Ung nhọt nay đã vỡ toang. Lỡ rồi còn biết chữa làm sao đây.
Kịch 5 hồi, 5 nhân vật, tiếp theo “ĐẠI VỆ CHÍ DỊ TÂN BIÊN”. Xin mượn tên đặt của Người buôn gió.
HỒI 1- Tại trụ sở tập đoàn Pho mô, nước Đại Long
Cheng Phu (chủ tập đoàn): Này ông An Đô, trong dự án ở nước Đại Vệ, khoản bảo vệ môi trường do nước thải ra biển là đáng lo ngại vì ở đó đã có tiền sự bọn Veđa giết chết sông Thi Va và những bê bối do chúng ta phá hoại môi trường ở nhiều nơi đều đã được họ biết đến.
An Đô (chuyên gia thiết kế): Vâng thưa ông. Theo tình báo thì chỉ có một số rất ít trí thức của họ biết loa qua thông tin chúng ta phá hoại môi trường ở các nơi, còn từ vua đến các quan không ai biết, họ đang mờ mắt vì những hứa hươu, hứa vượn của chúng ta. Mà ở nước Đại Vệ có mấy quan chức tin vào bọn trí thức, nếu có đứa nào tiết lộ thông tin xấu về chúng ta thì chỉ cần xui giục vua quan họ tìm cách vu cáo là phản động, là trốn thuế hay tàng trữ hàng lậu rồi bắt giam hoặc bí mật khử đi là yên chuyện. Tuy vậy, tôi đã cho thiết kế hệ thống xử lý nước thải đến mức có thể dùng nước đó để nuôi cá, tưới cây, chỉ là vấn đề giá thành hơi cao hơn bình thường, đến 1 vạn lạng.
Cheng Phu: Sao, đến 1 vạn lạng kia à, trong lúc toàn bộ dự án chỉ khoảng 25 vạn lạng. Ông hãy nghiên cứu cách nào rút bớt chi phí, kể cả dùng mưu lược.
An Đô: Dạ thưa, tôi cũng đã cho thiết kế phương án 2, chỉ xử lý kỹ một phần, khoảng 5% để phục vụ cho việc kiểm tra và tuyên truyền, phần lớn, khoảng 75% chỉ xử lý một phần, còn khoảng 20% không xử lý. Như vậy chỉ cần chi phí khoảng 2 ngàn lạng. Xin ông đừng lo, chúng tôi sẽ ngụy trang kỹ đến mức ngoài một số người thân tín thì không ai biết, và các chuyên gia môi trường đã tính toán rất kỹ là lượng nước thải như vậy được xả vào biển sẽ nhanh chóng hòa vào Đại dương, tai họa cho môi trường chỉ xảy ra từ từ, không thể thấy ngay được. Để đề phòng trong bọn đến kiểm tra có đứa nào giỏi, có thể điều tra ra, xin ông một khoản dự phòng chừng vài trăm lạng để kịp thời bịt miệng chúng.
Hồi 2- Tại kinh đô nước Đại Vệ
Cheng Phu: Thưa Hoàng thượng, hạ thần vô cùng biết ơn khi ngài gật đầu cho quan tổng đốc ký với hạ thần dự án cho thuê đất 70 năm với giá 80 đồng/ mét vuông mỗi năm và miễn cho 15 năm đầu. Cứ theo giá mặt bằng thị trường thuê đất và không miễn năm nào thì tổng chênh lệch là trên 12 ngàn lạng. Số này xin chia làm 3 phần. Một phần xin dâng lên Hoàng thượng, tuy chẳng đáng là bao nhưng cũng tạm đủ để ngài chia cho các cận thần dùng vào việc uống cà phê buổi sáng. Một phần xin dâng cho quan tổng đốc, cũng để chia cho đồng liêu và hầu cận, phần còn lại hạ thần xin giữ để thêm vào chi phí bảo vệ môi trường.
Vệ Kính (Vua của Đại Vệ): Điều ông vừa nói làm trẫm nhớ đến yêu cầu phát triển bền vững, mở mang kinh tế phải đi đôi bảo vệ môi trường, Việc đó đã được viết nhiều, nói nhiều mà chưa thực hiện được. Ông có dám cam đoan bảo vệ được môi trường đất, biển, không khí của cả vùng không?
Cheng Phu: Dạ, với trí thông minh của Hoàng thượng thì ngài biết rằng khoa học và công nghệ hiện thời chưa dám bảo đảm chăm phần chăm, nhưng hạ thần xin hứa là sẽ bảo đảm trên cơ bản. Trong khu công nghiệp sẽ có hàng vạn thần dân nước Đai Long. Chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ môi trường cho cả họ nữa chứ. Tuy vậy, hạ thần không dám khẳng định là mọi việc luôn xẩy ra êm đẹp, nếu sau này vận hành, thỉnh thoảng có tạm thời xẩy ra sự cố thì cũng rất mong Hoàng thượng thông cảm mà tìm cách bỏ qua.
