Một người biểu tình Hồng Kông giương khẩu hiệu "Hồng Kông vì người Hồng Kông".Reuters
Về thời sự châu Á, tuần báo Le Courrier International có bài phân tích đáng chú ý của một giáo sư luật về làn sóng đòi tự trị dâng cao tại Hồng Kông, một trong những người khởi xướng phong trào Chiếm lĩnh trung tâm cuối năm 2014. Bài « Hồng Kông : Sôi sục đòi tự trị » tìm cách trả lời cho câu hỏi : Lý do nào đã khiến ngày càng nhiều người Hồng Kông chọn con đường đối kháng với Bắc Kinh ?
Giáo sư Đới Diệu Đình (Benny Tai Yiu-Ting) nhận xét, cách đây 10 năm người ta không thể nào tưởng tượng được trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Hồng Kông có thể diễn ra các cuộc tranh luận công khai về khả năng Hồng Kông « tự quyết định tương lai của mình hoặc tuyên bố độc lập, đi ngược lại với chủ trương của Bắc Kinh ».
Theo vị giáo sư luật đại học Hồng Kông, nguồn gốc của làn sóng chính trị đòi quyền tự quyết, thậm chí độc lập cho Hồng Kông, xuất phát từ nghị quyết 8-31 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc (được thông qua ngày 31/08/2014), không cho phép Hồng Kông có được một cuộc bầu cử dân chủ thực sự để người dân đặc khu tự chọn cho mình người lãnh đạo.
Kể từ biến cố này, người dân Hồng Kông « bắt đầu hiểu rằng Bắc Kinh không hề có ý định » dành cho họ quyền phổ thông đầu phiếu. Các phong trào Chiếm lĩnh trung tâm và phong trào Ô/Dù Vàng, phản đối chính sách của Bắc Kinh, đều thất bại. Và cuối cùng « tiến trình dân chủ hóa Hồng Kông về cơ bản đã bị ngăn chặn trong một thời gian vô hạn định, sau khi Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông bác bỏ luật bầu cử hồi tháng 6/2015 ».
Những diễn biến nói trên để lại hệ quả là, « mọi người mất hết ảo tưởng vào nguyên tắc ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’ và không còn tin rằng Luật cơ bản Hồng Kông (được coi là Hiến pháp của đặc khu) sẽ bảo đảm cho người dân đặc khu một nền dân chủ thực sự ». Tâm trạng phổ biến tại Hồng Kông được ông Đới Diệu Đình ghi nhận là : « Niềm cay đắng vì bị bội ước, ảo tưởng tan vỡ, nỗi bất bình, thất vọng, bất lực và sự nóng lòng trước thực trạng hiện nay và tương lai của nền dân chủ ». Ông Đới Diệu Bình tin tưởng nếu Bắc Kinh càng đàn áp, công dân Hồng Kông sẽ càng trở nên triệt để, hay bạo lực.
Le Courrier International giới thiệu tiếng nói của ba đại diện cho ba đảng phái chính trị mới thành lập, ủng hộ Hồng Kông tự trị thực sự, hoặc một nền độc lập cho đặc khu hành chính này. Đó là các đảng Youngspiration (Nền Chính Trị Mới của Thanh Niên/Thanh Niên Tân Chánh), thành lập tháng 1/2015, đảng Dân Tộc Hồng Kông, thành lập tháng 3/2016, và đảng Demosisto (Dân Chủ), ra đời đầu tháng 4/2016.
Theo giáo sư luật, cần phân biệt hai quan điểm « tự quyết » và đòi độc lập. Đối với nhiều người chủ trương « tự quyết », Hồng Kông vẫn là một bộ phận của nước Trung Hoa và họ chỉ bảo vệ quyền ‘‘một quốc gia, hai chế độ’’ (mà Bắc Kinh hứa hẹn). Trên thực tế, lãnh đạo đảng Thanh Niên Tân Chánh nói trên vừa chủ trương tự quyết, nhưng cũng không loại trừ khả năng Hồng Kông độc lập, như mô hình của Singapore. Đảng này dự kiến sẽ tham gia vào cuộc bầu cử Nghị Viện tháng 9/2016. Trong khi đó, đảng Dân Tộc Hồng Kông, với chủ trương thnafh lập « nước Cộng Hòa Hồng Kông », dự định tham gia cuộc bầu cử Nghị Viện sắp tới, cũng rất quan tâm đến kinh nghiệm phong trào độc lập Đài Loan.
