Th.S Nguyễn Tiến Trung Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn – Vụ việc cá chết ở Hà Tĩnh và dọc các tỉnh miền Trung đang gây xôn xao, căm phẫn trong người dân cả nước.
Nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trong cuộc họp báo tối 27/4 cho rằng câu hỏi của một nữ phóng viên về chuyện cá chết làm “tổn hại đất nước” và phủ nhận chuyện Formosa có liên quan.
Trước đó, ngày 25/4/2016, ông Chu Xuân Phàm – Phó Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh đã thẳng thừng: “Chúng tôi không thể đặt một nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh lại có nhiều cá, nhiều tôm được.”
Một người bạn của tôi kể rằng trong công ty của bạn ấy không ai quan tâm tới chính trị, hễ nói tới chính trị là gạt đi, “để Đảng và Nhà nước lo”. Nhưng giờ đây những người trong công ty đó cũng bàn tán bất bình, lo lắng vì con cá, nước mắm họ đang ăn có thể bị nhiễm độc nặng.
Gây phẫn nộ
Hiện tại, hầu như liên tục tuần nào cũng có sự kiện gây phẫn nộ lòng dân.
Anh cảnh sát đánh người bán hàng rong đến chấn thương sọ não; móng trụ điện 500 KV làm bằng …đũa; thượng tá công an nói “chết một người là bình thường, đăng [báo] làm chi”; truy tố hình sự một chủ quán phở vì chậm đăng ký kinh doanh; thực phẩm bẩn, tham nhũng tràn lan… Không thể kể hết được!
Có vẻ như xã hội Việt Nam đang tiến gần đến điểm bộc phát khi các mâu thuẫn, bức xúc xã hội không thể bị bưng bít, kìm nén nữa.
Thủy triều đỏ là hiện tượng thiên nhiên
(trên ảnh là thủy triều đỏ ở Chile)
Việc cá chết cũng như các vụ việc khác đều không thấy các đại biểu Quốc hội lên tiếng. Thậm chí kể cả những người trong bộ máy cầm quyền mới “thề non hẹn biển” rằng họ sẽ “trung thành với Tổ quốc, nhân dân, và hiến pháp” cũng câm lặng.
Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Việc nhà cầm quyền vô trách nhiệm, bất lực trước các vấn đề xã hội bắt nguồn từ việc không có nền tảng quốc gia. Nghĩa là người dân không được làm chủ đất nước, pháp luật không chuẩn mực, thể hiện rất rõ qua cách thức tổ chức bầu cử quốc hội để bầu ra những người “đại biểu nhân dân”.
Bầu cử là lựa chọn
Đã nói đến bầu cử là nói đến lựa chọn, và đây là sự lựa chọn quan trọng nhất vì nó liên quan tới vận mệnh quốc gia, đến số phận từng người dân. Ở các quốc gia do nhân dân làm chủ, dân luôn có quyền lựa chọn giữa nhiều ứng cử viên, nhiều đảng khác nhau để bầu lên lãnh đạo quốc gia.
Thế nhưng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đã ghi rõ trong điều 4 Hiến pháp rằng Đảng Cộng sản là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy thì dân còn có lựa chọn nào khác không ngoài việc phải cam chịu những người tự nhận trung thành với ông Các Mác và ông Lênin lên cai trị quốc gia? Điều 2 Hiến pháp “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” đã trở thành giả dối.
Dân không chọn Đảng Cộng sản làm lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do và công bằng thì việc các lãnh đạo Đảng Cộng sản vô trách nhiệm với dân, lạm dụng nhân dân là điều dễ hiểu. Nhà cầm quyền có quyền lực tuyệt đối nhưng vô trách nhiệm cũng tuyệt đối.
Đơn cử như trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Đinh La Thăng tuyên bố ngày 27/4/2016: “nguyên nhân số 1 [của thực phẩm bẩn] là không xác định được trách nhiệm, chẳng kỷ luật được ai, từ xã, phường, quận, huyện đến tỉnh, thành”.
Tương tự, đến giờ này nhà cầm quyền vẫn không biết tại sao cá chết, không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Bầu cử là để thay đổi
Lãnh tụ của Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa”.