Vệ Kính: Bỏ qua là thế nào, tôi mà bỏ qua cho các ông thì dân nước Đại Vệ có để yên hay không?
Cheng Phu: Dạ, phải nghĩ ra biện pháp vừa mềm vừa cứng để dân tuy có biết nhưng không đụng được đến cái gót chân của Bệ hạ chứ ạ. Để chuẩn bị cho việc này, hạ thần đã chuẩn bị một khoản 3 ngàn lạng, xin dâng lên để Hoàng thượng đưa vào công quỹ hoàng tộc.
Vệ Kính: Thế thì tạm được, nhưng trong số đó ông có kể khoản phải chi cho quan thượng thư, những người của Bộ Môi trường và những người của quan tổng đốc chưa?
Cheng Phu: Dạ có, kể tất cả các khoản đó ạ. Chi cho ai bao nhiêu là do ân điển của bệ hạ.
Vệ Kính: Thế thì không đủ, phải tăng lên, ít nhất là đến 4 ngàn lạng.
Cheng Phu: Dạ, hạ thần xin tuân chỉ.
(Vệ Kính Vương tiễn Cheng Phu ra về và cho triệu ông Lê Toan, thượng thư Bộ Môi trường)
Vệ Kính: Này quan đại phu Lê Toan, ta vừa nghe tên Cheng Phu báo cáo về môi trường của dự án Pho mô, ông chắc cũng đã xem xét qua?
Lê Toan: Dạ, không phải chỉ xem qua mà đã xem kỹ. Nước thải của họ, sau khi xử lý được tập trung lại trong một bể chứa trước khi tháo vào đường ống dẫn ra biển, miệng ống thoát đặt sâu 20 mét và xa bờ trên 1500 mét. Để chứng tỏ nước được xử lý tốt, trong bể chứa người ta sẽ nuôi cá. Chúng tôi đã cho các chuyên gia thẩm định kỹ thiết kế và đã chấp nhận, cho phép làm như vậy.
Vệ Kính: Ông có chắc rồi đây môi trường được bảo đảm chăm phần chăm không?
Lê Toan: Dạ làm sao mà dám bảo đảm trăm phần trăm ạ, thường không tránh khỏi một xác suất rủi ro nào đó.
Vệ Kính: Ý ông vừa nói phù hợp với lời tâu trình của ông Cheng Phu và cũng giống với ý của trẫm. Cheng Phu có đưa qua tôi, nhờ chuyển cho ông và các quan bên Bộ Môi trường 800 lạng để lo đối phó khi xẩy ra sự cố như ông dự đoán.
Lê Toan: Xin vô cùng biết ơn bệ hạ.
Hồi 3- Tại kinh đô nước Đại Vệ sau khi xẩy ra sự cố cá chết trắng biển
Vệ Kính: Này ông Cheng Phu, tôi vì tin ông mà tạo cho ông không biết bao nhiêu ưu đãi, thế mà ông gây ra vụ cá biển chết hàng loạt, bây giờ ông bảo tôi nên làm thế nào?
Cheng Phu: Dạ, thì từ đầu Hoàng thượng cũng đồng ý với hạ thần là không thể bảo đảm chăm phần chăm, và vì thế hạ thần đã dâng 4 ngàn lạng để xử lý sự cố.
Vệ Kính: Nhưng sự cố cũng chỉ vừa phải mới chấp nhận được để tìm các xí xóa, chứ vừa rồi không còn là sự cố mà là thảm họa, đại thảm họa, ông có biết không. Biết làm sao đây?
Cheng Phu: Dạ, chính gặp khó khăn mới tạo điều kiện để Hoàng thượng tỏ rõ trí thông minh và sự tín nhiệm tuyệt đối của quần thần. Hạ thần cũng tự biết tội lớn là quá tin vào các chuyên gia thiết kế và công nghệ. Để chuộc lỗi lầm hạ thần xin dâng thêm 1 ngàn lạng nữa, xem như để xử lý sự cố phát sinh, mong Hoàng thượng mở lượng hải hà để cứu hạ thần và tự cứu. Hạ thần sợ rằng nếu sự thật của vụ việc bị phát hiện thì hạ thần không tránh khỏi tội lớn là lôi kéo cả Hoàng thượng xuống hố cả nút. Trước mắt, để tạm trấn an dư luận, hạ thần xin Hoàng thượng chiếu cố đến thăm, kiểm tra tiến độ công trình, khen ngợi quan chức và thợ thuyền mà không nói gì đến chuyện cá chết.
(Sau khi tiễn Cheng Phu, Vệ Kính Vương cho triệu thượng thư bộ Môi trường Lê Toan).