Chủ trương bóp nghẹt nền dân chủ Hồng Kông của Bắc Kinh ắt hẳn sẽ khiến thêm nhiều người đòi tự quyết ngả theo quan điểm độc lập, tách Hồng Kông khỏi Hoa Lục.
Cuộc chinh phạt mới của đế chế Trung Hoa
Vẫn về Trung Quốc, tuần báo L’Express có bài « Đế chế trên đường chinh phạt ». Các trục đường bộ lớn, đường sắt, cảng biển hay đường ống dẫn dầu…, từ châu Á đến Nam Mỹ, từ châu Phi đến châu Âu, chính quyền Bắc Kinh đang đặt những món tiền khổng lồ vào hàng loạt các địa bàn chiến lược.
L’Express nhận xét : mạng lưới các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang đầu tư trên toàn hành tinh là « chưa từng có trong lịch sử nhân loại ». Mục đích của các dự án này là nhằm mang lại cho Trung Quốc một vai trò địa chính trị mới. Tuần báo Pháp so sánh các dự án xây dựng đường xá khổng lồ của Bắc Kinh với những đế chế châu Âu và thế giới trước đây, như đế chế La Mã với khoảng 100.000 km đường xá, bao gồm cả cầu và đường hầm, hay công ty Đông Ấn của Hà Lan thống trị thế kỷ XVII, với hạm đội 4.500 tàu thuyền, rồi đế chế Anh thống lĩnh các đại dương trong hai thế kỷ XVIII và XIX.
L’Express kết luận : các dự án khổng lồ Trung Quốc là thể hiện cho việc hiện thực hóa « Mơ ước Trung Hoa », mà ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc cổ vũ. Nhưng hơn cả mơ ước, sự vươn dậy của Trung Quốc, đi kèm với một chủ nghĩa quốc gia độc đoán, sẽ rất có thể để lại những hệ quả khốc liệt.
Anh Quốc : Khoảng cách giầu – nghèo nghiêm trọng có lợi cho phái Brexit
Khả năng nước Anh đi hay ở lại châu Âu vẫn là nỗi ám ảnh chính của Le Courrier International tuần này. Tờ báo chạy tựa trang nhất : « Brexit hay không ? », trên nền bức hình biếm họa hai cầu thủ đang tranh trái bóng tròn mang hình lá cờ châu Âu, 12 ngôi sao vàng nền xanh da trời. Cầu thủ to béo bên trái là Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson, thủ lĩnh phái vĩnh biệt châu Âu, còn cầu thủ cao gầy bên phải là cựu bộ trưởng Tài Chính Hy Lạp Yanis Varoufakis – người nổi tiếng với lập trường cứng rắn trong các đàm phán về nợ Hy Lạp -, có quan điểm ngược lại. Le Courrier International dành nhiều trang đăng tải luận điểm của hai đối thủ.
Đối với thủ lĩnh phái vĩnh biệt châu Âu, « Bruxelles và đội quân kỹ trị của mình » « chà đạp lên chủ quyền quốc gia của các nước » châu Âu, và dự án châu Âu đã hết thời. Ngược lại, theo cựu bộ trưởng Hy Lạp, Liên Hiệp Châu Âu sẽ sụp đổ, nếu Anh Quốc rời khối, bởi biến cố này sẽ mở đường cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan, bài ngoại.
