Lê thị Công Nhân
“Ngập bỉm” là từ được dùng phổ biến hiện nay, nghe nói xuất phát từ các mẹ bỉm sữa (đang nuôi con nhỏ) để chỉ tình trạng em bé tè dầm nhiều mà không được phát hiện, vệ sinh kịp thời. Giờ thì “ngập bỉm” còn chỉ tình trạng ngập nước, lũ lụt và đặc biệt là để chỉ tình trạng ai đó bị chê, chửi, còm các kiểu quá nhiều đến nỗi kéo màn hình mỏi tay 5 phút vẫn chưa hết còm.
“Ngập bỉm” là từ được dùng phổ biến hiện nay, nghe nói xuất phát từ các mẹ bỉm sữa (đang nuôi con nhỏ) để chỉ tình trạng em bé tè dầm nhiều mà không được phát hiện, vệ sinh kịp thời. Giờ thì “ngập bỉm” còn chỉ tình trạng ngập nước, lũ lụt và đặc biệt là để chỉ tình trạng ai đó bị chê, chửi, còm các kiểu quá nhiều đến nỗi kéo màn hình mỏi tay 5 phút vẫn chưa hết còm.
Bác Trương tráng sỹ nhà ta đang ngập bỉm!
Bác Trương tráng sỹ ngập bỉm trong vô số kể còm các kiểu về một status vô cùng ngắn gọn, rõ ràng của bác ấy “Đảng Việt Tân tiếp lửa.” trong đó, 90% là phản đối .
Chuyện là sáng 3.11.2015 tại Hà Nội có vài cuộc biểu tình nhỏ trên đường phố của người dân phản đối Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Đảng Việt Tân có hỗ trợ 100 cái áo thun trắng cho những người tham gia mặc. Như vậy không gọi là tiếp lửa, tiếp sức thì gọi là gì?
Tham gia dưới hình thức hỗ trợ như vậy tốt quá chứ sao? Ai thích thì nhận mặc, không thích (cái áo or đảng Việt Tân or cả hai) thì thôi, hoàn toàn tùy ý cá nhân, có gì mà to chuyện?!
Vậy nhưng nhiều người (yêu mến và đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, hẳn hoi) lại nhiệt liệt phản đối cái status 5 từ của anh Trương Dũng, đến mức cảm tưởng Trương tráng sỹ trở thành liệt sỹ luôn, còn những người phản đối anh Dũng thì không khác gì các “Dũng sỹ diệt Mỹ” của cộng sản!
Nhân danh sự đoàn kết, nhân danh mục tiêu muốn thu hút lôi kéo những người dân bình thường tham gia biểu tình, nhân danh trí tuệ cho rằng hiện giờ các “thế lực” hải ngoại mà tham gia vào các hoạt động trong nước là không có lợi cho việc vận động quần chúng, nhân danh cả sự chính danh sợ bị nói là bị giật dây, là có người đứng sau tổ chức … Những người phản đối anh Trương Dũng đã có những lời nói xúc phạm quyền tự do của anh Trương Dũng và làm tổn thương đến tấm thịnh tình của các tổ chức người Việt hải ngoại mong muốn kết nối và đồng hành với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước nhằm cùng đi tới thành một phong trào đấu tranh thống nhất và đạt hiệu quả cao. Tôi chắc chắn như vậy!
Tôi chắc chắn như vậy vì những lý cớ mà nhóm người phản đối đưa ra là không thể chấp nhận được và hoàn toàn không có lý tính. Bởi vì:
1- Một người hoặc một tổ chức (danh từ) đều có thể tổ chức (động từ) biểu tình. Một người thì tổ chức biểu tình cho chính cơ thể - body của mình. Hãy nhớ trường hợp anh thư Phạm Thanh Nghiên tự (tổ chức) biểu tình cho mình ở ngay tại nhà mình. Ở đây tôi nói về việc biểu tình nơi công cộng.
2- Một người hoặc một tổ chức có thể tổ chức một hoặc nhiều cuộc biểu tình.
3- Một người hoặc một tổ chức có thể tổ chức một hoặc nhiều cuộc biểu tình vì những lý do khác nhau, tại nhiều nơi và vào nhiều thời điểm khác nhau với những cách thức, hình thức khác nhau.
4- Ngược lại, tức là tại một địa điểm, cùng một thời điểm, có thể có nhiều cá nhân riêng lẻ và nhiều tổ chức khác nhau cùng biểu tình vì một lý do hoặc nhiều lý do. Ai thích thì đi gần nhau hoặc thậm chí hand in hand (khéo lại phát sinh vài cặp đôi cũng nên! Càng tốt!). Nhìn cái mặt, nghe cái tên ghét quá thì tránh xa “thằng nọ, con kia, đứa ấy” ra. Nhưng chớ tự cho mình cái quyền ghét ai thì chửi, đuổi người ta đi vì “Mảnh đất này, chỗ đứng này là của em.” vì em quá yêu nước nên có quyền quên tuốt đây là nơi công cộng.