Vệ Kính: Này ông Lê Toan, vụ cá chết ông định xử lý thế nào, đã nghĩ ra được mưu cao chước giỏi nào chưa? Đúng là một ung nhọt lớn đã bị vỡ, làm sao, làm sao để bịt lại được đây?
Lê Toan: Dạ muôn tâu. Thần cũng có lường trước nhưng không ngờ ung nhọt to đến thế, vỡ ra nhanh đến thế. Thần đã triệu tập một số mưu sĩ để vạch ra một số kế sách, nhưng quan trọng nhất là phải biết rõ ý của Hoàng thượng mới triển khai cụ thể được.
Vệ kính: Này ông Toan, ta tưởng ngươi ở dưới trướng hàng chục năm nay, hưởng không biết bao nhiêu bổng lộc thì phải biết đúng ý ta chứ, dù ta chưa nói ra. Ta và nhiều người đều biết rõ thế lực chống lưng cho tập đoàn Pho mô và ta không bao giờ dám đụng đến cái lông chân của họ. Việc này cũng như nhiều việc khác, phải lấy đại cục làm trọng, tìm cách xí xóa càng nhanh càng tốt. Ta dự định phải tiến hành ít nhất 3 việc lớn. Giao cho bộ Hình theo dõi, ngăn chặn các cuộc rối loạn của dân, nắm được những tên cầm đầu xúi dục dân đấu tranh, biểu tình và có cách đối phó. Giao cho Bộ Nông tìm cách phát chẩn cho dân để làm dịu sự phản đối và tuyên truyền lòng tốt, vì dân của triều đình. Còn ông, liên kết với các Bộ khác và đặc biệt là một số tiến sĩ, giáo sư dỏm, hữu danh vô thực, đưa ra các giải thích chung chung để tạm trấn an dư luận, còn ta sẽ đi thăm khu công nghiệp để úy lạo.
Lê Toan: Dạ thưa, hạ thần vẫn đoán đúng ý bệ hạ, chỉ là được nghe thì càng thấm thía hơn. Hạ thần sẽ cho mời họp kín để thảo luận, rồi tung hỏa mù như thủy triều đỏ, như chưa đủ chứng cứ để kết luận, rằng đã cho thử nước biển mà chưa tìm ra chất độc, đồng thời tìm mọi cách trì hoãn việc các nhà khoa học chân chính vào cuộc, để khi họ đến nơi thì mọi dấu vết đã bị xóa gần hết.
Vệ Kính: Trẫm trông cậy vào nhà ngươi vì trẫm còn thì nhà ngươi còn. Công việc chắc sẽ khá vất vả vì đụng đến nhiều loại người phức tạp. Thôi thì cầm thêm 3 trăm lạng để tùy cơ ứng biến.
Hồi 4- Tại trụ sở Pho mô
Cheng Phu: Này ông Pham, nghe nói ông rất thuộc Tam Quốc, ông có thể kể lại tôi nghe đoạn Tào Tháo dặn người quản lý bớt khẩu phần của quân lính và đoạn Khổng Minh sai Mã Tốc ra trấn Nhai Đình không?
Pham (phát ngôn viên của Pho mô): Ôi, thưa ngài chủ tich tập đoàn, điều dân nước Đại Vệ chọn tôm cá hay sắt thép có phải tôi tự ý nghĩ ra đâu, tôi nói theo gợi ý của ngài đấy chứ. Tôi cũng đã vì tập đoàn mà cúi đầu chịu nhục, xin lỗi hết mọi người. Thế mà ngài định xử tôi. Tất nhiên tôi biết ngài không thể chặt đầu tôi như Tào Tháo và Khổng Minh đã làm, ngài định xử tôi như thế nào.
Cheng Phu: Xin ông an tâm tạm mai danh ẩn tích vài tháng hoặc vài năm cho sóng gió qua đi. Trong thời gian đó tôi sẽ tìm cách cung cấp cho gia đình ông như khi ông còn làm việc và sau đó sẽ nhận ông trở lại. Tôi chỉ tạm đuổi việc ông mà thôi, mong ông vì đại cục mà vui vẻ chấp nhận.
Hồi 5- Tại kinh đô cũ của Đại Vệ
Theo kế hoach từ trước, cứ 2 năm ở đây tổ chức hội hè, trước hết là lế Tế Nam Giao, từ hôm sau là các cuộc biểu diễn nghệ thuật. Trong các đoàn diễu hành người ta nhìn thấy có một ông to lớn, người sơn trắng, mồm ngậm con cá chết. Mới nhìn qua tưởng là bức tượng, té ra là một người thật. Thì cũng là một cách để các nghệ sĩ tỏ thái độ. Chưa biết Vệ Kính Vương và các quan chức Bộ Hình đối phó như thế nào.
Nguyễn Đình Cống
https://anhbasam.wordpress.com/2016/04/30/8060-chuyen-nuoc-ve-ung-nhot-bi-vo/
Comments
Post a Comment