Phạm Đình Trọng
24-1-2016
Từ 18.1.2016, an ninh nhà nước cộng sản bắt đầu chốt chặn trước nhà tôi và họ chỉ chốt chặn ở hai ngả đường. Nhưng từ sáng thứ năm, 21.1.2016, ngày khai mạc hội đảng của họ, ngoài hai đám an ninh đứng ngồi lảng vảng hai ngả đường còn có hai công cụ bạo lực vào tận trong tòa nhà, ngồi bên bàn của nhân viên bảo vệ, cạnh cửa thang máy tầng trệt, mắt lom lom nhìn vào cửa thang máy, kiểm soát từng người ra vào. Đến ngày chính thức hội đảng của họ, vòng phong tỏa của họ đối với tôi càng xiết chặt hơn.
Một đảng cầm quyền vẫn xưng xưng tự nhận là được người dân tin tưởng giao cho quyền lãnh đạo đất nước mà trước ngày hội đảng, bộ máy công cụ còn đảng còn mình có trong tay thiết bị điện tử hiện đại nhất kiểm soát từng người dân vẫn phải huy động cả đoàn xe bọc thép gầm rú trên đường phố cùng hơn năm ngàn cảnh sát vũ trang đến tận răng tổ chức diễn tập chống lại sự nổi dậy của người dân. Còn trong những ngày hội đảng thì tung đội quân an ninh mật vụ đông đúc đến chặn cửa nhà dân, tước quyền đi lại của nhiều người dân lương thiện và ngay thẳng.
Đó là sự thú nhận của một bộ máy cai trị không chính danh, không chính đáng.
Đó là sự hoảng loạn của một bộ máy cai trị đã mất đi nền tảng bền vững để tồn tại là lòng tin và sự đồng thuận của người dân.
Không chính danh, không chính đáng, không có lòng tin và sự đồng thuận của người dân, bộ máy cai trị đó chỉ tồn tại bằng bạo lực. Và lịch sử loài người đã chứng minh bộ máy cai trị bằng bạo lực thì cũng sẽ tự kết liễu bằng chính bạo lực đó. Bộ máy cai trị phải tồn tại bằng bạo lực là đã đến ngày tàn không thể cứu vãn.
Khi tôi đang viết những dòng này thì nhận được cuộc điện thoại từ Hà Nội của một trí tuệ và khí phách đã bị nhà nước cộng sản giam cầm trong ngục tù 5 năm trời. Anh bảo rằng anh biết tình cảnh và tâm trạng bức bối của tôi lúc này. Tôi có tuổi rồi, nếu tôi cứ nặng nề, bức bối đến suy sụp sức khỏe là bộ máy công cụ gây căng thẳng cho tôi đã đạt được mục đích của họ. Anh khuyên tôi đọc sách, nghe nhạc cho thanh thản. Có thanh thản mới giữ vững được ý chí.
Đọc sách, nghe nhạc là chuyện thường ngày. Trước đây tôi rất thích trường ca của một nhà thơ có tài. Buổi sáng trước khi ngồi vào bàn làm việc, tôi đều đọc một khúc trong trường ca của anh viết rất hay về tâm thế của người lính, người mẹ, người vợ trong chiến tranh. Là một nhà thơ có tài nhưng khi nhà thơ đó có quyền và quyền lực không được kiểm soát của nhà nước cộng sản đã làm cho nhân cách nhà thơ có tài hư hỏng đến mức vô liêm sỉ. Từ đó tôi không gặp anh, không đọc thơ anh và cũng không đọc thơ của ai nữa.
Tôi muốn nói với trí tuệ và khí phách ở Hà Nội đang cầm điện thoại nói chuyện với tôi rằng: Nhận ra cái hoảng loạn của nhà nước độc tài, viết về ngày tàn của bộ máy cai trị bằng bạo lực cũng là giữ niềm tin và ý chí cho mình, cũng làm cho mình thanh thản. Nhưng rồi tôi chỉ cảm ơn anh và nói với anh những chuyện vặt vãnh đời thường.
Comments
Post a Comment