Skip to main content

Vatican vẫn là một "cường quốc ngoại giao" ?

vatican2 
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Giáo hoàng Phanxicô nói chuyện riêng tại Tòa Thánh Vatican, 10/06/2015. REUTERS/Gregorio Borgia/Pool

Trong những tuần gần đây, Vatican - quốc gia "nhỏ" nhất hành tinh - đột nhiên trở thành tâm điểm của thế giới với hai chuyến công du lịch sử của Giáo hoàng Phanxicô tới Cuba và Hoa Kỳ, khẳng định sự hòa giải thành công giữa hai cựu thù, và uy tín lên cao của lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại quốc gia mà người Tin Lành chiếm đa số. Vatican vẫn còn là một "cường quốc ngoại giao thế giới" ?

Nền ngoại giao của Tòa Thánh dưới thời Giáo hoàng người Argentina dường như đã trở lại với sân khấu chính trị quốc tế, nối lại với tầm ảnh hưởng từng có dưới thời Giáo hoàng Gioan Phao Lồ II, và xa hơn với vai trò ngoại giao và chính trị hàng đầu trong lịch sử của Vatican.

Thành quốc Vatican, tên đầy đủ tiếng Ý là Stato della Città del Vaticano, là một trong hai quốc gia được hưởng qui chế quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc (cùng với Palestine), trên thực tế có nhiều điểm khác với một quốc gia thông thường. Quốc gia rộng 0,44 km², với khoảng 1.000 dân cư này, nằm lọt thỏm giữa thủ đô Roma nước Ý, là phần lãnh thổ sót lại cuối cùng của Vương quốc Giáo hoàng hùng mạnh xưa kia. Một số luật gia thậm chí cho rằng Thành quốc Vatican ngày nay chưa hẳn đã là một quốc gia, vì Vatican không có công dân riêng của mình, quốc tịch Vatican chỉ được cấp tạm thời, gắn liền với một công việc cụ thể ở Tòa Thánh.

Sức nặng của nền quân chủ tuyệt đối duy nhất còn lại tại Châu Âu, không sức mạnh quân sự, không thế lực kinh tế đáng kể, trên thực tế dựa vào một Giáo hội hoàn vũ, với hơn một tỷ tín đồ, cùng hàng trăm ngàn trường học, tổ chức xã hội, từ thiện, và mạng lưới quan hệ ngoại giao với khoảng 180 quốc gia. Xét về chính trị quốc tế, Vatican có thể coi là một trong số rất ít quốc gia có các lợi ích ngoại giao và địa chính trị toàn cầu, cho dù vai trò này không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng.


Sức nặng của quốc gia nửa cây số vuông
Trước hết, mời quí vị nghe một số nhận xét của nhà sử học Pháp Christophe Dickès, chuyên gia về quan hệ quốc tế, chủ biên cuốn Từ điển về Vatican và Tòa Thánh (Dictionnaire du Vatican et du Saint-Siège, Nhà xuất bản Robert Laffont, 2013) về sức nặng ngoại giao của Vatican :

"Không dễ để nói về trọng lượng thực tế của ngoại giao Tòa Thánh trên trường quốc tế, bởi vì cũng giống như các quốc gia khác, chúng ta không có điều kiện truy cập lưu trữ. Dù vậy rõ ràng Vatican là một thành phần chủ đạo trong nền ngoại giao thế giới, nhưng là một thành phần kín đáo. Tòa Thánh hoạt động trong bí mật, nhưng không phải theo nghĩa tiêu cực của từ này, mà là "tích cực" : bí mật mang lại nhiều không gian cho hành động.

