10.02.2016
Tính cho đến ngày hôm nay (9/2), đã có gần 10 cá nhân độc lập tại Việt Nam tự đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14. Hiện tượng đặc biệt mới xuất hiện này nhận được khá nhiều sự ủng hộ trên mạng xã hội, dù không mấy người đánh giá cao về mức độ thành công của các ứng viên ngoài đảng Cộng sản tự ứng cử. Khánh An tường trình.
Khởi đầu làn sóng tự ứng cử là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà tranh đấu cho xã hội dân sự tại Việt Nam, hiện đang sống ở Hà Nội. TS. Nguyễn Quang A nói ông không hy vọng nhiều về khả năng ông có thể ‘lọt’ được qua các vòng loại của quá trình bầu cử vào quốc hội, nhưng đây là một phần trong rất nhiều hoạt động của phong trào học tập dân chủ đã được khởi động tại Việt Nam những năm gần đây ở ‘tầm sâu rộng hơn nhiều’.
“Phong trào học tập dân chủ mà chúng tôi đã khởi động từ lâu lâu rồi, chí ít là từ Kiến nghị 72, tức 3 năm trước, thì nó rộng hơn rất nhiều, trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, chứ không chỉ là việc tự ứng cử.”
Mình thấy bác Nguyễn Quang A làm việc này thì mình cũng thấy đấy là một nguồn năng lượng, nguồn động viên rất lớn để cho một số anh em chúng tôi đứng lên làm cái việc là tự ra ứng cử. Nhưng cũng phải nói thêm nữa là cái thời điểm của xã hội Việt Nam bây giờ là chúng ta phải làm như thế thôi, không thể nào cứ u mê tăm tối mãi như thế được...
Việc tự ra ứng cử, theo TS. Nguyễn Quang A, là để người dân ‘thức tỉnh’ về các quyền chính trị cơ bản của mình và biến nó thành hiện thực, thay vì chỉ là quyền hão như từ trước tới nay.
Chỉ chưa đầy một tuần sau khi TS. Nguyễn Quang A loan báo quyết định tự ứng cứ, có gần 10 cá nhân độc lập cũng tuyên bố tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội sắp tới như nhà văn Phạm Thành, blogger Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư Hoàng Cường, blogger Đặng Bích Phượng…
Luật sư Lê Văn Luân, người gần đây bị côn đồ hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi đứng ra nhận trợ giúp pháp lý trong vụ án một thiếu niên chết trong thời gian bị giam giữ, cũng đang ‘cân nhắc’ về quyết định tự ra ứng cử mà anh nói là ‘nghe hơi viễn vông’.
“Nhiều người dân cũng ủng hộ và nhắc đến việc đó cho tôi, nên tôi cũng cân nhắc là có ra kỳ này hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có ra kỳ này thì đó là một bước đệm cho tôi và cũng là kinh nghiệm cho kỳ sau.”
Phong trào học tập dân chủ mà chúng tôi đã khởi động từ lâu lâu rồi, chí ít là từ Kiến nghị 72, tức 3 năm trước, thì nó rộng hơn rất nhiều, trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, chứ không chỉ là việc tự ứng cử
Luật sư Lê Văn Luân cho biết ý định ban đầu của anh là ra ứng cử vào kỳ bầu cử tới, vì theo anh, khi đó mới đúng thời điểm. Luật sư Luân nói anh khá bất ngờ khi nghe Tiến sĩ Nguyễn Quang A tự ra ứng cử, một quyết định mà anh cho là ‘táo bạo’ và ‘ảnh hưởng đến chiến lược sau này’.
Trong khi đó, kỹ sư Hoàng Cường cho biết về quyết định tự ứng cử:
“Mình thấy bác Nguyễn Quang A làm việc này thì mình cũng thấy đấy là một nguồn năng lượng, nguồn động viên rất lớn để cho một số anh em chúng tôi đứng lên làm cái việc là tự ra ứng cử. Nhưng cũng phải nói thêm nữa là cái thời điểm của xã hội Việt Nam bây giờ là chúng ta phải làm như thế thôi, không thể nào cứ u mê tăm tối mãi như thế được, không thể nào cứ vỗ tay mãi như thế được. Chúng ta cũng phải làm những hành động của mình.”
Đánh giá về mức độ thành công của các cá nhân tự ứng cử, hầu hết đều cho là ‘rất thấp, thậm chí là ‘số âm’ như đánh giá của kỹ sư Hoàng Cường.
“Cái phần âm đấy sẽ là…hậu quả rất lớn.”
Hầu hết những cá nhân đứng ra tự ứng cử đều ý thức được những ‘hậu quả’ có thể xảy đến, mà trước tiên theo họ, là vòng ‘đấu tố’, tức hội nghị cử tri. Bà Đặng Bích Phượng chia sẻ trên trang mạng cá nhân:
“…tự ứng cử, trước hết là hứng chịu sự gièm pha của dư luận, sau là nếu người ta cho mình lọt vào vòng đầu, là qua tổ dân phố, kiểu gì người ta cũng bố trí quần chúng tự phát đứng ra đấu tố. Thế nên tự ứng cử, thực ra là một hành động rất dũng cảm.”
Bà Phượng không giấu diếm cảm giác sợ hãi khi một số người quen đề nghị bà ra tự ứng cử, vì theo bà, ‘khen người khác dũng cảm thì dễ’, chứ ‘bảo mình tự ra ứng cử đi, thì nhà em…chỉ muốn lặn thật sâu’.
...tự ứng cử, trước hết là hứng chịu sự gièm pha của dư luận, sau là nếu người ta cho mình lọt vào vòng đầu, là qua tổ dân phố, kiểu gì người ta cũng bố trí quần chúng tự phát đứng ra đấu tố. Thế nên tự ứng cử, thực ra là một hành động rất dũng cảm.
Nhưng cuối cùng, những người tự ứng cử cho biết họ vẫn sẽ làm những việc họ mà phải làm.
Với những tiến triển mà một số người cho là ‘hiệu ứng domino’ chỉ trong vòng 1 tuần, TS. Nguyễn Quang A nói ông rất vui khi thấy những người trẻ tự ra ứng cử. Ông nói: “Càng nhiều người ý thức được việc học làm dân chủ phải như thế nào, thì sẽ càng tốt cho tương lai của đất nước”. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A cũng lưu ý rằng không nên kỳ vọng là những hành động ‘nho nhỏ’ như thế này sẽ ngay lập tức có kết quả trong sự biến chuyển xã hội.
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sẽ diễn ra vào ngày 22/5/2016.
/00:14:30
Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sẽ diễn ra vào ngày 22/5/2016.
/00:14:30
Comments
Post a Comment