Sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng đại hội 12 của Đảng Cộng
Sản Việt Nam chẳng có gì mới. Trái lại nó mở ra một giai đoạn mới đầy biến động
mà những người dân chủ Việt Nam phải chờ đón với tất cả sáng suốt.
Sự kiện Nguyễn Tấn Dũng ra đi sau một cuộc đấu đá nội bộ gay
go sẽ có tác dụng không khác bao nhiêu một thay đổi chế độ. Trong 41 năm qua, từ
ngày Đảng Cộng Sản cầm quyền trên cả nước, Nguyễn Tấn Dũng đã cầm quyền trong
19 năm, chín năm với chức vụ phó thủ tướng thường trực bên cạnh ông thủ tướng mờ
nhạt Phan Văn Khải và mười năm với chức vụ thủ tướng. Ông cắt đặt và kiểm soát
toàn bộ guồng máy chính quyền cũng như các tổng công ty nhà nước. Chúng ta sắp
chứng kiến những sáo trộn gần như một cuộc đảo chính. Sẽ có rất nhiều thay đổi
vì những người lãnh đạo mới sẽ có nhu cầu loại bỏ những phần tử trung kiên với
ông Dũng và nhất là vì hầu hết những chức vụ có một tầm quan trọng nào đó trong
guồng máy chính quyền đều do mua mà được chứ không phải vì kinh nghiệm hay khả
năng.
Nhưng điều quan trong hơn là đại hội này mở ra một tình trạng
chưa từng có trong lịch sử Đảng Cộng Sản. Ban lãnh đão mới sẽ phải thử nghiệm lần
đầu tiên một điều mà họ thường nói tới nhưng chưa hiểu rõ những hậu quả: đó là
một mức độ "dân chủ trong nội bộ đảng". Họ sẽ phải thảo luận và đi đến
đồng ý trên những quyết định chung vì không ai có tiếng nói áp đảo trong đảng,
ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng. Cần ý thức rằng về bản chất các đảng cộng sản đều
là những đảng khủng bố. Khi chưa có chính quyền họ là những tổ chức khủng bố
phá hoại, khi đã cướp được chính quyền họ thực hiện khủng bố nhà nước. Một đảng
khủng bố đòi hỏi một lãnh đạo thống nhất và một kỷ luật thép trong nội bộ. Một
người có thể bị trừng trị vì chống đường lối của đảng nhưng cũng có thể chỉ vì
bị nghi ngờ là có ý chống đảng, hay vì lý lịch bản thân, gia đình và bè bạn. Muốn
áp đặt độc tài trong xã hội thì phải độc tài ngay trong nội bộ đảng. ĐCSVN đã mạnh
lên, giành được chính quyền - cướp chính quyền - và tồn tại được tới ngày nay
nhờ một kỷ luật thép, nghĩa là một thứ độc tài trong nội bộ. Kỷ luật thép đó được
duy trì bởi một nhóm cầm quyền trong đảng có tất cả mọi quyền hành và có thể
thanh trừng bất cứ ai. Nhóm cầm quyền đó mới đầu là Hồ Chí Minh, Trường Chinh
và Võ Nguyên Giáp, kế đến là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, sau đó là Lê Đức Anh và Đỗ
Mười. Chính sự yểm trợ của Lê Đức Anh đã giúp Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, và lộng
hành, trong một thời gian dài như thế. Với đại hội 12 này và sự thất bại của
Nguyễn Tấn Dũng, giai đoạn Lê Đức Anh đã hoàn toàn chấm dứt, Đảng Cộng Sản
không còn nhóm cầm quyền trong đảng nữa và sẽ khám phá ra rằng không thể duy
trì chế độ độc tài nếu không có độc tài ngay trong nội bộ đảng.
Nguyễn Phú Trọng sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là nới lỏng
sự kiểm soát trên một xã hội Việt Nam đang vùng vẫy để tự cởi trói và ngày càng
có sức mạnh để tự cởi trói. Chế độ cộng sản Việt Nam quá lệ thuộc vào ngoại
thương và ngoại viện để có thể tiếp tục chà đạp nhân quyền và thách thức thế giới
khi chính quan thày Bắc Kinh cũng đang chao đảo và không còn là một chỗ dựa nữa.
Ông Trọng sẽ bị bắt buộc phải làm điều mà ông vừa không biết làm vừa không muốn
làm là nhượng bộ những đòi hỏi dân chủ hóa.
Ban biên tập Tổ Quốc
Comments
Post a Comment