Trong cổ tích Việt Nam có chuyện “Giả chết bắt quạ”. Xưa có một thằng đi ở có tính cờ bạc, thành ra mắc nợ nhiều lắm. Một buổi sớm mai, nó đem trâu ra cày, bị các chủ nợ bắt mất trâu. Không dám về nhà vì sợ chủ đánh, buồn bã nó lên bờ ruộng nằm giả chết. Một chốc có con quạ bay qua, ngỡ là xác người chết, sà xuống định móc mắt ăn. Nó giơ tay ra, vớ ngay được con quạ, mắng rằng: “Mày tưởng tao chết, định móc mắt tao. Nay tao bắt được mày, tao giết mày chết”.
Trước thềm Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam tích cũ này lại tái xuất với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vừa qua trên Ba Sàm, một trang mạng bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam, xuất hiện một thư đề ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Ủy Viên Bộ Chính Trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung của thư này là giải trình về 12 tố cáo nhằm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập hợp lại.
Do tầm quan trọng của tác giả bức thư nên không ít người hoài nghi về tính xác thực của nó. Về phần mình, tôi khẳng định thư này đích thị là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trước hết, chữ ký trên văn bản còn có thể gây nghi ngờ về tính xác thực của văn bản vì cùng một người không có chữ ký nào là giống tuyệt đối chữ ký nào nên không dễ nói đó là chữ ký của đương sự. Ngược lại, con dấu thì không thể gây nghi ngờ vì không thể có hai con dấu cho cùng một cơ quan hay chức danh. Do đó, việc Chính phủ Việt Nam đã không hề phủ nhận dưới bất cứ hình thức nào con dấu “Thủ tướng Chính phủ” ở thư mà người gửi có tên Nguyễn Tấn Dũng cho thấy đây là “hàng thật”.
Mặc dầu vậy, vẫn có ý kiến cho rằng đó không phải là thư của Nguyễn Tấn Dũng vì con dấu “Thủ tướng Chính phủ” được đóng ở ngay trang đầu, nơi có tên ông ta mà lẽ ra phải được đóng vào chữ ký của ông ta ở trang cuối. Thực ra không phải vậy: chỉ khi nào Nguyễn Tấn Dũng với thẩm quyền Thủ tướng ký các văn bản pháp quy như Quyết định, Nghị định thì con dấu “Thủ tướng Chính phủ” mới được đóng vào chữ ký ở trang cuối. Còn đây chỉ là một báo cáo hay giải trình của Nguyễn Tấn Dũng với Ban lãnh đạo Đảng, không phải là văn bản pháp quy, nên dấu không thể được đóng vào chữ ký ở trang cuối. Mặc dầu vậy, để xác định người ký văn bản thuộc cơ quan nào thì con dấu vẫn được sử dụng nhưng được đóng trên trang đầu, có tên nơi gửi, gọi là “dấu treo”.
Ngoài ra, giải trình này của Nguyễn Tấn Dũng là “đúng quy trình”, nghĩa là không bất thường. Để được đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới, ủy viên trung ương đương nhiệm buộc phải giải trình về những tố cáo nhằm vào họ. Như đã thấy, thư này được gửi 2 ngày trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 13 của Đảng, nơi sẽ chốt danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 diễn ra vào cuối tháng 1 tới cũng như sẽ bàn các “trường hợp đặc biệt” là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 quá 65 tuổi, tái cử để đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, nôm na là “tứ trụ” gồm Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Vả lại, nội dung những tố cáo nhằm vào Nguyễn Tấn Dũng đã được mọi người từ trong nước và ngoài nước biết từ lâu, như: tham nhũng nghiêm trọng trong vụ Vinashine, Vinalines; dùng quyền lực để làm giàu cho con gái Nguyễn Thanh Phượng hiện có quốc tịch Mỹ và con rể Nguyễn Bảo Hoàng, công dân Mỹ, con Nguyễn Bá Bang, cựu quan chức Việt Nam Cộng hòa; hình thành “nhóm lợi ích”; âm mưu giành chức Tổng Bí thư Đảng để xóa đảng cộng sản, đổi chế độ nhằm làm Tổng thống; có nhiều biệt thự, đất đai trên toàn quốc…
Cuối cùng, không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành ngày 28/12/2015, tức chỉ 10 ngày sau khi bức thư này được đăng trên Ba Sàm, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thừa nhận: “Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra rất nghiêm trọng”.