Chúng ta cũng biết rằng, Vatican có một trong những hệ thống sứ giả ngoại giao (nonce apostolique) hàng đầu thế giới, với 180 cơ quan đại diện. Đây là điều hết sức đáng kể. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận mạng lưới ngoại giao này như một mạng lưới gián điệp, như người ta thường quen nhìn nhận. Cần phải từ bỏ những tưởng tượng huyễn hoặc, mạng lưới ngoại giao nói trên trước hết phục vụ cho nhu cầu của Giáo hội Công giáo, nhưng đồng thời cũng để phục vụ cho các quốc gia có yêu cầu. Nó đóng vai trò trung gian môi giới và đôi khi là trọng tài : ví dụ như việc can thiệp, để các con tin Anh Quốc tại Iran được trả tự do năm 2007. Lần này cũng vậy, hành động của Vatican rất kín đáo, và như vậy có hiệu quả hơn" (theo Diplomatie : le Vatican a-t-il encore beaucoup d’influence à travers le monde ? Jolpress.com).


Giáo hoàng Gioan XXIII - sứ đồ hòa bình
Trong lịch sử thế kỷ XX, giai đoạn Công đồng Vatican II có một ý nghĩa quan trọng. Công đồng, được mở ra ngày 11 tháng 10 năm 1962, dưới triều Giáo hoàng Gioan XXIII và hoàn tất vào năm 1965, dưới triều Phao Lồ VI. Vatican II mang lại một bước ngoặt cơ bản trong lịch sử Giáo hội Công giáo, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa tiểu quốc có lịch sử rất lâu đời này và Giáo hội Công giáo nói chung, với thế giới hiện đại.

Chính trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II, công chúng biết đến ảnh hưởng có tính quyết định của Giáo hoàng Gioan XXIII đối với quan hệ giữa hai siêu cường thời Chiến tranh Lạnh. Lời kêu gọi hòa bình của người đứng đầu Vatican, được báo Sự thật (Pravda) của Liên Xô đăng tải, đã thúc đẩy các đàm phán giữa ông Khruchtchev, Chủ tịch Liên Xô thời đó, và Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, một người Công giáo, tránh cho thế giới nguy cơ rơi vào một xung đột vũ trang mới.

"Pacem in Terris" (Hòa bình trên Trái đất), thông điệp nổi tiếng của Giáo hoàng Gioan XXIII, là thông điệp đầu tiên được gửi tới không chỉ người Công giáo, mà cho mọi người ("tất cả những người có thiện chí trên thế giới", theo ngôn ngữ của Tòa Thánh), ít ngày trước khi ông mất, với nội dung khẳng định nhiều quyền căn bản của con người. Nỗ lực cho một nền hòa bình thế giới, mà Pacem in Terris mở màn, là những điều được các đời Giáo hoàng kế nhiệm liên tục đề cao, trong đó có Giáo hoàng Gioan Phao Lồ II, nổi tiếng với sứ mạng dân chủ hóa khối các quốc gia cộng sản Đông Âu. Ông cũng là người chủ trương giải thể hoàn toàn vũ khí hạt nhân.


Hòa giải Cuba - Hoa Kỳ : hồi chót của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh
Vào dịp Giáo hoàng đương nhiệm Phanxicô tông du Cuba và Hoa Kỳ, chương trình tạp chí Địa chính trị của RFI có cuộc tọa đàm với một số chuyên gia về chủ đề những cội rễ của "thành quả" ngoại giao mới đây của Tòa Thánh.

Về điểm này, khác với những đánh giá khen ngợi hết mực các thành công của Tòa Thánh và vai trò cá nhân Giáo hoàng Phanxicô trong việc hòa giải Cuba với Hoa Kỳ, nhà chính trị học François Mabille cho rằng : "Vatican đã giữ một vai trò không thể phủ nhận được, đặc biệt trong những năm 2000, kể từ khi bổ nhiệm Đức ông Giovanni Angelo Becciu làm sứ thần Tòa Thánh tại Cuba (năm 2009). Chắc chắn là, trên một phương diện nào đó, Vatican đã giữ vai trò trung gian, bên thứ ba đảm bảo cho các đàm phán giữa Hoa Kỳ với Cuba. (Nhưng chuyến công du vừa qua của Giáo hoàng mang tính biểu tượng là chính, bởi Cuba không còn có vị trí địa chính trị đáng kể hiện nay. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt".