Trừ trường hợp các cuộc biểu tình cần bảo đảm không xảy ra hậu quả đáng tiếc do xung đột có thể xảy ra mà lực lược chức năng có thể khoanh vùng các khu vực của các nhóm biểu tình khác nhau. Trong trường hợp này chính quyền thường ưu tiên lựa chọn khu vực biểu tình cho nhóm nào đăng ký trước. Sự khoanh vùng này hoàn toàn có tính chất tạm thời và tương đối: về lãnh thổ (chỗ này chỗ kia rộng ra hay hẹp vào là du di chứ không phải bất dịch), về thẩm quyền của cả nhóm được phân vị trí biểu tình cũng như thẩm quyền của lực lượng chức năng can thiệp vào nơi biểu tình (nếu không phải là vi phạm lớn cần sự can thiệp của nhà nước). Do vậy nếu một người vô tình hay cố ý mà đi vào chỗ biểu tình của nhóm khác thì cũng chỉ có thể dùng lời nói mời họ ra ngoài. Hành vi chửi bới, sỉ nhục hay bạo lực để ép buộc người khác đang ở gần hoặc ở trong hàng ngũ biểu tình của nhóm mình phải ra ngoài đi chỗ khác, là hoàn toàn sai trái, thậm chí là phạm pháp.
5- Trong một cuộc biểu tình (ngắn vài chục phút, vài giờ đồng hồ hoặc kéo dài nhiều ngày, tháng) ai cũng có quyền thay đổi hoặc thêm vào lý do, mục đích biểu tình (thành viên các tổ chức thì nên theo thỏa thuận nội bộ của tổ chức trước đó).
Tất cả những điều này là duy lý. Không muốn cũng phải tuân theo. Chính quyền Việt Nam hiện nay ngu dốt, xấu xa, đê hèn chưa đưa ra được những quy định để thực thi và bảo vệ tự do thì những người đã dám xuống đường, dám vỗ ngực nói mến yêu và đấu tranh cho tự do dân chủ dưới chế độc độc tài cộng sản buộc phải tuân theo. Đơn giản vì đó là đa nguyên, là bản chất của dân chủ, là lẽ thật và tự nhiên nhất trên đời! Thế mới biết cộng sản quái thai dị dạng thế nào trong lịch sử nhân loại!
Nếu không, giả dụ tôi là người của Việt Tân mà bị phản đối, xua đuổi một cách vô lý như vậy, tôi sẽ đáp trả ngay dù người đó là ai “Đất này là của riêng ông (tổ chức của ông) à? Thời điểm này là của riêng bà (tổ chức của bà) à?. Nếu vậy thì đánh dấu đi, khoanh vùng đi. Không ưa tôi thì tránh xa tôi ra. Tôi không mời ông bà đi gần tôi. Vô duyên.” Nếu có sự khoanh vùng khu vực biểu tình thì tôi sẽ không ngại mà giải thích cho họ về tính chất tương đối và tạm thời của việc khoanh vùng ấy (như đã nói ở trên).
Tất nhiên nếu ai đó vô tình hay cố ý làm việc lạc lõng thì tự họ trước tiên phải gánh chịu sự vô ích, thiếu hiệu quả trong việc làm của mình và cười chê của người đời. Nhưng cũng chỉ đến thế thôi, người khác có muốn chịu thay họ cũng chả được.
Xin thêm đôi lời. Với tôi Việt Tân là tổ chức chính trị đối lập (với cộng sản) lớn mạnh nhất, và chống cộng hiệu quả nhất, vì Việt Tân: bền bỉ nhất, tổ chức tốt nhất, đông thành viên nhất và nhiều thành viên ưu tú nhất, tiềm lực tài chính mạnh nhất, vùng hoạt động rộng nhất. Điểm cộng của Việt Tân mà không tổ chức khác nào có được đó chính là lịch sử hoạt động bền bỉ, kiên gan và oai hùng. Việt Tân đã nối tiếp cuộc chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân Việ Nam ngay sau sự kiện 30.4.1975 cho đến tận ngày nay. Về lý thuyết, phải nói rõ (cho an toàn, kín kẽ) là Việt Tân chưa phải là một tổ chức hoàn hảo và hoạt động hiệu quả như mong đợi của chính Việt Tân cũng như của người ngoài nhìn vào. Việt Tân đã từng có những sai lầm, thất sách, và cả thất bại. Tất nhiên rồi!
Với những trải nghiệm cá nhân sau 10 năm tham gia phong trào đấu tranh dân chủ của Việt Nam, tôi khẳng định ai bị cộng sản nói xấu nhiều nhất và căm thù nhất thì đó chính là người làm cộng sản sợ nhất. Mà cộng sản Việt Nam là độc tài giống Triều cộng, Trung cộng, chứ không như cộng sản ở một số nước khác. Độc tài sợ nhất là dân chủ. Điểm yếu lớn nhất của dân chủ là đôi khi (vô tình hoặc cũng có thể là cố ý) làm tổn thương nhau, chà đạp nhau, vô hiệu nhau … nhân danh sự đa nguyên và quyền tự do ngôn luận … Lại còn nhân danh cả sự đoàn kết và hiệu quả hoạt động nữa, kinh chưa!
