Skip to main content

Thành phố đáng sống

Tháng Bảy vừa rồi, một Việt kiều lần đầu về thăm quê hương sau 30 năm xa xứ bảo Sài Gòn bây giờ thay đổi nhiều so với khi ông ra đi. Nhưng điều ấn tượng nhất ông cứ nhắc đi nhắc lại là chuyện "ngựa xe như nước" ở Sài Gòn. Dù đang sống tại một thành phố không phải là nhỏ ở Pháp, trong mắt ông những dòng xe, đặc biệt là xe gắn máy, trên các giao lộ chính ở Sài Gòn trong giờ cao điểm vẫn trở thành những minh họa sống động cho câu thơ Kiều mà ông vẫn đau đáu trong lòng.

Nếp sống ở Sài Gòn rõ ràng năng động hơn, gấp gáp hơn. Nhưng ông vẫn cảm thấy có điều không ổn trong chính những dòng xe "như nước" đó. Hạ tầng thay đổi, điều kiện sống thay đổi trong khi văn hóa ứng xử của người Sài Gòn, nhất là khi đi trên đường như ông nhiều lần chứng kiến, không hề tương xứng với những thay đổi như vậy. Ông bảo sao mọi người cứ vội vã quá, làm gì cũng vội, đi đâu cũng vội. Tại các quầy làm thủ tục ở sân bay, tại các trạm xăng, bãi giữ xe, trong siêu thị... sao ai cũng tất bật chen lên trước, không chịu sắp hàng. Vội cũng được - ông nói Tây có khi còn vội hơn - nhưng không thể nhân danh cái vội của cá nhân mà có quyền không đếm xỉa gì đến trật tự xã hội vốn phải có thứ bậc cao hơn nhiều.

Ông Việt kiều kể có lần ông đang ngồi sau một đứa cháu trên xe gắn máy, bỗng có tiếng xe phân khối lớn rú lên. Từ phía sau, một chiếc xe bất ngờ vọt lên cắt đầu xe ông để vượt lên trước. Tưởng tai nạn xảy ra, may thay, cháu ông tránh kịp dù có hơi loạng choạng. Ông thắc mắc người ta đi đâu mà vội vậy, câu trả lời là người lái xe đó vội thế để chạy đến quán cà phê trong thời gian nhanh nhất, rồi sau đó ngồi đồng cả ngày ở quán. Và đây không phải là chuyện kể cho vui mà có thật một trăm phần trăm.

thanhpho2

Gần đây, người ta bắt đầu bàn về "thành phố đáng sống" (livable city) và chuyện xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố như vậy. Đây là ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên, lâu nay khi nói đến "thành phố đáng sống", dường như người ta chỉ chú ý đến "phần cứng" mà ít quan tâm đến "phần mềm" của nó. Thực ra, chính "phần mềm" mới tạo ra hồn cho một thành phố. Trên thực tế, trong các bản quy hoạch đô thị, những chỉ tiêu như bao nhiêu mét vuông nhà ở, bao nhiêu căn hộ cao tầng, bao nhiêu nhà ga metro, bao nhiêu siêu thị... luôn được đề cao trong khi những chỉ tiêu nhân văn mờ nhạt.

Trong các tiêu chí dành cho "thành phố đáng sống" dù đó là của Mercer’s, EIU hay Monocle’s (các đơn vị đứng ra bầu chọn uy tín nhất), chỉ tiêu "phần mềm" (như mức độ an toàn, dân trí-giáo dục, vệ sinh, văn hóa, sức khỏe, môi trường) đều xếp trên về mức độ và áp đảo về số lượng so với chỉ tiêu "phần cứng" (cơ sở hạ tầng).

Thành phố Hồ Chí Minhcũng không phải là một ngoại lệ nếu muốn trở thành một "thành phố đáng sống" theo định nghĩa được chấp nhận rộng rãi. Xét từ góc độ này, há không phải lối sống của người Sài Gòn và cách họ ứng xử với người khác - mà văn hóa giao thông là một biểu hiện - chính là "phần hồn" của thành phố này nhằm biến nó thành một nơi đáng sống hay sao ?

Trở lại với ông Việt kiều. Ông kể sống ở xứ người ông thấy ngoài chính quyền, áp lực cộng đồng rất quan trọng trong việc đấu tranh với cái xấu trong xã hội. Ông thắc mắc, vì sao ở Sài Gòn thấy nhiều người đi sai luật giao thông mà ai cũng nhẫn nhục không phản ứng gì ? Trả lời : góp ý hay phản ứng kiểu đó coi chừng mất mạng như chơi. Nhiều vụ nhãn tiền đã xảy ra, nên người ta bảo nhau giữ thái độ "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Điều này cứ thế mặc nhiên lan ra cả xã hội.

