Skip to main content

Người Buôn Gió, từ giang hồ đến cải cách xã hội

Hà Giang/Người Việt

LTS – Người quan tâm đến tình hình đất nước có lẽ ai cũng quen thuộc với tên gọi blogger Người Buôn Gió. Người Buôn Gió tên thật là Bùi Thanh Hiếu, tác giả nhiều loạt bài, trong đó có “Ðại Vệ Chí Dị,” “Thư Viết Cho Con Trai”… với lối viết giản dị, dí dỏm, và sâu sắc. Blogger Người Buôn Gió là ai? Ðiều gì khiến ông trở thành người dùng ngòi bút làm phương tiện cải cách xã hội? Hiện đang tham dự chương trình học bổng nghệ thuật của thành phố Weimar, Ðức Quốc, Blogger Người Buôn Gió hé lộ với phóng viên Hà Giang vài nét chính về con người và cuộc đời mình, trong buổi chuyện trò sau đây, tại tòa soạn nhật báo Người Việt.


Blogger Người Buôn Gió trong buổi nói chuyện với phóng viên Hà Giang tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt)


Hà Giang (NV): 
Chào blogger Người Buôn Gió, đọc văn thì cũng có thể đoán ra con người của tác giả Người Buôn Gió, tuy nhiên nhiều người vẫn muốn nghe chính tác giả nói về mình, anh có thể cho độc giả của Người Việt biết blogger Người Buôn Gió là ai, và tại sao lại đi… buôn gió?

Blogger Người Buôn Gió: Thực sự, tôi chỉ như bao thanh niên ở Việt Nam ở trong những khu phố mà người ta gọi là khu phố bụi đời, nơi chứa nhiều thành phần giang hồ, xã hội đen. Cuộc sống của tôi cũng có lúc sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp. Mọi người có thể hình dung là cuộc sống ấy nó khó hiểu nhưng mà tôi sinh ra ở cái khu phố như thế và tất cả mọi người đều làm những việc như thế thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được với xã hội bên ngoài, với xã hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết sống ở trong đấy thôi, và tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám lưu manh ấy.

NVAnh nói đến một khu phố bụi đời với những chàng trai sống lăn lóc, vậy khu phố đó ở đâu?

Blogger Người Buôn Gió: Nơi tôi sinh ra nó là một cái ngõ nhỏ tên là Phát Lộc, ngoài Bắc, nó nằm ở chợ Ðồng Xuân-Bắc Qua, một nơi chứa chấp nhiều giới giang hồ hảo hán, dân số khoảng vài nghìn người.

NVBlogger Người Buôn Gió bao nhiêu tuổi rồi?

Blogger Người Buôn Gió: Vâng, tôi sinh năm 1972.

NVTới một lúc nào thì con người giang hồ lăn lóc bụi đời đó quyết định thôi giang hồ và bắt đầu viết lách, và điều gì, biến cố gì đã thôi thúc Người Buôn Gió phải cầm bút?

Blogger Người Buôn Gió: Khi tôi lấy vợ thì tôi vẫn làm công việc cầm đồ, cá độ bóng đá, tiêu thụ của gian, nói chung thì những cái việc ấy nó liên hệ với nhau. Sau đấy năm 2005 thì vợ tôi sinh con. Khi vợ tôi chuyển dạ sinh thì tôi đưa vợ tôi vào bệnh viện. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ người ta bảo đưa tiền hối lộ thì người ta sẽ chăn sóc vợ con tôi. Lúc tôi đưa tiền cho người ta thì tôi thấy đó là lẽ tất nhiên, cả một cái xã hội toàn dùng tiền hối lộ, ở đâu cũng phải hối lộ thì hối lộ nó thành thói quen thôi. Nhưng nó xảy ra trường hợp là vợ tôi khó đẻ, và khó đẻ thì phải chuyển qua phòng mổ. Nhưng phòng đỡ đẻ thì người ta muốn lấy tiền hối lộ, nên họ giữ vợ tôi ở đấy. Vì thế sau ba tiếng đồng hồ vỡ ối, con tôi chưa được sinh ra, họ đợi đến hết giờ ca trực ấy, khi đổi qua ca trực khác thì mới chuyển, vì như thế thì ca trực khác mới được tiền (hối lộ). Khi họ chuyển vợ con tôi qua phòng mổ thì con tôi tím ngắt và tái mét. Họ nói con tôi bị bệnh tim. Nhưng nhiều người bảo nếu bệnh tim thì khám thai phải biết rồi, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim, mà gia đình tôi không ai có bệnh tim, còn con tôi trong quá trình khám thai thì không có vấn đề gì. Ðây là cháu bé trong ba tiếng đồng hồ đó nó bị sặc nước ối, vì nước ối vỡ ra rồi, nó uống vào.