Cứ bảo làm sao điều 258 vẫn nằm chình ình, trơ trẽn cười khoái trá như vậy!
Trên đây là câu chuyện của lý trí, lý lẽ, còn câu chuyện của tình cảm thì sao?
Năm nay trong phong trào đấu tranh dân chủ, tôi phiền muộn nhất là vụ nhóm Vì một Hà Nội Xanh đã có những lời nói và hành động kỳ thị một số bạn thanh niên trẻ (thường gọi là nhóm Dũng Phi Hổ) vì đã mặc quần áo và sử dụng một vài logo biểu tượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa miền nam Việt Nam. Nỗi phiền muộn này trở thành trở thành thất vọng lớn lao và cả phẫn nộ đối với những tuyên bố “Không nói thì hơn” của Vì một Hà Nội Xanh sau khi nhóm bạn trẻ Dũng Phi Hổ bị bắt.
Về mặt lý lẽ thì như tôi đã thể hiện quan điểm của mình ở trên. Về mặt tình cảm thì phải nói rõ: tôi không có điều kiện tham gia những cuộc biểu tình ấy, tôi cũng không phải thành viên của nhóm nào trong hai nhóm ấy. Tôi là người thứ 3, người ngoài trong câu chuyện này. Tôi có những nhận xét khách quan (trên cơ sở chủ quan từ tính cách, hiểu biết của riêng tôi) là Vì một Hà Nội Xanh đã mất điểm khá nhiều trong mắt tôi bởi hành xử vô lý, vô cảm và đặc biệt là thiếu bản lĩnh trong vụ việc này. Trong một cuộc gặp mặt với blogger Gió Lang thang – một thành viên tích cực của Vì một Hà Nội Xanh, tôi đã nói thẳng rằng “Nếu chị là thành viên của nhóm Dũng Phi Hổ chị sẽ đáp lại: Chúng tôi ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình về đạo đức và pháp luật. Chúng tôi chủ ý biểu tình, không liên quan gì đến Vì một Hà Nội Xanh. Dù sao, chúng tôi rất tiếc đã làm các bạn không vui vì sự xuất hiện của chúng tôi.”
Giờ tôi lại có cảm giác buồn phiền y như vậy trong vụ việc cái status 5 từ của bác Trương tráng sỹ!
Nếu tôi tổ chức biểu tình (cho cá nhân tôi hoặc tổ chức tôi tham gia) mà có người hoặc tổ chức khác đồng hành chính thức (ngỏ lời, hẹn hò, chuẩn bị kịch bản, phối kết hợp các kiểu cùng nhau) hoặc vô tình tư tưởng lớn gặp nhau (không hẹn mà nên, hoặc lúc ấy người ta tự ý đồng hành cùng mình). Quý vị thấy trường hợp nào tốt hơn? Về mặt thực dụng, theo đuổi hiệu quả, có vẻ (chỉ có vẻ thôi nhé) trường hợp đồng hành chính thức là hơn. Nhưng về mặt tinh thần, tâm lý, rõ ràng trường hợp bỗng dưng có người đồng hành còn hay hơn nhiều. Thậm chí còn là niềm tự hào, vui mừng thầm kín trong nội tâm. Đơn giản vì mình phải uy tín như thế nào, điều mình làm tốt đẹp, ý nghĩa như thế nào mới có người đến cùng tham gia với mình!
Ước mong dân chủ nhưng không biết, không dám, không muốn dân chủ với đồng đội của mình, người đồng chí hướng mình, thì phải nói vỗ mặt thôi.
Mong muốn cuốn hút lôi kéo quần chúng còn nhút nhát cùng tham gia, nhưng không cần, không muốn, không hiểu rằng trước tiên phải cuốn hút lôi kéo được đồng đội của mình, người đồng chí hướng của mình, thì phải nói vỗ mặt thôi.
Suy cho cùng nói vỗ mặt cũng chính là ngay thẳng, có thể hơi thiếu tế nhị, dịu dàng tí ti. Nhưng tế nhị, dịu dàng là cái gì vậy? Đang nói chuyện lý lẽ cơ mà. Bên vô lý, thiếu lý, đuối lý thường bỗng dưng gào lên đòi phải tế nhị, dịu dàng.
Ơn Giời! Mật vụ cộng sản đây rồi! Có lẽ Du (Ngô Quang) là chịu trận tôi nhiều nhất. Còn gì buồn hơn là cứ dùng lý lẽ “chửi te tua” đám công an mật vụ cộng sản vuốt mặt không kịp, thì chả sao, nhưng khi khác ý, khác kế hoạch tí ti với chính anh em mình thì bị đập hội đồng bằng những lý lẽ còn tệ hơn cộng sản ! Ngập bỉm luôn!
Ghét tôi á? Chuyện nhỏ!
Công an mật vụ đang mở sâm panh liên hoan kia kìa! Đấy mới là chuyện lớn! Cộng sản chẳng hề ảo tưởng là có thể triệt tiêu /thủ tiêu được mọi tiếng nói dân chủ. Cộng sản thích nhất là những người dân chủ mãi mãi không tự tổ chức được và cũng chẳng được ai tổ chức cho.
Comments
Post a Comment