Về chủ đề này, bài xã luận « Châu Âu, một cái bung xung tiện lợi » của Le Courrier International đưa ra một phân tích đáng chú ý. Theo đó, tình trạng rạn nứt trong nội bộ xã hội Anh Quốc có thể sẽ khiến khả năng Anh rời châu Âu trở thành hiện thực sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 tới. Theo các thăm dò dư luận, có đến hơn một nửa người nghèo tại Anh không mặn mà với ý định ở lại châu Âu. Một trong các lý do chính là, họ cảm thấy là người bị thua thiệt khi gắn với lục địa. Theo IMF, 1% dân số Anh Quốc nắm trong tay 15% thu nhập, tức tăng gấp ba lần so với cách nay 40 năm, khi Anh gia nhập cộng đồng Châu Âu. Bruxelles rất dễ dàng bị trút hết mọi tội lỗi về việc các thành quả do tăng trưởng đã được phân chia không công bằng.
Vận động hậu trường : Hoạt động cần minh bạch hóa
Vẫn về châu Âu, Le Nouvel Observateur có bài giới thiêu về người làm rung chuyển nền công nghiệp thuốc lá. Trong một cuộc họp mặt của một số nhân vật nổi tiếng trong chính giới Pháp tại sân vận động Stade de France một ngày cuối tháng 5/2015, phóng viên L’Obs gặp được Yves Trévilly, một người chuyên hoạt động hậu trường. Ông Yves Trévilly hiện làm việc cho công ty đa quốc gia Thụy Sĩ Sispa. Vốn chuyên sản xuất các loại mực không thể làm giả, được dùng để in giấy bạc, Sicpa đang nhắm vào một thị trường mới : tìm kiếm các phương tiện theo dõi nguồn gốc của bao thuốc lá, với mục đích chống lại nạn buôn lậu thuốc lá. Bởi hệ thống đánh dấu hiện hành của ngành thuốc lá đang đặt ra rất nhiều nghi vấn.
Việc Sispa chọn Yves Trévilly không phải là ngẫu nhiên, bởi nhân vật này đã từng là một nhà vận động hậu trường quan trọng, chống lại việc tăng giá thuốc lá, hay cấm thuốc lá tại nơi công cộng. Từ năm 2005-2012, ông Trévilly đã phục vụ cho British American Tobaco, một trong các nhà sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới.
Vận động hậu trường cũng là chủ đề chính của Le Nouvel Observateur, với hàng tựa trang nhất : « Các nhóm lobby đang lãnh đạo chúng ta. Ảnh hưởng, nhân sự và các phương pháp của họ » với hình ảnh bộ trưởng Tài Chính Emmanuel Macron và nhà doanh nghiệp Pierre Gattaz lãnh đạo MEDEF, hiệp hội của giới chủ Pháp.
L’Obs có nhiều phóng sự điều tra về các nhóm lobby hùng mạnh tại Pháp và Bruxelles, mà vai trò « chưa bao giờ mang tính quyết định đến như vậy ». Tuần báo cũng có bài phỏng vấn bộ trưởng Tài Chính Michel Sapin, với tựa đề « Cần phải làm sáng tỏ hoạt động của các lobby ». Quan điểm của bộ trưởng Tài Chính Pháp là việc các nhóm lợi ích tác động đến chính giới «là hợp pháp, nhưng cái không hợp pháp là hành động một cách bất minh ».
Pháp : Hệ quả khủng khiếp nếu FN lên cầm quyền
Chủ đề trang nhất của L’Express là « Mặt trận Quốc gia FN : làm thế nào đánh sập nó ? ». Tuần báo giới thiệu cuốn sách mới « Sự thật về chương trình của Mặt Trận Quốc Gia », vạch ra những hệ quả khủng khiếp đối với nước Pháp, nếu các biện pháp chính – mà đảng của bà Marie Le Pen đưa ra – được thực thi.
Theo L’Express, bôi đen đảng cực hữu FN sẽ không có ích gì, để chống lại đảng này, cần phải đi thẳng vào cương lĩnh của nó qua từng điểm một. Đây là điều được thực hiện trong cuốn sách mới « Sự thật về chương trình của mặt Trận Quốc Gia », được L’Express trích dẫn. Theo tác giả, những hứa hẹn lương bổng và trợ cấp xã hội mà lãnh đạo đảng FN đưa ra sẽ khiến nợ công của nước Pháp tăng gấp đôi so với hiện nay (lên mức 170% GDP) và thâm hụt ngân sách tăng hơn 2,5 lần. Chính sách từ bỏ Shengen của bà Le Pen sẽ biến Pháp thành một pháo đài, nếu không muốn bị biến thành một ngôi nhà trống, « gió ùa vào từ bốn phía ».
