Mỗi chiều, dưới chân cầu thang Bệnh viện Ung bướu đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, một chàng trai vừa lẹ làng vừa tỉ mỉ hớt tóc cho hàng chục bệnh nhân và những trẻ em nghèo sống lang thang .
Thanh niên ấy là Nguyễn Trung Toàn 28 tuổi, quê ở Bình Thuận, mới ra nghề hớt tóc được hơn một năm nay. Anh tâm sự với người quen: “Khi nhìn thấy nhiều bệnh nhân luộm thuộm với mái tóc bết mồ hôi hoặc những cái đầu cạo trọc nham nhở, do bệnh nhân nhờ người khác cạo hoặc tự cạo vì thiếu tiền, lòng mình dậy lên tình thương vô hạn với những người kém may mắn đó…”.
Với một chiếc tông-đơ cũ, cây kéo, chiếc lược nhỏ, chiếc bình phun nước con con… và vài dụng cụ đơn sơ khác, Nguyễn Trung Toàn đã nhanh tay hớt miễn phí cho hàng chục bệnh nhân ung thư vào mỗi buổi chiều.
Khi hành nghề, anh không cần ghế nệm mà chỉ cần một chiếc ghế nhựa mượn tạm là đủ để Toàn tạo kiểu tóc mới cho nhiều người đang cần. Anh cho biết mỗi chiều khi làm xong ở tiệm hớt tóc gần đó, anh thu xếp đồ nghề chạy ra đây để hớt tóc cho các bệnh nhân nghèo hoặc bất kỳ ai có nhu cầu… Riêng ngày chủ nhật thì anh phục vụ bệnh nhân cả ngày.
Nhưng vì lý do gì mà Toàn chọn bệnh viện Ung bướu để làm công việc đầy tình thương này? Nghe anh thành thực tâm sự người ta mới biết, trước đây khi từ miền Trung vào Sài Gòn đi học nghề hớt tóc, có ngày anh hết tiền ăn cơm, anh đã ra Bệnh viện Ung bướu để nhận những hộp cơm miễn phí của những người làm từ thiện. Dù anh không phải là bệnh nhân, anh vẫn được đối xử như mọi người, nhờ đó qua được những ngày thiếu thốn.
Toàn giải bày: “Nhà mình cũng nghèo nên mình thấu hiểu cảnh nghèo của người khác, nhất là những bệnh nhân chẳng may mắc chứng bệnh hiểm nghèo. Lúc ăn những suất cơm miễn phí, mình tự hứa trong lòng nếu học xong nghề hớt tóc, sẽ hớt tóc miễn phí cho những bệnh nhân ung thư và những người kém may mắn, để mong họ vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống. Từ lâu mình đã không còn nhận cơm miễn phí nữa vì mình muốn nhường phần cơm ấy cho những người khó khăn hơn”.
Một người trung niên quê miền Trung vào điều trị ở đây được hơn một tháng nay, vừa ngồi cho Toàn hớt tóc vừa nói: “Tôi nghe nhiều người giới thiệu có anh này hớt tóc miễn phí nên chờ ảnh hai bữa nay... Nhà nghèo lại đang mang bệnh, tiết kiệm được vài chục ngàn đồng cũng đỡ ngặt”.
Mặt khác, biết Toàn hớt tóc miễn phí, mà lại hớt đẹp nên nhiều bác xe ôm và những người bán hàng dạo đã đến hớt với anh. Họ ủng hộ bằng một số tiền khiêm tốn nhưng Toàn nhất quyết không nhận tiền, mà chỉ hớt miễn phí cho bất cứ ai tìm đến. Ông Vinh, chạy xe ôm hơn 15 năm nay ở trước Bệnh viện Ung bướu khen anh: “Thằng nhỏ hớt không lấy tiền nhưng làm rất đàng hoàng. Tôi mới được nó cắt bữa trước, bảo đảm đẹp, đỡ được dĩa cơm trưa 20.000 đồng”.
Có người xin Toàn cho chụp vài tấm ảnh, anh luôn từ chối, có lẽ vì nghĩ việc mình làm chẳng có gì to tát. Sau khi thuyết phục anh rằng việc làm tốt đâu nhất thiết phải to tát mới hay; khi giúp được người nào đó dù nhỏ như việc hớt tóc cũng rất đáng quý, Toàn mới chịu cho chụp một bức ảnh anh đang hớt cho một người chạy xe ôm.
Anh chăm chỉ làm cho tới lúc trời sắp tối mới thu dọn đồ nghề sửa soạn ra về. Đèn đường không rọi đến được dưới chân cầu thang này, nhưng lòng người đã làm ấm sáng một góc đường, nơi có những bệnh nhân đang vật lộn với tử thần.
Comments
Post a Comment