Đôi lời: Nhiều người Việt tị nạn Cộng sản ở Mỹ không muốn bị gọi là Việt kiều. Với họ, cụm từ “Việt kiều” dành cho những người có quan điểm thân Cộng, thường là những người con cưng hay con ruột của chế độ, những người đi du học, hoặc những người của chế độ mang tiền qua Mỹ mua nhà cửa, làm ăn. Còn những người là cựu quân nhân VNCH, bị buộc phải bỏ nước ra đi, hoặc những người đến Mỹ theo diện khác nhưng họ chống CS, họ muốn được gọi là “Người Việt tị nạn CS” hay “Người Việt hải ngoại”, họ không muốn bị gọi là Việt kiều. Theo như bài viết này thì họ bị xếp vào “loại thứ tư”.
___
10-2-2016
Năm ngoái, có dịp ra Hà Nội công tác, trong một dịp tán gẫu, một anh bạn trong lúc ngà ngà nói rằng chính quyền VN phân biệt 4 loại Việt kiều. Hôm về VN mấy tuần trước ở trong Nam, tôi lại nghe một nhận xét giống giống như thế …
Loại thứ nhất là những người “con cưng” của chế độ. Họ là những người từ miền Bắc, được Nhà nước cho đi du học, nhưng vì lí do gì đó, ở lại nước ngoài. Họ là những người “đỏ” và tuyệt đối trung thành với chế độ.
Loại thứ hai là những người “con ruột” của chế độ. Họ cũng là những người từ miền Bắc, từng đi học hay lao động nước ngoài. Đa số là màu đỏ, nhưng một số màu xanh. Tuy nhiên, nói chung họ thân thiện với chính quyền.
Loại thứ ba là những người “con ghẻ”. Họ là những người từ miền Nam, được đi du học dưới thời VNCH trước 1975, nhưng họ đỏ xanh lẫn lộn. Một số người trong nhóm này rất muốn tự mình tô màu đỏ và tỏ ra thân thiện với chính quyền.
Loại thứ tư là những người “có vấn đề”. Họ là những người từ miền Nam và vượt biên và định cư ở Mĩ và các nước phương Tây. Họ cũng là những người từ miền Bắc được đi học và lao động nhưng chọn ở lại bên Đông Âu và sau này tỏ ra chống đối chính quyền. Mấy người này nói chung là màu vàng, và một số là màu xanh. Chính quyền không tin mấy người này.
Tôi có dịp hỏi một anh bạn đang giữ một chức cao cấp trong một cơ quan phụ trách về người Việt ở nước ngoài về phân biệt trên, thì anh ấy nói không có. Anh nói chắc ai bày chuyện thế thôi, chứ chính quyền hoàn toàn không có chính sách phân biệt như thế. Hỏi thế thôi, chứ tôi thông cảm nếu anh ấy phải trả lời như thế.
Comments
Post a Comment