Như đã nói, Nguyễn Tấn Dũng trong thư đã giải trình về 12 tố cáo trong đó giải trình về tố cáo số 8 chắc chắn làm mọi người quan tâm nhất. Nguyên văn như sau: “Về ý kiến “…Thủ tướng nay đã hình thành “nhóm lợi ích” trên phạm vi cả nước, cả người đương chức lẫn cán bộ cao cấp nghỉ hưu… vận động với các thủ đoạn nhằm giành cho được chức Tổng Bí thư tiến tới làm Tổng thống và thay đổi chế độ, thay đổi Đảng”. Tôi khẳng định ý kiến này là vu khống, bịa đặt. Tôi đã ghi rõ nguyện vọng gửi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ. Cha tôi, Chú ruột tôi, hai Cậu ruột tôi và Cha vợ tôi đã hy sinh, đều là Liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ; bản thân tôi đã 4 lần bị thương trong chiến đấu, là Thương binh loại 2/4, trong người còn mang hơn 10 mảnh đạn của Mỹ. Tôi không thể nào phản bội lại mục tiêu, con đường mình đã chọn, đã gắn bó với nó bằng cả máu xương và đã hết lòng, hết sức thực hiện gần cả cuộc đời”.
Quả thực là từ 2 năm trở lại đây từ giới thân cận với Nguyễn Tấn Dũng lan tin “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải tán Đảng cộng sản để làm Tổng thống” với một lộ trình gồm 3 bước. Trước hết giành chức Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng XII; tiếp theo là giành chức Chủ tịch Nước để chính danh nguyên thủ quốc gia đồng nhất với Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang; và cuối cùng, giải tán Đảng và tự cử làm Tổng thống thông qua một Quốc hội đã hoàn toàn bị tê liệt.
Dĩ nhiên “không có lửa làm sao có khói”. Vậy cơ sở nào cho lời đồn “chết Đảng” trên?
Sau khi Liên Xô, “thành trì của chủ nghĩa cộng sản thế giới” và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ một cách ngoạn mục cách đây một phần tư thế kỷ thì ai cũng biết rằng sự cáo chung của các nước cộng sản còn lại gồm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Lào ở bán cầu Đông và Cuba ở bán cầu Tây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Điều đáng chú ý là không chỉ những người tranh đấu cho Dân chủ hầu mang lại tự do, quyền con người đầy đủ và hạnh phúc cho người dân cũng như để bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt ở biển Đông, trước sự xâm lăng ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc, mới nỗ lực để cái kết cục đó diễn ra sớm nhất có thể. Thực vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện cho một bộ phận những kẻ có tài sản kếch xù gom trên xương máu của người dân và quốc gia, bao gồm cả bán lãnh thổ Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp cho Trung Quốc, âm mưu giải tán đảng cộng sản để để thiết lập độc tài cá nhân dưới hình thức “Tổng thống chế” nhằm “một công đôi việc”: tránh né trừng phạt nghiêm khắc mang tính định mệnh của nhân dân và nhất là để tiếp tục duy trì địa vị thống trị của bản thân đặng tiếp tục cướp bóc tài sản của dân, của nước.
Kế hoạch “đảo chính Đảng” để thiết lập độc tài cá nhân của Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên vấp phải sự chống đối quyết liệt trong ban lãnh đạo Đảng, không chỉ từ những thành phần được coi là “giáo điều” mà còn từ những thành phần chống tham nhũng và có tinh thần dân tộc, chống Trung Quốc và cả từ những kẻ cũng tham nhũng nghiêm trọng nhưng có lợi ích “chồng lấn” lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng. Nói cách khác, Nguyễn Tấn Dũng và phe ủng hộ Dũng trong Bộ Chính trị lâm vào thế yếu trong khi đây lại là cuộc đấu “một mất một còn”. Vì vậy, khi đọc câu “TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ” viết chữ hoa trong giải trình của Nguyễn Tấn Dũng, đã có người nghĩ là Nguyễn Tấn Dũng “bỏ của chạy lấy người”!
