Tôi chỉ đọc sơ qua bài viết của tác già Song Chi vào những ngày cuối năm, do bận rộn tiếp một vài người bạn từ xa đến.
Hôm nay bạn bè đã chia tay, ngồi đọc lại bài viết, tôi xin được đóng góp một số ý kiến.
Hôm nay bạn bè đã chia tay, ngồi đọc lại bài viết, tôi xin được đóng góp một số ý kiến.
Yêu nước là một tình cảm thiêng liêng chẳng ai không có nhưng đồng thời cũng là một khái niệm mơ hồ.
Dùng hai chữ thiêng liêng để diễn tả, vì theo tôi lòng yêu nước kết thành do nhiều yếu tố như lịch sử, tiếng nói, văn hóa, phong tục, giáo dục, môi trường sống…từ khi chào đời đến khi trưởng thành, khôn lớn.
Đồng thời yêu nước cũng là khái niệm mơ hồ vì phải làm gì mới chứng tỏ được lòng yêu nước?
Tình yêu đất nước khác với tình yêu trai gái hay tình yêu vợ chồng, cha mẹ, con cái. Tình yêu trai gái, giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái…có thể trở thành thù ghét, vô cảm vì một lý do nào đó nhưng tình yêu đất nước thì không.
Trải dài theo cuộc sống, do sự thiêng liêng ràng buộc, tình yêu đối với đất nước có lúc cuồng nhiệt, lúc thờ ơ, lãnh đạm, nhạt nhòa nhưng không bao giờ biến mất hoàn toàn.
Người ta có thể thờ ơ với người tình, người vợ ( chồng ) cũ đã bội bạc, người con bất hiếu, hư hỏng hay bậc cha mẹ không làm tròn bổn phận sau một thời gian dài vài mươi năm mới gặp lại.
Nhưng người ta ( chắc chắn ) sẽ thích thú, háo hức khi được nhìn lại quê hương sau hai ba chục năm không về thăm, được ăn những món ăn quen thuộc cho dù rất đơn giản, được nói lại thứ tiếng bi bô chào đời…
Do đó ( theo tôi ) đặt câu hỏi:- Người Việt có yêu nước không? Là không đúng. Câu hỏi nên đặt ra là:- Người Việt Yêu Nước Như Thế Nào?
Đối với người cộng sản, tất nhiên câu trả lời ( trước đây ) sẽ là:- Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, dùng chữ cộng sản để chỉ chế độ cai trị hiện hành ở Việt Nam là một sự hiếp dâm ngôn từ. Đúng ra phải gọi họ là bọn Mafia, bàn tay Đỏ ( vì nhuốm quá nhiều máu dân, tôi không muốn lập lại những gì Song Chi nhận định chính xác về lòng yêu nước của người cộng sản Việt Nam ).
Do đó, câu trả lời đương nhiên phải khác nhiều và ( có thể ) như sau: Yêu nước là yêu…………. Mọi độc giả có thể điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa ( theo ý mình ).
Do sống ở nước ngoài đã lâu, hơn nửa đời người, nhìn lại chính mình, trao đổi với bạn bè để thẩm định, đánh giá lại chính bản thân, nhiều lúc tôi tự hỏi: – Tôi có yêu nước không?
Đây chính là lý do tôi đóng góp ý kiến vì nghĩ rằng: -Tác giả đang sống ở Na Uy, ngoài chuyện hỏi người dân trong nước, cũng đang băn khoăn tự hỏi bản thân và những người sống ở hải ngoại.
Sống xa đất nước đã lâu, dù đã về VN ba lần, tôi không dám có nhận định gì về người dân trong nước, bởi không ở lâu, tiếp xúc nhiều để tìm hiểu nên không dám nhận định về lòng yêu nước của họ. Tôi chỉ muốn nói đến lòng yêu nước của NVHN hay đúng hơn, của bản thân tôi.
Câu trả lời của tôi là: -Lúc có, lúc không!
Lúc không yêu nước là những khoảng thời gian tôi mê mải kiếm tiền, nghĩ đến chuyện lên lương, lên chức, đến chuyện mua nhà, mua xe mới, nghỉ hè đi du lịch, ăn nhậu…Trong những thời gian đó, Việt Nam hoàn toàn rời xa khỏi tâm trí tôi.
Lúc có là lúc tôi thấy mình thật sự bực tức, giận dữ, chen lẫn buồn bã khi đọc những tin tức, những bài báo nói về tình hình chính trị, tệ nạn xã hội xẩy ra hàng ngày ở đất nước, tình trạng tham nhũng, hối lộ, bòn rút tài sản quốc gia, cướp đất dân oan, đàn áp người dân bày tỏ lòng yêu nước, đánh đập, giết người trong đồn công an khi điều tra…
Nhưng tôi đã làm gì để bày tỏ, thể hiện lòng yêu nước của mình?