Lúc ấy họ bảo, bây giờ muốn chữa thì phải tốn tiền, thế là tôi lại phải đưa tiền cho họ, nói tóm lại hối lộ rất là nhiều, từ y tá đến bác sĩ, ai cũng nói đến tiền. Họ hỏi thì tôi cứ đưa tiền ra, không thiết tha gì khác. Con tôi cuối cùng khỏe mạnh được về nhà. Khi về nhà được khoảng hai tháng thì một hôm tôi nhìn con tôi đang nằm, nó mủm mỉm, nó cười. Tôi nhìn, tôi mới nhớ lại chuyện hôm nó sinh ra, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi từng cầm dao tôi đi chém người để tôi lấy tiền, thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông ấy cầm dao mổ, tôi bàng hoàng nhận ra là có khi họ cũng giống mình.

Khi tôi nhận ra một cái điều như thế, thì tôi tự hỏi tại sao xã hội nó lại như thế. Tôi nhận tôi là một thằng lưu manh giang hồ, tôi đâm thuê chém mướn, tôi kiếm tiền… mà hình ảnh của người bác sĩ ở trong tôi ấy, thì tôi vẫn nghĩ những người ấy gọi là lương y như từ mẫu, không quản ngại điều gì để giúp mình, mà bây giờ người ta cũng cầm dao người ta kiếm tiền, và người ta cũng có thể bỏ mặc người khác chết để người ta kiếm tiền. Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ có khi còn xuất sắc hơn tôi.

Thật ra khi tôi đi đâm chém thì chỉ là dân giang hồ với nhau, chứ tôi chẳng bao giờ đi tìm một người hiền lành nào tôi uy hiếp người ta để tôi kiếm tiền, mà toàn là dân giang hồ mâu thuẫn vì chia chác các thứ hay là nợ nần nhau. Bây giờ đến một người bác sĩ mà người ta cũng như thế thì tôi không hiểu cái xã hội này bây giờ nó ra thế nào. Nghĩ thêm thì tôi thấy không riêng chỉ bác sĩ, mà thầy giáo rồi công an cũng như thế, cả xã hội nó như thế.

Tôi nghĩ bây giờ mình sinh con mình ra rồi, và xã hội nó như thế này, để cho con mình nó tồn tại, thì mình dạy cho con mình cái gì? Mình lại phải dạy cho con mình biết cách hối lộ, biết cách luồn lọt, biết cách kiếm chác lưu manh thì tôi thấy mình sinh ra một người con, nuôi cho lớn mà phải dạy nó những điều ấy, thì nói thật lòng, thà không sinh nó ra.

Lúc đó tôi mới viết bài đầu tiên là bài ”Thư viết cho con trai.” Tôi viết một chuyện châm biếm là trong xã hội như thế này, khi con lớn lên đi học mẫu giáo, đi ra ngoài con phải cảnh giác là luôn cầm tiền trong người, bố sẽ đặt tên con là Bùi Minh Huấn, tức là con có được lời giáo huấn sáng suốt.

Bài viết đó có nhiều người đọc và khen. Thật ra thì cũng chẳng phải là người ta khen. Người thì khóc, người thì cười, tức là nó mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Tôi thấy là mình có thể có một cách cải cách cái xã hội này qua ngòi bút của mình. Nghĩ thế, tôi bắt đầu chú ý viết.

NVBuôn Gió có nghĩa là gì, và từ đâu lại có cái tên Người Buôn Gió?

Blogger Người Buôn Gió: Lúc đầu, khi mới viết, tôi chỉ lấy tên thật là Bùi Minh Hiếu thôi. Sau đó tôi nghĩ mình không phải là muốn truyền bá tư tưởng, mà chỉ muốn nhân rộng suy nghĩ của một người cha, muốn những điều tốt cho con mình, cho thế hệ sau, nhân rộng nó đi khắp nơi, thì tôi chọn cái tên Người Buôn Gió, tức là tôi mong muốn cái tình cảm của một người cha, trách nhiệm với người con, với xã hội, được nhân rộng, tôi chọn cái tên ấy.

NVNhững nhận thức về xã hội chung quanh của blogger Người Buôn Gió có phải đến lúc có con, lo cho con rồi mới có, hay là những điều đã tiềm ẩn trong anh lâu rồi?