Nhà sử học Jean-Baptiste Noé bổ sung : "Trang sử mới thực ra đã được mở ra với Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã có vai trò trong quan hệ giữa Kennedy và Khruchtchev năm 1962, trong khủng hoảng Cuba. Ông đã có vai trò rất quan trọng trong việc tránh cho hai bên đụng độ. Giáo hoàng Gioan Phao lồ II, rồi Benedicto XVI đã tiếp tục có các chuyến công du đến Cuba. Tôi cũng cho rằng, thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã khép lại. Còn giờ đây vai trò của Cuba là nhỏ" (Nhà sử học là tác giả cuốn "Géopolitique du Vatican/Địa chính trị Vatican", sắp ra mắt giữa tháng 10/2015).

Cũng có mặt trong cuộc tọa đàm này, nữ sử gia Annie Lacroix-Riz, giáo sư về lịch sử đương đại đưa ra nhiều lý giải về mối quan hệ phức tạp giữa Tòa Thánh Vatican, Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh, trong đó có Cuba (nữ sử gia là tác giả cuốn "Vatican, Châu Âu và đế chế Đức, từ Đại chiến thứ nhất đến Chiến tranh Lạnh", Nhà xuất bản Armand Colin, 2010) :

"Cuba đã từng có vai trò rất quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, cần phải trở ngược lại về thời kỳ trước đây rất xa, để xác định được vị trí của Vatican và của Hoa Kỳ và thời điểm đó, trong quan hệ với Châu Mỹ Latinh.

Tại một khu vực như Châu Mỹ Latinh, nơi dành rất nhiều ưu tiên cho đầu tư của Hoa Kỳ, nơi mà Vatican tại các vùng theo Công giáo toàn tòng, việc kiểm soát cư dân có vai trò quyết định, đến mức mà chúng ta thấy ông Pacelli, Giáo hoàng Pie XII tương lai, có chuyến công du Châu Mỹ vào năm 1936, khi ông còn là Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã tới gặp Tổng thống Roosevelt, đặc biệt do mối lo ngại của Hoa Kỳ về những thay đổi lớn không phải ở Cuba, mà là ở Mêhicô, bởi lúc đó Cuba được kiểm soát chặt.

Vấn đề này đã không được nêu ra, bởi vì chúng ta nói nhiều đến Chiến tranh Lạnh, đến xung đột giữa chủ nghĩa cộng sản và Hoa Kỳ, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề sâu xa hơn thế. Châu Mỹ Latinh là vấn đề của một khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Trên góc độ này, vai trò của Châu Mỹ Latinh có ý nghĩa quyết định".


Vatican : công cụ tư tưởng của các thế lực mạnh nhất hành tinh ?
"Hoa Kỳ thường xuyên nhờ đến sự can dự của Vatican để có được sự bảo đảm, sự ổn định. Đặc biệt là sự kiểm soát đối với phong trào thường được gọi là "Thần học Giải phóng"'. Các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược tại khu vực này không phải bắt đầu từ thời Giáo hoàng Benedicto XVI, cũng không chỉ từ Gioan Phao Lồ II, cho dù vào các giai đoạn đó, đã có một sự phát triển mạnh theo hướng này".

Nữ sử gia Annie Lacroix-Riz nhấn mạnh đến Argentina - quê hương của Giáo hoàng Phanxicô - từng là một trong các xứ sở tiếp nhận nhiều tội phạm chiến tranh (đặc biệt là những người phục vụ cho chế độ phát xít Đức), được nhiều thành viên của Tòa Thánh và Giáo hội tiếp tay. "Vatican, cánh tay ý thức hệ của các đại cường ?" là tên bài lược thuật của RFI về cuộc tọa đàm của ba chuyên gia kể trên.

Về quan hệ đặc biệt giữa Vatican với Hoa Kỳ, nhà chính trị học François Mabille nêu nhận xét : "Tôi cho rằng suốt thế kỷ XX, đã có một thỏa thuận, gần như là vậy, để cho Giáo hội Công giáo, cụ thể là bộ máy điều hành Giáo hội, với bảo trợ của Tòa Thánh Vatican, được gần gũi với các chế độ có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Trong thời kỳ Giáo hoàng Gioan Phao Lồ II, ra đời cuốn sách của hai nhà báo Carl Bernstein và Marco Politi cho thấy rõ mối quan hệ hai bên cùng có lợi giữa Hoa Kỳ và Vatican (Đó là tác phẩm nổi tiếng về tiểu sử chính trị của Giáo hoàng "His Holiness : John Paul II & the History of Our Time", được dịch qua tiếng Pháp với tựa đề "Jean-Paul II et l'histoire cachée de notre époque, Sa Sainteté").