Khi triết học thành hàng bán chạy …
Khủng hoảng chính trị là lúc triết học về chính trị được chú ý trở lại. Ngay sau đề tài đảng cực hữu FN, L’Express giới thiệu quan điểm của nhà triết học Mỹ Michael J. Sandel, với tựa đề « Dân chủ bằng triết học ». Sách triết học của giáo sư Michael Sandel hiện bán rất chạy.
Các bài giảng trên mạng của ông về công lý, về đạo lý, khiến ông nổi danh như một ca sĩ nhạc rock. Trong cuộc phỏng vấn với L'Express tuần này, nhà triết học nhận định về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, về thể chế thế tục Pháp, về phong trào « Nuit debout » tại Paris, khởi sự với việc phản đối các cải cách về luật lao động (ông Sandel so sánh phong trào này với «Occupy Wall Street » tại Hoa Kỳ)…
Theo "ngôi sao" triết học Mỹ, tư tưởng (thế tục triệt để và dựa hoàn toàn vào thị trường) mà các nhà chính trị giao giảng hiện nay dường như hoàn toàn "trống rỗng về ý nghĩa". Thắng lợi của Obama năm 2008 được xem như chiến thắng của "đạo lý và giá trị", nhưng tổng thống Obama đã xa rời dân chúng sau khi đắc cử, và đây là điều giải thích một phần cho "thành công bất ngờ" của hai ứng viên Sanders và Trump.
Nhà triết học nhấn mạnh đến ý nghĩa hệ trọng của không gian chính trị chung, của toàn xã hội (có nguồn gốc từ "agora" trong truyền thống chính trị Hy Lạp cổ đại) với linh hồn là các đối thoại thực sự giữa các quan điểm khác biệt, mà trong đó các tư tưởng đạo lý và tôn giáo có vai trò vô cùng lớn. Ông lưu ý « thay đổi không đến từ bên trên mà đến từ dưới », khi nhắc lại trong lịch sử nước Mỹ, phong trào đòi quyền công dân trong những năm 1950 đã ra đời trong cộng đồng người da đen theo hệ phái Tin Lành Báp-tít ở miền nam.
Pháp : Công ty khởi nghiệp thiếu vốn hỗ trợ
Ba năm sau khi chiến dịch French Tech, hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp (start-up), được khởi động, nước Pháp có trở thành vườn ươm cho các cách tân hàng đầu về công nghệ ? Đây là câu hỏi của tuần báo kinh tế L’Expansion. Theo L’Expansion, sau cuộc « nổi loạn » của các doanh nhân trẻ (với phong trào « chim bồ câu » - cuối năm 2012), môi trường tài chính cho các start-up tại Pháp có chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, về đầu tư mạo hiểm, so với nước Anh, Pháp vẫn bị đánh giá là chậm hơn (với 13% trên tổng số vốn mạo hiểm của toàn châu Âu, so với Anh là 33%).
Một lãnh đạo phong trào « chim bồ câu » phàn nàn : start-up ở Pháp ra đời thì dễ, nhưng quá thiếu sự hỗ trợ của các « business angel » để phát triển nhanh chóng.
Song tính luyến ái : Mốt hay cách mạng ?
Về lối sống của xã hội đương đại, L’OBS chú ý đến hiện tượng người lưỡng giới, đang trở thành một xu hướng phổ biến, không chỉ ở thanh niên. Hiện tượng song tính luyến ái : Một cuộc cách mạng tình dục hay chỉ là hiệu ứng mốt nhất thời ? Bài tổng thuật của L’Obs thiên về quan điểm : tình yêu không phân biệt giới tính thuộc về bản chất con người (tuần báo trích lại Freud), yêu người thuộc giới nào là do những chế ước của xã hội về sau.
Comments
Post a Comment