Blogger Người Buôn Gió: Nhận thức thì vẫn luôn luôn có chứ, nhưng nó không khiến được mình thay đổi, vì như nhiều người Việt Nam mình, khi họ nhìn những sự trái ngang đó, thì họ coi đó là một điều bình thường và họ tìm một cách nào đó, hối lộ, luồn lách, móc ngoặc thế nào đó để mà vượt qua. Thì tôi cũng là một người như thế. Nếu mà tôi không có cậu con trai của tôi, thì tôi vẫn là một người như thế thôi. Nhưng khi đã có người con rồi thì suy nghĩ của tôi lúc đó không phải là về tôi nữa mà là về thế hệ của con tôi, và chính vì thế mà tôi viết. Nói tóm lại, đánh giá về xã hội như thế thì nó có sẵn trong người rồi, nhưng mình không muốn làm cái gì để thay đổi nó, mình chấp nhận nó là đương nhiên như thế. Nhưng khi mình đặt vấn đề con mình nó cũng phải chấp nhận như thế là một chuyện đương nhiên thì đó là một điều đau lòng, và tôi không muốn như thế, nên tôi phải viết.

NVViệc viết lách trong xã hội Việt Nam đã mang đến cho blogger Người Buôn Gió nhiều khó khăn trong cuộc sống, vậy người phối ngẫu của anh có ý kiến gì không?

Blogger Người Buôn Gió: Ðầu tiên thì vợ tôi phàn nàn rất nhiều. Gia đình bên vợ tôi, ông của vợ tôi là tướng trong quân đội (Bắc Việt), gia đình bên vợ tôi cũng thuộc thành phần trí thức, ông bà đều là lão thành cách mạng. Nhưng khi tôi bị bắt năm 2009 thì lúc đấy gia đình vợ tôi mới biết chuyện. Họ tìm hiểu xem tại sao tôi bị bắt, họ đọc những bài của tôi, họ nói “ôi mẹ cái thằng này nó viết hay đấy, nó viết đúng quá.” Lúc ấy thì vợ tôi thất vọng, tưởng là mọi người biết anh ấy làm như thế thì khuyên anh ấy, chứ bây giờ bên nội bên ngoại cùng khen như thế này, thì vợ tôi dần rồi cũng vui vẻ.

NVSau khi những bài viết của blogger Người Buôn Gió được gia đình bên vợ đọc, thành phần giao tiếp của anh có thay đổi không? Có tạo được ảnh hưởng gì không?

Blogger Người Buôn Gió: Sau khi mọi người trong họ hàng đọc thì họ thành độc giả của tôi. Họ thường xuyên đọc. Gọi cho bạn bè. Thậm chí, tôi có ông chú với bà cô lúc nào cũng đi khoe “tôi là ông chú, tôi là cô cái thằng Buôn Gió.”

NVCon trai của blogger Người Buôn Gió bây giờ cũng chín tuổi rồi, và anh đã viết cho con rất nhiều bức thư, thế cha con anh có bao giờ ngồi và nói với nhau những câu chuyện tương tự như nội dung của những bức thư đó không?

Blogger Người Buôn Gió: Cháu cũng đọc những bài tôi viết. Có những lúc đi học về cháu chưa phải làm bài, cháu rất là khệnh khạng, ngồi vào máy tính, xong cháu Google xem hôm nay Người Buôn Gió viết cái gì, rồi cháu ngồi đọc. Chúng tôi không thảo luận về những thư tôi viết cho cháu, chỉ có một cái truyện tôi viết về tuổi thơ của tôi, thì cháu có hỏi lúc ấy bố bé, bố như thế nào thế nào, thì tôi kể cho cháu nghe. Tôi tâm sự với cháu, chẳng hạn như bố thương bà nội thì bố nấu cơm, bố làm các việc giúp bà, hay là thương ông nội thì tôi làm gì.

NVTrở lại với cái cái chữ Buôn Gió, chắc hẳn hai chữ này với anh phải có một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm?

Blogger Người Buôn Gió: Chúng ta người nào cũng có một ước mơ, thí dụ ước mơ cải cách xã hội, ước mơ xã hội được dân chủ, cái tên Buôn Gió nó thể hiện một giấc mơ, một ước mơ mà tôi đang trên đường thực hiện. Tôi cũng chỉ mong lúc nào đất nước mình tràn ngập gió thì tôi không phải đi buôn nữa, thì đó là một điều thật hạnh phúc.

NVCảm ơn blogger Người Buôn Gió đã dành thời gian cho chúng tôi.

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...