Quan hệ có đi có lại là : Hoa Kỳ ủng hộ Vatican trong chính sách đối với Ba Lan, các nước Đông Âu, và đổi lại là việc Giáo hội bịt miệng các phong trào Thần học giải phóng tại Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, oái ăm thay, cuộc chơi ngoại giao này đã không ngăn cản việc Hoa Kỳ phát triển các nhóm phái Tin Lành phúc âm mới tại Châu Mỹ Latinh (đối thủ của Giáo hội Công giáo lúc đó - người viết)".


Giáo hoàng Phanxicô và sự trở lại của ngoại giao Vatican
Trở lại với vai trò ngoại giao gần đây của Vatican, rất nhiều người ghi nhận các nỗ lực của Giáo hoàng Phanxicô trong việc khôi phục tầm ảnh hưởng quốc tế của Tòa Thánh, vốn bị chìm lắng hẳn trong 8 năm tại vị của Giáo hoàng tiền nhiệm. Đã có rất nhiều thay đổi trong cục diện hiện nay. Sau đây là một số nhận định của nhà báo Henri Tincq.

"Hiện nay, bản đồ các xung đột trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Giáo hoàng Phanxicô, giáo hoàng không phải là người Châu Âu đầu tiên của thời kỳ hiện đại, đang phải đối mặt với "Cuộc chiến tranh Thế giới thứ 3 cục bộ", theo một diễn đạt lạ lùng mà ông đưa ra hồi tháng 6/2015, trong một chuyến viếng thăm chớp nhoáng tại Sarajevo. Theo Giáo hoàng Phanxicô, cuộc Thế chiến thứ 3 có các đặc điểm là : thứ nhất là, xung đột ở qui mô hành tinh giữa Phương Tây và Hồi giáo thánh chiến cực đoan, thứ hai là, các dòng người di cư ngày càng đông đảo do các cuộc nội chiến và nghèo đói, và thứ ba là nạn buôn lậu vũ khí và buôn người dưới mọi hình thức.

Vatican và Giáo hội Công giáo 1,2 tỷ người buộc phải xem xét lại các tiêu chí "xem xét’' các khủng hoảng và hành động can thiệp. Các "khối'' đối đầu trước kia nay không còn nữa. Không còn chiến tranh phi thực dân hóa kiểu truyền thống. Không còn cuộc thập tự chinh chống lại "trục tội ác’' của giới tân bảo thủ Mỹ, bị chiến tranh Iraq làm mất uy tín. Chiến tranh không còn như trước đây, với tư cách là một khủng hoảng có thể được giải quyết thông qua thương thuyết giữa các bên và các phương tiện của nền ngoại giao truyền thống.

"Tình huynh đệ phổ quát’', mà các giáo hoàng mơ ước thời Chiến tranh Lạnh ngày hôm nay, đã nhường chỗ cho sự đụng độ giữa các khối dân cư thuộc các khu hệ văn minh khác nhau, cho một sự chạy đua vì lợi nhuận được toàn cầu hóa, sự tan vụn của các lợi ích quốc gia và châu lục, nhường chỗ cho một quá trình "toàn cầu hóa" các bất công và tình cảm thờ ơ, mà chính Giáo hoàng đã lên án trong một thông điệp mới đây". 