Rồi người trả lời đặt câu hỏi ngược lại với ông : vậy theo ông, phải làm thế nào ? Đến đây thì ông chịu ! 
Vũ Dy                                   
Nguồn : Thời báo kinh tế Sài Gòn, 05/10/0015

***************************

Khổ như dân thành phố 
(Nguyễn Vũ Mộc Thiêng)

Lâu nay, cứ tưởng dân thành phố sướng hơn người thôn quê. Cuộc sống dư dả, nhà, xe xênh xang, ai cũng 'ăn trắng mặc trơn'. Nhưng ngẫm ra thì không phải vậy.
thanhpho3
Mỗi lần mưa, người Sài Gòn lại khổ vì nước ngập và kẹt xe. Thậm chí, xe cấp cứu mà chạy vào thời điểm này cũng đành chịu kẹt cứng trong dòng xe - Ảnh : Khả Hòa
Với tâm niệm ở thành phố là sướng, người quê cứ lũ lượt rủ nhau lên phố đổi đời, thoát cảnh dầm mưa dãi nắng, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Người thành phố nói chung đã vậy, người thủ đô phải mấy lần hơn. Ở quê, cứ gặp "người Hà Nội" hay "người Sài Gòn" là mất tự tin, cứ muốn lân la làm quen và "bắt quàng làm họ".

Chuyện đó, bây giờ là cổ tích. Hà Nội trước 1954, nguyên vẹn 36 phố phường lịch lãm, chỉ 152 km2 và dân số chưa tới nửa triệu người. Sau mấy lần "tăng trưởng nóng", Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích rộng nhất thế giới : 3.328,9 kmvà dân số gần 7 triệu người. Hà Nội bây giờ rộng hơn 4,6 lần đảo quốc Singapore và gần 67 lần thủ đô hành chính Putrajaya của Malaysia. Dân Hà Nội giờ nói ngọng líu lo. Thành phố Hồ Chí Minh thì đỡ hơn, diện tích chỉ tăng khoảng 30% nhưng dân số lại tăng gần gấp ba (kể cả nhập cư và vãng lai). Bây giờ thời thế đảo ngược. Dân quê còn đủ thứ khó khăn, tay chân vất vả nhưng cái đầu thoải mái. Chẳng thế mà nhiều đại gia bỏ phố thị về quê xây biệt thự, làm trang trại. Dân phố bây giờ khổ hơn dân quê. Thành phố càng to thì nỗi lo càng lớn.

Mấy ông bà nội, ngoại vào Thành phố Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội thăm con cháu chỉ vài bữa là nằng nặc đòi về, dù ở chung cư cao cấp vì "Nhà gì mà như cái hộp lớn, ra vô cũng phải trình báo, chẳng ai quen ai". Lên thăm con ở nhà thuê làm công nhân thì ôi thôi ngỡ ngàng. Nhà trọ nhỏ như lỗ mũi, ngột ngạt không thở được, lương chỉ trên dưới 4 triệu đồng mà quần quật cả ngày, ăn uống thì chắt chiu kham khổ. Thứ gì cũng phải mua. Vậy mà ham hố gì không biết. Ăn ở và làm việc kiểu đó chỉ tổ chết sớm. Cái đám sinh viên chen chúc trọ học cũng chẳng hơn gì. Học để thoát nghèo đâu chưa thấy nhưng ra trường thất nghiệp tràn lan là nhãn tiền. Tiền học (thêm), tiền trường, tiền ăn ở, quần áo nhiều hơn cả tiền lương khi ra trường mà sao cứ bon chen thế. Đi làm ô-sin lương cũng không kém lương công nhân, lại còn được bao ăn ở. Ở quê, làm thuê nông nghiệp cũng được ngày 200.000 đ, khỏi cần học hành khổ sở.

thanhpho4
Đường ống nước Sông Đà liên tục vỡ khiến người dân thủ đô khốn khổ vì mất nước - Ảnh : Nguyễn Tuấn

Cách đây 3 năm, về Long An, gặp trời mưa, nước ngập lênh láng. Thấy tôi ngạc nhiên, cán bộ địa phương giải thích : "Tân An chỉ mới ngập từ khi được lên thành phố. Đi khắp Việt Nam, anh cứ thấy chỗ nào ngập thì đích thị đó là thành phố". Ngập đây là do mưa chứ không phải lũ lụt gì cả. Thường là do nước thoát không kịp vì dân số tăng quá nhanh, cống bị bít, kênh rạch bị san lấp. Khổ nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cứ mưa là ngập, thậm chí mưa nhỏ cũng ngập lớn. Hà Nội giờ thành "Hà Ngoại" và "Hà Lội". Cứ nghĩ tới dòng người như dòng sông, nhấp nhô nón bảo hiểm, nhúc nhích từng centimet, kéo dài cả cây số, hàng mấy giờ liền là phát bệnh, không muốn ra đường. Không bệnh vì khói bụi thì cũng bệnh vì căng thẳng.