Viết một vài bài báo lên án chế độ, thỉnh thoảng góp tiền giúp đỡ bạn bè trong quân ngũ ngày trước còn kẹt lại ở Việt Nam, tham gia các cuộc biểu tình chống lại sự thăm viếng của các lãnh đạo chế độ CSVN, ký thỉnh nguyện thư can thiệp trả tự do cho Việt Khang, luật sư Nguyễn Văn Đài… Rồi sao nữa? Hết!
Những tin tức như nợ công đã vượt quá ngưỡng cửa an toàn, trên 50% GPD, nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Đắc-Lắc…không còn tiền để trả lương cho công nhân, viên chức nhà nước…không làm cho các lãnh đạo cộng sản lo sợ bằng bị mất ghế, bị thanh toán thì tác động, ảnh hưởng của những việc làm của tôi xem ra chẳng có bao nhiêu, chẳng sứt mẻ gì nhiều cho chế độ, bằng chứng là 40 năm qua, cộng sản VN vẫn tồn tại và chưa có dấu hiệu gì sụp đổ.
Những tranh chấp, đấu đá nhau dữ dội trong thời gian gần đây để giành giật quyền lực, chia ghế cai trị…rồi cũng sẽ qua đi khi mọi bầu bán đã ngã ngũ. Người dân Việt Nam sẽ tiếp tục nai lưng ra trả nợ cho lũ khốn nạn đang ấu đã, xâu xé nhau để được quyền bán dần lãnh thổ, tài nguyên đất nước.
Bài viết của tác giả Song Chi không nói rõ, chỉ ngầm chuyển đi một thông điệp:- Lòng yêu nước của người Việt, trong nước cũng như hải ngoại, chưa đủ mãnh liệt để mọi người có thể dẹp bỏ tị hiềm, ngồi lại với nhau, đồng tâm, nhất trí tạo nên sức mạnh làm thay đổi chế độ CSVN.
Nếu người Việt hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ, quan niệm rằng cộng đồng là một thực thể, đại diện, tiêu biểu cho một quốc gia dân chủ, tự do như VNCH ngày trước thì hãy hành sử như công dân một đất nước dân chủ, tự do.
Đòi hỏi chế độ CSVN cho tự do báo chí, biểu tình lên án công an, côn đồ đánh đập, hành hạ, khủng bố, bắt bớ… những người tranh đấu cho nhân quyền, cho dân oan, công nhân…, nhưng năm nhà báo gốc Việt trong cộng đồng bị giết, một số người khác bị hăm dọa, hành hung thì lại im lặng, không dám lên tiếng phản đối, đến nỗi cái cáo phó cho đồng nghiệp không dám đăng thì tự do báo chí ở hải ngoại nằm ở đâu?
Đối với NVHN, đa số trong chúng ta hiện nay không chỉ là người Việt Nam mà còn mang quốc tịch của nước mình đang cư trú. Do đó, theo tôi, nếu thật lòng yêu nước thì việc đầu tiên là phải xây dựng cộng đồng cho vững mạnh, thật sư đoàn kết, làm đầy đủ bổn phận công dân của đất nước mình cư ngụ, không trộm cướp, lừa bịp đồng hương bằng mọi hình thức…
Người viết có một người bạn Đức, đảng viên của đảng CDU ( Christlich Demokratische Union Deutschlands = Liên minh Dân chủ Thiên Chúa Giáo Đức), những lần bầu cử quốc hội, thủ tướng…anh bạn thường có mặt trong ủy ban giám sát bầu cử. Anh cho biết là người Việt ở Đức tham gia các cuộc bầu cử tiểu bang cũng như liên bang rất ít, chỉ khoảng 5-7%, họa hoằn lắm mới lên tới 10%.
Tôi không biết tỉ lệ tham gia bầu cử ở các cộng đồng VN trên thế giới ra sao, bao nhiêu phần trăm?
Chưa ý thức, chưa làm tròn bổn phận, trách nhiệm công dân với đất nước bảo bọc, cưu mang mình thì làm sao có tinh thần đóng góp, lo lắng cho một đất nước cách xa hàng chục ngàn cây số?
Hãy thành thật trả lời với chính mình. Tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam chỉ có thể do người dân quốc nội đảm trách, thực hiện.
Nếu người dân trong nước thờ ơ, vô cảm với đất nước thì hải ngoại vô phương. Người Viêt hải ngoại, nếu có làm được điều gì thì cũng chỉ là những yểm trợ rất nhỏ khi thời cơ đến.
© Thạch Đạt Lang
© Đàn Chim Việt
- Get link
- X
- Other Apps
- Get link
- X
- Other Apps
Comments
Post a Comment