Ai sẽ chịu trách nhiệm trước các ngư dân?
Ở đây, dân “đuổi” chính phủ làm không được việc là qua bầu cử chứ không phải bằng cách đi làm cách mạng vũ trang để lật đổ. Thay đổi chính phủ qua lá phiếu là quyền làm chủ của người dân nhằm buộc đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm chính trị chứ không thể nói là không biết ai phải chịu trách nhiệm.
Khi người dân mất quyền thay đổi chính phủ thì điều đó chỉ dẫn đến bất ổn chính trị chứ không hề đảm bảo ổn định chính trị như Đảng Cộng sản vẫn tuyên truyền. Sự ổn định chính trị kiểu đó chỉ là giả tạo, nhà cầm quyền sống trong ảo tưởng, che giấu sự thật rằng họ không được lòng dân, không được nhân dân thỏa thuận trao quyền qua bầu cử tự do và công bằng, có định kỳ.
Hãy xem ví dụ Saddam Hussein và đảng Ba’ath ở Iraq luôn thắng cử với 100% phiếu bầu nhưng khi quân Mỹ tiến vào Iraq thì người dân reo hò kéo đổ tượng Saddam Hussein và bản thân ông ta phải chịu kết cục bi thảm.
Bắt đầu “thế kỷ ô nhục”?
Ngày 20/1/2009, quan tòa của Đảng Cộng sản đã tuyên án các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long và tôi rằng trong thời hạn quản chế thì bị tước quyền công dân, không được phép ứng cử, bầu cử. Lúc đó tôi bật cười vì thật ra người dân cả nước đã mất quyền công dân, mất quyền làm chủ từ lâu rồi, chỉ còn là thần dân để một thiểu số cai trị.
Cảnh sát khu vực có thể vào nhà dân để kiểm tra vào bất kỳ thời điểm nào. Thế nhưng khi cá chết ở miền Trung thi đoàn công tác chính phủ không thể vào khu công nghiệp Vũng Áng để kiểm tra vì “có yếu tố nước ngoài”.
Sự kiện này làm tôi nhớ đến “thế kỷ ô nhục” của Trung Quốc thời Thanh mạt khi quốc gia của họ bị các đế quốc xâu xé. Trong phạm vi tô giới của nước ngoài thậm chí còn có bảng “Cấm chó và người Trung Quốc”.
Quốc hội Việt Nam chưa ai lên tiếng
Có vẻ như nước Việt đang bắt đầu thời kỳ “ô nhục” đó. Thân phận, ý chí, nguyện vọng của người dân chẳng là gì so với các ông chủ lắm tiền trong và ngoài nước. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/4/2016 cũng nhấn mạnh: “Coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình”.
Cuộc Cách mạng tháng Tám để làm gì? Bao nhiêu người hi sinh xương máu vì “độc lập, tự do” phải chăng là vô ích?
Người quyết định là cử tri
Không, chúng ta – người Việt yêu nước – dứt khoát không chấp nhận điều đó. Quyền làm chủ của người dân phải được hiện thực và bình đẳng. Chúng ta dứt khoát cùng nhau không chấp nhận kiểu bầu cử độc đảng giả dối nữa.
Chúng ta phải được quyền sống trung thực, đúng với phẩm giá làm người của mình. Chúng ta không chấp nhận viễn cảnh “thế kỷ ô nhục” đang đến với đất nước này.
Chúng ta, bằng cách này hay cách khác, qua cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/5/2016 sắp tới, cần cho nhà cầm quyền biết rõ chính kiến của mình.
Về phía nhà cầm quyền, nếu họ cảm thấy họ không có bất kỳ trách nhiệm gì với đất nước này thì họ nên từ nhiệm để dân bầu những người chính trực, có trách nhiệm lên lãnh đạo quốc gia.
Quyền quyết định phải nằm ở chúng ta, những công dân, cử tri, chủ nhân của đất nước chứ không thể là một thiểu số độc tài. Chính quyền phải nắm quyền một cách chính danh qua lá phiếu của chúng ta. Đây là đạo lý giản dị và hiển nhiên, không thể tranh cãi, để bắt đầu công cuộc xây dựng lại nước Việt.
Comments
Post a Comment