Sự trở lại sân chơi ngoại giao quốc tế của Vatican đi kèm với sự lên ngôi của một dàn nhân sự mới, đứng đầu là Hồng y người Ý Pietro Parolin. Nhà báo Henri Tincq cho biết :

"Khác với người tiền nhiệm Giáo hoàng Benedicto XVI, tại Vatican, Giáo hoàng Phanxicô được hậu thuẫn bởi một Quốc vụ khanh - cùng lúc đảm nhiệm vai trò Thủ tướng và Ngoại trưởng. Hồng y người Ý Pietro Parolin, 59 tuổi là một nhà ngoại giao thực thụ. Ông xuất thân từ Viện hàn lâm giáo hoàng (nơi đào tạo các nhà ngoại giao của Giáo hội), cựu sứ thần Tòa thánh tại Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Tháng 10 năm 2013, Hồng y Pietro Parolin kế nhiệm Hồng y Tarsini Bertone, người chưa bao giờ làm nghề ngoại giao... Sự thiếu chuyên nghiệp khiến ông bị dính líu vào, cũng như có phần trách nhiệm trong vụ bê bối Vatileaks năm 2012" (Bài La diplomatie du Vatican s'est réveillée. Peut-elle jouer un rôle dans les conflits du monde ? của trang Slate.f).

Liên quan đến Việt Nam, một trong những quốc gia hiếm hoi chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietreo Parolin được biết từng có vai trò rất tích cực trong các tiếp xúc với chính quyền Hà Nội, để chuẩn bị cho việc "bình thường hóa liên lạc ngoại giao".

Khu vực Trung Cận Đông có một vị trí rất hệ trọng đối với vị thế ngoại giao của Vatican. Trung Cận Đông - cái nôi của ba tôn giáo toàn cầu - hiện đang trong tình trạng lò lửa chiến tranh sôi sục. Công luận không khỏi bất ngờ trước hoạt động của Giáo hoàng phản đối can thiệp vũ trang vào Syria hồi đầu mùa thu 2013, sau khi chính quyền Damas bị cáo buộc dùng chất độc hóa học thảm sát dân thường.

Trong đợt hành động đầu tiên được coi là đánh dấu cho sự trở lại của Giáo hoàng trong lĩnh vực chính trị quốc tế, đúng 10 năm sau tuyên bố chống chiến tranh Iraq của cố Giáo hoàng Gioan Phao lồ II, Vatican đã tổ chức một hội nghị quốc tế với sự tham gia của 71 đại diện quốc gia, tìm giải pháp cho hòa bình Syria. Bức thư ngỏ, gửi đến Tổng thống Putin - với tư cách Chủ tịch nhóm các cường quốc kinh tế G20 vào thời điểm đó - đã nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của nước Nga trong việc tái lập hòa bình ở Syria. Bức thư được đánh giá là có một tác động quan trọng.

Chuyến công du của Giáo hoàng tới Cận Đông tháng 5/2014, mong tìm hòa giải giữa người Palestine và Israel cũng được đánh giá tích cực, đặc biệt khi ông đến bên bức tường ngăn Israel với vùng Cijordani, trán áp vào tường bê tông lạnh giá, gương mặt im lặng trong cầu nguyện, như đồng hành với những nỗi đau của người Palestine.

Không kể những tiếng nói cảnh báo rất sớm về thái độ thờ ơ trước làn sóng tị nạn đổ về Châu Âu qua Địa Trung Hải, Giáo hoàng Phanxicô cũng được ca ngợi là đã khẳng định một đường lối đối ngoại quốc tế mới cho Vatican, khi ông lên tiếng kêu gọi can thiệp để "chấm dứt sự xâm lăng hung bạo phi pháp" của lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ít tuần sau khi lực lượng này xuất đầu lộ diện, gây tội ác man rợ tại Iraq và Syria, trong đó có rất nhiều nạn nhân người Thiên chúa giáo.

Nhà chính trị học François Mabille ghi nhận, với lần lên tiếng này, Giáo hoàng đã chấm dứt "hai thập niên" không có lập trường rõ ràng của Vatican trước nhiều khủng hoảng quốc tế. Lần gần nhất trước đó được biết đến là việc Giáo hoàng Gioan Phao Lồ II ủng hộ "can thiệp nhân đạo" tại vùng Balkan trong những năm 1992-1993 (theo Syrie - Iraq : le pape François tantôt pacifiste, tantôt interventionniste, trang France24.com).