Ngoài nạn cướp giật thì người Sài Gòn khổ chủ yếu vì kẹt xe và nước ngập. Dân thủ đô khổ thêm vì cúp điện, đặc biệt là khổ vì mất nước. Đường ống cấp nước Sông Đà mới đưa vào sử dụng 3 năm đã 12 lần vỡ ống. Từ đầu năm đến nay thêm 3 lần vỡ, trong đó có 2 ngày liên tiếp bị vỡ đường ống. Mỗi lần vỡ đường ống, hơn 70.000 hộ dân, có cả bệnh viện và nhà trẻ, mẫu giáo ở thủ đô, trái tim của cả nước đều khốn khổ vì mất nước. Không phải chỉ một lần mà tới 15 lần. Phải nói là sức chịu đựng vô địch thiên hạ. Chưa biết từ đây tới cuối năm sẽ có thêm mấy lần vỡ ống nữa ? Mất gì cũng khổ, nhưng có lẽ mất nước là khổ nhất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đơn vị thi công làm ẩu, tráo vật tư đã bị truy tố nhưng còn giám sát và chủ đầu tư ? Những thiệt hại không thể tính bằng tiền thì lấy gì bù đắp ? Sự cố chưa được khắc phục triệt để, trừ khi thay ống mới, nhưng chủ quản là Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội vẫn quyết định giao gói thầu làm tiếp 21km đường ống giá 5.000 tỉ cho chủ đầu tư cũ. Có người bảo "giao trứng cho ác" nhưng cơ quan chủ quản thuyết phục là "Phải tạo điều kiện cho người ta sửa sai". Sướng thật. Muốn được nhận tiếp công trình, cứ làm sai để có điều kiện khắc phục. Cũng dễ hiểu : Tiền bỏ ra là của nhà nước, nếu công trình kém chất lượng thì người lãnh đủ là dân, họ đâu có mất gì. Chỉ tội dân thủ đô. Không biết còn khốn khổ vì thiếu nước và ám ảnh vì vỡ ống nước sông Đà đến bao giờ ?

Các thành phố và thủ đô có gì mà dân quê cử kéo nhau lên đó ? Hay là họ mắc chứng nghiện phố ? Loại bệnh xã hội lây lan mới được phát hiện gần đây ?

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Nguồn : Thanh Niên, 05/10/2015

Comments

Popular posts from this blog

GUSTAVE COURBET Danh họa Pháp có nét vẽ táo bạo bức phá cả nề nếp luân lý, không ngụy tạo.

*Xem thêm về những tác phẩm mang tính bức phá và táo bạo của  Gustave Courbet   *tranh minh họa và nguồn sưu tầm :    ViVi VÕ Hùng Kiệt Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh  L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian)  của Gustave Courbet  có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của phụ nữ. *-“Tôi chưa từng nhìn thấy một thiên thần, và tôi không thể vẽ điều không thấy”. Sinh thời họa sĩ Gustave Courbet từng thốt lên như vậy, khi người ta lên án bức “Cội nguồn trần thế”  (L’origine du monde)  của ông là “điếm nhục” và đủ mọi ngôn từ mô tả sự đồi trụy khác. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ông vẽ bức tranh này vào năm 1866 và hơn một thế kỷ sau, vào năm 1995, nó mới được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Ors...

“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản…!?”

Dân Trí Bùi Hoàng Tám 29-05-2015 (Dân trí) – Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời. (Minh họa: Ngọc Diệp) Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng kh...

Cách làm nước chấm ngon

 Món ngon mà thiếu nước chấm chuẩn thì đúng là thật tệ. Hãy tự biết cách pha bát nước chấm ngon đúng điệu và làm nên linh hồn của món ăn. Bên cạnh thịt, tôm, cua, cá… thì tiết luộc cũng là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng mà nhiều gia đình thường chế biến trong mâm cơm hằng ngày của mình. Tuy nhiên, khi ăn tiết luộc, bạn phải chấm kèm với nước chấm riêng, nếu không thì món ăn sẽ rất nhạt nhẽo, vô vị và bạn sẽ không thể cảm nhận hết được sự ‘tinh túy’ của nó, cũng như là sự tinh tế trong ẩm thực Việt.  1. Cách làm nước chấm tiết luộc Nguyên liệu cần chuẩn bị: Nước mắm loại ngon Hạt tiêu: 1/4 thìa Mì chính: ¼ thìa Ớt: 1 – 2 quả Cách tiến hành: Bước 1: Có một điều đặc biệt cần lưu ý là bạn phải mua được một loại nước mắm thơm ngon, không quá mặn, màu sắc hài hòa, không quá đậm. Bởi nước mắm là thành phần quan trọng nhất quyết định đến độ ngon của nước chấm đấy nhé. Bước 2: Với ớt, bạn rửa sạch, rạch bỏ bớt hạt, bỏ cuống đi rồi thái lát thật nhỏ và mỏng chứ không c...