Thế nhưng tôi khẳng định không đời nào có chuyện một con người tham tàn đến cùng cực như Nguyễn Tấn Dũng lại từ bỏ “giấc mộng Tổng thống” mà vài dẫn chứng sau đây về sự lì lợm của con người này trong giữ quyền lực cũng đã thừa chứng minh.
“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.” Đó là nguyên văn lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2006. Thế nhưng khi tham nhũng đã trở thành “quốc nạn” sau 2 nhiệm kỳ Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, quan tham đã thành “bầy sâu” làm chết cái đất nước này” như nhận diện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đến mức Hội nghị Trung ương 5 họp tháng 5/2015 đã phải tước của Nguyễn Tấn Dũng chức Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng để giao lại cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng vẫn “bình chân như vại”!
“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.” Đó là nguyên văn lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2006. Thế nhưng khi tham nhũng đã trở thành “quốc nạn” sau 2 nhiệm kỳ Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, quan tham đã thành “bầy sâu” làm chết cái đất nước này” như nhận diện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đến mức Hội nghị Trung ương 5 họp tháng 5/2015 đã phải tước của Nguyễn Tấn Dũng chức Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng để giao lại cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng vẫn “bình chân như vại”!
Trong phiên chất vấn tại Quốc Hội được truyền hình trực tiếp ngày 14/11/2012, đáp lại kêu gọi từ chức Thủ tướng do mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng từ Đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc, Nguyễn Tấn Dũng tỉnh bơ: “Đảng ta cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước, đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng. Quốc hội cũng đã bỏ phiếu bầu tôi là Thủ tướng. Tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng”. Nghĩa là chỉ khi nào Đảng kỷ luật Dũng thì Dũng mới rời ghế Thủ tướng!
Thế nhưng khi bị Bộ Chính trị kỷ luật do tham nhũng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho kinh tế quốc gia… thì Nguyễn Tấn Dũng lại vận động Hội nghị Trung ương 6 họp tháng 10/2012 bỏ phiếu bác kỷ luật này và Dũng đã “lội ngược dòng” thành công đến mức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải bật khóc trước bàn dân thiên hạ!
Vậy câu “TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ” viết hoa chỉ có thể là chước “giả chết bắt quạ” của Nguyễn Tấn Dũng, nhằm làm liên minh chống Nguyễn Tấn Dũng trong Bộ chính trị cũng như trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lơi lỏng cảnh giác để Dũng thừa cơ tập hợp lực lượng, lật ngược thế cờ như trước đó Dũng đã thực hiện thành công tại Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 10 với số phiếu tín nhiệm cao nhất.
Cụ thể là Nguyễn Tấn Dũng hiểu rất rõ 1510 đại biểu dự Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là nhân tố quyết định “kẻ thắng cuộc” trong ván bài chót của Đảng này nên Dũng ráo riết mua chuộc họ bằng cả “củ cà rốt – tiền bạc” lẫn “cây gậy – đe phanh phui bê bối cá nhân” thông qua hai công cụ ruột của Dũng là Bộ Công an và Tổng cục Tình báo quốc phòng (Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng) nhằm đảm bảo phe ủng hộ Dũng chiếm đa số trong Ban Chấp hành Trung ương mới. Để rồi “bổn cũ lập lại”, Nguyễn Tấn Dũng sẽ lại tuyên bố ráo hoảnh “Tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng” trong trường hợp Ban Chấp hành Trung ương mới đề cử và bầu Dũng vào chức Tổng Bí thư Đảng.
Bất luận thế nào, cho dù với chiêu “giả chết bắt quạ” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rốt cuộc giành được vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam để tiếp đó lạnh lùng kết liễu đảng này nhằm trọn vẹn hóa độc tài của cá nhân ông ta thì Dân chủ hóa Việt Nam vẫn sẽ vững bước tới thành công cho dù máu có đổ, vì không có bạo chúa nào trên trái đất này chịu từ bỏ cai trị của bản thân một cách hòa bình.
TS Cù Huy Hà Vũ (VOA)
Comments
Post a Comment