Giáo hoàng Phanxicô : cơ hội cho một nền ngoại giao vì con người
Tiến hành nhiều thay đổi hoàn toàn trong chính sách ngoại giao so với người tiền nhiệm, lãnh đạo Giáo hội Phanxicô, xuất thân dòng Tên, cũng lại là người nối tiếp truyền thống "chống quan điểm cho rằng mọi thứ đều là tương đối" của Giáo hoàng Benedicto XVI. Về quan điểm nói trên, nhà sử học Jean-Baptiste Noé giải thích :

"Trước đây Giáo hoàng Benidicto 16 tập trung nhiệm kỳ Giáo hoàng của ông vào việc chống lại các xu thế sau. Trong một bài giảng ngay trước khi khai mạc Mật nghị Hồng y năm 2005, ông lên án sự độc tài của "quan niệm mọi thứ đều là tương đối’'. Đây cũng chính là đường hướng chính của vị tân Giáo hoàng. Vào đầu những năm 1990, sau chiến thắng vinh quang chống lại chủ nghĩa độc tài cộng sản, Tòa Thánh đã phải chống trả thái độ không khoan nhượng của các nước phát triển, có ý chí thiết lập một thế giới chỉ duy nhất dựa trên hiệu quả kinh tế, và sự thỏa mãn thú vui vật chất, những khái niệm vốn hết sức xa lạ với quan điểm tâm linh của Vatican.

Giáo hoàng không ngừng lên án sự độc tài của đồng tiền, việc tôn thờ các "thần tượng sai lạc'', theo ngôn ngữ của Tòa Thánh, có nghĩa là các thú vui thuần túy vật chất, thái độ biến con người thành một nhân tố thuần túy kinh tế, phủ nhận bình diện nhân văn của nó. Việc lên án như vậy (đối với quan niệm mọi thứ là tương đối và sự độc tôn của đồng tiền - người viết) trước đó có vẻ như không được chú ý, đã đột ngột trở nên thời sự, do cuộc khủng hoảng kinh tế, khởi sự từ năm 2008.

Trước khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ chỉ vài ngày, hồi tháng 9/2008, Giáo hoàng Benedicto XVI đã tới Pháp. Và trong bài giảng lúc thánh lễ cử hành tại quảng trường Invalides, Paris, (ngày 13/09/2008), ông đã tấn công vào "sự sùng bái các thần tượng sai lạc’'. Bởi gắn liền với các thực tế kinh tế nóng hổi, nền ngoại giao của Vatican ngay sau đó đã trở thành tâm điểm của thời sự" (theo Géopolitique du Vatican, la volonté de l’influence, trang Diploweb.com).

Vẫn theo nhà sử học Jean-Baptiste Noé, cho dù khác biệt, hai Giáo hoàng Phanxicô và Benedicto XVI vẫn thống nhất với nhau trong một chính sách chung là kiên định bảo vệ "tự do tôn giáo" (trước các chính quyền độc tài) và cổ vũ cho "một chủ nghĩa nhân đạo toàn diện", trước "xu thế thế tục hóa" hay "Hồi giáo cực đoan" (và tôn giáo cực đoan nói chung - người viết). Nhà sử học hy vọng, đây chính là điều căn bản giúp cho Tòa Thánh tiếp tục là một "đại cường ngoại giao", duy trì được chỗ đứng trên toàn cầu. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga năm 2010, quốc gia cựu cộng sản với đại đa số dân chúng theo Chính thống giáo, là "một bình diện mới của chiến lược địa chính trị của Vatican đầu thế kỷ XXI".

Điểm khác biệt của Giáo hoàng Phanxicô với lãnh đạo Công giáo tiền nhiệm là phong cách rất gần gũi với con người, nhất là những người dân thường, thái độ cởi mở chấp nhận khác biệt, để cùng hướng đến các giá trị phổ quát của nhân loại. Đây là điều khiến ông trở thành người mang lại cho Vatican cơ hội khẳng định một chiến lược ngoại giao vì con người, trong bối cảnh mà hủy diệt sinh thái, xung đột xã hội, bạo lực, chiến tranh tại nhiều khu vực trên thế giới đang, hoặc có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát. 

Trọng Thành
Nguồn, RFI, 01/10/2015

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...