức này luôn tìm cách hỗ trợ công nhân đòi lợi ích chính đáng tại các nhà máy, xí nghiệp mà không để bị giới chủ bóc lộ đến tận xương tủy.
Ngay sau khi Hiệp định TPP được 12 quốc gia thông qua, Công đoàn độc lập đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của hiệp định này. Theo đó, công nhân đương nhiên có quyền tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập, với sự hỗ trợ của những tổ chức phi chính phủ như Lao động Việt.
Chỉ hai tháng sau khi TPP được thông qua, 1 tháng sau khi giới quan chức Việt Nam công bố bản văn tiếng Anh về TPP với nội dung về Công đoàn độc lập, vào ngày 22/11/2015, khoảng 20 công an thường phục và sắc phục đã khống chế, đánh đập và bắt giữ hai thành viên của Lao động Việt là cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức khi cả hai đang cùng luật sư hỗ trợ pháp lý cho người lao động tại công ty Yupoong, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Trước đó ngày 21/9/2015, tại khu công nghiệp Loteco (Biên Hòa, Đồng Nai), các công nhân đã phải nghỉ làm do xảy ra vụ cháy ở xưởng 1 bên trong công ty Yupoong. Sau đó lãnh đạo công ty đã thông báo chấm dứt hợp đồng với gần 2,000 lao động, đa số là các công nhân lâu năm. Hành động đẩy người lao động, đặc biệt là 180 phụ nữ, trong đó có cả những người đang mang thai vào tình cảnh ngặt nghèo vì không có công ăn việc làm với mức bồi thường chỉ 1 tháng lương.
Đây không phải lần đầu tiên Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức bị đánh trong hoàn cảnh hỗ trợ pháp lý cho công nhân. Trước đây, Minh Hạnh đã từng bị tù nhiều năm vì công tác thiện nguyện này. Còn vào năm 2014, ông Đức bị nhiều công an đánh bầm dập đến hai lần.
Sự việc Công an Đồng Nai bắt và đánh đập dã man hai thành viên của tổ chức Lao động Việt đã thêm một lần nữa khiến cho những người còn mơ màng về lòng thành tâm của nhà nước Việt Nam phải “sáng mắt sáng lòng”.
Bất chấp định chế Công đoàn độc lập đã được đoàn đàm phán Việt Nam cam kết với Hoa Kỳ và các nước trong TPP từ tháng 5/2015, cho đến nay cơ quan thường trực đàm phán TPP - Bộ Công Thương- vẫn giấu biệt nội dung về định chế này. Còn báo chí nhà nước vẫn bị ban tuyên giáo trung ương cấm cản việc đưa tin, đăng bài về Công đoàn độc lập.
Tình trạng bắt giữ và đánh đập vô lối trên xứng đáng là một cái tát đối với những hứa hẹn bất tận của giới lãnh đạo Việt Nam trước quốc tế. Trong thực tế, chính quyền Việt Nam đã vi phạm cam kết về Công đoàn độc lập ngay từ khi TPP còn chưa ráo mực.
Không cần phải chờ “thời gian ân hạn” sau 3 năm hay 5 năm, ngay vào lúc này, các quốc gia trong TPP cần chuẩn bị cơ chế chế tài đối với Việt Nam về việc thực hiện công đoàn độc lập và cả tự do tôn giáo.
Lê Dung / SBTN
Comments
Post a Comment