LS Nguyễn Văn Đài
12-10-2015
Tôi đã từng bị tạm giam 10 tháng tại trại tạm giam số 1 của công an thành phố Hà Nội. Nhân việc cháu Đỗ Đăng Dư bị đánh trong buồng giam tới mức trọng thương, sau đó đã qua đời trong bệnh viện. Tôi kể lại câu chuyện này để quí vị có thể hiểu được phần nào cuộc sống của những người bị tạm giam.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 qui định như sau:
Điều 20 khoản 1: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Điều 31 khoản 1: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Ngày 6 tháng 3 năm 2007, tôi bị bắt và đưa vào trại giam số 1 của công an TP Hà Nội. Vào thời điểm này thì nạn đại bàng, đại ca trong buồng giam không còn nữa. Khi còn vấn nạn đại bàng, tức là những bị can có sức khỏe, bản lĩnh sẽ làm thủ lĩnh, làm trùm buồng giam. Tất cả các bị can khác phải hầu hạ phục dịch đại bàng. Những bị can trái lệnh, chống lại sẽ bị đánh đập, có nhiều trường hợp trọng thương dẫn đến tử vong.
Trong thời kinh tế thị trường định hướng XHCN, các quản giáo trong các trại tạm giam cũng đua nhau làm kinh tế. Nạn đại bàng được dẹp bỏ, thay vào đó mỗi buồng giam sẽ có một bị can làm trực buồng và một bị can làm trách nhiệm.
Trực buồng có nhiệm vụ quán xuyến chung mọi việc trong buồng giam như vệ sinh, ăn uống, họp nhận chỉ thị từ quản giáo, mua thuốc lá, thuốc lào cho các bị can…., thay mặt quản giáo giám sát mọi bị can trong buồng, giúp quản giáo kiếm tiền.
Bị can trách nhiệm có nhiệm vụ dạy luật buồng giam cho bị can mới vào, trừng trị những bị can cứng đầu không chịu chấp hành trật tự, nói chung là gìn giữ trật tự buồng giam. Dạy luật cho bị can mới tức bị can cần phải học thuộc 3 điều để khi có thanh tra, kiểm tra, Viện kiểm sát tới hỏi thì biết để trả lời:
1/ Không có thuốc lá, thuốc lào;
2/ Không có tra tấn, đánh đập trong buồng giam;
3/ Không có mâm trên, mâm dưới.
Bị can muốn trở thành trực buồng hay làm trách nhiệm thì gia đình họ phải chi tiền cho quản giáo. Tùy theo lệnh tạm giam lần thứ nhất là 2,3 hay 4 tháng mà mức tiền phải chi từ 2 đến 3 triệu đồng. Hết một lệnh tạm giam mà chưa bị xét xử, có lệnh tạm giam thứ hai thì gia đình bị can lại phải tiếp tục chi tiền cho quản giáo từ 1 tới 2 triệu đồng. Nếu gia đình của bị can là trực buồng, làm trách nhiệm không tiếp tục chi tiền cho quản giáo thì sẽ bị “khật”(ngôn ngữ trong tù), tức là bị phế xuống làm bị can thường. Và bị can khác có tiền sẽ lên thay.
Ngoài trách nhiệm đã nêu ở trên, trực buồng, trách nhiệm có quyền hành tuyệt đối trong việc điều tiết và phân phát thực phẩm được các gia đình bị can gửi vào. Thực phẩm, đồ dùng các nhân mà các bị can nhận từ gia đình không được giữ sử dụng riêng. Hàng ngày, tất cả thực phẩm tiếp tế được tập chung lại, trực buồng và trách nhiệm sẽ phân phát cho các mâm khác nhau trong buồng. Bị can có tiếp tế chỉ được một phần tương ứng với vị trí mà người đó đang có trong buồng giam.
Trong mỗi buồng tạm giam được thiết kế để giam 20 bị can. Nhưng trên thực tế thì có thời điểm số bị can bị giam trong một buồng lên tới 35. Trong buồng giam được phân chia thành các giai tầng khác nhau, trong tù gọi là “mâm”.
1/ Mâm trên: để được ngồi vị trí mân trên, gia đình bị can phải chi cho quản giáo từ 2-3 triệu đồng tùy theo thời gian của lệnh tạm giam;
2/ Mâm áp trên: Ngồi vị trí này, gia đình bị can phải chi từ 1,5-2,5 triệu tùy theo thời gian lệnh tạm giam;
3/ Mâm giữa: tương tự gia đình bị can phải chi 1-2 triệu;
4/ Mâm vệ sinh: khoảng từ 500 ngàn tới 1 triệu;
5/ Dân đen: không mất gì.
(trên đây là chi phí tình tại thời từ tháng 3 năm 2007 đến tháng 1 năm 2008)
Hết phần 1. Phần 2 tôi sẽ kể tiếp về cuộc sống hằng ngày trong buồng tạm giam và những mánh khóe làm tiền của quản giáo.
Comments
Post a Comment